Những đớn đau mang tên “đồ uống có cồn” – Kỳ 3: Từ uống xã giao dễ trở thành nghiện ngập
Rượu bia đang tác động trên diện rộng đến muôn mặt đời sống, xã hội. Hệ quả của việc sử dụng rượu, bia không chỉ là số ca TNGT mà đã tạo nên gánh nặng bệnh tật, là bạo lực gia đình, là xâm hại tình dục… “Giấy thông hành” để rượu, bia len lỏi được khắp ngóc ngách trong đời sống chính là do giá rẻ, dễ tiếp cận và do thói quen của mọi người.
Phải uống rượu vì sợ bị gọi là “đàn bà”
Là người tiếp xúc, điều trị cho nhiều nạn nhân của đồ uống có cồn, ThS.Bác sỹ nội trú Đoàn Thị Huệ, khoa Điều trị nghiện chất, Viện Sức khoẻ tâm thần quốc gia đã đúc kết về cuộc đời của người nghiện với những lần cai nghiện, tái nghiện như sau: Đa phần bệnh nhân đến với chúng tôi khi đã nghiện rượu, bia đề kể rằng, ban đầu họ uống rượu vì xã giao.
Tục lệ ở Việt Nam khi có chuyện vui vẻ, hay đám ma chay, cưới hỏi mọi người đều tìm đến rượu để chia sẻ. Tất cả các lễ nghi trong cuộc sống đều dẫn đến cái kết cuối cùng là… uống rượu. Từ lý do ban đầu ấy những người bệnh này trở nên “bén mùi” rượu. Họ bắt đầu uống vào bữa ăn chính xong dần dần uống sang bữa sáng rồi uống vào mọi bữa ăn trong ngày. Tình trạng này kéo dài 1-2 năm khiến họ trở nên thèm nhớ. Sau đó họ không chỉ sử dụng rượu, bia trong bữa ăn mà sử dụng cả vào giờ giải lao. Quá trình sử dụng rượu khiến chất lượng làm việc giảm, tiền kiếm về ít. Hơn nữa lại nguy hiểm đến tính mạng-đã có nhiều bệnh nhân ngã giáo khi xây dựng do liên quan đến rượu, bia.
Rồi khi mức độ lệ thuộc vào đồ uống có cồn quá cao, những người nghiện mang rượu ra uống cả trong giờ hành chính. Điều đó khiến công việc không đảm bảo, họ bị thôi việc. Hệ luỵ kinh tế gia đình giảm sút vì không có thu nhập. Thất nghiệp ở nhà xin tiền vợ để mua rượu. Khi xin mãi không được họ chuyển sang mua chịu. Một vài lần vợ còn trả nợ, mãi vợ chán không trả nữa họ không còn biết đến xấu hổ, tiếp tục mua chịu; mua chịu không được tìm cách bán đồ, cắm đồ lấy tiền mua rượu; không còn gì để bán thì đi ăn trộm cắp. Đó là cái vòng luẩn quẩn của người nghiện rượu, bia-bác sỹ Đoàn Thị Huệ chia sẻ.
Bên cạnh những tác động đến kinh tế người uống rượu bia quá nhiều còn xuất hiện rối loạn tâm thần. Người chồng nghiện rượu sinh hoang tưởng, ghen tuông, thường bảo vợ “đi ngủ” với người này người kia. Chính sự hoang tưởng do rượu bia này đã phá vỡ nhiều cuộc hôn nhân; sự hoang tưởng này đã đẩy nhiều người vợ phải bỏ nhà đi xa, thậm chí tự tử để giải thoát khỏi cuộc sống đầy mệt mỏi, khổ đau.
Đặc biệt, đối với người đã nghiện rượu, bia khi vào bệnh viện cai nghiện trở về nhà bác sỹ dặn dò phải tuyệt đối không sử dụng rượu bia. Lập tức, bệnh nhân phản ứng: Không sử dụng rượu bia thì thành đàn bà à? Khi có ma chay, cưới hỏi không đi thì để vợ đi à? Không uống thì sống không có anh em à? Tôi chỉ uống 1 tí thôi…
Chính từ những suy nghĩ đó, cộng thêm tính sẵn có của rượu, bia nên người bệnh sau khi cai nghiện vẫn uống, vẫn tái nghiện nhập viện bình thường. “Tính sẵn có của rượu bia như vậy có bỏ được không? Trong khi 1 lít rượu vài chục nghìn đồng uống thoải mái thì một viên thuốc cai nghiện lại đắt, chưa kể cần có thêm những thứ khác đi kèm”, bác sỹ Huệ bày tỏ.
