Những ‘đêm ác mộng’ trong phòng cấp cứu của bác sĩ New York
Lực lượng nhân viên y tế tại New York, Mỹ đang ngày đêm chiến đấu để giành giật sự sống cho bệnh nhân Covid-19.
Zing trích dịch bài dăng trên AP về sự khó khăn, vất vả của đội ngũ nhân viên y tế tại bệnh viện Saint Joseph, New York (Mỹ) giữa thời điểm dịch bệnh căng thẳng.
Một y tá liên tục ấn tay xuống ngực bệnh nhân trong khi 5 đồng nghiệp khác mặc đồ bảo hộ kín mít đứng xung quanh giường bệnh.
Đột nhiên, người y tá giơ cao 2 tay, lùi lại và nói: “Mọi người di chuyển, lùi ra đi”.
Ngay khi họ lùi lại, bệnh nhân được sốc điện, hai cánh tay co cứng và cả người rung giật. Sau đó, bệnh nhân được đặt máy thở. Anh đã được cứu sống – ít nhất là lần này.
Tuy nhiên, không phải ai cũng được may mắn như vậy ở bệnh viện Saint Joseph.
“Đó thực sự là ác mộng. Lượng bệnh nhân nhiều đến mức không thể tin nổi. Trong một ca làm việc, tôi đã phải tuyên bố 6 người tử vong”, bác sĩ Anthony Leno, trưởng khoa cấp cứu cho biết. Trước khi có dịch, trong mỗi ca trực kéo dài 10-12 tiếng, Leno chỉ chứng kiến khoảng 1 người tử vong.
Các nhân viên y tế nỗ lực cứu sống một bệnh nhân.
Bệnh viện tại thành phố Yonkers, một trong những khu vực nghèo nhất ở Westchester, đã bị virus corona vây hãm. Trong số 280 nhân viên bệnh viện, hơn một nửa đã dương tính với virus, 25-30 người khác đang đợi kết quả xét nghiệm, theo ông Dean Civilitello, phó giám đốc phụ trách nhân sự.
Phóng viên AP được phép tác nghiệp trong một khu vực cấp cứu của bệnh viện. Bác sĩ James Neuendorf cho biết có lúc có tới 28 người đang cùng được chờ điều trị và xe cứu thương cứ nối đuôi nhau chở bệnh nhân đến.
Nhân viên từ các bộ phận khác của bệnh viện được điều chuyển đến hỗ trợ quản lý bệnh nhân, nhiều khu vực điều trị cũng được bổ sung để tăng thêm 194 giường chăm sóc đặc biệt.
Video đang HOT
“Những điều chỉnh này để chúng tôi có thể phục vụ được lượng bệnh nhân tăng đột biến, con số lớn hơn nhiều lần chúng tôi thấy thường ngày”, bác sĩ Neuendorf nói.
Tại Westchester, hơn 900 người đã chết vì dịch bệnh trước khi Yonkers trở thành tâm dịch. Tại Saint Joseph, 85% bệnh nhân nhập viện từ 20/3 đến 19/4 có các triệu chứng liên quan đến Covid-19.
Các y bác sĩ tại bệnh viện Saint Joseph phải tiếp nhận lượng bệnh nhân khổng lồ do dịch bệnh.
Thách thức lớn đặt ra cho các nhà chức trách là việc người dân tại đây thường sống cùng nhau trong các ngôi nhà nhỏ, khiến việc cách ly người bệnh trở nên khó khăn.
“Ở đây có nhiều thành viên gia đình và hội nhóm. Thậm chí có những thành viên trong một gia đình tử vong chỉ cách nhau vài ngày”, bác sĩ Leno cho biết.
Tình hình nghiêm trọng đến mức bệnh viện phải dựng lều tạm bên ngoài từ 19/3 để đáp ứng nhu cầu xét nghiệm của người dân. Theo Catherine Hopkins, Giám đốc Quan hệ Cộng đồng và Y tế trường học của Saint Joseph, chỉ sau vài ngày, có 150-175 người tới khám mỗi ngày.
Ngay cả những người bình thường ít khi tìm đến các cơ sở y tế – do sợ mất thu nhập hay bị trục xuất – nay cũng đi khám khi chứng kiến ảnh hưởng của đại dịch.
“Họ đang sợ hãi. Người thân, bạn bè của họ đang chết dần”, bà Hopkins nói.
Những người có bệnh nền dễ mắc Covid-19 và tử vong hơn người bình thường.
Với hầu hết người mắc bệnh, virus corona gây ra các triệu chứng nhẹ hoặc trung bình sau 2-3 tuần song đối với một số người, đặc biệt là nhóm cao tuổi và có sức khỏe kém, các triệu chứng có thể nặng hơn và dẫn đến tử vong.
Không chỉ áp lực về lượng bệnh nhân, dịch bệnh còn khiến bệnh viện gặp nhiều khó khăn về tài chính. Giường bệnh và thiết bị cần phải được mua hoặc thuê để đáp ứng yêu cầu các bệnh viện tăng cường khả năng tiếp nhận bệnh nhân. Các dụng cụ, thiết bị bảo hộ cũng phải mua với mức giá cao hơn bình thường vì các nhà cung cấp khan hàng.
“Có rất nhiều người đang trục lợi. Một chiếc khẩu trang trước đây giá 50 cent thì giờ lên tới 7, 8 USD. Quần áo bảo hộ cũng vậy, tăng từ 50 cent lên 7 USD/bộ. Tấm chắn giọt bắn tăng từ 1,25 USD thành 25 USD/tấm. Chi phí hiện là một vấn đề quan trọng”, Frank Hagan, Giám đốc Tài chính của bệnh viện cho biết.
