Những bí quyết giúp cha mẹ không còn “phát điên” khi dạy con học bài, toàn điều đơn giản nhưng đem lại hiệu quả bất ngờ!
Chị Phan Hồ Điệp nổi tiếng là người đứng đằng sau thành công của con trai mình, thần đồng Đỗ Nhật Nam. Bài chia sẻ mới nhất của chị sẽ bật mí bí quyết để mỗi lần dạy con, cha mẹ không còn phải vật lộn như cuộc chiến nữa.
Chuyện dạy con học là điều cha mẹ nào cũng thường làm. Mong cho con nên người, mong cho con có kết quả học hành tốt để bằng bạn bằng bè là điều cha mẹ nào cũng mong mỏi. Nhưng không ít người từng cảm thấy vô cùng bế tắc khi dạy con học vì trẻ cứ học đâu quên đấy, những kiến thức tưởng chừng đúng rõ ràng nhưng trẻ vẫn không chịu hiểu.
Nếu bạn từng rơi vào hoàn cảnh đó thì có thể học hỏi ngay bí quyết này của chị Phan Hồ Điệp, mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam và là người đứng sau thành công của nam sinh tài năng này. Theo chị, thay vì giảng giải xuông, cha mẹ nên đặt câu hỏi gợi mở để trẻ tự tìm ra câu trả lời rồi từ đó tự nhận thức được vấn đề. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên dạy con những điều nho nhỏ ngay từ khi chưa đi học để giúp trẻ có phản xạ linh hoạt hơn.
Nguyên văn bài chia sẻ của chị Phan Hồ Điệp như sau:
Chị Phan Hồ Điệp từ lâu đã nổi tiếng trong giới phụ huynh khi là người đứng đằng sau sự thành công của con trai, thần đồng Đỗ Nhật Nam.
Bạn có bao giờ phát điên hoặc bực tức khi dạy con học không? Nếu ai trả lời là: “ Hoàn toàn không” thì mình nghĩ là bạn thực sự thuộc về số ít. Thật đó!
Vì rất nhiều khi, bạn không thể hiểu nổi một bạn nhỏ lớp 1 đã đọc đến thuộc lòng bảng cộng trong phạm vi 5 nhưng khi hỏi: “ 1 cộng với mấy bằng 5?” thì nó giơ hết bàn tay này đến bàn tay khác, rồi nó cho tay vào ngậm, rồi nó hỏi: “ Con đi vệ sinh được không?” Nếu bạn không đồng ý, nó sẽ mếu máo và nói: “ Con đã học cái này đâu“. Thế là hoặc bạn sẽ quát hoặc bạn sẽ bỏ cuộc và bạn thầm nghĩ: “ Con mình sẽ không thể trở thành Ngô Bảo Châu được!“
Nhưng bạn ơi đối với bạn, 1 đương nhiên thì thêm 4 nữa thành 5. Nếu hỏi lý giải vì sao là 4 thì bạn sẽ nói vì 5 – 1 = 4. Nhưng đứa trẻ của bạn chưa biết ngược của phép cộng là phép trừ, rằng phải lấy 5 – 1 để ra kết quả. Nó cũng chưa có trải nghiệm để biết 1 mớ rau mua thêm bốn mớ nữa sẽ thành 5 mớ hoặc 1 cái xe mua thêm 4 cái nữa thành 5 cái.
Và vì thế dạy cho con những điều nho nhỏ ngay từ khi con chưa đi học có thể giúp con bạn phản xạ linh hoạt hơn.
Mình lấy ví dụ, bây giờ sẽ là 3 đôi tất của bố, mẹ và con với những màu khác nhau.
Bạn sẽ dạy con điều gì liên quan đến Toán?
Có thể là những câu hỏi về các nội dung sau:
1. Đếm xuôi và ngược.
Video đang HOT
2. Phân loại theo cỡ và xếp từ bé đến lớn hoặc ngược lại.
3. Phân loại theo màu sắc.
4. Phân loại theo người dùng và đặt tên: Bé có thể đặt những tên thật ngộ nghĩnh như tất của bố là “tất dành cho đức vua” chẳng hạn.
5. Trộn các đôi tất lên và xếp theo cặp.
6. Nếu bây giờ chân của bố, mẹ và con lần lượt là 21cm, 16cm và 12 cm thì tất của con sẽ là bao nhiêu cm? (cho con có hình dung ban đầu về đo độ dài)
7. Nếu giả sử mang tất của bố, mẹ và con đựng nước thì tất của ai sẽ đựng được nhiều nhất? (có thể đáp án là tất không đựng được nước hoặc tất của bố đựng được nhiều nhất)
8. Nếu mình có thêm một ĐÔI tất nữa thì tất cả có mấy CÁI? (bé sẽ hay nhầm khái niệm đôi và từng cái)
Nhưng bạn cũng có thể dạy con về ngôn ngữ nữa:
1. Con hãy tìm đôi to nhất, đôi bé nhất và đôi trung bình (đôi vừa vừa, đôi ở giữa)
2. Đôi tất của con có màu đỏ. Trong những vật sau đây, vật nào sẽ giống với đôi tất của con nhất? Củ cà rốt, cái bút chì, bông hoa hồng?