Gánh nặng bệnh tật do sử dụng rượu, bia không chỉ là mắc các bệnh không lây nhiễm mà chi phí chữa trị ngộ độc rượu cũng vô cùng tốn kém.
Video đang HOT
Vị trí Quán quân khu vực Đông Nam Á về tiêu thụ bia
Rượu bia dễ tiếp cận, dễ mua và môi trường để một người bắt đầu uống cũng vô cùng thuận lợi nên số người sử dụng rượu, bia ở Việt Nam qua các năm cứ tăng dần. Theo báo cáo toàn cầu về sử dụng rượu, bia và sức khỏe của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2018 thì Việt Nam giữ vị trí á quân ở khu vực Đông Nam Á và vị trí thứ 3 châu Á, thứ 64 trên thế giới về mức tiêu thị rượu, bia bình quân đầu người trên 15 tuổi.
Mức tiêu thụ rượu, bia quy đổi theo lít cồn nguyên chất bình quân đầu người trên 15 tuổi ở Việt Nam tăng mạnh từ 3,8 lít năm 2003-2005 lên gấp hơn 2 lần (8,3 lít) vào năm 2016, cao hơn trung bình thế giới. Chỉ tính riêng nam giới trên 15 tuổi tiêu thụ trung bình 29,1 lít cồn nguyên chất mỗi năm.
Tỷ trọng tiêu thụ cồn nguyên chất từ bia đang tăng nhanh và cao hơn từ rượu. Năm 2017 người dân tiêu thụ khoảng 205 triệu lít rượu-tương đương 72 triệu lít cồn nhưng tiêu thụ tới gần 4,1 tỷ lít bia-tương đương với 161 triệu lít cồn. Bình quân mỗi người dân đã tiêu thị khoảng 42 lít bia. Việt Nam là nước tiêu thụ bia chiếm vị trí quán quân ở khu vực Đông Nam Á và thứ 3 châu Á.
Bên cạnh đó, theo Điều tra quốc gia về yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm do Bộ Y tế tiến hành năm 2016 cho thấy, tỷ lệ sử dụng rượu, bia tăng mạnh ở cả nam và nữ trong giai đoạn 2010-2015. Theo đó, tỷ lệ uống rượu, bia ở người trưởng thành (nhóm tuổi 25-64) với nam giới tăng từ 69,6% lên 80,3%; tỷ lệ này ở nữ tăng gấp đôi (từ 5,6% lên 11,2%).
Đặc biệt, tỷ lệ người sử dụng rượu, bia ở mức “nguy hại” đã tăng gần gấp đôi sau 5 năm ở cả nam và nữ (tỷ lệ ở nam tăng từ 25,1% lên 44,2%). Trong đó có tới 41,7% hộ gia đình có người tạo thu nhập chính uống ở mức “nguy hại”. Mức “nguy hại” là mức uống làm tăng nguy cơ xấu đối với sức khỏe hoặc gây ra hậu quả có hại về sức khỏe, hậu quả xã hội cho người uống và cộng đồng xung quanh.
Trở thành tội đồ vì “ ma men” dẫn lối
Nói về những hệ luỵ do sử dụng đồ uống có cồn gây nên, ThS. Nguyễn Thị Minh Hạnh, Viện Nghiên cứu chính sách y tế cho biết: Rượu, bia là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, trong đó 20% ca tử vong do TNGT; 30% ca tử vong do ung thư thực quản, ung thư gan, động kinh, giết người; 50% ca tử vong do ung thư gan. Đồng thời, sử dụng rượu, bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 2 trong số 10 yếu tố nguy cơ gây bệnh tật và tử vong hàng đầu (70% ca tử vong do xơ gan ở nam do sử dụng rượu bia; 15% số giường bệnh tại các BV tâm thần dành cho điều trị người bệnh loạn thần do rượu bia).
