Những con số mỉm cười
Những thầy cô ở Trường Ngọc Yêu đến từng bản làng, gõ cửa từng nóc nhà, lấy hết những lời ruột gan để khuyên nhủ, động viên các học sinh đến lớp…
Các thầy cô giáo trong một chuyến vận động học sinh đến trường
Nhiều năm qua, mỗi khi bắt đầu năm học mới, các thầy cô cắm bản ở huyện miền núi Tu Mơ Rông (Kon Tum) lại bắt đầu hành trình vận động học sinh đến lớp. Để đảm bảo sĩ số và gieo con chữ, những lần đi vận động của các thầy cô cũng chìm trong sương mù và mưa núi.
Đội mưa đi vận động
Xuất phát từ TP.Kon Tum (Kon Tum) lúc 6 giờ nhưng phải đến 9 giờ chúng tôi mới đến trung tâm huyện lỵ Tu Mơ Rông. Từ huyện lỵ này phải vượt thêm 30 km nữa mới đến được Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Ngọc Yêu. Dù là vùng sâu nhất huyện, thế nhưng trường lại có tỷ lệ học sinh đến lớp cao nhất – đạt 100% sĩ số. Để có được con số mỉm cười ấy, các thầy cô ở ngôi trường này phải căng mình đi vận động học sinh.
“Thời gian thầy cô đi vận động đúng vào mùa mưa, đường đất thì trơn như đổ mỡ. Các thầy cô bị ngã xe là chuyện như cơm bữa. Thế nhưng cứ dựng xe dậy rồi lại đi vận động tiếp”
Thầy Hoàng Văn Hải, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Ngọc Yêu
Sau hơn 1 giờ vật lộn với đường rừng, cuối cùng Trường Ngọc Yêu cũng hiện ra dưới cơn mưa tầm tã. Thầy Hoàng Văn Hải, Hiệu trưởng, cho biết trường có 15 thầy cô giáo. Toàn bộ số giáo viên này đều ở các huyện xa về gieo chữ. Có người ở tận huyện miền núi Đăk Glei, có người ở TP.Kon Tum.
Các thầy cô giáo Trường Ngọc Yêu đến từng bản làng, gõ cửa từng nóc nhà – Ảnh: Đức Nhật
Khi kỳ nghỉ hè gần kết thúc, các thầy cô lục tục kéo nhau lên Ngọc Yêu chuẩn bị giáo án, ổn định sinh hoạt và lên nương rẫy vận động học sinh ra lớp. Thời điểm này đúng vào mùa mưa ở Tây nguyên nên hành trình đi vận động của thầy cô giáo chật vật không kém.
Năm học này nhà trường có 100 học sinh nhập học, trong đó 100% là học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số. Số học sinh này ở 8 thôn làng của xã. Thôn xa nhất cách trường đến hơn 10 km. Thời điểm nghỉ hè, các em học sinh thường lên nương rẫy phụ giúp cha mẹ, nên đến ngày đi học cũng thường quên đến lớp. Vì thế, 15 giáo viên của trường hằng ngày phải tỏa ra khắp các thôn làng đi vận động. 5 giờ chiều khi con gà lên chuồng đi ngủ, dân bản từ trên nương rẫy trở về cũng là lúc các thầy cô lên xe rẽ về các làng.
Video đang HOT
“Thời gian thầy cô đi vận động đúng vào mùa mưa, đường đất thì trơn như đổ mỡ. Các thầy cô bị ngã xe là chuyện như cơm bữa. Thế nhưng cứ dựng xe dậy rồi lại đi vận động tiếp. Những hôm mưa xối xả, tối mặt tối mũi nhưng để các em không bỏ học các thầy cô vẫn cố mặc áo mưa lên bản. Cũng có hôm mưa lớn quá, các thầy cô ngủ luôn tại nhà học trò, cùng ăn, cùng uống với họ”, thầy Hải chia sẻ.
Thầy giáo của bản
Chúng tôi đến làng Ba Tu 1 (xã Ngọc Yêu) vào giữa trưa nhưng cả làng còn đang chìm trong sương núi. Người cách người vài bước chân nhưng chẳng nhìn rõ mặt nhau. Ấy vậy mà thầy Võ Văn Cương vẫn bước phăm phăm. Cả 8 thôn làng, thầy Cương quen từng góc bếp, nóc nhà. Cũng phải thôi, 15 năm qua thầy Cương vẫn luôn miệt mài đến gõ cửa từng mái nhà vận động học sinh ra lớp.
