Những cái chết đau lòng do nạn ‘gạ tình đổi điểm’ ở Trung Quốc
Hệ thống giáo dục đầy lỗ hổng và văn hóa truyền thống bảo thủ được cho là cội rễ của vấn nạn tự sát và quấy rối tình dục học đường xảy ra ở Trung Quốc những năm qua.
Mối quan hệ thầy – trò trong trường đại học Trung Quốc bị đem ra xét lại sau một loạt xìcăngđan tình dục dẫn đến tự tử gần đây – Ảnh: REUTERS
Tao Chongyuan, 26 tuổi, đang là sinh viên cao học thuộc Đại học Công nghệ Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc) khi anh nhảy lầu tự tử hôm 26-3 vừa qua.
Gia đình chàng sinh viên vắn số cáo buộc giáo sư hướng dẫn của anh, Wang Pan, lợi dụng và ép Tao làm nhiều thứ cho ông ta, chẳng hạn mua thức ăn, giặt giũ, và thậm chí thổ lộ “tình yêu của một người cha dành cho con trai” (dựa trên tin nhắn trao đổi giữa hai người)…
Một vài lần, Wang còn đe dọa đuổi Tao ra khỏi phòng thí nghiệm và hủy bằng cấp khi anh nộp hồ sơ xin học tiến sĩ ở nước ngoài và khi nhận được lời mời đi làm, theo lời chị gái của Tao.
Lúc vụ việc bị phanh phui, “giáo sư” Wang chối bỏ mọi cáo buộc nhưng Đại học Vũ Hán quyết định đình chỉ không cho ông này hướng dẫn thêm sinh viên nào.
Sang một câu chuyện khác, năm 1998, một cô gái tên Gao Yan – sinh viên Đại học Bắc Kinh danh tiếng – kết liễu cuộc sống ở tuổi 21.
Tuần vừa qua, tức 20 năm sau, hai người bạn học của cô đứng ra tố ông Shen Yang, 62 tuổi, cựu giáo sư môn ngữ văn của trường, cưỡng hiếp Gao.
Shen gần đây đã bị Đại học Sư phạm Thượng Hải và Đại học Nam Kinh đuổi việc. Cũng giống “giáo sư” Wang, ông này bác bỏ có quan hệ tình dục với nữ sinh viên của mình.
Tao Chongyuan tự sát khi mới 26 tuổi. Gia đình anh cáo buộc giáo sư hướng dẫn là người chịu trách nhiệm – Ảnh: SCMP
Vấn nạn mang tính hệ thống
Một số ý kiến liên hệ vụ Shen Yang với phong trào #MeToo (nạn nhân tình dục lên tiếng) lan rộng trên toàn cầu năm vừa qua, tuy nhiên đa phần dư luận Trung Quốc cho rằng gốc rễ của vấn đề nằm ở mối quan hệ “thầy – trò” trong xã hội ngày càng trở nên “độc hại”, và quấy rối tình dục chỉ là một trong nhiều biểu hiện.
Căn bệnh của ngành sư phạm Trung Quốc bị một số người mô tả là “trầm kha” và “bất minh một cách có hệ thống”, theo báo South China Morning Post.
“Trường hợp của Tao chỉ là phần nổi của tảng băng. Đây là một vấn đề mang tính hệ thống chứ không chỉ riêng Đại học Công nghệ Vũ Hán” – một cựu sinh viên của trường Vũ Hán nhận xét.
Video đang HOT
Thống kê trên mặt báo Trung Quốc, có ít nhất 8 trường hợp giảng viên đại học bị tố xâm hại tình dục hoặc cưỡng ép sinh viên “phục vụ” cho họ xuất hiện trong 2 năm qua.
Sau hai câu chuyện đau lòng của Tao và Gao, nhiều người khác tìm thấy sự đồng cảm và đã lên tiếng kể câu chuyện của mình.
Viết trên trang blog Weibo, một cựu sinh viên Đại học Renmin danh tiếng kể năm 2005, một giáo sư dạy môn chính sách công của trường ôm cô từ phía sau và đề nghị cô trở thành “bồ nhí” của ông ta.
