Những điểm mới trong tuyển sinh Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2020
Thay đổi chính sách cộng điểm ưu tiên dựa trên chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, xuất hiện các mã xét tuyển và tổ hợp xét tuyển mới,… là những điểm mới trong tuyển sinh Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2020.
Năm 2020, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn áp dụng 2 phương thức tuyển sinh là xét tuyển thẳng và xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia.
Nhà trường vẫn áp dụng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào bằng việc xét học lực trong 3 năm THPT trước khi xét tuyển dựa trên điểm thi của tổ hợp xét tuyển trong kỳ thi THPT quốc gia 2020.
Về cơ bản, phương thức tuyển sinh năm 2020 của trường không có nhiều thay đổi so với năm 2019, tuy nhiên, có một số điểm mới đáng lưu ý đối với thí sinh.
3 mã xét tuyển mới
Ba mã xét tuyển mới này thuộc Chương trình Việt – Pháp (PFIEV), trước đây là Chương trình Kỹ sư Chất lượng cao. Thí sinh sau khi đã trúng tuyển vào trường ĐHBK Hà Nội nếu có nguyện vọng và đủ điều kiện sẽ được xét tuyển vào chương trình này.
Từ năm 2020, mỗi chuyên ngành đào tạo trong khuôn khổ Chương trình Việt – Pháp PFIEV sẽ xét tuyển trực tiếp dựa trên điểm thi THPT quốc gia của thí sinh với 3 mã xét tuyển là: 1/ TE-EP: Cơ khí hàng không; 2/ IT-EP: Hệ thống thông tin; 3/ EE-EP: Tin học công nghiệp.
Video đang HOT
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Thanh Hùng
Trình độ kỹ sư thuộc chương trình PFIEV đã được Ủy ban văn bằng Kỹ sư Pháp và Cơ quan kiểm định các chương trình đào tạo kỹ sư Châu Âu công nhận tương đương với trình độ thạc sĩ. Năm 2015, Bộ GD-ĐT cũng đã công nhận văn bằng kỹ sư PFIEV tương đương trình độ thạc sĩ trong việc xét tuyển học tiếp lên trình độ cao hơn (tiến sĩ). Kỹ sư PFIEV chỉ cần học một chương trình tương đối ngắn (4-6 tháng) để được cấp bằng thạc sĩ khoa học của Trường ĐHBK Hà Nội.
Thay đổi chính sách cộng điểm ưu tiên xét tuyển
Theo thông tin tuyển sinh dự kiến năm 2020, thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS từ 5.5 trở lên (hoặc quy đổi tương đương đối với các chứng chỉ khác) được cộng điểm khuyến khích vào tổng điểm xét tuyển (quy về thang điểm 30) cho các ngành, chương trình đăng ký xét tuyển với tổ hợp xét tuyển không có môn tiếng Anh. Đây là một điều chỉnh nhỏ về kỹ thuật nhằm đảm bảo sự công bằng cho thí sinh khi tham gia xét tuyển.
Còn năm 2019, khi thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 5.5 trở lên lựa chọn tổ hợp xét tuyển có môn tiếng Anh thì sẽ được cộng từ 0.125 điểm đến tối đa 1 điểm. Trong khi đó, nếu xét tuyển bằng tổ hợp môn không có môn tiếng Anh sẽ được cộng từ 0,25 đến tối đa là 2 điểm.
Một số ngành sẽ xét tuyển tổ hợp có môn tiếng Pháp, Nhật
Do đặc thù của một số ngành đào tạo, nhà trường xét tuyển thêm một số tổ hợp giúp thí sinh có thêm nhiều lựa chọn. Ví dụ, với tổ hợp Toán – Văn – Anh, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào các ngành Ngôn ngữ Anh (FL1, FL2), các ngành Kinh tế thuộc các chương trình hợp tác đào tạo quốc tế (EM-VUW, EM-NU) và các chương trình đào tạo quốc tế do nước ngoài cấp bằng (TROY-BA, TROY-IT)
Học sinh lựa chọn ngoại ngữ tiếng Pháp ở kỳ thi THPT quốc gia có thể sử dụng tổ hợp Toán – Lý – Pháp để xét tuyển vào các chương trình Việt – Pháp PFIEV như Cơ khí hàng không (TE-EP), Hệ thống thông tin (IT-EP) và Tin học công nghiệp (EE-EP), hoặc chương trình đào tạo quốc tế CNTT: Hệ thống thông tin (IT-GINP) thuộc chương trình hợp tác giữa nhà trường với ĐH Quốc gia Bách khoa Grenoble (CH Pháp).
Đặc biệt, từ năm 2020, học sinh lựa chọn ngoại ngữ tiếng Nhật ở kỳ thi THPT quốc gia có thể sử dụng tổ hợp Toán – Lý – Nhật để đăng ký xét tuyển vào các chương trình như: CNTT Việt – Nhật (IT-E6), Hệ thống nhúng thông minh và IoT (ET-E9) hoặc chương trình đào tạo quốc tế Cơ điện tử (ME-NUT) hợp tác giữa ĐHBK Hà Nội và ĐH Công nghệ Nagaoka (Nhật Bản).