Vừa phải chăm sóc bệnh nhân, các nhân viên y tế vừa phải đối mặt với sự an nguy của bản thân.
Về phía các nhân viên y tế, họ cũng đang lo lắng cho sức khỏe bản thân song vẫn phải đảm bảo thực hiện tròn trách nhiệm công việc, nhất là khi có đồng nghiệp mắc bệnh.
“Mệt mỏi, căng thẳng. Chúng tôi phải chứng kiến người khác đau ốm, đầu hàng trước bệnh tật. Điều đó gây áp lực rất lớn lên cả thể chất và tinh thần”, y tá trưởng Margaret Cusumano, người trở lại làm việc khoảng 3 tuần sau khi mắc bệnh, chia sẻ.
Hiện, lượng bệnh nhân tới Saint Joseph đã ít đi. Dù vẫn còn nhiều người bệnh đeo khẩu trang tới mỗi ngày, các nhân viên y tế lạc quan rằng những điều tồi tệ nhất đã qua. Nhưng họ cũng lo ngại khi mọi người trở lại sinh hoạt bình thường, khả năng dịch có thể bùng phát trở lại.
“Họ nghe rằng đỉnh dịch đã qua đi nên nghĩ: ‘OK, đến lúc trở lại như bình thường rồi’. Không đâu, chưa thể được”, bà Hopkins nói.
Mai An
Nghiên cứu tiết lộ đáng buồn về các ca bệnh Covid-19 nặng ở New York
Phân tích lớn nhất về các bệnh nhân Covid-19 ở New York phải nhập viện cho đến nay cho thấy phần lớn những người bệnh bị biến chứng nặng phải đặt máy thở đều không qua khỏi.
Phần lớn những bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng phải đặt máy thở ở New York đều không qua khỏi.
Theo UPI, nghiên cứu bao gồm hồ sơ sức khỏe của 5.700 bệnh nhân Covid-19, nhập viện trong khoảng thời gian từ ngày 1 đến ngày 4/4 tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe của Northwell Health, hệ thống y tế lớn nhất của bang New York.
Trong số 2.634 bệnh nhân đã có kết quả chữa bệnh, tỷ lệ tử vong là 21%, nhưng tỷ lệ này tăng lên 88% đối với những bệnh nhân phải thở máy, Hiệp hội nghiên cứu Covid-19 của Northwell Health cho biết.
Phát hiện mới nói trên đã "cung cấp một cái nhìn sâu sắc và rất quan trọng về phản ứng ban đầu với bệnh Covid-19 ở New York", Tiến sĩ Kevin Tracey, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu y tế Feinstein cho biết trong một bản tin mới của Northwell Health.
Theo ông Tracey, phát hiện trên cũng giúp củng cố giả thiết rằng máy thở đôi khi có thể gây hại nhiều hơn là hỗ trợ cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng và đang phải chiến đấu để giành giật sự sống.
Máy thở cơ học hoạt động bằng cách đẩy không khí vào phổi của những bệnh nhân nguy kịch - những người không thể tự thở được nữa. Những bệnh nhân này phải được an thần và được đặt một ống khí thông qua cổ họng của họ.
Nhận thấy các biến chứng do sử dụng máy thở có thể xảy ra, một số đơn vị chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân Covid-19 đã bắt đầu trì hoãn việc đặt máy thở cho bệnh nhân lâu nhất có thể.
"Đó thực sự là một quyết định một là sống, hai là chết", bác sĩ Udit Chaddha - một bác sĩ chuyên khoa phổi tại Bệnh viện Mount Sinai ở thành phố New York cho biết và giải thích thêm rằng, việc đặt máy thở sớm đôi khi khiến bệnh tình của bệnh nhân xấu đi rất nhanh. Lý do là máy thở dễ khiến bệnh nhân bị suy yếu cơ hoành và tất cả các cơ khác liên quan đến việc hít thở, bác sĩ Chaddha cho hay.
"Bệnh nhân thở máy cũng có nguy cơ nhiễm trùng cao và nhiều người có nguy cơ bị biến chứng tâm lý", bác sĩ Chaddha nói thêm.
Những bệnh nhân Covid-19 phải thở máy cũng có nguy cơ bị tổn thương phổi cấp tính, một tình trạng gây ra do tràn phổi trong khi thở máy, bác sĩ Hassan Khouli, Chủ tịch đơn vị chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Cleveland ở Ohio bổ sung thêm.
Tuy nhiên, ông Khouli cũng cho rằng, phần lớn các bệnh nhân Covid-19 nguy kịch tử vong vì bệnh biến chứng quá nặng và phải cần đến máy thở để sống chứ không phải máy thở gây hại cho họ khiến họ tử vong.
"Tôi nghĩ phần lớn các ca tử vong không liên quan đến máy thở. Họ chết sau khi phải thở máy không nhất thiết là họ chết vì máy thở", ông Khouli nói.
Minh Nhật
Covid-19: Bị dồn vào chân tường, Mỹ phải "cầu cứu" Nga để mua máy thở Washington được cho là đã buộc phải phá vỡ các lệnh trừng phạt của chính họ đối với Moscow để có được nguồn cung cấp máy thở từ Nga vốn đang rất cần thiết đối với các bệnh nhân mắc Covid-19 ở Mỹ. Mỹ được cho là đã phải phá vỡ lệnh trừng phạt đối với Nga để mua máy thở giữa bão...