Những câu chuyện truyền cảm hứng trong gala Cất cánh 2020
Một cô gái từ vùng núi Lào Cai lội ngược dòng giành học bổng quốc tế Erasmus, một cậu học trò 8 tuổi đi bộ từ núi Trà My vác theo cây măng rừng tặng bà con Đà Nẵng trong vùng cách ly… là những nhân vật truyền cảm hứng tại Gala Cất cánh 2020.
Gala Cất cánh 2020 quy tụ nhiều nhân vật truyền cảm hứng từng xuất hiện ở những chương trình Cất cánh trong năm nay
Tối 19-12 tại Đài truyền hình Việt Nam (45 Nguyễn Chí Thanh, Ba Đình, Hà Nội) đã diễn ra Gala Cất cánh 2020.
Lên sóng lần đầu tiên vào ngày 18-3-2018, đến nay (sau 3 năm lên sóng), chương trình Cất cánh đã đón gần 200 diễn giả chia sẻ những câu chuyện cá nhân của riêng họ, truyền đi ngọn lửa của khát vọng vươn lên trong cuộc sống.
Tại gala năm nay, khán giả có dịp nhìn lại một năm 2020 đầy biến động, những điều không vui – thiên tai và dịch bệnh ập đến, nhưng trong hoàn cảnh đó vẫn bừng sáng nghị lực vươn lên.
Ở đó, tình người vẫn tỏa sáng đẹp đẽ và những nỗ lực không ngừng nghỉ của những cá nhân hoạt động vì cộng đồng đã được công nhận.
Đó còn là câu chuyện của cô gái Chảo Yến từ vùng núi Lào Cai đã giành học bổng quốc tế Erasmus và trở thành cầu nối văn hóa cho trẻ em quê mình.
Hay câu chuyện cậu học trò Khiết 8 tuổi ở Quảng Nam đi bộ từ núi Trà My vác theo cây măng rừng tặng bà con Đà Nẵng trong vùng cách ly qua lời kể của thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ… Rồi sau đó, chính bà con Đà Nẵng cùng nhân dân cả nước lại vượt lũ, vào với Trà My để cứu trợ tháng 11-2020 vừa qua.
Ông Nguyễn Ngọc Thảo (thôn Tân Hà, Đại Lãnh, Đại Lộc, Quảng Nam) chia sẻ câu chuyện từ vùng lũ: “Ngày lũ, có căn nhà kiên cố để bà con tới lánh nạn, nhìn xung quanh toàn là nước nhưng trong nhà vẫn ấm áp tình người”
Phạm Thị Hương Giang – người sáng lập mô hình Nhà chống lũ – chia sẻ về những điều tích cực mà dự án đã thực hiện trong năm qua
Video đang HOT
Nhà báo Mai Anh chia sẻ về những điều kỳ diệu giúp chúng ta “vượt bão”
Lời cảm ơn năm 2020 của Nguyễn Văn Thanh Sơn – nhân vật truyền cảm hứng từng xuất hiện trong Cất cánh tháng 9-2020: “Con biết ai cũng có những nỗi đau riêng, nhưng hãy mỉm cười và đối mặt với nó”
Chảo Yến – cô gái từ vùng núi Lào Cai lội ngược dòng giành học bổng quốc tế Erasmus – chia sẻ về câu chuyện lội ngược dòng của mình. Hiện Yến đang điều hành homestay mang phong cách truyền thống dân tộc Tây Bắc, hướng đến bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và động vật hoang dã
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng gửi lời cảm ơn 2020: “Chúng ta đã nhìn thấy những hình ảnh tốt đẹp trong một năm đầy biến động. Hy vọng năm tới chúng ta cùng nắm tay nhau vượt qua khó khăn để tạo nên những kỳ tích tốt đẹp hơn”
Cậu bé Nguyễn Văn Thanh Sơn được tặng cây đàn ghita tại Gala Cất cánh 2020
Những nhân vật truyền cảm hứng trên đường băng Cất cánh 2020
Người thầy vùng rốn lũ
Suốt hơn 1 tháng bão, lũ dồn dập đổ vào miền Trung, thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ không có mặt ở nhà. Dù ruột gan cũng rối bời lo âu khi biết vợ con vất vả tự xoay xở chống bão, nhưng về nhà lúc này sao đặng khi bà con ở Trà Leng, Nam Trà My đang rất cần đến thầy.
Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ (bìa phải) trao tặng tiền hỗ trợ bà con xã Trà Leng, Quảng Nam, bị bão số 9 làm hư hại tài sản
Người điều phối tình thương
Những ngày bão lũ, điện thoại thầy Vỹ luôn trong trạng thái "cháy máy". Ngày cao điểm, có cả trăm cuộc gọi đến và rất nhiều tin nhắn hỏi han, cung cấp thông tin, xin được hỗ trợ... Thầy tự mình tìm đến quan sát thực tế, đối chứng thông tin, kết nối các đoàn cứu trợ với người dân và chính quyền địa phương.
Thương bà con, lo tạo điều kiện thuận lợi cho những mạnh thường quân, trăn trở làm sao để tái lập cuộc sống nhanh nhất cho người dân vừa bị trôi nhà, tốc mái, sạt lở, thầy Vỹ chỉ ước mình có "thêm tay, thêm chân" để kịp "chạy đua" với thời gian và thời tiết.
Những tiếng cầu cứu trong đêm, ánh mắt vô hồn của những người vừa mất cả gia đình và tài sản sau bão lũ khiến thầy đau đáu không yên. Có những ngôi làng ở Trà Leng, Trà Vân bị cô lập suốt 5 ngày, đường đi nhiều nguy cơ sạt lở, điện thoại không bắt được sóng, vậy mà thầy Vỹ cùng các bạn của mình vẫn tìm cách tiếp cận được.
Tận mắt chứng kiến những hình hài bị vùi lấp trong đổ nát, bản thân cũng trải qua những giây phút cận kề cái chết như lúc may mắn nhanh chân chạy kịp khỏi trận sạt lở ở gần thủy điện Sông Tranh 2. Có nhiều lúc thầy Vỹ không khỏi rùng mình, tự nhủ "xong chuyến này chắc nghỉ", nhưng thấy bà con mất mát tang thương quá, thầy lại xông xáo lên kế hoạch cho những ngày tiếp theo.
Nam Trà My là địa bàn có 10 xã, dân cư thưa thớt. Có đợt thầy Vỹ cùng mấy người bạn phải đi bộ gần một ngày đêm, chân sưng tấy, cứng đờ, mới đến được các điểm trường bị sạt lở. Những hôm mưa to xối xả, không thể di chuyển xa, buộc phải bó gối ở ký túc xá, thầy vẫn lên trang cá nhân thông tin tình hình tại chỗ, cảnh báo những đoạn có nguy cơ sạt lở cho các đoàn.
Chưa yên tâm, thầy mặc áo mưa ra đứng hẳn ngoài trục đường chính để gặp đoàn cứu trợ nào đi qua thì nhắc nhở, dặn dò, tránh cảnh đi cứu trợ cuối cùng lại trở thành người cần ứng cứu.
Ròng rã hơn 1 tháng bão, lũ tàn phá miền Trung, đôi chân của người thầy giáo tiểu học 41 tuổi đã dẫn hàng ngàn đoàn thiện nguyện tiếp cận với bà con cần giúp đỡ ở Nam Trà My.
Là người thông thuộc địa bàn, thầy Vỹ nắm rất rõ bà con vùng nào đang cần gì, khó khăn hiện tại của họ ra sao, hộ dân nào còn chưa được hỗ trợ, từ đó cung cấp thông tin giúp các đoàn thiện nguyện dễ dàng chọn đúng địa điểm, đối tượng và có phương thức vận chuyển, đi lại phù hợp. Khi đã kết nối các đoàn với chính quyền địa phương và người dân, thầy Vỹ coi như đã xong nhiệm vụ của mình và rút lui để tiếp tục hướng dẫn các đoàn cứu trợ khác. Vì vậy mà mọi người yêu mến gọi thầy là "người điều phối tình thương".
