Những kiểu đa cấp tiền số tại Việt Nam
Các mô hình kinh doanh đa cấp biến tướng tại Việt Nam sử dụng tiền số như một tấm bình phong cho hoạt động kêu gọi vốn từ nhà đầu tư.
Các mô hình đa cấp biến tướng lừa đảo xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 2000. Nhưng khi đó các nhóm đa cấp biến tướng chủ yếu sử dụng mặt hàng như thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm để làm bình phong. Trong những năm gần đây, các mô hình đa cấp dùng tiền số như một loại sản phẩm mới để chiêu dụ người tham gia.
Khi cơn sốt Bitcoin xuất hiện vào những năm 2017, nhiều người quan tâm tới hình thức đầu tiền số nhưng không có kiến thức đã bị lôi kéo vào các sàn tiền số đa cấp biến tướng.
Cho vay và ủy thác đầu tư
Đây là hình thức sơ khai nhất và đại diện tiêu biểu là Bitconnect, dự án tiền điện tử ra đời vào khoảng 2016. Bitconnect hoạt động theo hình thức quỹ đầu tư tài chính ủy thác, có nghĩa là người chơi cho vay tiền và nhận lãi hàng ngày. Ngoài ra, số tiền gốc cũng được nhân lên dựa theo giá trị của đồng Bitconnect.
Đồng Bitconnect mất 90% giá trị chỉ trong 24 giờ vào đầu 2018.
Mức giá ban đầu của mỗi Bitconnect chỉ ở mức 0,12 USD, nhưng lúc chạm đỉnh lên tới hơn 400 USD, giá trị tăng 3.500 lần. Chính điều này khiến cho nhiều nhà đầu tư “mờ mắt” vì siêu lợi nhuận mà đầu tư vào dự án.
Không giống như Bitcoin hay các đồng tiền số khác, Bitconnect không được xây dựng trên nền tảng công nghệ mà là một mô hình đa cấp kim tự tháp. Dự án khuyến khích nhà đầu tư lôi kéo thêm người tham gia vào hệ thống để nhận được các mức hoa hồng.
Đến ngày 17/1/2018 khi sàn Bitconnect sập, giá trị của đồng Bitconnect đã giảm từ 330 USD xuống còn 21 USD một đơn vị chỉ trong 24 giờ. Vốn hóa thị trường của đồng này cũng bốc hơi từ 2 tỷ USD xuống chỉ còn 120 triệu USD. Nhiều nhà đầu tư Việt tham gia sàn Bitconnect đều gần như mất trắng.
ICO – Huy động vốn
ICO là hình thức huy động vốn từ các nhà đầu tư bằng cách phát hàng mã token, một dạng trái phiếu điện tử. Số tiền người chơi nạp vào sẽ được dùng đầu tư vào dự án kinh doanh để sinh lời. Khi sinh lời đủ, các mã token được dùng để đổi lấy tiền ảo dựa trên công nghệ Blockchain.
Thực chất trong giai đoạn kêu gọi vốn, hình thức biến tướng này không khác gì mô hình Ponzi, lấy tiền người vào sau nuôi người trước. Vì thế tình trạng chào mời, lôi kéo người khác tham gia chuỗi phát triển rầm rộ tương tự mô hình đa cấp. Thuật ngữ trong giới gọi những đồng này là “coin đa cấp”.
Video đang HOT
iFan khẳng định hợp tác với nhiều ngôi sao nhằm chiếm lòng tin của nhà đầu tư.
Năm 2018, dự án iFan hoạt động dưới mô hình ICO, bị nhà đầu tư tố cáo lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hơn 15.000 tỷ đồng. Dự án này yêu cầu nhà đầu tư phải mua lượng token tối thiếu 1.000 USD. Sau đó người đầu tư phải trải qua quá trình cho vay với lãi suất “khủng” lên đến hàng chục phần trăm mỗi tháng. Trong lúc cho vay, người đầu tư được khuyến khích kêu gọi người chơi mới để hưởng hoa hồng theo nhiều mức.
Ngoài ra, dự án này còn nâng các mức rút tiền ra. Tăng từ 0,02 BTC (khoảng 5 triệu đồng) lên mức 0,8 BTC (gần 200 triệu đồng tại thời điểm 2018) để không cho nhà đầu tư lấy tiền ra khỏi hệ thống.
Binary Option – Quyền chọn nhị phân
Quyền chọn nhị phân hay BO (Binary Options) là mô hình cho phép người chơi đặt cược vào sự biến động trong tương lai của các loại tài sản như tiền số, vàng, cổ phiếu…
Thực tế, mô hình đa cấp nhị phân hoạt động theo hai cách chính là tuyển dụng người tham gia để hưởng hoa hồng hoặc đặt cược vào sự lên xuống của các loại tài sản.
Công an TP.HCM cảnh báo nền tảng BO Wefinex là mô hình kinh doanh đa cấp trái phép, núp bóng đầu tư tài chính. Nền tảng này cho phép người chơi thực hiện giao dịch cá cược trên sàn. Người tham gia sẽ đặt cược vào sự biến động của giá Bitcoin so với USD. Sau 30 giây, nếu dự đoán đúng thì người chơi được hưởng 95% số tiền đặt cược, ngược lại sẽ mất toàn bộ số tiền đó.
Hình thức đầu tư vào Wefinex giống như trò cá cược tài xỉu.
Công an TP.HCM cho biết thời gian qua, Wefinex phát triển mạng lưới thành viên bằng cách kinh doanh theo phương thức đa cấp, dựa trên hoạt động bán quyền đại lý với giá 100 USD cho người tham gia. Khi trở thành đại lý, người chơi sẽ được hưởng các mức hoa hồng giao dịch và bán quyền đại lý trong hệ thống của mình.
Hiện mô hình nhị phân đang được kiểm soát chặt thậm chí là cấm tại nhiều nước. Cơ quan Quản lý Tài chính Vương quốc Anh (FCAUK), Cơ quan Chứng khoán và Thị trường châu Âu (ESMA), Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), chính phủ Canada… đều đã lên tiếng cảnh báo, ban hành lệnh cấm hoặc quản lý chặt mô hình nhị phân.
Defi – Tài chính phi tập trung
Đây là hình thức mới nhất, được một số “sàn tài chính” tại Việt Nam sử dụng để chiêu dụ nhà đầu tư trong năm 2021.
Defi là viết tắt của cụm từ Decentralized Finance – tài chính phi tập trung. Defi hướng tới việc xây dựng một nền tài chính phi tập trung dựa trên Blockchain và Smart Contract. Mọi giao dịch được thực hiện trực tiếp mà không cần thông qua ngân hàng hay các nền tảng tài chính tập trung truyền thống.
Tuy nhiên, Defi tại Việt Nam đang bị các nhiều nhóm lợi dụng trở thành vỏ bọc cho những dự án đa cấp biến tướng. Tiêu biểu là dự án BitcoinDefi đang được dư luận quan tâm gần đây với sự tham gia của Phạm Tuấn, người thân cận với Ngô Bá Khá, tức Khá “Bảnh”.
Phạm Tuấn (phải) là người tự giới thiệu mình là em trai Khá “Bảnh”, quảng bá cho dự án đa cấp tài chính đầy rủi ro.
Dự án này tuyên bố giá trị của đồng BitcoinDefi đã tăng 64 lần chỉ sau 2 tháng ra mắt, đặt mục tiêu đạt 100 USD/BTCDEFI vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, đồng tiền này chưa được niêm yết trên các sàn giao dịch mà chỉ có giá trị nội bộ. Một khi sàn nội bộ vỡ, nhà đầu tư có nguy cơ mất trắng.
Ngoài nhận được tiền lãi, người tham gia dự án BitcoinDefi còn lôi kéo thêm người chơi để có hoa hồng lên đến 251% số tiền đầu tư.
Giang hồ mạng chuyển hướng sang đa cấp tài chính
Hiện nay, nhiều giang hồ mạng lôi kéo người dùng tham gia các dự án đa cấp, gắn mác "đầu tư tài chính 4.0", cùng xây viễn cảnh lãi cao, thu về trong ngày.
Năm 2017, "giang hồ mạng" hoành hành trên YouTube với những nội dung bạo lực, chửi bới, thù địch. Dẫn đầu cho xu hướng này là những cái tên như Khá Bảnh, Hoàng Tử Gió, Dũng Trọc Hà Đông... Sau sự thoái trào của nội dung giang hồ mạng trên YouTube, những "giang hồ mạng" nêu trên chuyển hướng sang các mô hình đa cấp tiền số.
Phạm Tuấn làm đại diện đa cấp tiền số BitcoinDeFi
Phạm Tuấn, sinh năm 2001, người được biết đến với biệt danh em trai Khá "Bảnh" (tức Ngô Bá Khá). Năm 2018, Phạm Tuấn là người đứng sau kênh YouTube của Khá "Bảnh", tham gia nhiều hoạt động của giang hồ mạng như livestream chửi bới, đốt xe, dọa nạt người xem...
Sau khi Ngô Bá Khá bị bắt, Tuấn khóa kênh YouTube và chuyển sang kinh doanh tương tác ảo trên Facebook. Trước đây, Phạm Tuấn đã kêu gọi nhiều người dùng tham gia đầu tư Wefinex, một hệ thống cá cược quyền chọn nhị phân. Sàn giao dịch này từng bị Công an TP.HCM cảnh báo lừa đảo.
Hiện tại, Phạm Tuấn được giới thiệu là "đại diện duy nhất của BitcoinDeFi tại miền Bắc". Đây là hệ thống hoạt động theo mô hình đa cấp kim tự tháp, trả lãi theo nhiều tầng. Các trưởng nhóm của dựa án này vẽ ra viễn cảnh trả mức lãi cao, lên đến 36%/năm, nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Tuy vậy, hiện BitcoinDefi chỉ có giá trị trên sàn nội bộ, tồn tại bằng niềm tin của nhà đầu tư.
BitcoinDefi cũng không có tên trong danh sách công ty đa cấp được cấp phép tại Việt Nam, theo website Bộ Công thương.
"Hoàng Tử Gió" kêu gọi tham gia Wefinex, BitcoinDeFi
Hoàng Tử Gió, tên thật là Hoàng Đức Nhân, sinh năm 1992, được biết đến là bạn thân của Phạm Tuấn. Năm 2019, Hoàng Tử Gió từng bị Công an TP. Hà Nội bắt vì sử dụng chất cấm trong một quán bar trên địa bàn. Đức Nhân cũng từng xuất hiện với các video livestream khoe hình xăm, bạo lực, đánh nhau với hàng nghìn người xem cùng lúc.
Kênh YouTube của nhân vật này có hơn 200.000 lượt đăng ký, thường xuyên đăng tải các video tham gia cá cược nhị phân trên nền tảng Wefinex, với tiêu đề về mức lợi nhuận cao thu được khi tham gia nền tảng nhị phân. Đồng thời, trên Facebook, Hoàng Tử Gió có hơn 675.000 người theo dõi.
Người này thường xuyên đăng bài và ghim bình luận, kêu gọi tham gia hội nhóm giao dịch Wefinex, nhằm nhận hoa hồng từ số tiền người chơi mới nạp vào sàn.
Bài quảng cáo dự án BitcoinDeFi trên Facebook cá nhân của Hoàng Tử Gió.
Sau khi Phạm Tuấn "đảm nhiệm" chi nhánh miền Bắc của dự án đa cấp BitcoinDeFi, hội nhóm Wefinex của Đức Nhân nhanh chóng được đổi tên thành "Đầu tư BTCDeFi cùng Hoàng Tử Gió". Ngoài ra, Nhân còn mở khóa học với mức giá 300 USD, hướng dẫn giao dịch trên Wefinex.
Nói về Wefinex, các chuyên gia tài chính khuyên người dân nên tránh xa những lời dụ dỗ kiếm tiền dễ dàng từ sàn nhị phân này bởi đây thực chất là mô hình cá cược.
"Bản chất của thị trường tài chính là tài sản người này chảy sang túi người kia. Wefinex không tạo ra giá trị tài sản, vậy tiền của người thắng đến từ đâu? Người dân cần tỉnh táo trước những hình thức biến tướng này", PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính - Đại học Kinh tế TP HCM từng khẳng định.
Dũng "trọc" quảng cáo Wefinex
Dũng "trọc" tên thật là Nguyễn Văn Dũng, 52 tuổi. Năm 2013, Dũng "trọc" bị CA TP. Hà Nội bắt giữ vì tội gây rối trật tự công cộng. Người này thường xuyên tham gia các hoạt động giang hồ mạng, livestream, chửi bới, dọa nạt đối thủ.
Sau khi hoàn thành bản án 24 tháng tù giam, Dũng "trọc" trở thành hiện tượng trên mạng xã hội với hàng trăm nghìn lượt theo dõi trên Facebook cá nhân. Trên YouTube, Dũng "trọc" từng quảng cáo, mời gọi người dùng tham gia cá cược nhị phân, dưới tư cách là nhà đầu tư của Wefinex.
Dũng "trọc" quảng cáo Wefinex trên YouTube dưới tư cách là một nhà đầu tư
Trong video, Dũng "trọc" cho rằng đầu tư vào sàn này có thể kiếm tiền dễ dàng bằng cách tuyển đại lý. "Chỉ 4-5 ngày từ 100 USD mình đã kiếm được 700 USD. Ai cũng có thể kiếm được tiền", Dũng nói trong video.
"Bản chất của Wefinex không phải là hình thức đầu tư. Loại giao dịch đánh cược tiền cho một việc không biết kết quả chính là cờ bạc", bà Đỗ Phương Quỳnh, chuyên gia tài chính từ Ant Group, Thượng Hải, Trung Quốc nhận định.
Trò lừa đa cấp của CEO có khuôn mặt trẻ thơ Mehmet Aydın, nhà sáng lập của trò chơi Farm Bank, đã bị khởi tố với các tội danh liên quan đến lừa đảo và chiếm đoạt tài sản. Cuối tháng 11/2019, một vụ giết người rồi tự sát đã xảy ra tại thủ đô Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Nguyên nhân xác định là do chủ mưu vụ án đã mắc chứng trầm cảm...