Những con số ấn tượng về giáo dục thế giới
Hong Kong là nơi đắt nhất, phụ huynh chi hơn 131.000 USD cho việc học của con từ bậc tiểu học đến đại học.
Học sinh nước nào có ít giờ học nhất? Phụ huynh ở đâu chi nhiều tiền nhất cho đồ dùng học tập? Quốc gia nào có thời gian đi học trung bình của học sinh lên đến 23 năm? BBC tổng hợp con số ấn tượng về hệ thống giáo dục thế giới.
Phụ huynh Mỹ chi bao nhiêu tiền mua dụng cụ học tập cho con?
Tại Mỹ, một gia đình trung bình hiện nay bỏ ra khoảng 685 USD cho đồ dùng học tập của con từ lớp mẫu giáo đến trung học, tăng gần 250 USD kể từ năm 2005. Năm 2018, tổng tiền chi cho dụng cụ học tập của học sinh Mỹ vào khoảng 27,5 tỷ USD. Nếu cộng cả bậc đại học, con số này lên đến 83 tỷ USD.
Mặt hàng đắt nhất là máy vi tính với mức chi trung bình là 299 USD cho mỗi hộ gia đình. Quần áo xếp ngay sau ở mức 286 USD, tiếp theo là đồ điện tử như máy tính bảng và máy tính bỏ túi ở mức 271 USD. Cuối cùng là những vật dụng cơ bản như tập đựng hồ sơ, sách, bút nhớ dòng…, chiếm 112 USD. Mức chi cho dụng cụ học tập đang trên đà tăng từ năm 2018 trở đi, theo Statista.
Học sinh tiểu học Đan Mạch dành nhiều hơn 200 giờ ở trường so với mức trung bình
Số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD)chỉ ra, trong 33 nước phát triển, học sinh tiểu học ở Nga có số giờ học mỗi năm ít nhất, chỉ trên 500 (mức trung bình thế giới là 800 giờ). Con số này tương đương với khoảng 5 giờ học mỗi ngày, giữa các tiết có thời gian giải lao, năm học kéo dài 8 tháng. Tuy nhiên, điều đó không khiến chất lượng giáo dục của Nga bị ảnh hưởng nhiều, bởi tỷ lệ biết chữ đạt gần 100%.
Học sinh tiểu học Nga dành ít thời gian ở lớp nhất thế giới. Ảnh: The Moscow Time
Ngược lại, Đan Mạch đòi hỏi học sinh tiểu học dành khoảng 1.000 giờ trong lớp học. Một ngày học ở đất nước này cũng kéo dài hơn. Đan Mạch liên tục lọt top 5 thế giới về giáo dục, chứng minh ngày học dài cũng mang lại một số lợi ích nhất định.
Nếu bạn đang tìm kiếm một nền giáo dục giá rẻ, hãy bỏ qua Hong Kong
Tổng chi phí một gia đình phải bỏ ra để cho con đi học có thể chênh nhau đến 100.000 USD. Sau khi cộng tiền học phí, sách vở, phương tiện đi lại, chỗ ở từ tiểu học lên đến đại học, Hong Kong được xem là nơi đắt nhất thế giới. Phụ huynh Hong Kong chi trung bình 131.161 USD cho việc học của con, ngoài học bổng, khoản vay hoặc hỗ trợ của nhà nước.
Video đang HOT
Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất xếp thứ hai với mức chi khoảng 99.000 USD, tiếp theo là Singapore (71.000 USD) và Mỹ (58.000 USD). Dù chi phí ở đại học Mỹ tăng cao, trung bình phụ huynh chỉ bỏ ra khoảng 23% số tiền mỗi năm. Những con số này quá cao so với Pháp, nơi phụ huynh chi khoảng 16.000 USD cho toàn bộ việc học của con.
60.000- 80.000 cây bị chặt mỗi năm để sản xuất bút chì
Ngay cả trong thời đại thực tế ảo, công nghệ in 3D hay máy bay không người lái, bút chì vẫn là dụng cụ thiết yếu ở các trường học khắp thế giới. Ngày nay, hơn 400 năm sau khi bút chì được phát minh, ước tính 15-20 tỷ cây bút được sản xuất mỗi năm.
Cây tuyết tùng ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương là nguồn vỏ bút chì phổ biến nhất ở Mỹ, trong khi hầu hết nguyên liệu làm ruột chì được khai thác ở Trung Quốc và Sri Lanka. The Economist thông tin, khoảng 60.000-80.000 cây bị chặt mỗi năm để duy trì nguồn cung cấp bút chì cho cả thế giới.
Học sinh Australia dành một phần tư cuộc đời để đi học
Australia có tổng thời gian trung bình một người dành ra để đến trường từ cấp tiểu học đến hết đại học dài nhất, 22,9 năm, tức từ 6 tuổi đến khoảng 28 tuổi.
Ở cuối danh sách là Niger, nơi học sinh thường bắt đầu vào tiểu học ở tuổi lên 7. Quãng thời gian đi học trung bình của quốc gia Tây Phi này là chỉ 5,3 năm, cách biệt với Australia đến 17 năm, theo Global Innovation Index.