Theo thống kê của nhà trường từ năm 2016 đến nay có 63 em tốt nghiệp THPT, 6 em quay về xã làm cán bộ, 9 em học trung cấp, 23 em đậu đại học và cao đẳng. Cũng từ những “con số mỉm cười” này mà xã Ngọc Yêu được mệnh danh là vùng đất hiếu học của H.Tu Mơ Rông.
Ngày mới ra trường (năm 2004), thầy giáo trẻ Cương phải lội rừng hơn 10 km mới đến được Trường Ngọc Yêu. Cũng có những lúc mệt nhoài, thầy Cương muốn bỏ hết để trở về nhà làm ruộng, nhưng khi đối diện với những ánh mắt trong veo như giọt mưa rừng, thầy lại giấu lòng mà ở lại.
Lúc bấy giờ cả học sinh lẫn phụ huynh còn mù mờ về con chữ. Buổi sáng thầy Cương dạy cho các em viết, tối thầy lại gặp phụ huynh để mở lớp “A Bờ Cờ”. Hôm nào thấy học sinh nghỉ nhiều, thầy lội bộ lên làng vận động học sinh. Những hôm mưa lớn, thầy Cương ngủ lại luôn trong làng. Tối, uống rượu với các phụ huynh, thầy dốc hết lòng khuyên bảo. Khi phụ huynh hiểu ra vấn đề cũng là lúc các em quay trở lại lớp.
Đến nay, thầy Cương nói tiếng Xê Đăng như gió. Cứ thế, chẳng kể ngày đêm, thầy không chỉ gieo chữ mà thầy bày luôn cả cách chăn nuôi, trồng trọt cho bà con ở đây. “Tôi thương tụi nhỏ quá, chúng cứ như cây trên rừng. Đầu đội mưa nhưng chẳng biết mưa là gì. Áo rách đấy nhưng chẳng biết lạnh là bao. Đến cả lúc lên lớp chúng vẫn đi chân đất, trong sương mù…”, thầy Cương nói rồi nhìn ra màn sương giăng kín bản.
Thầy Cương quen từng nóc nhà, góc bếp ở các thôn làng
Riết rồi thành quen, cả xã Ngọc Yêu có 8 thôn làng, thì ai ai cũng quen với dáng đi của thầy. Họ thương thầy như người con của làng.
Vào giữa làng, thầy Cương dắt chúng tôi ghé thăm nhà em A Khuôn (học sinh lớp 9), một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt của trường. Cha em bệnh nặng mất khoảng 3 năm nay. Một mình mẹ A Khuôn chật vật trên nương rẫy nuôi 2 con ăn học. Nhiều lúc khó khăn quá, Khuôn đã tính chuyện nghỉ học để theo mẹ cầm cây cuốc. Biết chuyện, thầy Cương liền đến tận nhà khuyên nhủ em cố gắng theo đuổi con chữ để thay đổi cuộc sống. Nghe lời thầy, A Khuôn đã quyết định tiếp tục đi học, theo đuổi con chữ.
Hôm nay mẹ Khuôn đi vắng, em ở nhà với bà nội. Thầy kéo Khuôn lại gần dặn dò: “Em đã chuẩn bị đầy đủ sách vở để đến lớp chưa. Nếu có khó khăn gì thì phải nói với thầy ngay, thầy sẽ tìm cách giúp đỡ. Dù thế nào cũng không được nghỉ học đâu nhé!”.
Nói đoạn thầy quay sang tâm sự với bà nội Khuôn bằng tiếng Xê Đăng, đại ý: Phải cho con em đi học để có kiến thức, từ đó các cháu mới có thể ổn định cuộc sống và xây dựng buôn làng. Hiện nay các cháu ở làng Ba Tu 1 rất chăm lo học tập. Gia đình nên nhắc nhở cháu chú tâm học hành để không tụt hậu so với các bạn…
Cuộc đối thoại bằng tiếng Xê Đăng cứ kéo dài ra mãi. Thế rồi khi nghe cái bụng thầy réo, bà nội Khuôn vội vàng đi nướng mấy trái bắp để đãi người thầy giáo đáng quý.
