Những giờ học chưa từng có của thầy trò trường Bách khoa thời Covid-19
Buổi chiều, thay vì lên giảng đường, thầy Phương vội rảo bước tới phòng làm việc của mình tại tầng 7, bật webcam và mic rồi… ‘điểm danh bất ngờ’.
Thầy giáo Nguyễn Hồng Phương, Giảng viên Bộ môn Hệ thống Thông tin, Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có 2 tiết dạy môn Tích hợp dữ liệu và XML.
“Cả lớp mình có mặt đầy đủ chưa nhỉ? Thầy chào Sỹ Thuận, Phú Hoàng, Anh Dũng”, “À, đã có thêm Việt Anh, Quang Hùng”… Những lời chào vui vẻ như một sự điểm danh sinh viên trước khi bắt đầu tiết học của thầy giáo trẻ.
Đây là ngày thứ 3 thầy Phương thực hiện tiết dạy trực tuyến thông qua sự hỗ trợ của công cụ Teams.
Thầy giáo Nguyễn Hồng Phương, Giảng viên Bộ môn Hệ thống Thông tin bắt đầu tiết dạy online
Ngày 6/3, Hà Nội xuất hiện ca dương tính với Covid-19, là ca thứ 17 ở Việt Nam. Không thể tiếp tục nghỉ học, ngày 8/3, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội ra thông báo tiếp tục tổ chức dạy và học theo kế hoạch, nhưng tận dụng tối đa hình thức học online từ xa. Sinh viên được khuyến cáo không rời khỏi Hà Nội để tập trung nhiệm vụ học tập và chống dịch.
Là giảng viên trẻ của Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông, với lợi thế sẵn có, thầy Phương đăng ký 100% tiết dạy của mình dưới dạng học online. Dù vậy, những giờ giảng đầu cũng không tránh khỏi cảm xúc lạ lẫm.
“Nếu như dạy trên lớp, mình phải đứng lên bục giảng bài. Khi có điều gì thắc mắc, sinh viên sẽ được mời đứng lên phát biểu. Nhưng với tiết học online này, sinh viên sẽ trực tiếp nhập câu hỏi vào hệ thống để mình trả lời. Đôi khi cùng lúc, giáo viên có thể nhận được rất nhiều câu hỏi”, thầy Phương kể.
Những sinh viên năm 4 bước sang ngày thứ 3 học trực tuyến đã không còn nhiều bỡ ngỡ. Gần 40 sinh viên không ngần ngại nhắn hỏi thầy giáo những điều còn thắc mắc mà đôi khi, ngồi trên giảng đường các em không dám phát biểu.
“Còn ai hỏi gì nữa không nhỉ? Các bạn dành 2 phút suy nghĩ thử xem. Bạn nào buồn ngủ có thể đứng lên lấy nước uống nhé!”, thầy Phương thi thoảng dừng lại tếu táo hỏi. Tiết học 45 phút vì thế trôi qua nhanh chóng.
“Còn ai hỏi gì nữa không nhỉ?”, thầy Phương thi thoảng dừng lại hỏi.
Kết thúc bài dạy, vẫn câu hỏi cũ, thầy Phương hỏi sinh viên còn điều gì thắc mắc không, các em cảm thấy tiết học hôm nay thế nào?
“Học online mãi thế này cũng được thầy ạ! Học ở nhà em có thể chạy ra uống nước khi khát, còn bài học vẫn thu hút không khác gì trên lớp”, Lê Văn Đỉnh, sinh viên năm 4, Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông nói với thầy.
“Em lại thích học trực tiếp hơn. Học ở nhà có nhiều yếu tố ngoại cảnh khiến em khó tập trung hơn. Vả lại, đến trường em còn được gặp các bạn”, Bùi Gia Khánh đáp lại.
Tuy rằng không có sự tương tác ngay tức thời như cách dạy truyền thống, nhưng theo thầy Phương, dạy online cũng có nhiều điều tích cực, nhất là trong thời điểm dịch bệnh như hiện tại.
