Những bí mật của nghĩa địa máy bay lớn nhất thế giới
Chuyện gì sẽ xảy ra khi một chiếc máy bay không còn có thể sử dụng được nữa? Câu trả lời là nhiều khả năng nó sẽ được chuyển tới nghĩa địa máy bay lớn nhất nước Mỹ. Đây là nơi sẽ khiến những chiếc máy bay “vô dụng” trở nên có ý nghĩa trở lại, thông qua nhiều quy trình đặc biệt.
“Nghĩa địa” của gần 5.000 xác máy bay
Nếu có dịp nào đó lái xe qua đường South Kolb ở thành phố Tucson, tiểu bang Arizona, bạn sẽ thấy những căn nhà trước mắt dần thưa đi, mở ra một khung cảnh lạ lùng. Trước mắt bạn là hàng dãy máy bay quân sự, đứng yên trong tĩnh lặng, dưới ánh mặt trời chói chang, nóng bỏng của mùa hè.
Xin chào mừng bạn tới với căn cứ không quân Davis-Monthan, nằm dưới sự điều hành của đơn vị bảo trì và tái tạo hàng không, không gian số 309 (AMARG). Đây là nơi chứa gần 5.000 chiếc máy bay, nằm san sát nhau trên một khu vực rộng gần 105km2. Lực lượng máy bay ở đây có lẽ chỉ đứng sau không lực Mỹ, với 5.500 chiếc máy bay được điều tới nhiều nơi trên thế giới và hiển nhiên là vẫn còn hoạt động.
Với những người làm việc ở Davis-Monthan, nơi đây được họ gọi bằng cái tên đơn giản là Bãi xương. Căn cứ này từng được lựa chọn là một trong những địa điểm chứa hơn 100.000 chiếc máy bay “dư thừa”, đã trở lại Mỹ sau Thế chiến thứ 2. Dần dần, các máy bay quân sự được chuyển hết về Bãi xương, trong khi những “nghĩa địa” máy bay quân sự khác lần lượt bị rút bớt máy bay, đóng cửa và chuyển đổi công năng sử dụng thành các công trình dân sự.
Trong quá trình hình thành và phát triển, Bãi xương đã “tiếp đón” đủ loại máy bay khác nhau, từ 600 chiếc siêu pháo đài bay B-29 Superfortress hồi năm 1946 cho tới 200 chiếc máy bay vận tải C-47 Skytrain về sau này. Tháng 2.1956, Bãi xương đã đón chiếc Convair B-36 Peacemaker đầu tiên trong số 384 chiếc Peacemaker. Căn cứ còn nhận về nhiều máy bay F-4 và cả những chiếc F-14 nổi tiếng trong siêu phẩm Top Gun của Hollywood. Nó cũng có các máy bay cường kích A-10, máy bay vận tải C-141 Starlifter, máy bay cánh cụp cánh xòe F-111 Aardvarks, máy bay cảnh báo sớm AWAC, máy bay ném bom B-1 Lancer và cả các pháo đài bay B-52.
Bãi xương hiện là nghĩa địa máy bay lớn nhất thế giới. Điều kiện khí hậu ở sa mạc Arizona, với độ cao hơn 2.000 mét so với mực nước biển, nhiệt độ cao, độ ẩm thấp, ít mưa, đã khiến những chiếc máy bay lâu bị gỉ sét và xuống cấp hơn so với bình thường.
Quan trọng hơn, dưới lớp đất phủ dày chừng 12cm ở bề mặt nghĩa địa là một lớp giống đất sét mang tên caliche. Đây thực ra là một loại đất cực kỳ cứng, cho phép những chiếc máy bay có thể đỗ trên sa mạc mà không cần phải xây dựng các bãi đỗ đắt tiền. Với những điều kiện tự nhiên lý tưởng như thế, không có gì lạ khi Bãi xương lại trở thành bãi giữ xác máy bay lớn nhất.
Sẵn sàng hồi sinh máy bay khi cần thiết
Tuy nhiên ở đây, người ta không chỉ hạ cánh máy bay xuống Bãi xương, xếp chúng thành từng hàng, trao chìa khóa cho ai đó và để mặc máy bay xuống cấp theo thời gian. Với tư cách một căn cứ không quân, Bãi xương còn có nhiệm vụ phải sẵn sàng “hồi sinh” những chiếc máy bay khi cần thiết, để tái sử dụng chúng hoặc bán chúng cho các nước đồng minh. Đây là điều đã diễn ra với những chiếc B-29 và C-47 kể ở trên. Sau một thời gian nghỉ ngơi, một số B-29 và C-47 đã được phục hồi để tham gia trong chiến tranh Triều Tiên.