Cũng tại Đại học Renmin, một người khác tố giáo sư dạy môn kinh tế đã “ôm ấp”, “sờ mó” và dùng từ ngữ tục tĩu với cô. Cuối tuần trước, trường này tuyên bố đang tiến hành điều tra cáo buộc của ác cựu sinh viên.
Gao Yan tự sát vào năm 1998 ở tuổi 21. Gần đây, hai người bạn của Gao tố một giáo sư Đại học Bắc Kinh đã cưỡng hiếp cô – Ảnh: News.163.com
Một ngày là thầy, cả đời là thầy
Các chuyên gia và những người trong cuộc nhận xét hệ thống sư phạm bảo thủ của Trung Quốc bất lực trong việc bảo vệ các sinh viên, đặc biệt ở cấp cao học trở lên, khỏi sự quấy rối của các giảng viên, dù thống kê, báo cáo chính thức chỉ toàn là màu hồng.
“Giáo viên hướng dẫn trong các trường đại học Trung Quốc vô cùng quyền lực, họ có toàn quyền quyết định một sinh viên có được tốt nghiệp hay không” – tiến sĩ Chen Chun thuộc Đại học Tôn Trung Sơn (Quảng Châu), giải thích về sự lệ thuộc của các sinh viên.
Còn theo giảng viên Liu Chen thuộc Đại học Công nghệ Guilin, mặc dù nhiều đại học Trung Quốc cố gắng tổ chức các hội đồng đánh giá độc lập, giáo viên hướng dẫn vẫn có quyền ngăn không cho cho bảo vệ luận văn, đồng nghĩa sinh viên đó không được tốt nghiệp.
Ông Liu kể một người bạn học tiến sĩ chung với ông đã không thể tốt nghiệp chỉ vì bất hòa với giáo viên hướng dẫn, dù bài luận văn của anh được đánh giá rất cao nhờ quá trình nghiên cứu nghiêm túc.
Shen Yang, cựu giáo sư Đại học Bắc Kinh, bị tố cưỡng hiếp nữ sinh viên – Ảnh:SCMP
Ngoài thực trạng không ai kiểm soát quyền hạn của giảng viên, bản chất đặc biệt của mối quan hệ thầy – trò trong xã hội Trung Quốc càng làm trầm trọng thêm tình trạng “trò bị thầy lạm dụng”.
Văn hóa truyền thống Trung Quốc nâng vai trò của người thầy lên tương đương với cha mẹ, tức người chịu trách nhiệm về sự phát triển của học trò trên mọi phương diện, bao gồm cả đạo đức – giáo sư Yang Rui thuộc Đại học Hong Kong giải thích.
“Một ngày là thầy, cả đời là thầy” là câu ngạn ngữ Trung Hoa phản ánh rõ ràng nhất sự kính trọng/trông đợi của xã hội dành cho người thầy.
Theo giáo sư Yang, chính mối quan hệ bền chặt và gần như “mang tính đạo đức” giữa thầy và trò đã tạo điều kiện cho những kẻ suy đồi lợi dụng nó.
Người thầy tốt theo truyền thống rất phi thường, nhưng nhiều kẻ lại lợi dụng truyền thống (để làm chuyện xấu).
Giáo sư Yang Rui, Đại học Hong Kong
Giáo sư Yang nhận xét cấu trúc quyền lực hàn lâm đã ăn sâu vào văn hóa Trung Quốc.
“Phương Tây đã đối phó với những vấn nạn trên trong một thời gian dài, các nhóm dễ bị tổn thương có được sự nhận thức tốt hơn bạn bè đồng trang lứa ở Trung Quốc” – ông giải thích.
“Vì lý do đó, cần phải có thời gian để thay đổi diễn ra” – vị học giả kết luận.
PHÚC LONG
Theo tuoitre.vn
Trung Quốc: Dạy giảm cân trong trường đại học
Một trường đại học Trung Quốc đã đi đầu trong cuộc chiến chống béo phì ở giới trẻ. Khoá dạy giảm cân và "giữ dáng" một cách khoa học kỳ vọng mang lại cho sinh viên sự tự tin trong cuộc sống.
ảnh minh họa
Dạy giảm cân theo cách khoa học
Ruan Weiguo, giáo viên Vật lý Đại học Khoa học Chính trị và Luật Đông Trung Quốc (tại Thượng Hải) quyết định mở lớp dạy giảm cân trong học kỳ vào tháng 3 tới.
