Những đặc sản độc lạ của vùng đất Madagui – Lâm Đồng
Cá trèn suối, cá lăng thượng nguồn, gà sống trên cây cùng các loại rau lạ đã khiến rừng Madagui trở thành điểm du lịch ẩm thực thu hút khách.
Nằm trên quốc lộ 20, Madagui cách TP HCM 152 km và là điểm giữa của cung đường từ Sài Gòn lên thành phố sương mù Đà Lạt. Tuy chỉ là một thị trấn nhỏ, thế nhưng đây lại là nơi đầu tiên khiến du khách cảm nhận được sự khác biệt giữa cái nóng của miền thấp với cái man mát nơi bậc thềm khí hậu miền cao. Madagui bắt đầu bằng những cánh rừng xanh bất tận, đồi núi trập trùng và những con suối cuồn cuộn chảy ven đường, nơi có nhiều người dân tộc Mạ sinh sống.
Tương truyền, cái tên Madagui của vùng đất này có gần trăm năm trước, khi những người Mạ đầu tiên đến đây, chọn con suối có dòng nước đỏ ngầu quanh năm chảy xiết thuộc thượng nguồn sông Đồng Nai làm nơi ăn chốn ở. Thức ăn thức uống của vùng đồi núi phía Nam Lâm Đồng cũng từ đó mà phong phú dần. Trong ảnh là loại cá trèn suối mà người Mạ xưa tự tìm thấy.
Đến Madagui dù mùa nào trong năm, ngoài mớ cá trèn, cá heo suối bắt từ con Suối tiên có dòng nước vàng ánh, thực khách còn được người địa phương đãi các món ăn làm từ cá lăng, một loại cá da trơn, nước ngọt. Nếu cá lăng miền xuôi được dùng để làm chả cá Lã Vọng, thì ở đây, cá thường được mang đi kho tộ ăn với cơm nấu từ gạo trồng trên đồi.
Cá lăng con to gần 5 kg cũng được mang đi chưng tương với bún tàu, nấm mèo, thịt ba rọi. Theo các đầu bếp của nhà hàng Muông Xanh thuộc khu du lịch rừng Madagui, cá lăng sống ở suối có thịt vừa thơm vừa chắc, phần mỡ giòn không ngấy như cá nuôi ở các hồ nước tĩnh lặng.
Bên cạnh cá lăng, cá chạch suối cũng là món ăn hiếm bởi không dễ tìm. Cá chạch suối thịt dai da mỏng, xương giòn như sụn, mang đi kho tộ, nấu canh chua lá giang, hay nấu lẩu măng rừng đều khiến người ăn hài lòng.
Cùng với các loại cá sống ở suối, gà nuôi trên cây cũng là một đặc sản. Do được nuôi thả trong các mé rừng, ăn thức ăn tự nhiên, vận động nhiều, gà ở đây có thịt chắc, da giòn. Chỉ cần luộc gà, lấy thân cây chuối rừng xắt khoanh trộn gỏi, đã có ngay món gỏi gà ít đâu sánh bằng.
Video đang HOT
Gà cũng được mang đi kho nghệ hay kho gừng. Dù lửa lớn hay hâm đi hâm lại nhiều lần, món gà ở đây vẫn giòn da và ngọt thịt. Món ăn phù hợp với cơm trắng, hoặc cũng có thể ăn cùng với các món rau.
Đến Madagui càng không thể bỏ qua món heo sinh thái, cách gọi của giống heo được lai giữa heo nhà và heo rừng, nuôi trong môi trường tự nhiên. So với heo nhà, loại heo này cho da giòn, thịt nhiều nạc ít mỡ, phù hợp với quay hoặc nướng.
Heo sinh thái còn được cắt miếng có cả da, ướp với gừng rồi mang đi hấp với củ hành tây và đầu hành chần. Chỉ cần chấm nước mắm hoặc chấm chao, món ăn đã đủ chinh phục người ăn khó tính bởi da giòn và mỡ không ngấy.
Thỏ nướng cũng là một trong những đặc sản của Madagui bởi miếng thỏ vừa giòn vừa thơm khi ướp muối sả rồi nướng trên bếp than hồng. Do thỏ ở đây được nuôi trong môi trường tự nhiên nên chất lượng thịt không thua gì thỏ rừng.
Các món ăn từ ếch như ếch xào lá lốt, ếch để da nướng mọi, ếch chiên giòn… cũng thu hút thực khách bởi ếch được bắt từ các khu vực ven suối nên thịt chắc và thơm.
Do khu vực này nhiều tre nứa, món cơm lam cũng được người Mạ dùng để đãi khách, tuy nhiên không giống món cơn nấu từ ống tre như ở miệt Gia Lai, cơm lam Madagui nấu bằng gạo nếp trồng trên đồi. Cơm nấu chín dẻo dẻo, rất ngon khi ăn cùng cá kho tộ hoặc gà nướng.
Cùng với các loài động vật, các loại rau rừng cũng góp phần làm cho ẩm thực của nơi đây thêm phong phú. Nhiều nhất và phổ biến nhất là rau nhiếp. Đây là loại rau có vị ngọt đăng đắng, mùi thơm đặc trưng. Người dân tộc thiểu số Madagui thường nấu canh hoặc luộc đãi khách. Loại cây rừng này vốn mọc khắp các cánh rừng trải dài từ cao nguyên Lâm Đồng xuống rừng Nam Cát Tiên thuộc tỉnh Đồng Nai. Theo các đầu bếp dân tộc, loại rau rừng này ăn rất tốt cho sức khỏe.
Đến Madagui, dù ngày trời hanh nắng hay ngày mưa rả rích, sẽ không còn gì thú vị hơn khi ngồi bên nồi lẩu cá lăng bốc khói hoặc bên vỉ thịt nướng than hồng, rồi vừa nhấm nháp chút rượu đặc sản nếp nương vừa nghe trong tiếng suối róc rách vọng lại từ phía thượng nguồn.
Theo Ngoi sao
Ngất ngây với đặc sản Trà Vinh
Theo ngôn ngữ Tây Nam Bộ, "chù ụ" là từ dùng để miêu tả khuôn mặt cau có, phụng phịu như đang giận dỗi.
Người ta cũng lấy tính từ này để đặt tên cho một loài giáp xác ở Trà Vinh, xuất phát từ chính hình dáng và đặc điểm của nó. Du khách nào lần đầu đến "xứ dừa" khi nghe nhắc đến chù ụ đều khá thích thú và tò mò.
Chù ụ thường sống ở những vùng biển bãi bồi, nước lợ, nơi dòng sông đổ ra biển, nhiều nhất là ở các huyện duyên hải tỉnh Trà Vinh. Nếu đem "nhan sắc" đọ với các loài giáp xác khác như cua, ghẹ, ba khía,... thì chù ụ "lép vế" hơn hẳn. Loài vật này có 2 càng lớn màu đỏ hoe, to kềnh càng, rất chắc mà lại nhiều thịt. Trên tấm mai nó có những vết hằn sần sùi giống như hoa văn dễ khiến người ta liên tưởng tới một khuôn mặt buồn thảm.
Theo ngôn ngữ Tây Nam Bộ, "chù ụ" là từ dùng để miêu tả khuôn mặt cau có, phụng phịu như đang giận dỗi của một người nào đó. Có lẽ vì bề ngoài thô kệch, cách di chuyển chậm chạp và mặt lúc nào cũng như vương vấn nét buồn nên người dân nơi đây dùng ngay tính từ này để đặt tên cho loài giáp xác.
Bắt được chù ụ cũng là một kỳ công bởi chúng tuy chậm chạp, lề mề nhưng lại biết ngụy trang, ẩn thân nên rất khó bắt. Dụng cụ bắt chù ụ chỉ cần một cái xẻng đào đất, nhưng quan trọng nhất vẫn là mắt nhìn và kinh nghiệm. Chù ụ ở rất sâu trong hang nên chỉ người lão luyện mới nắm bắt được hang nào có chù ụ, hang nào không để đỡ tốn công đào. Dù phải lội sâu vào các cánh rừng đước, đối mặt với đỉa, vắt và nhiều nguy hiểm khác nhưng một ngày người dân cũng chỉ bắt được nhiều nhất 2-3kg chù ụ.
Chù ụ có thể chế biến thành nhiều món ngon khác nhau
Theo người dân địa phương, ngon nhất vẫn là chù ụ "cốm" thường có vào khoảng tháng 2-3 âm lịch. Đây là mùa chù ụ lột vỏ nên thịt thơm ngon, béo ngậy hơn. Chính cái tên lạ lẫm của loài giáp xác này đã gợi cho du khách sự tò mò muốn thưởng thức. Thực khách yêu thích chù ụ nhờ vào những miếng thịt ngọt, săn chắc, lớp vỏ giòn, làm được thành nhiều món ngon hấp dẫn.
Trước khi chế biến, chù ụ được rửa sạch đất, cát, bỏ yếm rồi để ráo nước. Với bàn tay khéo léo và sự sáng tạo không ngừng, người Trà Vinh đã nấu được biết bao món ăn ngon từ loài giáp xác này. Du khách khi đến với Trà Vinh vẫn được giới thiệu đặc sản "chù ụ 4 món" gồm luộc, nướng, hấp bia và rang me.
Chù ụ có thể đem luộc với nước dừa xiêm để cho ra món ăn đậm chất Trà Vinh
Đơn giản nhất có lẽ là chù ụ luộc nước dừa xiêm. Trà Vinh vốn là "thiên đường" của những trái dừa xiêm ngọt lịm, nên có lẽ đây là món ăn mang đậm hương vị và bản sắc quê hương nhất. Người nấu chỉ cần đun sôi nước dừa xiêm rồi thả chù ụ đã sơ chế vào là được. Chờ một lúc, chù ụ chín chuyển màu đỏ rất bắt mắt. Món này ăn kèm rau sống, dưa chuột, cà chua... chấm muối tiêu chanh thì ngon hết ý. Thực khách sẽ cảm nhận được vị dừa thơm ngọt thấm đẫm trong từng thớ thịt đậm đà, ngọt vị. Món chù ụ hấp bia tuy đơn giản không kém nhưng cũng giúp thực khách cảm nhận được vị ngọt nguyên thủy của thịt chù ụ.
Sẵn bếp than hồng, muốn ăn món nóng giòn người ta đem chù ụ đi nướng. Không cần mất quá nhiều công, thực khách chỉ cần lưu ý trở đều tay đến khi chù ụ chín đều, mùi thơm lan tỏa khắp bốn bề. Cái ngon của chù ụ nướng là những chiếc càng giòn rụm, thịt chắc và ngọt, chấm cùng muối tiêu, muối ớt, vừa ăn chơi vừa nhâm nhi cùng vài chén rượu để rồi ăn mãi không thấy chán.
Chù ụ- cái tên nghe lạ tai nhưng cũng góp phần hấp dẫn thực khách
Cầu kỳ nhất và được thực ưa chuộng nhất là món chù ụ rang me. Chù ụ được thả vào chảo dầu đã phi hành tỏi thơm phức rồi đảo đều đến khi chuyển sang màu đỏ, mùi thơm bốc lên nức mũi thì nêm các gia vị, đường cho vừa miệng ăn. Sau đó người ta mới rưới nước cốt me lên rồi đảo thêm cho ngấm và bắc ra khỏi bếp.
Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận thấy vị ngọt của thịt quyện lẫn với vị chua của me tạo nên một món ăn hấp dẫn bất kỳ thực khách nào. Đặc biệt, vỏ chù ụ rất giòn nên người ăn có thể nhai luôn vỏ mà không sợ mẻ răng, hóc xương. Cũng như các loài tám cẳng hai càng khác, chù ụ chứa nhiều can-xi, nhất là phần vỏ.
Mới nhìn vào, thực khách đã có cảm giác thèm và không ngần ngại nếm thử.
Một món ngon trong dân gian nữa mà ít người biết tới, đó là mắm chù ụ. Chù ụ bắt về, rửa sạch rồi thả vào khạp da bò có pha sẵn nước muối, ủ khoảng 10 -12 ngày là có thể ăn được. Khi ăn, người ta thường rửa từng con bằng nước sôi ấm, tách mai, càng, chân, yếm ra từng phần. Cho tỏi, ớt, đường, khóm bằm nhuyễn, hoặc vắt nước cốt chanh vào trộn đều. Đây là món ăn đưa cơm rất hấp dẫn, không thể chối từ.
Ngoài chù ụ, vùng ven biển tỉnh Trà Vinh còn rất nhiều đặc sản như nghêu Nhà Mát, tôm sú Cồn Cù, đuông Chà là, cá kèo kho gợt, nước mắm rươi, rượu nếp Xuân Thạnh... Nếu có dịp về Trà Vinh, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức những đặc sản thơm ngon và hấp dẫn này.
Theo Dân Trí
9 đặc sản nổi danh Quảng Ngãi, đi xa là nhớ cồn cào Dù không phải cao lương mĩ vị nhưng những món ăn này mang sức hút to lớn khiến những người con xứ Quảng cứ đi xa là nhớ. 1. Don Ai ai cũng có thể chế biến một nồi don ngon ngọt ăn kèm với bánh tráng Quảng Ngãi. Món ăn tuy được chế biến rất đơn giản, không hề cầu kỳ, nhưng...