Những con số mỉm cười
Rời mái nhà sàn của A Khuôn, chúng tôi theo chân cô giáo Nguyễn Thị Hằng Nga tìm đến nhà của A Khuyến (học sinh lớp 7). Cô Nga kể nhà mình ở dưới TP.Kon Tum, cách trường hơn 100 km. Vì người chồng cũng rất bận rộn nên đến mùa đi học, cô Nga ôm theo hai đứa con lên trường để tiện chăm sóc.
Vì là giáo viên chủ nhiệm của Khuyến nên cô Nga rất tường tận gia cảnh của cậu học trò này. Cô kể rằng nhà Khuyến nghèo khó lắm. Từ ngày cha bệnh rồi mất vì ung thư, nhà Khuyến vốn đã nghèo nay lại càng khó khăn.
Cũng bắt đầu từ đó Khuyến luôn trong tâm trạng buồn rầu, không chú tâm vào việc học. Nhiều khi đến lớp Khuyến chỉ úp mặt xuống bàn khóc hoặc ngủ gật. Cũng có những hôm Khuyến theo mẹ lên nương quên cả đến lớp. Biết được hoàn cảnh của Khuyến, cô Nga đã tìm cách tiếp cận, an ủi để Khuyến quên chuyện buồn mà cố gắng học tập.
Cơn mưa ban sáng khiến con đường đất dẫn vào nhà Khuyến trơn tuột. Cô giáo dù đã chống gậy nhưng cũng vài lần loạng choạng ngã. Thế rồi cô Nga quay sang nói với chúng tôi như để giải thích: “Chuyện thường xuyên ấy mà”.
Thấy cô giáo đến thăm, A Khuyến chạy ra trước bậc thềm chào rồi dẫn khách vào nhà. Trong căn nhà trống hoác chẳng có gì giá trị ngoài vài chiếc nồi nhôm. Gió núi lùa qua khe hở trên vách gỗ vào nhà tê buốt. Khuyến ngồi co ro bên bếp lửa nghe cô giáo dặn dò chuẩn bị sách vở cho năm học mới.
“Cô cũng giống như mẹ của em vậy mà. Cô sẽ hỗ trợ hết sức để em được đến lớp”, cô Nga xoa đầu rồi nhìn Khuyến trìu mến.
Cứ thế, những thầy cô ở Trường Ngọc Yêu đến từng bản làng, gõ cửa từng nóc nhà, lấy hết những lời ruột gan để khuyên nhủ, động viên các học sinh đến lớp. Cũng nhờ những cuộc vận động trong mưa núi, sương mù này mà trường có tỷ lệ học sinh đến lớp cao nhất huyện.
Theo thanhnien
Tuyển sinh đầu cấp ở TP.Biên Hòa: Bớt áp lực về sĩ số
Năm học 2019-2020, dù số lượng học sinh đầu cấp ở TP.Biên Hòa tăng mạnh, nhất là học sinh lớp 5 lên lớp 6 nhưng sĩ số trung bình ở nhiều trường được duy trì ở con số hợp lý.
Phụ huynh xem danh sách trúng tuyển vào lớp 6 Trường THCS Trần Hưng Đạo (phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa). Ảnh: C.NGHĨA
Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Nguyễn Văn Trỗi (phường Long Bình Tân) Nguyễn Việt Long cho biết: "Năm nay trường phải tuyển sinh đợt 2 mới tuyển đủ 6 lớp 6 với 233 học sinh. Sĩ số trung bình là 39 học sinh/lớp, một sĩ số đảm bảo chất lượng dạy và học".
* Đảm bảo đủ lớp học
Các trường tiểu học và THCS ở khu vực phường Trảng Dài, Long Bình, Phước Tân những năm học trước thường có sĩ số rất đông, lên tới 50-55 học sinh/lớp. Năm học mới 2019-2020, tình hình đã được cải thiện. Bình quân sĩ số các trường chỉ ở mức 45-47 học sinh/lớp. Đây cũng là năm học có sĩ số học sinh trung bình/lớp thấp hơn so với những năm trước, mặc dù so với quy định số học sinh/lớp của Bộ GD-ĐT vẫn chưa đạt (bậc tiểu học không được quá 35 em/lớp và THCS không được quá 40 em/lớp).