Học sinh tham gia lớp học có thể nhận 2 tín chỉ và cùng lúc học giảm cân và tạo dáng cơ thể.
"Mỗi học kỳ, có một hoặc hai sinh viên thừa cân hoặc béo phì trong lớp của tôi. Những sinh viên này thường có kết quả kém trong các bài thi giáo dục thể chất" - Ruan, chuyên ngành văn hoá thể thao và dạy bóng rổ, cho biết.
Điểm thể dục thấp sẽ kéo điểm trung bình học tập xuống và hình dáng cơ thể không gọn gàng cũng có thể ảnh hưởng tới sự tự tin trong cuộc sống - Ruan nhận xét.
"Mục tiêu số 1 của tôi là giúp sinh viên đi theo lối sống lành mạnh, rèn luyện ý chí và xây dựng sự tự tin" - Ruan nói.
Ruan cho biết, khóa học giảm cân, lần đầu tiên được mở trong trường, hữu ích cho những sinh viên cảm thấy khó khăn với trọng lượng của họ.
Khoá học, được đặt tên là "Dinh dưỡng thể thao và kiểm tra trọng lượng một cách khoa học", sẽ lựa chọn 24 sinh viên từ 70 người đăng ký.
"Số sinh viên đăng ký khoá học này vượt xa sự mong đợi của tôi" - Ruan nói.
"Tôi chưa bao giờ tham gia một lớp thể dục chuyên về giảm béo trước đây, tôi rất thích thú" - Ruan Chunyan, 20 tuổi, sinh viên khoa Luật Hình sự cho biết.
Nội dung học bao gồm lí thuyết giảm cân và thực hành.
Sinh viên phải học lí thuyết về dinh dưỡng, các giải pháp kiểm soát trọng lượng và sinh lí học thể thao. Họ cũng cần tham gia các bài tập aerobic sau giờ học để tăng cường thể lực và khéo léo.
"Bệnh" phổ biến trong giới trẻ
"Tôi sẽ lập "hồ sơ giảm cân" để theo dõi sự tiến bộ của mọi sinh viên" - Ruan cho biết - "Sinh viên phải ghi công thức thực phẩm của họ hàng ngày cùng với thời gian tập luyện".
Zhai Yong, 20 tuổi, chuyên ngành Luật Quốc tế, háo hức chờ đợi được tiếp nhận học chương trình này. "Thói quen ăn uống của tôi không lành mạnh và tôi hiếm khi chơi thể thao" - Zhai nói - Tôi hy vọng giảm từ 90 kg xuống 75 kg theo sự hướng dẫn khoa học".
Bên cạnh kiểm soát cân nặng, Ruan cũng kỳ vọng khoá học giúp sinh viên yêu thích thể thao và thái độ sống tích cực.
"Tôi không đơn giản cho điểm dựa vào trọng lượng thừa mà sinh viên giảm được" - giảng viên thể dục Ruan cho biết - "Quá trình giảm cân quan trọng hơn điểm số. Tôi giúp họ rèn luyện tinh thần kỷ luật cho cuộc sống tương lai của họ".
Béo phì đã trở thành một vấn đề ngày càng nghiêm trọng tại Trung Quốc. 30% người lớn Trung Quốc thừa cân và 11,9% ở mức béo phì - theo Liang Xiaofeng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Trung Quốc.
30 năm trước, thừa cân hay béo phì ở thanh thiếu niên là chuyện hiếm tại Trung Quốc. Vì vậy không có sự tồn tại của các trung tâm giảm cân. Tuy nhiên, các trung tâm này đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây trước tình trạng trẻ béo phì gia tăng nhanh.
Hồi tháng 6, báo cáo về Béo phì trẻ em tại Trung Quốc, được biên soạn bởi một số đơn vị, trong đó có Trường Sức khoẻ Cộng đồng thuộc ĐH Bắc Kinh, dự đoán, nếu không can thiệp, tỉ lệ trẻ quá cân hoặc béo phì từ 7 - 18 tuổi sẽ đạt mức 28% vào năm 2030.
Theo Giaoducthoidai.vn