Thùy Linh
Theo Vnexpress
Gian nan hành trình gieo chữ nơi ngôi trường đặc biệt ở Hà Tĩnh
Giáo viên phải trèo đèo, lội suốt, đi bộ nhiều cây số để vận động các em đến trường. Vận động được các em đi học đã khó, giữ chân các em ở lại theo học còn khó gấp bội. Không ít lần những giáo viên ở trường THCS và THPT Dân tộc Nội trú Hà Tĩnh phải "đứng tim" vì học sinh "biến mất".
Nửa đêm thắp đuốc đi tìm học sinh
Thầy Đặng Quốc Hoàn (giáo viên dạy THCS, thuộc trường THCS và THPT Dân tộc Nội trú Hà Tĩnh) là một trong những giáo viên gắn bó từ rất lâu với ngôi trường này.
"Khó khăn, vất vả nhất là giai đoạn từ năm 1996 đến 2010, bởi lúc này có thêm bậc tiểu học. Các em đang rất nhỏ dại, ngây thơ và "hoang dã" nên việc dạy cũng như thích nghi với cuộc sống mới là rất khó khăn", thầy Hoàn cho biết.
Thầy Đặng Quốc Hoàn bên những học sinh trường THCS và THPT Dân tộc Nội trú Hà Tĩnh.
Đến nay đã 22 năm xây dựng và phát triển nhưng có lẽ trong ký ức của những thế hệ người cầm phấn ở ngôi trường này cũng như bản thân thầy Hoàn sẽ không bao giờ quên những kỷ niệm "nhớ đời" về các em học sinh nơi đây.
Đó là những ngày đi bộ gần 10 cây số, đi qua những con đường đèo ngoằn ngoèo hiểm trở để vào vận động các em đồng bào dân tộc Chứt đi học.
"Trong những năm đầu thành lập trường, chúng tôi phải vào tận bản Rào Tre để tuyên truyền vận động các bậc phụ huynh cũng như các em để đưa các em đến trường để học chữ. Do người Chứt vừa mới được phát hiện nên họ sống còn rất bản năng. Để thuyết phục các em đến trường đôi lúc phải "cắm bản" cả tuần", thầy Hoàn cho biết.
Vận động được đi học đã khó, giữ chân các em ở lại theo học còn khó gấp bội.
Và đã không ít lần những giáo viên nơi đây đã "đứng tim" khi bỗng chốc không thấy học sinh của mình ở đâu.
"Năm học 2003 - 2004 khi vừa đón các em đến nhập học. Tối hôm đó sau khi ăn cơm xong, rồi tổ chức trò chơi, sau đó về phòng ngủ. Đến khoảng 9h đêm, lúc đi kiểm tra thì phát hiện có 5 em học sinh đã biến mất. Chúng tôi phải thắp đuốc để đi tìm cả đêm", thầy Hoàn vẫn "sởn" da gà khi nhớ lại.
Cũng theo thầy Hoàn thì việc học sinh bỏ trường quay trở về bản là chuyện xảy ra gần như thường xuyên. Đặc biệt là các em mới nhập học còn rất nhớ nhà.
Quả ngọt...
Trải qua 22 năm với biết bao thăng trầm nhưng bằng tình thương và trách nhiệm của người giáo viên thì quá trình "trồng người" cũng đã bắt đầu cho quả ngọt.
Từ những đứa trẻ chỉ biết nói tiếng bản địa, sau nhiều năm rèn luyện, các em đều đã đọc thông viết thạo.
Thầy Mai Văn Hải, Phó Hiệu trưởng trường THCS và THPT Dân tộc Nội trú Hà Tĩnh cho biết: "Ngoài thời gian học kiến thức trên lớp thì nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa, các hoạt động để các em tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc, tuyên truyền về vấn đề hôn nhân cận huyết.... Nhờ vậy mà các em đã dần dần hòa hợp và khoảng cách giữa các em đã thu hẹp lại".
Thầy Mai Văn Hải, Phó Hiệu trưởng trường THCS và THPT Dân tộc Nội trú Hà Tĩnh
Tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp và vào các trường đại học tăng dần theo từng năm. Nhiều em được kết nạp vào Đảng ngay tại trường.
"Trong 2 năm học vừa qua (2016 -2017 và 2017-2018) các em đều đậu tốt nghiệp 100%, có nhiều em đậu vào các trường đại học thuộc nhóm tốp đầu cả nước như trường Quân sự... Và đặc biệt trong năm học vừa qua có 2 em học sinh được kết nạp vào Đảng", thầy Hải vui mừng cho biết.
Bao lớp thế hệ học sinh đã trưởng thành
Điều quan trọng là các em đã được trau dồi những kiến thức, những kỹ năng sống. Và giờ đây các em đã có đủ sự nhận thức, chín chắn để bước vào một cuộc sống mới, trở thành những công dân có ích cho đất nước.
Xuân Sinh
Theo Dân trí
Phụ huynh phản biện cách đánh vần của GS Hồ Ngọc Đại Nguyên tắc chính của ngữ âm là một âm ứng với một ký tự, nhưng cách đánh vần của GS Hồ Ngọc Đại vi phạm hoàn toàn. Mấy ngày nay tôi nghe các phản biện về cách học Tiếng Việt theo chương trình sách công nghệ. Với tư cách phụ huynh có con sắp bước vào năm học đầu tiên bậc tiểu học,...