3. Nếu mẹ có những đồ vật sau, đồ vật nào sẽ cùng loại với đôi tất? Đôi gang tay, cái ô, ô tô? (gang tay vì cùng là đồ để giữ ấm cơ thể)
Nếu có các từ: Ung, mắt, chân thì giống với tất ở điểm nào? (đều tính theo đôi)
4. Cùng đọc đoạn vui vui dưới đây:
“ Ô kìa đôi tất/ Tớ để đâu mất/ Hôm qua tớ vất/ Khi vừa cởi tất.
Ô kìa đôi tất/ Trên kia cao ngất/ Chắc là tớ vất/ Trên ngóc tủ chật.
Ô kìa đôi tất/ Nó buồn nhiều nhất/ Vì trong chỗ chật/ Nó ngạt chết mất“.
Đọc xong rồi thì mẹ hãy nhờ con xếp tất vào ngăn theo đôi cho tất khỏi buồn nhỉ.
Và như thế, bạn đã thực hiện rất nhiều hoạt động về toán và ngôn ngữ chỉ với những vật dụng đơn giản.
Nhưng bạn biết không, bạn thực chất đang dạy con rất nhiều về PHÂN LOẠI, chỉ bằng các câu hỏi.
Nếu bạn nào nghiên cứu về Phật giáo sẽ biết, từ bài dạy đầu tiên cho đến bài dạy cuối cùng, Đức Phật đều dạy bằng cách đặt câu hỏi. Bằng những câu hỏi, Ngài khuyến khích đưa người đối thoại vào hiểu biết và rồi dần dần chính họ tự hiểu. Hỏi cho ra lý lẽ, hỏi để phá nghi ngờ, hỏi để đến tận cùng ngóc ngách khác với việc dạy nhồi nhét, mệnh lệnh.
Triết lý dạy học phương Đông từ xưa đã là như vậy. Nếu bạn nào đọc về Socrate thời Hy Lạp cổ cũng như vậy. Ông đã dạy bằng chuỗi câu hỏi với một người nô lệ không có chút kiến thức nào về hình học để dồn anh ta đến chỗ tự giải được một vấn đề hình học rất khó. Và như thế, Tây phương cũng cũng chung một “triết lý”.
Theo Helino
Cha mẹ Việt dạy con điều hay lẽ phải nhưng khi ra đường lại hay khôn vặt, lách luật trước mặt chính con của mình
Chị Phan Hồ Điệp từ lâu đã nổi tiếng trong giới phụ huynh khi là người đứng sau sự thành công của con trai, thần đồng Đỗ Nhật Nam.
Mới đây chị Hồ Điệp đã chia sẻ kinh nghiệm dạy con đến những phụ huynh thay vì dạy điều hay lẽ phải, thì thường xuyên có hành động sai trái trước mặt con cái.
Cha mẹ nào cũng luôn muốn con mình được tiếp xúc, học hỏi những điều tân tiến nhất, từ ăn uống, học tập cho đến vui chơi. Nhưng đôi khi có một điều quan trọng mà nhiều bậc làm cha làm mẹ thường quên rằng, gia đình mới chính là giảng đường đầu đời của con trước khi con chính thức bước chân vào lớp học.
Trong tâm trí của con cái, những hành vi, cử chỉ của bố mẹ luôn khiến chúng khắc cốt ghi tâm. Đặc biệt môi trường của gia đình như thế nào sẽ ảnh hưởng tới tích cách của trẻ khi trưởng thành, cho nên muốn rèn được con mình từ nhỏ thì trước hết bố mẹ phải là một tấm gương tốt.
Chị Phan Hồ Điệp, mẹ của thần đồng Đỗ Nhật Nam mới đây đã chia sẻ lên trang cá nhân ba mẫu truyện ngắn, từ đó đúc kết kinh nghiệm dạy con. Theo quan niệm của chị, muốn dạy con ngoan thì đầu tiên người lớn phải có một suy nghĩ, lối sống đẹp trước. Cụ thể nội dung mà chị chia sẻ như sau:
"1. Hôm trước đi máy bay mình ngồi cạnh bà mẹ và đứa con nhỏ chừng 7,8 tuổi. Khi máy bay đang phát thông tin về an toàn bay thì bà mẹ xúi con: Cúi xuống cái chỗ người ta đang hướng dẫn ấy lấy cái phao về cho em tập bơi.