Theo thông tin dự kiến đã công bố, năm 2020, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tuyển sinh khoảng 6.800 chỉ tiêu cho 58 mã xét tuyển thuộc các ngành và chương trình đào tạo. Con số này không thay đổi nhiều so với năm 2019.
Thanh Hùng
ĐH Bách khoa Hà Nội cộng điểm cho thí sinh đạt IELTS từ 5.5
Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS từ 5.5 được cộng điểm khi xét tuyển vào các ngành, chương trình với tổ hợp không có môn tiếng Anh.
Mức điểm khuyến khích tối đa là hai điểm (trên thang điểm 30). Ngoài ra, tại chương trình tư vấn tuyển sinh do Hệ thống Giáo dục Học Mãi tổ chức mới đây, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, trường dự kiến tuyển sinh 6.800 chỉ tiêu và giữ nguyên phương án tuyển sinh tương tự năm 2019: Xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 và xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thí sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế hoặc đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc được tuyển thẳng theo nguyện vọng vào một số ngành phù hợp với môn đạt giải.
Thí sinh đoạt giải trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia hoặc quốc tế được xét tuyển thẳng vào một ngành do Hội đồng tuyển sinh quyết định, căn cứ nội dung đề tài dự thi đã đoạt giải. Điều này nhằm định hướng và khuyến khích thí sinh phát huy thế mạnh của mình trong học tập và nghề nghiệp sau này, thầy Kiên nhấn mạnh.
Dự kiến thay đổi hệ số xét tuyển với môn Toán, Tiếng Anh
Trường dự kiến áp dụng xét tuyển môn Toán theo hệ số hai và môn Tiếng Anh theo hệ số 1,5 với một số chương trình tiên tiến giảng dạy bằng tiếng Anh. Nếu đề án được thông qua, trường sẽ áp dụng hệ số này nhằm tạo cơ hội cho thí sinh khi xét tuyển vào một số nhóm ngành". Học sinh cần cập nhật thông tin tuyển sinh chính thức để đưa ra lựa chọn chính xác.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh Đại học Bách khoa Hà Nội.
Chương trình học bổng tới 100%
Giải đáp lo lắng của học sinh về mức học phí, thầy Kiên nhấn mạnh về chương trình học bổng dành cho những sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt. Ông cho hay, mức học bổng có thể lên tới 50%, 100% học phí. Năm 2019, trường đã dành quỹ học bổng riêng cho khóa K64 là 45 tỷ đồng.
Ngoài việc cung cấp thông tin quan trọng về phương án tuyển sinh năm học 2020, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Trung Kiên và Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, giáo viên Vật lý - Hệ thống Giáo dục Hocmai còn "đọc vị" những sai lầm khi chọn ngành, chọn trường và đưa ra lời khuyên bổ ích.
Khi chọn ngành nghề, học sinh ngày nay bị chi phối bởi nhiều yếu tố, nhất là điểm đầu vào. Nhiều học sinh mặc định nhóm ngành điểm cao là nhóm ngành hot, tỷ lệ thuận với cơ hội nghề nghiệp sau này mà bỏ qua câu hỏi mang tính quyết định: "Mình thích hay phù hợp với ngành nghề nào".
Thầy Kiên lấy ví dụ: "Tại sao điểm của nhóm ngành CNTT thường cao. Đó là do quan hệ cung - cầu. Tuy nhiên, khi trực tiếp tư vấn tuyển sinh, tôi nhận thấy nhiều em chưa tìm hiểu kỹ về CNTT mà chỉ chọn vì thấy hay. Cũng có nhiều em thành công nhưng cũng không ít em chán nản với nghề".
Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Thành Nam cũng đưa ra lời khuyên, đa số học sinh Việt Nam bị chi phối bởi tên ngành. Các em cần suy nghĩ về công việc các em muốn làm trong tương lai, chọn ngành giúp các em thực hiện công việc đó và cuối cùng mới tìm trường đại học đào tạo ngành đó và phù hợp với năng lực. Thị trường sẽ thay đổi, biến động nhiều trong tương lai. Vì vậy, hãy chú trọng vào công việc mình yêu thích và hết mình với nó.
Thế Đan (vnexpress.net)
Hội bạn thân từ sinh viên Bách khoa đến cùng tốt nghiệp thạc sĩ ở Pháp Ngọc Ánh, Quy Đinh, Ngọc Thuý và Thu Bích là 4 cô gái trong nhóm bạn thân được nhiều người ngưỡng mộ khi 5 năm trước học cùng trường, 5 năm sau đã cùng nhau sang Pháp học thạc sĩ. Ngày 24/2, một cựu sinh viên Bách khoa gây chú ý khi chia sẻ khoảnh khắc về hành trình thay đổi ngoạn mục...