Cùng với gánh nặng bệnh tật, rượu bia còn gây nên gánh nặng kinh tế với cá nhân, gia đình và xã hội do các phí tổn về chăm sóc sức khỏe, giảm, mất năng suất lao động và chi phí giải quyết các hậu quả xã hội khác. Chi phí trực tiếp của Việt Nam năm 2017 cho tiêu thụ rượu bia là 4,37 tỷ đô la/năm. Năm 2018 là 4,67 tỷ lít chưa kể 70 triệu lít rượu công nghiệp và hàng trăm triệu lít rượu thủ công.
“Bình quân 420 đô la/người/năm, trong khi chi cho tiêu cho y tế năm 2013 chỉ có 113 đô la/người/năm-chưa kể chi phí gián tiếp cho giải quyết hậu quả do rượu bia. Đồng thời, năm 2017 ngành công nghiệp rượu bia nước giải khát nộp ngân sách Nhà nước là 50 nghìn tỷ đồng, tương đương 09,% GDP. Trong khi đó, tổn thất do rượu bia gây ra ở nước ta là 2% GDP và chi phí cho tiêu thụ rượu bia là hơn 4,3 tỷ, nhiều gấp 2 lần so với mức nộp ngân sách nhà nước”, ThS. Minh Hạnh phân tích.
Đối với từng hộ gia đình, sử dụng rượu, bia dẫn đến những hậu quả như thành viên trong gia đình bị chấn thương; tai nạn và thiệt hại về người/tài sản; mất thu nhập do dành thời gian chăm sóc người say rượu, bia; vi phạm hành chính; phải đền bù thiệt hại khi người thân gây tai nạn thương tích. Tổng thiệt hại kinh tế do các hậu quả này gây ra đối với hộ gia đình là 8.882 tỷ đồng trong năm 2017, gần 0,2% GDP.
Không chỉ gây thiệt hại kinh tế, gánh nặng bệnh tật cho từng hộ gia đình mà rượu, bia còn là nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình, mất trật tự an toàn xã hội-có đến 70% số vụ phạm pháp hình sự ở Việt Nam có nguyên nhân xuất phát từ sử dụng rượu bia ở nhóm trẻ dưới 30 tuổi; có tới 32,5% phụ nữ đã kết hôn hoặc đang chung sống với bạn tình cho biết đã chịu tác hại từ chồng/bạn tình uống rượu, bia-cao nhất trong số 9 nước khảo sát. Chưa kể đế những hậu quả từ lạm dụng tình dục với phụ nữ, trẻ em bên ngoài…
Dẫn chứng đau xót về hậu quả của sử dụng rượu, bia, TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế bày tỏ: Vì đâu mà một người đàn ông như ông Nguyễn Hữu Linh (nguyên Phó viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng) lại có hành vi “nựng” một bé gái 8 tuổi trong thang máy dù ông này là người làm luật, biết rất rõ những quy định của pháp luật với tội danh này? Tất cả cũng chỉ vì trước đó ông ta đã sử dụng bia. Đồ uống có cồn khiến con người mất kiểm soát hành vi của mình.
Vì vậy, theo TS. Nguyễn Huy Quang, điều quan trọng là ban hành Luật Phòng, chống tác hại rượu bia với những điều khoản thật mạnh như kiểm soát quảng cáo rượu bia; quản lý việc khuyến mại rượu bia dưới 15 độ… nhằm hạn chế tính sẵn có, hạn chế sử dụng trong cộng đồng.
Thịnh An
Theo PL&ĐS
Nhiều người nhập viện vì xuất huyết tiêu hóa sau dịp nghỉ lễ
Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 Bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị suy thận cấp, xuất huyết tiêu hóa do liên quan đến rượu,... Đây là điều đáng báo động bởi thói quen tụ tập liên hoan uống quá nhiều rượu bia của người dân kéo theo nhiều hệ lụy về sức khỏe và tai nạn giao thông.