Người thầy mùa đông
Bao thế hệ học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) đã quen thuộc với hình ảnh người thầy giáo có vóc dáng mảnh dẻ, nhiều tài lẻ và rất thương học trò. Bão số 9 vừa đi qua, thầy cất công tìm hiểu hoàn cảnh những em có gia đình gặp nạn, kết nối các mạnh thường quân để kịp thời hỗ trợ.
Biết tin 4 anh em cậu sinh viên Hồ Văn Trí (ở Trà Leng) trở thành trẻ mồ côi cả bố lẫn mẹ chỉ sau 1 đêm, thầy Vỹ đã tìm đến với các em ngay sáng hôm sau. Vài triệu đồng quyên góp được ngay lúc đó không lớn, nhưng là nguồn động viên tinh thần mà thầy muốn trao gửi, giúp các em vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Sau bão lũ, nhiều trường bị sập, tốc mái. Thầy đã tích cực kêu gọi các tổ chức thiện nguyện, các nhà hảo tâm hỗ trợ xây sửa tạm, chỉnh trang lại cơ sở vật chất để thầy cô và học sinh nhanh chóng quay lại trường học.
Trường Tiểu học Trà Leng được hỗ trợ 100 triệu đồng để xây dựng lại khu bếp ăn phục vụ 340 học sinh dân tộc bán trú. Điểm trường Tú Nất (thôn 5, Trà Cang) bị sập, thầy Vỹ và các mạnh thường quân lên phương án tận dụng gỗ cũ, ván cũ, xẻ thêm gỗ, mua tôn mới, đào nền và mua thêm gạch để sửa sang.
Với sự kết nối của thầy, nhiều điểm trường khác như Man Dí, Man Linh, Tăk Linh... đã được khoác lên màu tôn mới. Các em học sinh đến trường không sợ lạnh, sợ trơn vì đã có áo ấm mùa đông cùng giày dép, mũ, tất từ các nhà hảo tâm. Ngay sau bão lũ, nhiều điểm trường đã rộn rã tiếng cười nói trẻ thơ.
Trong cuộc thi viết chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, bài viết "Người thầy mùa đông: Nguyễn Trần Vỹ" của em Nguyễn Ngọc Trân Châu (lớp 7/1 Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Mai) đã để lại nhiều cảm xúc.
Trong tâm trí cô học trò miền núi, hình ảnh thầy Vỹ gắn liền với những túi đồ ăn, nước uống, bánh kẹo và cháo dinh dưỡng cho các bé mầm non, các bạn học sinh trong những căn nhà trú tạm, giúp các em ấm bụng và bớt sợ hãi giữa cơn cuồng nộ của thiên nhiên.
Cái "tình" là sợi dây gắn kết giữa thầy Vỹ với học sinh và bà con nơi đây. Gia đình ở thị trấn Tam Kỳ, biết thầy đi dạy cách nhà cả trăm cây số, nhiều người tỏ vẻ ái ngại, thầy Vỹ chỉ mỉm cười: "Chắc sẽ ở đây cho đến khi về hưu", bởi những con đường chênh vênh đầy đất đá, những xoáy nước nguy hiểm mỗi mùa mưa bão đã níu chân thầy.
Thầy thương những đứa trẻ miền núi đi học còn nơm nớp lo cái ăn cái mặc, đến được trường có khi quần áo đã lấm lem.
Nhiều năm nay, vợ và các con thầy đã quen với những ngày thứ bảy, chủ nhật không có bố ở nhà. "Ban đầu mình cũng không vui vì ai chẳng muốn có những giây phút đoàn viên bên gia đình, nhưng anh ấy làm việc thiện bằng cả tấm lòng, mình cũng tự thấy nên ủng hộ chồng" - vợ thầy Vỹ, cô Nguyễn Thị Thùy Dương (Hiệu phó Trường Tiểu học Nguyễn Hiền, Tam Kỳ, Quảng Nam), chia sẻ. Ít khi nói những lời "có cánh", nhưng từ trong sâu thẳm, thầy Vỹ luôn thầm cảm ơn vợ, các con và ông bà ngoại đã gánh vác việc gia đình để mình yên tâm đi "vác tù và hàng tổng".
