Những điều cần lưu ý khi chọn ngành đăng ký dự thi
Vào lúc 17 giờ 30 hôm nay 1.4, Báo Thanh Niên tổ chức chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến ‘ Chọn ngành học cho tương lai’ với chủ đề ‘Những điều cần lưu ý khi chọn ngành đăng ký dự thi’.
Chương trình đồng thời diễn ra ở các kênh thanhnien.vn , Facebook.com/thanhnien, YouTube và TikTok Báo Thanh Niên .
Ảnh minh họa
Theo kế hoạch dự kiến của Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được tổ chức vào hai ngày 7 và 8.7. Thí sinh tham dự kỳ thi này sẽ thực hiện nộp hồ sơ đăng ký dự thi từ ngày 26.4 – 10.5. Chọn lựa ngành để đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ là việc làm quan trọng nhất với thí sinh trong giai đoạn này. Vì vậy, buổi tư vấn trực tuyến này sẽ tập trung định hướng cho học sinh về vấn đề hướng nghiệp.
Chương trình sẽ chia thành 2 phần, với 2 khung giờ phát sóng.
Phần 1 (17 giờ 30 – 18 giờ 30) gồm: Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân; thạc sĩ Trần Mạnh Thái, Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Văn Hiến; ông Nguyễn Việt Thái, Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng; tiến sĩ Mai Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh – truyền thông Trường ĐH Gia Định.
Phần 2 (18 giờ 40 – 19 giờ 40) gồm: Tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành; thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng Tư vấn truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM; tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Nova.
Thí sinh cần lưu ý gì trước những điểm mới tuyển sinh 2021?
Với những thông tin mới về kỳ tuyển sinh vừa được Bộ GD-ĐT đưa ra ngày 25.3, đại diện các trường ĐH đã đưa ra nhiều lời khuyên bổ ích dành cho thí sinh trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến của Báo Thanh Niên .
Khách mời tham gia chương trình tại Báo Thanh Niên tối 25.3 cho thí sinh lời khuyên khi xét tuyển vào ĐH năm nay - ẢNH: THANH HẢI
Chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến "Chọn ngành học tương lai" với chủ đề "Tuyển sinh ĐH năm 2021 có gì mới?" được sự tài trợ của THACO, diễn ra tối 25.3, được phát trực tiếp trên các kênh thanhnien.vn , Facebook.com/thanhnien, YouTube và TikTok Báo Thanh Niên .
Thật cẩn thận dù được điều chỉnh nguyện vọng 3 lần
Tiến sĩ Võ Thanh Hải: Cần suy nghĩ thật kỹ trước khi điều chỉnh vì 3 lần chưa chắc đã giúp thí sinh chọn đúng ngành nghề nếu như không có sự cẩn thận.
Có mặt tại chương trình, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho hay: "Năm nay, Bộ GD-ĐT dự kiến có một số điểm mới có lợi cho thí sinh (TS), đó là cho phép TS sử dụng thêm hình thức đăng ký dự thi trực tuyến thay vì chỉ đăng ký bằng phiếu giấy như năm 2020.
Điểm mới tiếp theo là TS được điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần nhằm giúp các em có thêm sự cân nhắc thấu đáo trước khi quyết định nộp hồ sơ, trong khi những năm trước chỉ được thay đổi nguyện vọng 1 lần. Mặc dù vậy, vẫn cần suy nghĩ thật kỹ trước khi điều chỉnh vì 3 lần chưa chắc đã giúp các em chọn đúng ngành nghề nếu như không có sự cẩn thận".
Ngoài ra, thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Tư vấn truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nhấn mạnh việc năm nay TS có thể đăng ký hồ sơ trực tuyến nên cần chuẩn bị hết sức kỹ càng thông tin cá nhân, số điện thoại, mật khẩu, mã ngành, mã trường... vì nhiều TS tự làm ở nhà không có người hướng dẫn, dễ bị sai sót.
Cân nhắc chọn ngành
Tiến sĩ Vũ Quốc Huy : Cần chọn đúng ngành, đúng trường mà mình yêu thích.
Tiến sĩ Vũ Quốc Huy, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Việt Đức, cũng cho rằng TS năm nay sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc lựa chọn ngành nghề nhưng vẫn phải dựa vào các yếu tố quan trọng như sở thích, sở trường, năng lực bản thân. "Cần chọn đúng ngành, đúng trường mà mình yêu thích. Nếu chọn sai thì có thể các em sẽ dở dang, phải nghĩ đến phương án khác, rất lãng phí thời gian và tiền bạc của bản thân, gia đình và xã hội", tiến sĩ Huy nói.