Theo Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa, năm học 2019-2020 TP.Biên Hòa sẽ có thêm Trường THCS Tân Phong (hiện đã khởi công xây dựng). Khi hoàn thành sẽ giảm áp lực cho các trường THCS thuộc phường Trung Dũng, Tân Tiến, Trảng Dài. TP.Biên Hòa cũng đang xúc tiến để có thể sớm khởi công Trường THCS Tân Hòa nhằm giảm áp lực cho những trường lân cận thuộc 2 phường Tân Biên, Hố Nai.
Năm học 2019-2020, trên địa bàn phường Trảng Dài không có thêm trường học nào được xây mới, nhưng các trường có thể hỗ trợ cho nhau mượn lớp học để đảm bảo đủ số phòng học, hạn chế việc dồn học sinh quá đông trong một lớp và phải tổ chức học ca ba làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Dự kiến Trường tiểu học Trảng Dài 2 được Trường THCS Trảng Dài kế bên cho mượn 16 lớp học và Trường THCS Trường Sa cho mượn 3 lớp.
Còn tại phường Tân Hiệp, dự kiến sĩ số học sinh trung bình vào khoảng 45 em/lớp do nhà trường tiếp tục thực hiện phương án thuê mướn 18 phòng học của Trường cao đẳng thống kê 2 nằm gần trường. Tương tự, Trường tiểu học Phan Đình Phùng (phường Long Bình) năm học này cũng có sĩ số học sinh trung bình khá "dễ chịu" so với mọi năm nhờ giải pháp... đi mượn 24 lớp học của Trường tiểu học Bình Đa.
Còn tại Trường THCS Phước Tân 2 (phường Phước Tân), tỷ lệ học sinh trung bình ở 3 lớp 6 trong năm học mới 2019-2020 chỉ 37 học sinh, thấp hơn 3 em so với quy định của Bộ GD-ĐT về sĩ số tối đa với bậc THCS. Theo Ban giám hiệu Trường THCS Phước Tân 2, việc sĩ số học sinh từ 35-40 em/lớp là cơ hội để giáo viên nâng cao chất lượng dạy và học cho học sinh.
* Không để tái diễn lớp học ca ba
Theo Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa, năm học 2019-2020 toàn thành phố tăng 13,5 ngàn học sinh so với năm học trước, trong đó bậc học tăng mạnh nhất là THCS với trên 5.800 học sinh, bậc tiểu học là 4.400 học sinh và bậc mầm non là 3.300 học sinh. Các phường có mức độ tăng cao là Trảng Dài, Long Bình, Tân Biên, Hố Nai, Tân Hòa, Phước Tân. Đa số các trường ở những địa bàn "nóng" đều đảm bảo từ 45-47 học sinh/lớp, chỉ có 3 trường thuộc khu vực Hố Nai, Tân Biên, Tân Hòa là có sĩ số trung bình/lớp cao (hơn 50 học sinh/lớp).
Phó trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa Bùi Văn Phượng cho biết, tổng sĩ số học sinh năm học 2019-2020 đã tăng rất mạnh so với năm học trước, tuy nhiên điều đáng mừng là sĩ số trung bình học sinh/lớp đã được kiểm soát.
Lý giải về việc lượng học sinh đầu cấp của các cấp học đều tăng mạnh so với năm học trước nhưng sĩ số học sinh trung bình/lớp không tăng, ông Bùi Văn Phượng cho hay năm nay nhiều phụ huynh có con đến tuổi vào lớp 1 và 6 đã chủ động đăng ký sớm vào các trường ngoài công lập. Chỉ riêng học sinh vào lớp 6 các trường ngoài công lập đã là gần 2.500 học sinh.
Bên cạnh đó, Phòng GD-ĐT đã chủ động phối hợp với các phường, xã nắm số lượng học sinh đến tuổi ra lớp, phân luồng học sinh ngay từ đầu đồng thời làm việc với các trường ở những "điểm nóng" để bố trí đủ lớp học cho học sinh, không để sĩ số một lớp quá đông hay phải tái diễn tình trạng học ca ba.
Công Nghĩa
Theo baodongnai
Gia Lai: Sinh viên dạy học, dạy bơi miễn phí cho học sinh vùng cao dịp hè Trong chiến dịch mùa hè xanh, hơn 24 sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai (TP. Pleiku, Gia Lai) đã vào hai làng Thông Ngó, Thông Yố (xã Ia Kênh, TP. Pleiku) để dạy văn hóa và dạy bơi cho các trẻ em người Jrai. Kết thúc những tháng học vất vả, các sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh...