Những khoảnh khắc “dở khóc dở cười” của các nhà lãnh đạo G20
Sự vắng mặt của Thủ tướng Đức trong hoạt động chụp ảnh chung, sự vội vã của Tổng thống Mỹ hay sự “ngó lơ” của thái tử Ả rập Xê út là những khoảnh khắc đặc biệt trong nghi thức chụp ảnh lưu niệm chung tại hội nghị G20 ở Argentina năm nay.
Các nhà lãnh đạo thế giới chụp ảnh lưu niệm chung tại hội nghị G20 ở Argentina (Ảnh: Reuters)
Ngày 30/11, hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã chính thức khai mạc tại Buenos Aires, Argentina. Trong 2 ngày diễn ra hội nghị, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ tập trung thảo luận về nhiều vấn đề nóng hiện nay như thương mại, biến đổi khí hậu, hạ tầng phát triển…
Một trong những nghi thức trở thành truyền thống của các kỳ họp G20 là màn chụp ảnh lưu niệm chung của tất cả các nhà lãnh đạo tham dự. Theo CNN, bức ảnh lưu niệm năm nay đã ghi lại một khoảnh khắc đặc biệt khi chỉ có hai lãnh đạo nữ là Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde. Đây là lần chụp ảnh có số lãnh đạo nữ ít nhất trong các hội nghị G20 từ năm 2010 đến nay.
Theo kế hoạch ban đầu, Thủ tướng May sẽ không “lẻ bóng” bên dàn lãnh đạo nam tại khoảnh khắc chụp ảnh ở G20 vì nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng tham dự G20 năm nay. Tuy nhiên, do máy bay chở bà Merkel gặp sự cố kỹ thuật trên đường tới Argentina nên nhà lãnh đạo Đức không thể có mặt kịp giờ để chụp ảnh.
Hội nghị G20 vào năm 2012 và 2013 là kỳ họp có đông lãnh đạo nữ tham gia nhất (5 người), còn lại chủ yếu là 4 người.
Một khoảnh khắc gây chú ý nữa tại hội nghị G20 ở Argentina hôm qua xảy ra giữa tổng thống nước chủ nhà, ông Mauricio Macri, và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Video đang HOT
Đoạn video ghi lại sự việc cho thấy hai tổng thống đã bắt tay nhau trên sân khấu trước khi ông Trump rời đi. Tuy nhiên, Tổng thống Macri dường như muốn gọi người đồng cấp Mỹ lại trong khi Tổng thống Trump vẫn tiếp tục sải bước. Ông Macri được cho là muốn giữ ông Trump ở lại sân khấu để chờ các nhà lãnh đạo khác chụp ảnh lưu niệm chung.
Theo Guardian, cũng trong nghi thức chụp ảnh chung, Thái tử Ả rập Xê út Mohammed bin Salman dường như bị “gạt ra ngoài lề” so với các nhà lãnh đạo khác của G20. Thái tử Mohammed được bố trí đứng ở ngoài cùng, hàng trên. Sau khi kết thúc màn chụp ảnh, nhà lãnh đạo Ả rập Xê út đã nhanh chóng rời khỏi sân khấu mà không bắt tay hay nói chuyện với các nhà lãnh đạo khác.
Thái tử Mohammed gần đây đã trở thành tâm điểm chú ý khi bị nghi ngờ đứng sau vụ nhà báo Ả rập Xê út Jamal Khashoggi bị hạ sát tại lãnh sự quán Ả rập Xê út ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 10. Vụ việc đã gây xôn xao dư luận suốt một thời gian dài.
Thành Đạt
Tổng hợp
Theo Dantri
Nghi vấn cuộc điện thoại của nhà báo và Thái tử Ả rập trước khi mất tích
Một nguồn tin gần đây tiết lộ Thái tử Ả rập Xê út Mohammed bin Salman đã gọi điện cho nhà báo Jamal Khashoggi không lâu trước khi ông bị phát hiện mất tích trong lãnh sự quán Ả rập Xê út tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Thái tử Mohammad bin Salman và nhà báo Jamal Khashoggi (Ảnh: Reuters)
Báo Yeni Safak của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 21/10 dẫn các nguồn tin cho biết Thái tử Mohammed bin Salman được cho là đã liên lạc với nhà báo Jamal Khashoggi qua điện thoại chỉ vài phút trước khi ông bị sát hại bên trong lãnh sự quán Ả rập Xê út tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
"Ông Khashoggi đã bị một nhóm người Ả rập Xê út bắt giữ bên trong tòa nhà lãnh sự. Sau đó Thái tử Mohammed đã liên lạc với ông Khashoggi bằng điện thoại và cố gắng thuyết phục ông quay trở về Riyadh (Ả rập Xê út)", nguồn tin cho biét.