Với những điểm mới trong tuyển sinh năm nay và với tình hình dịch bệnh có thể có những diễn biến bất ngờ, tiến sĩ Mai Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh - truyền thông Trường ĐH Gia Định, cho rằng TS nên tập trung chọn ngành nghề sớm. "Về việc chọn ngành, theo kinh nghiệm, các em không nên chọn quá nhiều ngành vì sau khi biết kết quả thi, các em được điều chỉnh nguyện vọng tới 3 lần, lúc đó sẽ rất rối không biết nên điều chỉnh như thế nào", tiến sĩ Toàn lưu ý.
Nhiều ngành học mới, chương trình mới
Tiến sĩ Mai Đức Toàn: Các em không nên chọn quá nhiều ngành, vì sau khi biết kết quả thi, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng tới 3 lần.
Tiến sĩ Mai Đức Toàn cho biết năm nay Trường ĐH Gia Định tuyển 16 ngành với 2.500 chỉ tiêu ở 3 lĩnh vực chính là kinh tế quản trị, khoa học xã hội nhân văn và công nghệ thông tin. Trong đó có 5 ngành mới gồm thương mại điện tử, kinh doanh quốc tế, quan hệ công chúng, truyền thông đa phương tiện, logistics và quản trị chuỗi cung ứng. Trường đào tạo theo hướng ứng dụng, mỗi ngành học gắn liền với một doanh nghiệp.
Năm nay, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cũng xét tuyển những ngành mới như quan hệ công chúng, quản trị nhân sự, trí tuệ nhân tạo... trong tổng số trên 50 ngành đang được đào tạo tại trường.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM, cũng thông tin: "Năm nay trường xét tuyển 4 ngành mới là tài chính quốc tế, thiết kế đồ họa, bất động sản và tâm lý học. Chỉ tiêu ở phương thức dùng điểm thi tốt nghiệp THPT nhiều nhất, đến 75%. Còn lại là các phương thức dùng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, xét học bạ THPT lớp 12 và xét học bạ 5 học kỳ với đợt nhận hồ sơ học bạ đầu tiên từ 1.3".
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên: Chỉ tiêu ở phương thức dùng điểm thi THPT nhiều nhất, còn lại là các phương thức dùng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, xét học bạ.
Trong khi đó, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành lại triển khai đào tạo song ngành với những ngành giao thoa rất mới. "Trường chủ động xây dựng chương trình đào tạo để TS có thể hoàn thành 2 chương trình học ở 2 ngành để tiết kiệm hơn về thời gian và chi phí. Đó là những ngành có sự giao thoa với các ngành khác, giúp TS có thể học hơn một ngành để tăng cơ hội công việc sau này. Ví dụ, công nghệ thông tin với du lịch cho ra ngành du lịch số, công nghệ thông tin với quản trị kinh doanh cho ra chuyên ngành kinh tế số; ngoài ra còn có các ngành công nghệ tài chính, công nghệ tin sinh học, quản trị công nghệ sinh học...", tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Phó hiệu trưởng cho hay.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải thông tin, năm nay Trường ĐH Duy Tân đào tạo 50 ngành với 6.000 chỉ tiêu. TS có thể sử dụng các phương thức xét tuyển gồm xét tuyển thẳng, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ và sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Tiến sĩ Vũ Quốc Huy cho hay TS có nguyện vọng học các ngành về kỹ thuật và kinh tế, có thể dùng 4 phương thức xét tuyển để đăng ký vào Trường ĐH Việt Đức như tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của trường bằng bài thi TestAS vào ngày 15.5, dùng điểm học bạ 5 học kỳ với mức điểm trung bình các môn toán, lý, hóa, sinh, ngoại ngữ, văn học từ 7,5 trở lên. Bên cạnh đó là xét tuyển thẳng và xét tuyển dựa vào kết quả tốt nghiệp THPT.
Thạc sĩ Trần Mạnh Thái, Trưởng phòng Tuyển sinh - Truyền thông Trường ĐH Văn Hiến, cho biết năm nay trường xét tuyển 30 ngành, đáng chú ý là người học được miễn phí đào tạo chuẩn đầu ra tiếng Anh từ 5.0 - 7.0 IELTS.
Trả lời thêm về việc học Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn có cần phải giỏi tiếng Anh, thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh của trường, cho biết ở chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt sẽ không yêu cầu tiếng Anh đầu vào. Với chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, TS phải có IELTS 5.5 trở lên hoặc TOEFL 550. Trong trường hợp TS đậu vào trường mà không đạt tiếng Anh thì trong 12 tháng sẽ được nợ chứng chỉ này và chương trình tiếng Anh kỹ năng của trường sẽ hỗ trợ tiếng Anh để sinh viên có thể đạt chứng chỉ IELTS 5.5.
Thí sinh coi chừng rơi vào 'cạm bẫy ngọt ngào' Đó là lời khuyên của tiến sĩ Võ Thanh Hải trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến Chọn ngành học tương lai với chủ đề 'Những điểm mới trong tuyển sinh ĐH năm 2021'. Tiến sĩ Võ Thanh Hải - THANH HẢI Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, về quy chế tuyển sinh 2021...