Video đang HOT
“Dịch bệnh ở một khía cạnh nào đó có sự tác động đến việc giảng dạy. Nó khiến thầy cô phải “sống” theo đúng thời đại của mình”, thầy Phương nói.
“Tất nhiên, việc học online cũng có những mặt hạn chế nhất định”. Thầy Phương lấy ví dụ rằng mình không thể theo dõi mặt của tất cả các em, vì hệ thống không cho phép, mà khi cần thiết thì chỉ yêu cầu một số em bật webcam. Hay thầy cô cũng không thể bật âm thanh của hàng chục, thậm chí hàng trăm sinh viên một lúc, vì như thế sẽ khiến “âm thanh lẫn lộn gây ảnh hưởng tới hiệu quả giờ dạy”.
Khi cần thiết, giảng viên chỉ yêu cầu một số bật webcam.
Để giải quyết tình hình này, nhiều thầy cô lựa chọn giải pháp “điểm danh bất ngờ”.
“Dạy học trò một vài buổi, mình đã tìm ra khá nhiều cách để “điểm danh” sinh viên. Ví dụ, cứ khoảng 10-15 phút mình lại gọi ngẫu nhiên một vài bạn”, cô giáo Bùi Thị Mai Anh, Giảng viên Bộ môn Công nghệ phần mềm chia sẻ.
Trong tiết dạy, thi thoảng, cô Mai Anh lại ấn vào cửa sổ hiển thị của từng sinh viên để hỏi một vài câu hỏi bất kỳ. Bằng cách này, cô giáo có thể phát hiện ra sinh viên có thực sự chú tâm vào bài giảng hay không.
“Nhưng học online, quan trọng nhất vẫn là sự chủ động từ phía sinh viên. Nếu sinh viên không có sự tự giác và chủ động theo dõi bài, các em có thể bật màn hình lên sau đó… đi ngủ”.
“Giáo dục đại học là giúp người học tự mình chiếm lĩnh tri thức, cho nên bên cạnh sự trợ giúp của người dạy thì vai trò của người học là rất lớn”, cô Mai Anh nói.
Ngoài ra, cô Mai Anh cho rằng, với việc dạy học online, giảng viên cũng phải làm việc nhiều hơn so với việc dạy học truyền thống.
“Học trên giảng đường, khi thấy mệt giảng viên có thể có “khoảng nghỉ” bằng cách cho sinh viên thảo luận một vài câu hỏi hoặc làm bài tập. Còn với dạy online, giảng viên cần nói liên tục để duy trì bài giảng”.
Cô giáo Bùi Thị Mai Anh, Giảng viên Bộ môn Công nghệ phần mềm
Kể từ khi bắt đầu dạy online, lịch tới trường của cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang cũng không có gì khác biệt. Có con nhỏ đang được nghỉ học để phòng dịch, cô Trang chọn đến trường làm việc giúp yên tĩnh. Tất nhiên, điều này là không bắt buộc trong quy định.
Bắt đầu từ 8 giờ sáng, cô Trang bước vào tiết dạy của mình như thường lệ.
“Dù học online hay offline thì lịch dạy vẫn diễn ra như thời khóa biểu. Thay vì 3 tiết đầu đứng trên giảng đường, mình lại dạy online thông qua phần mềm sẵn có”.
Là một giảng viên tích cực trong việc giảng dạy online, cô Trang nhận thấy rõ những ưu điểm khi triển khai hình thức này.
“Sĩ số lớp học của mình lúc nào cũng đông đủ hơn so với việc học tại giảng đường. Học online rất tiện nên các em có thể đăng nhập vào hệ thống bất kỳ lúc nào ở bất kỳ đâu. Ngoài ra, sinh viên có thể ghi lại toàn bộ bài giảng để xem lại nhiều lần”.
Cô Trang cũng cho rằng, hình thức học online này đòi hỏi rất nhiều vào sự chủ động từ phía sinh viên.
“Có những lớp mình dạy sinh viên rất sôi nổi. Các em chủ động đặt câu hỏi và đưa ra rất nhiều thắc mắc. Nhiều khi mình phải đưa ra luật rằng sinh viên gõ câu hỏi trước, sau đó giảng viên sẽ bật micro của từng bạn để phát biểu.
Tất nhiên, nếu sinh viên chủ động thì cách học này rất hiệu quả vì có sự tương tác liên tục. Ngược lại, nếu không có sự chủ động, tiết học sẽ kém tương tác và giáo viên gần như độc thoại”.
Đối với nhiều thầy cô, dịch bệnh giống như một “phép thử”. Nhiều giảng viên đã lớn tuổi hào hứng coi đây là một “hành trình đi ngược”, quay lại việc học xây dựng bài giảng online từ chính những đồng nghiệp trẻ.
Tự coi mình là “học trò”, các thầy cô đều cố gắng tự nghiền ngẫm video và các bài hướng dẫn để tự hoàn thiện bài giảng của mình.
“Nhận tin dạy online, thầy cô ai cũng hào hứng. Dù thế nào, những tiết học vẫn sẽ được diễn ra”.
Khuyến khích đào tạo trực tuyến qua mạng
Bộ GD-ĐT vừa có văn bản gửi các trường yêu cầu các đại học, trường đại học, học viện, trường cao đẳng sư phạm, trường trung cấp sư phạm tích cực thực hiện các phương án phòng chống dịch phù hợp với điều kiện và đặc điểm của từng cơ sở đào tạo.”Thời gian vừa qua, nhằm đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch và kế hoạch năm học, một số cơ sở đào tạo đã chủ động triển khai các phương thức đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến”.Do đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu cơ sở đào tạo căn cứ vào đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo, cơ sở đào tạo có thể sử dụng các phương thức đào tạo từ xa đối với một số học phần phù hợp, áp dụng cho các khóa đào tạo chính quy, vừa làm vừa học trong thời gian học sinh, sinh viên không học tập trung do dịch Covid-19.Trong đó, Bộ khuyến khích sử dụng phương thức đào tạo trực tuyến qua mạng; bảo đảm chất lượng đào tạo, chuẩn đầu ra của từng học phần và chương trình đào tạo.
Thúy Nga (vietnamnet.vn)
Lạc hậu, thầy cô mới vất vả khi dạy trực tuyến?
Học sinh nghỉ học vì phòng, chống dịch Covid-19 đã phát lộ vấn đề mới trong nền giáo dục nước ta, đó chính là dạy và học trực tuyến.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam là số ít trong các báo nhìn thấy thực trạng này, đã có nhiều bài viết của các chuyên gia, nhà giáo, nhà báo nói lên tâm tư nguyện vọng cần thiết phải công nhận kết quả học tập trực tuyến.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã có phóng sự, bài viết phản ánh chân thực sự vất vả của thầy cô giáo trong việc chuẩn bị, dạy học trực tuyến; học trò nghỉ học trên trường, nhưng thầy cô vất vả gấp bội phần.
Dạy trực tuyến trong dịch Covid-19, thầy cô có đáng vất vả như thế không?
Nói thật là không, do lạc hậu không khai thác tài nguyên sẵn có nên thầy cô mới vất vả chuẩn bị dạy trực tuyến như thế.
Đọc đến đây, chắc nhiều thầy cô sẽ nghĩ người viết "thiếu gạch xây nhà" chăng? Hoàn toàn không, nói có lý, có tình đấy.
Khai thác tài nguyên có sẵn, thầy cô đâu cần vất vả gấp ba bốn lần!
Bộ Giáo dục và Đào tạo hằng năm tổ chức cuộc thi thiết kế bài giảng E-learning, cuộc thi được giới thiệu rộng rãi đến từng cơ sở giáo dục phổ thông; đã có rất nhiều thầy cô giáo tham gia đầy nhiệt huyết.
Những bài giảng E-learning từ lớp 1 đến lớp 12, đủ mọi môn học đã được hội đồng giám khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chấm, thẩm định, phát giải và lưu trữ thành một kho dữ liệu khổng lồ, đặc biệt hoàn toàn miễn phí; muốn học trực tuyến hay tải về bạn chỉ cần một thủ tục rất đơn giản là Đăng ký thành viên.
Tất cả bài giảng được lưu trữ ở đây đếu đạt giải, nên chất lượng có thể nói là yên tâm hàng đầu.
Bạn đọc nói chung, giáo viên nói riêng chỉ cần vào địa chỉ //elearning.moet.edu.vn thực hiện theo hướng dẫn, rất đơn giản sẽ trở thành Thành viên.
Giao diện kho bài giảng E-learning của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Giáo viên có thể hướng dẫn học sinh đăng ký thành viên, hoặc đăng ký giúp học sinh; cho học sinh tên đăng nhập, mật khẩu là xong.
Bạn có thể học trực tuyến hay tải bài giảng về, người viết đã trải nghiệm, thấy rất tốt. Nội dung bài giảng rất phong phú, hoàn toàn theo sách giáo khoa và phân phối chương trình hiện tại.
Việc ra mắt kho tài nguyên bài giảng E-learning từ lớp 1 đến lớp 12, đủ mọi môn học của Bộ Giáo dục và Đào tạo thật tuyệt vời và kịp thời, giúp học sinh và giáo viên đỡ vất vả trong việc dạy và học trực tuyến.
Ngoài tài nguyên khổng lồ của Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp miễn phí, các bạn cũng có thể vào địa chỉ sau: //vinskills.vn/thu-vien-bai-giang-bo-gddt để tải về bài giảng các môn học, đã được đóng gói theo môn học và theo thứ tự các bài học của sách giáo khoa.
Bên cạnh đó các website dạy học trực tuyến cũng mở cửa miễn phí giai đoạn này như: hocmai.vn; Congdong.edu.vn; schoolbus.vn v.v...
Như vậy giáo viên chỉ cần hướng dẫn học sinh vào học, hoặc tải các bài giảng về để tham khảo hay sử dụng, không cần vất vả lao tâm khổ tứ khi phải làm việc mà ... lần đầu mới làm.
Thật ra để học tập, ngày nay học sinh cần nhất là ý thức tự học, còn nội dung, phương tiện có đủ để đáp ứng nhu cầu của học trò với kinh phí rẻ, chấp nhận được (so với học thêm thì rất rẻ); vì vậy giáo dục học sinh khả năng tự học, khơi dậy đam mê hứng thú học tập của các em là điều mà mỗi giáo viên cần lồng ghép vào bài giảng.
Với đại đa số thầy cô giáo phổ thông, chỉ mới làm quen với dạy học trực tuyến, vất vả, bỡ ngỡ là điều tất yếu; để giảm thiểu khó khăn cho chính mình đơn giản nhất là khai thác tài nguyên sẵn có để sử dụng; vừa sử dụng vừa rút kinh nghiệm, rút ra bài học để sau này có thể trở nên thành thạo, nhẹ nhàng, đơn giản khi cần dạy học trực tuyến; dạy theo ý mình mới có hạnh phúc của nghề giáo, nhà giáo mới hạnh phúc.
Sơn Quang Huyến
Theo giaoduc.net
Cô giáo trèo lên mái nhà, ngồi giữa sân giá lạnh dạy học trực tuyến Leo lên núi, trèo lên mái nhà, ngồi giữa góc sân lạnh lẽo, các cô giáo nỗ lực hết sức để mang đến bài giảng trực tuyến cho các em học sinh phải nghỉ học do dịch Covid-19. Ngồi giữa sân dùng "ké" internet hàng xóm để dạy trực tuyến Lương Diệp, 47 tuổi, là giáo viên dạy toán lớp 4 tại một...