Những “cáo trạng” mùa thi
Dù vậy, họ lại bận rộn với những “kế sách” dự định sẽ thực hiện trong giờ kiểm tra tập trung. Nhằm dập tắt “âm mưu đen tối” của các teen này, “toà án học đường” đã liệt kê 6 “bản cáo trạng” của 6 “bị cáo” từng bị giáo viên bắt quả tang khi đang “hành động”. “Nghía” xem, nếu thấy “có tui trong đó” thì chớ có ngoan cố làm “tội đồ” mùa thi năm nay nha bạn!…
“Bản cáo trạng” thứ 1: Tìm người “kíu bồ”
Q.A (lớp 11, Q.5) thường được xếp thi chung phòng với mấy bạn lớp chuyên. Cho rằng “tụi nó học giỏi lại hiền”, trước mỗi kì thi, Q.A thường…cười xởi lởi, tìm cách làm quen với những bạn có tên gần giống với mình, có gì vô phòng thi còn nhờ vả. Chiêu này khá đơn giản và A cũng may mắn “thành công” vài lần.
Thư kí tòa comment: Hình thức “phạm tội” này có vẻ ít rủi ro nhất, nếu bị phát hiện, teen chỉ bị giáo viên nhắc nhở. Tuy nhiên, việc xầm xì trong phòng im phăng phắc dễ dàng bị chú ý, nên may lắm thì “thủ phạm” cũng chỉ đạt điểm trung bình. Đôi khi cũng gặp “tổ trác”: người nhắc bài học… dở hơn người hỏi bài (do học khác lớp, không rõ “lí lịch” của nhau) nên “giúp” trớt quớt!
Video đang HOT
Vào phòng thi, các bạn hãy nghiêm túc làm bài nhé! (Ảnh minh họa)
“Bản cáo trạng” thứ 2: Xài “mật thư”
Cách của H.M (lớp 10, Q.6) là nhét trong lòng bàn tay một băng giấy nhỏ (có nội dung bài học), rồi chống cằm ra chiều suy nghĩ. Thấy giáo viên ngó chỗ khác là anh chàng dấm dúi mở “mật thư” chép lấy chép để. Tuy nhiên, do “phao” quá bé, chỉ có thể viết ý chính, nên khi làm bài, H.M phải tự “phăng” thêm.
Thư kí toà comment: Khi gặp căng thẳng, chẳng hạn bị thầy canh quá kĩ, “đương sự” hay bị “đứng hình” vì đầu óc rối bời, không biết phải “phăng” gì. Đành phải…chống cằm suy nghĩ suốt buổi! Bài thi của những bạn này thường là có nhiều câu chữ rời rạc, thậm chí không ăn nhập gì với nhau.
“Bản cáo trạng” thứ 3: Sử dụng bộ nhớ của… máy tính
Các kì thi lớn đều qui định cấm sử dụng máy tính có thẻ nhớ. Tuy nhiên, thi học kì, thầy cô thường ít quan tâm vấn đề này. Thế là, những chiếc máy tính không có thẻ nhớ nhưng lại có các kí tự giống bảng chữ cái (như loại máy Fx – 570) được P.S (lớp 11, Q.4) bí mật cài mốc lịch sử, số liệu vật lí… để lén lút “nghía”.
Thư kí toà comment: Giáo viên có thể không để ý việc học sinh sử dụng máy tính trong giờ thi các môn tự nhiên. Nhưng khi thi các môn xã hội mà các bạn mang máy tính theo thì chẳng khác nào tự tố cáo “thầy ơi, em ở bụi này!”.
“Bản cáo trạng” thứ 4: Xin phép đi xem… tài liệu
Dĩ nhiên, không teen nào dại dột thú nhận như thế. T.T (lớp 11, Bến Tre) lấy lí do cần đi vệ sinh để vào WC giở “bùa”, rồi hí hoáy chép vội nội dung bài kiểm tra vào những vị trí “nhạy cảm” trên cơ thể. Quay trở lại phòng thi, T.T thực hiện bước thứ 2 của kế hoạch là copy tài liệu từ “phao” vào giấy.
Thư kí toà comment: Sau khi vào WC, “người ấy” bỗng dưng chép lia lịa. Hành vi khác thường này sao có thể qua mặt thầy cô. Nhưng dù giáo viên không chú ý thì “thủ phạm” cũng khó làm bài hoàn chỉnh vì phải mất quá nhiều thời gian cho việc thực hiện nhiều công đoạn “quay phim”.
“Bản cáo trạng” thứ 5: Quay cóp kiểu hitech
Tận dụng lợi thế là con gái, X.V (lớp 12, Q. Tân Bình) giấu trong mái tóc “óng mượt như tơ” thiết bị ghi âm nhỏ xíu. Khi kiểm tra, cô nàng nhẹ nhàng bấm nút và chép. Khai thác triệt để tính năng của thiết bị công nghệ, có lần N.B còn sử dụng điện thoại có hình dáng đồng hồ đeo tay. Gởi sms cho “sư phụ” ngoài phòng thi xong, cô nàng làm mặt tỉnh, liên tục nhìn vào đồng hồ và “hành động”.
Thư kí toà comment: Quay cóp kiểu này, để chép kịp nội dung ghi âm, “thủ phạm” phải mở/tắt thiết bị liên tục; còn khi “quay phim” bằng tin nhắn điện thoại thì phải nhìn chằm chằm vào “vật thể lạ”… Những hành vi mờ ám ấy khó mà thoát khỏi tầm ngắm của giáo viên. Đó là chưa nói nhiều thầy cô nghiêm khắc, yêu cầu học sinh không được mang theo bất kì thiết bị điện tử nào vào phòng thi (kể cả đồng hồ) khiến nhiều teen trót chuẩn bị sẵn “đồ nghề” nhưng không có cơ hội sử dụng.
“Bản cáo trạng” thứ 6: Thẩy xúc xắc, chọn đáp án
Thi trắc nghiệm, H.T (lớp 12, Bình Định) chọn cách thẩy xúc xắc, phó mặc kết quả bài kiểm tra cho… “trời”. Với cách này, H.T tự qui ước những đáp án a – b – c – d tương đương với các nút trên hột xí ngầu. Anh chàng cùng nhóm bạn của mình còn nhắc bài nhau bằng dấu hiệu. Chẳng hạn, bấm viết 1 lần là đáp án a, 2 lần là đáp án b…
Thư kí toà comment: Dĩ nhiên, làm bài theo kiểu hên xui may rủi thì kết quả cũng… hên xui. Điều đáng nói là đề thi trắc nghiệm thường có nhiều bộ, những học sinh ngồi gần nhau không cùng đề, ngồi cách xa thì trùng đề nhưng khó nghe rõ “tín hiệu”. Thế nên mới có chuyện bạn A bấm viết 2 tiếng mà bạn B nghe có 1 tiếng thành ra đánh dấu sai bét!
Dĩ nhiên còn có bản cáo trạng thứ 7, thứ 8…thứ n nữa, do chính thầy cô bật mí. Với kinh nghiệm nhiều năm gác thi, thầy cô là những người có “nội công thâm hậu”, mọi ý định qua mặt thầy cô chỉ khiến bạn tổ trác mà thôi!