Rồi hai mẹ con lần lần cúi xuống chỗ để phao.
Mình không đứng được đành lên tiếng: Em đừng cho con lấy, phạm luật đấy mà rồi nhỡ khi cần kíp, người ta không có áo phao dùng thì sao?
Bà mẹ liếc xéo sang mình nhưng vẫn không quên thì thầm với con: Để hết người trên máy bay rồi mình lấy.
2. Chị bạn mình là hiệu trưởng một trường có tiếng ở Hà Nội. Chị kể trường có luật là bạn nào đến trường mà không đội mũ bảo hiểm sẽ bị các bạn trực hôm đó ghi tên và có hình thức kỉ luật. Và vì thế nên có rất nhiều bố mẹ khi đến cổng trường, thoáng nhìn thấy bạn trực thì đưa cái mũ mình đội lên đầu chụp lên cho con. Đi hết tầm mắt thì lấy lại.
3. Mình quen một chú lái xe taxi. Hôm nọ gặp chú hào hứng kể: Em vừa thoát phạt của công an. Em chở con em đi chơi vượt đèn đỏ bị tuýt còi. Em cấu cho con khóc thật to. Sau đó xuống xe em nói em chở con em đi viện, nó đang khóc quá nên phóng vội vàng. Thế con em có biết không? Mình hỏi. Em ấy trả lời: Lúc em cấu thì nó không biết nhưng sau em lên xe kể lại nó mới biết...
Những câu chuyện như trên mình gặp rất nhiều. Càng chỗ công cộng càng hay gặp.
Trong các phương pháp giáo dục, mình thường hay nói quan trọng nhất là "ngôn giáo" và "thân giáo" có nghĩa là lời cha mẹ nói với con và việc cha mẹ làm gương cho con.
Liệu cha mẹ "làm gương" gì với những hành động như vậy?
Mấy hôm nay xem clip về việc chửi bới ở sân bay và chồng đánh vợ, ngoài sự phẫn nộ về cách hành xử của "người lớn", chắc ai cũng thấy ớn lạnh khi nhìn những đứa bé bị/phải chứng kiến bố mẹ mình như vậy. Em bé trong cái clip bố đánh mẹ còn dửng dưng như thể việc đó em đã chứng kiến nhiều lần. Thật sự rất đau lòng.
Nhưng người lớn "bình thường" chúng ta cũng thường hay để con bị/phải chứng kiến những việc nho nhỏ mà chúng ta nghĩ chẳng đáng kể gì.
Mình chẳng hạn.
Hôm đi máy bay với Nam, đến giờ vào check in thì Nam đi vệ sinh. Mình và bố Nam vào xếp hàng. Đến khi Nam quay lại thì cái hàng phía sau đã dài ngoằng. Mình ngoắc tay Nam vẫy vào chỗ mình đang đứng. Vì đơn giản nghĩ là cùng một nhà thì đứng với nhau. Nhưng Nam đưa tay ra hiệu là em phải vào xếp hàng phía sau cùng chứ. Lúc đó mình ngại lắm.
Mỗi lần Nam đi xa, khi xếp hành lý bao giờ cũng cân đúng 23kg. Có lần bố Nam bảo, thôi cho thêm mấy thứ nữa, quá một chút chắc cũng không sao đâu. Nhưng Nam cương quyết bảo bố, khi người ta quy định 23kg là người ta đã tính trọng lượng tối đa một người bốc vác có thể nâng được mà không bị ảnh hưởng đến xương khớp. Nên mình làm đúng để bảo vệ người lao động bố ạ. Lại ngại.
Người lớn thỉnh thoảng cứ "láu cá", cứ "khôn vặt" vì chúng ta cho rằng mình có nhiều trải nghiệm hơn, rằng mình biết cách luồn lách hơn mà không hiểu đó lại là bài học chẳng hay ho gì cho con cái. Nhân quả không đợi đến đời sau mà có ngay ở đời này thậm chí là ngay những khoảnh khắc mình đang sống.
Nên từ những chuyện vu vơ lại thêm có những lúc tự nhắc mình".
Theo Helino
Mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam bật mí 21 điều mà phụ huynh nào cũng muốn giáo viên biết, có những điều tưởng chừng đơn giản nhưng ít ai cũng làm được "Khoảng thời gian ngồi trên ghế nhà trường chính là lúc trẻ em cần phải "nhặt" vào tiềm thức của mình những ấn tượng tốt đẹp nhất của đời người. Xin giáo viên hãy đối xử bình đẳng, hãy khuyến khích con tôi được chơi, được nghe nhạc, đọc sách". Giáo viên và phụ huynh là một trong những người có tác động...