Những cảnh báo về giáo dục Việt Nam
Trong 3 ngày hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 4 tổ chức tại Hà Nội, từ 27/11, những câu chuyện bức xúc muôn thuở của giáo dục lại một lần nữa đặt ra róng riết.
Lạc hậu, thụ động
Tiến sĩ (TS) Đinh Hồng Hải (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) đưa cảnh báo, nếu phương pháp dạy và học môn Lịch sử không thay đổi, cải tiến thì khó cải thiện được thực tế: ngày càng ít học sinh thích học các môn khoa học xã hội.
TS Lâm Quang Đông, Trưởng Khoa tiếng Anh Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội): “Tất cả các môn phải rèn cho học sinh phương pháp tự học…”
Theo TS Hải, vấn đề khó khăn nhất đối với việc dạy môn Sử là chương trình cũ, thông tin lạc hậu… dẫn đến duy trì mãi lối giảng bài “thầy đọc trò chép”.
Ông cho rằng “nền giáo dục cũng như môn Lịch sử đang bị mất phương hướng giữa sự phát triển của khoa học công nghệ vô cùng nhanh chóng đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu”.
Vị tiến sĩ cảnh báo nếu không hội nhập với nền khoa học giáo dục thế giới và sử dụng phương pháp, kiến thức, công nghệ mới thì tiếp tục dẫn tới hệ quả chất lượng giáo dục thấp so với khu vực và thế giới; thậm chí nguy cơ đóng cửa hàng loạt các trường ĐH có thể xảy ra trong tương lai.
Ở một môn học “thời thượng” khác là tiếng Anh, hệ quả của lối học nhồi nhét – thụ động cũng được dẫn ra.
TS Lâm Quang Đông, Trưởng Khoa tiếng Anh Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội): “Tất cả các môn phải rèn cho học sinh phương pháp tự học…”
TS Lâm Quang Đông, Trưởng Khoa tiếng Anh Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) cho hay khi lên lớp, ông đã “giở hết thủ thuật” áp dụng lối dạy để học sinh tự học và chủ động, nhưng càng gợi mở thì sinh viên càng… im phăng phắc…
“Điều này cho thấy không chỉ môn Sử, mà tất cả các môn phải rèn cho học sinh phương pháp tự học. Đây là lỗi hệ thống” – TS Đông nói.
Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng Nguyễn Tùng Lâm nhận xét, từ năm 1986 đến nay giáo dục Việt Nam càng cải tiến thì giáo dục càng…lùi. Nguyên nhân là do bị kinh tế thị trường chi phối và không tôn trọng cái mình mang lại kiến thức, mang lại khoa học nhưng không được tận dụng – mà cứ lầm lũi theo cách giáo dục của những nước thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 nhưng không có chắt lọc…
“Cho nên, cùng với việc thay đổi phương pháp giáo dục nhồi nhét học trò, áp đặt – cần phải có thay đổi chính sách cho giáo viên và làm rõ trách nhiệm giáo dục” – ông Lâm chia sẻ.
Video đang HOT
Không khuyến khích tư duy độc lập
Chuyên gia Mai Thị Quỳnh Lan (Trường ĐH QueensLan, Australia) đem đến góc nhìn của các nhà tuyển dụng khi tìm hiểu những kỹ năng thực sự cần thiết đối với sinh viên tốt nghiệp để làm việc trong môi trường đa văn hóa của các tổ chức phi chính phủ quốc tế (NGO) ở Việt Nam.
Để có dữ liệu được bà Lan cho biết, đã tiến hành phỏng vấn 17 nhân viên trẻ, 6 giám đốc người nước ngoài, 2 cán bộ quản lý người Việt Nam ở NGO. Kết quả, có ba phẩm chất chung ít được các trường ĐH quan tâm: khả năng tư duy phê phá, khả năng vận dụng trong bối cảnh cụ thể và khả năng điều chỉnh và chuyển hóa kiến thức để đáp ứng được các thách thức của những bối cảnh mới.
“Trái lại, các trường ĐH mới chú trọng truyền đạt kiến thức lý thuyết, hạn chế ứng dụng thực tế. Không khuyến khích tư duy độc lập và thiếu môi trường giao tiếp xã hội” – lời bà Lan.
Bà khuyến nghị các trường ĐH cần khuyến khích sinh viên tham gia vào quá trình tạo kiến thức thay vì chỉ tập trung vào ghi nhớ kiến thức sẵn có..
TS Phạm Thị Thu Nga – Trưởng Khoa Văn hóa - Du lịch (Trường ĐH Sài Gòn) nhìn nhận: Bên cạnh kiến thức, trình độ về chuyên môn thì yêu cầu về kỹ năng nghề nghiệp để có thể vận dụng thao tác làm việc ngay đáp ứng nhu cầu người sử dụng lao động cũng không kém phần quan trọng.
“Thêm nữa, trang bị các kỹ năng mềm, khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ, tin học không chỉ đáp ứng mà còn hội nhập trong môi trường đa văn hóa và đa ngôn ngữ”.
Khoa học giáo dục Việt Nam đứng đâu?
Tham luận của TS Phạm Thị Ly (ĐHQG TP.HCM) và GS Nguyễn Văn Tuấn (ĐH New South Wales, Australia) đem đến “bức tranh” về khoa học giáo dục Việt Nam trên trường quốc tế thu hút sự quan tâm đặc biệt tại hội thảo.
Bà Ly dẫn liệu phân tích qua các ấn phẩm khoa học trong thời gian 15 năm qua (từ 1996-2010) cho thấy, Việt Nam chỉ có 39 bài báo nghiên cứu về giáo dục được công bố trên những tập san quốc tế có bình duyệt. Con số này thua xa nước láng giềng Thái Lan với 177 bài, và càng bỏ khoảng cách xa với Malaysia (399 bài). Thậm chí đứng sau Bangladesh (68 bài)…
“Số ấn phẩm Việt Nam được đăng tải trên các ấn phẩm quốc tế đồng nghĩa với hạng đứng thứ 14/21 trong các nước Đông Á: Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Pakistan, Philippines, Bangladesh, Indonesia, Việt Nam, Sri Lanka, Brunei, Macao, Nepal, Kazakhstan, Campuchea và Mông Cổ” – lời bà Ly.
Theo bảng thống kê đưa ra, Việt Nam đứng trên các nước Sri Lanka, Brunei, Macao, Nepal, Kazakhstan, Campuchea và Mông Cổ. Chất lượng nghiên cứu về khoa học giáo dục của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước trong vùng.
TS Ly đưa dẫn chứng chuyên môn cho thấy xét về “chỉ số H” (một chỉ số trong nghiên cứu khoa học), tỷ lệ trích dẫn trên mỗi bài báo của Việt Nam đều đứng hạng 13/14 – chỉ hơn Campuchia.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên, theo bà Ly là do hạn chế về kinh phí nghiên cứu, tiếng Anh và văn hóa công bố quốc tế là những yếu tố chính. Đối với lĩnh vực giáo dục, hạn chế trong phương pháp nghiên cứu và năng lực tiếp cận nguồn thông tin của giới nghiên cứu là những rào cản quan trọng…
“Sự yếu kém của khoa học giáo dục Việt Nam thể hiện qua công bố quốc tế đã cho thấy sự bất cập của giáo dục trong việc đổi mới để đáp ứng yêu cầu của một nền kinh tế đang thay đổi nhanh chóng dưới tác động của toàn cầu hóa” – TS Ly kết luận.
Theo Nguyễn Hiền (Vietnamnet)
Sinh viên nghe doanh nhân chia sẻ kinh nghiệm làm giàu
"Hãy là con cáo, sói, sư tử, cú, đại bàng trước khi chuyển hóa thành con rồng. Nếu có sáng tạo, tư duy độc lập và tinh thần doanh nhân cao thượng thì doanh nhân Việt Nam sẽ sớm đánh thức được nền kinh tế, đánh thức con Rồng đang ngủ quên".
Làm lớn từ những việc nhỏ
Tại phiên thảo luận "Kinh thương Việt Nam - Đánh thức con Rồng ngủ quên" diễn ra cuối tuần trước tại TPHCM do chương trình Hạt giống lãnh đạo IPL khởi xướng, đông đảo bạn trẻ, sinh viên (SV) ưu tú của các trường đại học đã được nghe các doanh nhân thành đạt truyền lửa lập thân, làm giàu.
Cả khán trường hôm ấy chật kín người. Mỗi bạn trẻ có thể là doanh nhân, là SV, là người hoạt đông trong lĩnh vực giáo dục, nghệ thuật... nhưng đều có một khát khao cống hiến, sống cháy bùng và chí lập thân cao. Trước mặt họ là những doanh nhân tận tình kể chuyện đời, chuyện kinh doanh, truyền lửa khát vọng cho đàn em.
Các doanh nhân cho rằng, trong những thập niên trước, nước ta cũng có nhiều doanh nhân giỏi nhưng họ lại là "những ngôi sao cô đơn". Muốn một đất nước Việt Nam phát triển, những bạn trẻ bước vào đời lập nghiệp cần phải biết khai sáng và tự "đánh thức" lẫn nhau.
Sự gặp gỡ giữa 2 thế hệ doanh nhân.
Nhiều bạn trẻ bày tỏ sự băn khoăn khi có quá nhiều luồng thông tin, nguồn văn hóa từ nước ngoài tràn vào. Họ trở nên lạc lối, không biết đi hướng nào cho đúng đắn nhất. Thậm chí, khi vào nhà sách chọn sách khởi nghiệp, đủ loại sách không biết chọn sách nào bày làm giàu thực tế, hiệu quả nhất. Thế hệ trẻ ngày nay, dự trên mặt bằng chung, họ hơn đàn anh ở việc tiếp nhận công nghệ hiện đại, ngoại ngữ... nhưng họ vẫn chưa phát huy hết lợi thế của mình.
"Người Việt Nam rất tự hào về mình nhưng cũng có tính hướng ngoại nhiều quá. Vì vậy, trong giáo dục, đào tạo, cần đề cao tinh thần doanh nhân, đề cao tinh thần sẵn sàng thất bại khi khởi nghiệp thì các bạn trẻ mới mạnh dạn vươn đến những tầm cao", CEO trẻ Trần Ngọc Thái Sơn tâm sự.
Ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch Đồng Tâm Group cho rằng, quan niệm của ông là làm được việc nhỏ thì sẽ làm được việc lớn. "Tôi lúc nào cũng lạc quan, tự tin và suy nghĩ đơn giản về vấn đề. Người làm doanh nghiệp rất cực các bạn à. Ăn mặc, đi xe sang trọng như vậy nhưng mỗi khi về là cảm giác rất cô đơn. May mà tôi có nhiều bạn bè để chia vui. Kinh nghiệm, trải nghiệm cuộc đời, thương trường là rất quan trọng nên các em sinh viên đừng nôn nóng ra trường là mở công ty", ông Thắng chia sẻ.
Để một công ty phát triển, cần phải xây dựng được văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa ấy xuất phát từ giáo dục mà nên. Vì vậy, để giáo dục tốt thì cần phải xây dựng một ý thức cộng đồng tốt. Điều này không hề đơn giản.
Ông Thắng đem câu chuyện một công ty của mình ở miền Trung, ông rất đau đầu khi thấy mỗi khi ăn, giấy vệ sinh công nhân vứt trắng cả xưởng. Ông giao cho giám đốc khu vực này trong một tháng phải chấm dứt tình trạng xả rác bừa bãi. Một tháng sau, giám đốc lắc đầu với ông chủ rằng mình đã chịu thua. Vậy là ngay trong chuyến công tác ra miền Trung, trưa hôm ấy ông Thắng đội nón đi nhặt từng tờ giấy rác công nhân xả xuống. Hành động đó đã khiến nhiều nhân viên tâm phục, khẩu phục và "vấn nạn" xả rác bừa bãi chấm dứt ngay.
Ông Đỗ Duy Thái - Chủ tịch Thép Việt Group cho rằng, mỗi bạn trẻ phải biết đi trên chính đôi chân của mình, biết xác định chiến lược đúng đắn. Mỗi người phải tư duy độc lập. Không suy nghĩ độc lập, ắt không có sự tiến bộ. Chính sự đối lập, chấp nhận những tư duy trái ngược nhau thì mới thành công. Còn độc quyền về chân lý, ắt sẽ khó khăn cho sự phát triển.
Ông Thái kể, những ngày đầu khởi nghiệp, ông tự làm tất cả mọi việc như canh dây curoa trong hệ thống máy móc... Nhờ những việc nhỏ và thực tế ấy mà ông mới có ý niệm về tự động hóa... Và nhờ ý niệm đó mà giờ ông có một doanh nghiệp đứng vững trên thương trường. "Một người muốn phát triển phải đi từ những cái nhỏ. Đừng hy vọng xây dựng một tập đoàn với số tiền khổng lồ nào đó mà chưa từng là con người thành công từ cái nhỏ", ông Thái chia sẻ.
Đánh thức con Rồng ngủ quên
Có người ví nền kinh tế Việt Nam như con rồng đang ngủ quên. Muốn đất nước phát triển, sánh vai thì phải làm sao đánh thức con rồng ấy. Trọng trách "đánh thức" đang là sứ mệnh của những người Việt trẻ.
Tuy nhiên, hiện có nhiều bạn trẻ mới bước vào thương trường cứ nghĩ mình đã là... rồng. Điều này vô cùng tai hại. Tâm lý tự mãn sẽ hủy hoại thế hệ và chính bản thân mình.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch Trung Nguyên Group dí dỏm: "Chúng ta có máu, gien Rồng. Nhưng cần xác định rõ, rồng đực hay cái, ngủ hay thức, rồng ở ruộng hay đại dương?".
Thế hệ doanh nhân đi trước khuyên các bạn trẻ lập thân từ những việc nhỏ.
Theo ông Đặng Lê Nguyên Vũ, để không có sự đứt đoạn cần có tầm nhìn xuyên thế hệ. "Có thể ngày mai chúng tôi biến mất nhưng có những con rồng con kế thừa quá khứ, hướng đến tương lai. Chúng ta đang thiếu hệ giá trị cốt lõi nên nay thấy Trung Quốc hay, mai thấy Mỹ tốt và chúng ta bối rối trong một rừng thông tin hội nhập. Chúng ta phải có niềm tin. Đừng là người đẽo cày giữa đường", ông Vũ chia sẻ.
Chủ tịch của Trung Nguyên phân tích rằng, các học thuyết về tôn giáo, chính trị, kinh tế đều du nhập từ nước ngoài. Chưa có cái "não" của Việt Nam. Một quốc gia mẫu mực cần có nền chính trị mẫu mực, giáo dục tiên tiến và kinh tế hùng mạnh. Để quốc gia phát triển, kinh tế hùng mạnh thì cần có tinh thần sáng tạo, tinh thần doanh nhân cao thượng và tư duy độc lập. Muốn làm một con rồng, trước hết phải hóa kiếp qua các con: đại bàng (phóng tầm mắt nhìn xa 60km, tập trung cao độ khi săn mồi), cú (quay 360 độ, nhìn xuyên màn đêm), sư tử (biểu tượng của sức mạnh), sói (đồng đội, kỷ luật, biết phối hợp khi săn mồi) và có tính chất mưu lược của con cáo.
"Chúng ta nghĩ gì, làm gì rất là quan trọng. Chúng ta phải biết tự giáo dục, giáo dục lẫn nhau. Bình tĩnh, suy nghĩ và giải quyết vấn đề một cách có hệ thống thì con Rồng đang ở rất gần chúng ta", ông Đặng Lê Nguyên Vũ nói.
Công Quang
Theo dân trí
Rào cản khi đào tạo theo hướng thực hành nghề nghiệp Có nhiều trở ngại trong định hướng đào tạo ĐH hiện nay khi nhiều trường được định hướng theo đào tạo nghề nghiệp lại đặt mục tiêu phát triển thành trường nghiên cứu. Từ năm 2005 - 2009, Bộ GD-ĐT thí điểm đào tạo theo định hướng nghề nghiệp - ứng dụng (gọi tắt POHE) ở 8 trường ĐH, gồm: Nông nghiệp Hà...