Còn theo Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, tác hại của rượu bia gây ra nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, phình mạch chủ, bệnh đường miệng, sơ gan, viêm gan, viêm tụy cấp và mạn tính. Bên cạnh đó còn gây ra hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội như tai nạn giao thông, bạo lực.Theo các chuyên gia y tế, sử dụng rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của hơn 30 loại bệnh không lây nhiễm và là nguyên nhân của gần 200 loại bệnh tật khác nhau.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
Thống kê trung bình mỗi năm tại khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai điều trị cho khoảng 3.000 bệnh nhân nội trú bị xơ gan, viêm tụy do rượu. Đáng lo ngại, nếu 10 năm trước số bệnh nhân nhập viện bị xơ gan chủ yếu là viêm gan do vi rút thì gần đây lại chủ yếu là xơ gan do rượu.
TS.BS Vũ Trường Khanh - Trưởng khoa Tiêu hóa cho biết, uống rượu nhiều sẽ làm tổn thương bộ phận gan, tế bào gan bị hoại tử, thoái mỡ, tổ chức xơ phát triển dẫn đến xơ gan. Xơ gan làm ảnh hưởng mạnh đến các quá trình chuyển hóa của cơ thể như khả năng thải độc, tạo mật, quá trình đông máu... Trong khi, các bệnh nhân xơ hoá gan do uống rượu nhiều hầu hết đến viện trong tình trạng muộn, đã có biến chứng rõ ràng như xuất huyết tiêu hoá, vàng da, cổ trướng, viêm tụy...khiến việc điều trị khó khăn và tốn kém hơn.
Sau mỗi đợt nghỉ lễ, số bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa vì uống rượu tăng cao đột biến so với ngày thường. Các bác sĩ cho biết, đa số những bệnh nhân này bị các bệnh như xơ gan, bệnh lý về dạ dày hoặc bị các bệnh về thực quản... Việc uống quá nhiều rượu bia có thể dẫn tới biến chứng xuất huyết tiêu hóa.
Bệnh nhân khi bị xuất huyết tiêu hóa thường rất dễ nhận biết bởi các biểu hiện đặc trưng như: Mệt mỏi, chán ăn, vàng mắt, vàng da, nôn ra máu rất nhiều, đi đại tiện ra máu, đại tiện phân đen như bã cà phê. Mức độ mất máu có thể nhẹ tới vừa, thậm chí nhiều trường hợp chảy máu nặng gây mất máu nghiêm trọng, đe dọa tới tính mạng bệnh nhân.
Ở giai đoạn nặng, bệnh nhân sẽ đại tiện phân đen 2-3 lần trong ngày người mệt mỏi vã mồ hôi, chân tay lạnh, niêm mạc nhợt nhạt, vật vã, có khi ngất xỉu, mạch nhỏ, huyết áp tụt, thở nhanh nếu không cấp cứu sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Người bệnh nên đi khám sớm để được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn, điều trị kịp thời, tránh để xảy ra các biến chứng nguy hiểm.
Để bảo vệ lá gan khỏe mạnh và phòng tránh xuất huyết tiêu hóa, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên hạn chế uống rượu bia, thuốc lá - đặc biệt các loại rượu mạnh. Nên lựa chọn thực phẩm sạch, không nhiễm hóa chất, hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, ăn ít đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ, chất béo, đồ ăn chế biến sẵn...
Nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi để cung cấp nhiều vitamin, chất chống oxy hóa; đồng thời duy trì chế độ tập luyện đều đặn tăng cường sức khỏe. Những người đang sử dụng bia, rượu đừng chờ biểu hiện bệnh mới đi khám, mà nên kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, kịp thời điều trị.
Với các bệnh nhân xơ gan do rượu, điều đặc biệt quan trọng đầu tiên là phải từ bỏ được thói quen uống rượu. Bệnh nhân cần đến các chuyên gia dinh dưỡng tư vấn chế độ dinh dưỡng, tập thể dục rèn luyện sức khỏe và lao động hợp lý.
Nguyễn Minh
Theo laodongthudo
Ngăn chặn lạm dụng rượu, bia để giảm các vụ tai nạn giao thông thương tâm Cứ mỗi dịp nghỉ lễ, số người tử vong do tai nạn giao thông có nguyên nhân từ rượu bia lại khiến du luận bất an, lo lắng. Những cái chết thương tâm do... ma men Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định sử dụng rượu, bia là một yếu tố gây trở ngại sự phát triển bền vững ở ba...