Kết nối những tấm lòng thiện nguyện
6 năm nay, Câu lạc bộ (CLB) Kết nối yêu thương ở Nam Trà My do thầy Vỹ làm chủ nhiệm đã đi vào hoạt động hiệu quả với trên 70 thành viên thuộc nhiều ngành nghề, nòng cốt là giáo viên và cán bộ địa phương. Việc làm đầu tiên khi nhóm mới thành lập là tự đóng góp 10 triệu đồng để làm mới khoảnh sân nền đất thành nền xi măng cho điểm trường Măng Lưng, một điểm trường hẻo lánh ở thôn 3, Trà Cang.
Việc làm này được nhóm thiện nguyện "Vì yêu thương" (TPHCM) biết đến và đánh giá cao. Họ ấn tượng với việc làm thiết thực, mang tính lâu dài của CLB nên đã chủ động hợp tác ngay sau đó. Mấy năm qua, quỹ từ thiện này đã phối hợp cùng CLB Kết nối yêu thương hỗ trợ các điểm trường, giúp học sinh ở các vùng khó khăn của Nam Trà My với tổng số tiền lên đến hơn 3 tỷ đồng.
Tiếng lành đồn xa, nhiều nhóm thiện nguyện khác đã tìm hiểu và tin tưởng chuyển kinh phí qua thầy Vỹ để thực hiện nhiều chương trình từ thiện. 54 điểm trường được xây mới, sửa chữa, với hơn 100 phòng học, 60 phòng giáo viên được trang bị tivi, điện năng lượng mặt trời; 20 ngôi nhà nhân ái cho bà con nghèo; quỹ học bổng "Nâng cánh ước mơ" mỗi năm trao trên 200 suất học bổng, giúp nhiều học sinh vùng núi học lên đến đại học, có em còn tìm được cơ hội đi du học nước ngoài. Đó là những con số biết nói thể hiện tinh thần nhiệt tâm, đoàn kết của tất cả thành viên CLB, đồng thời cho thấy vai trò tiên phong của người chủ nhiệm - thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ.
Ngoài rất nhiều giấy khen của trường, của huyện trong giảng dạy, trong công tác đoàn đội, thầy Vỹ còn nhận bằng khen "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" của Thủ tướng Chính phủ năm 2015. Những động viên tinh thần đó, người thầy của làng quê nghèo cất giữ cẩn thận như một kỷ niệm, lấy đó để nhắc bản thân không ngừng làm những điều tốt đẹp cho cộng đồng, xã hội.
Thầy Võ Đăng Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Trà My, không giấu được niềm tự hào khi chia sẻ về giáo viên của mình: "Thầy Nguyễn Trần Vỹ là một người có tâm, có trách nhiệm với công tác giáo dục. Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao những việc thầy Vỹ đã và đang làm trong suốt những năm qua. Với nhân cách và tấm lòng thiện nguyện của mình, thầy Nguyễn Trần Vỹ đang góp phần làm đẹp thêm hình ảnh người giáo viên trong lòng học sinh và nhân dân".
Rời công việc ở trường, mọi người lại thấy bóng dáng người thầy giáo chân lội bùn, tay mang tay xách hàng cứu trợ. Người dân ở đây gọi thầy Nguyễn Trần Vỹ là "người thầy của bà con vùng rốn lũ".
Nam sinh 10 năm cõng bạn với niềm vui về sự tự tế được lan tỏa Chúng tôi gặp lại Ngô Minh Hiếu - nam sinh được biết đến với câu chuyện 10 năm cõng bạn đi học - sau hơn 1 tháng trở thành sinh viên của Trường ĐH Y Dược Thái Bình. Ngô Minh Hiếu là 1 trong 14 gương mặt được báo VietNamNet đề cử là Nhân vật truyền cảm hứng năm 2020. Độc giả bình...