"Ông Khashoggi đã từ chối lời đề nghị của Thái tử Mohammed vì sợ rằng ông sẽ bị bắt hoặc bị xử tử nếu quay về Ả rập Xê út", nguồn tin cho biết thêm.
Reuters dẫn lời một quan chức Ả rập Xê út giấu tên cho biết chính quyền Riyadh muốn thuyết phục nhà báo Khashoggi quay về nước sau khi ông chuyển tới Washington, Mỹ cách đây một năm vì sợ bị trả thù do thường xuyên chỉ trích chính quyền Ả rập. Đây là một phần trong chiến dịch của Ả rập Xê út nhằm ngăn chặn việc các đối thủ của nước này chiêu mộ những người có quan điểm bất mãn với chính quyền.
Hai tuần trôi qua kể từ khi nhà báo Khashoggi mất tích bí ẩn sau khi tới lãnh sự quán Ả rập Xê út để nhận giấy tờ làm thủ tục kết hôn với bạn gái người Thổ Nhĩ Kỳ. Giới chức Ả rập Xê út xác nhận ông Khashoggi thiệt mạng trong một vụ ẩu đả bên trong lãnh sự quán, song vẫn chưa công bố thông tin chi tiết về vụ việc cũng như tiết lộ thi thể của nhà báo này đang ở đâu.
Các hình ảnh ghi lại từ camera an ninh cho thấy nhà báo Khashoggi đã đi vào lãnh sự quán Ả rập Xê út. (Ảnh: TRT)
Ngoại trưởng Ả rập Xê út Adel al-Jubeir khẳng định cái chết của nhà báo Khashoggi là "sai lầm nghiêm trọng" và Thái tử Mohammed không hề biết vụ việc này. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành một cuộc điều tra về vụ việc. Ankara cho rằng Ả rập Xê út đã lên kế hoạch sát hại nhà báo Khashoggi và cử một đội sát thủ gồm 15 người tới đoạt mạng ông.
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cũng phân tích các hình ảnh từ camera an ninh cho thấy một số người trong nhóm 15 sát thủ được cho là có liên hệ với Thái tử Mohammed và từng tháp tùng thái tử trong các chuyến công du.
Yasin Aktay, cố vấn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, ngày 21/10 đã bác bỏ thông tin do Ả rập Xê út đưa ra về cái chết của nhà báo Khashoggi.
"Một người không thể ngừng thắc mắc rằng làm thế nào có thể xảy ra một cuộc ẩu đả giữa 15 đối tượng chuyên nghiệp trẻ tuổi với ông Khashoggi, một người 60 tuổi, trong tình thế một mình và không được tự vệ? Điều đó không giải thích bất kỳ khía cạnh nào của vụ việc dựa trên tất cả thông tin được đưa ra. Ngược lại, nó thậm chí còn dẫn đến nhiều hoài nghi hơn. Có vẻ như tình báo của chúng tôi đang bị xem thường", ông Aktay, một người bạn thân của nhà báo Khashoggi, viết trên báo Yeni Safak.
Theo cố vấn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, lập luận "ẩu đả" của Ả rập Xê út là một kịch bản được "bịa ra một cách hấp tấp" và các thông tin chi tiết về vụ việc "sẽ sớm được phanh phui".
Thành Đạt
Theo Dantri/ RT
Công tố viên Argentina chấp nhận yêu cầu truy tố Thái tử Ả Rập Xê Út Công tố viên Argentina đã chấp nhận yêu cầu truy tố Thái tử Ả Rập Xê Út vì cáo buộc tội ác chống lại con người, chỉ vài giờ sau khi ông Mohammed bin Salman đến nước này để dự Hội nghị thượng đỉnh G20. Dù rất khó để khởi tố thành công trước khi ông Mohammed bin Salman rời Buenos Aires, nhưng...