Để làm được điều này, 550 lao động trong căn cứ Davis-Monthan phải thực hiện các quy trình kiểm tra, chuẩn bị nghiêm ngặt. Tất cả các máy bay đưa tới đây đều được rửa ráy sạch sẽ ngay khi tới nơi. Các máy bay từng hoạt động trên tàu sân bay được rửa kỹ nhất để loại bỏ các chất muối có khả năng ăn mòn lớp vỏ. Toàn bộ các khẩu pháo, các linh kiện mật trên máy bay cũng bị gỡ bỏ bên cạnh các thiết bị ghi dữ liệu và đồng hồ. Phần thuốc nổ nhỏ gắn trên bộ phận ghế thoát hiểm của phi công cũng được tháo gỡ.
Video đang HOT
Người ta sẽ rút sạch nhiên liệu ra khỏi máy bay và phun vào khoang chứa một loại dầu nhẹ nhằm bảo vệ bên trong. Tiếp đó máy bay sẽ được niêm phong kín để tránh bụi, ánh sáng mặt trời và nhiệt độ cao, thông qua việc sử dụng các vật liệu như vải nilon đặc biệt và băng dán nhôm. Máy bay cũng được sơn bằng một loại sơn có thể dễ dàng tẩy rửa, với 2 lớp sơn đen và 1 lớp sơn trắng cuối cùng để phản xạ ánh sáng mặt trời. Hoạt động bảo vệ cẩn thận như thế sẽ giúp máy bay luôn ở trong tình trạng mát mẻ và khó han gỉ, bất chấp cái nắng chói chang của sa mạc.
Sau khi hoàn thành quá trình “liệm xác” này, máy bay được xe chuyên dụng đưa tới vị trí lưu giữ. Các máy bay ở Bãi xương được lưu giữ dưới nhiều cấp độ khác nhau, phân cấp từ loại 1.000 tới loại 4.000. Loại 1.000 là các máy bay lưu giữ lâu dài, có niềm tăng tái sử dụng cao và người ta không được lấy linh kiện từ chúng. Các máy bay này sẽ được “tái liệm xác” như máy bay vừa được đưa tới căn cứ sau mỗi 4 năm.
Loại 2.000 là các máy bay được lưu giữ để lấy linh kiện. Loại 3.000 là máy bay được lưu giữ ngắn hạn và sẽ sớm đi vào hoạt động trở lại. Loại 4.000 là các máy bay xếp vào nhóm “dư thừa”, sẽ bị lấy đi các linh kiện cần thiết và bị rã xác để nấu chảy, phục vụ hoạt động tái chế.
Trong các máy bay thuộc loại 4.000, nổi tiếng nhất là 365 chiếc B-52, từng bị hủy bỏ ở Bãi xương trong khuôn khổ hiệp ước cắt giảm vũ khí START giữa Mỹ và Nga. Phần cánh của những chiếc máy bay ném bom chiến lược này bị chém đứt bởi một cỗ máy chém có trọng lượng 7 tấn và sau đó là bằng những chiếc cưa chuyên dụng. Nhiều xác máy bay B-52 sau đó đã được chuyển tới khu 26 ở Bãi xương, để người Nga kiểm chứng từ vệ tinh.
Với việc nhiều dây chuyền lắp ráp máy bay cổ đã không còn hoạt động từ lâu, Davis-Monthan còn là nơi chứa hơn 400.000 công cụ và máy móc cần thiết để chế tạo các linh kiện máy bay cụ thể. Theo BBC, tất cả các máy bay trên thế giới, không chỉ máy bay hoạt động ở Mỹ, đều có các linh kiện được lấy từ kho chứa khổng lồ này.
Công cụ đo đếm sức khỏe ngành hàng không
“Chừng nào máy bay còn hoạt động, các nghĩa địa máy bay quân sự và dân sự sẽ luôn là yếu tố cần thiết để giúp các máy bay đó hoạt động” – nhà văn hàng không Nick Veronico, người từng ghé thăm Davis-Monthan bên cạnh các nghĩa địa máy bay khác nhỏ hơn nằm ở Arizona, cho biết.
Mỗi một bãi xác máy bay về cơ bản là thực hiện một loạt chức năng, từ việc chứa máy bay tạm bị đưa ra khỏi hoạt động nhưng sẽ trở lại cho tới việc thu lấy linh kiện máy bay, kiểm tra chất lượng và lưu trữ linh kiện cho tới khi chúng được tái sử dụng trong các máy bay hiện đại, hoặc hủy bỏ toàn bộ chiếc máy bay. Các chức năng này có liên quan tới nhau và là một phần trong vòng đời của chiếc máy bay.
“Tôi đã bay trên chiếc máy bay đi tới nghĩa địa và cung cấp linh kiện cho những máy bay khác” – ông nói – “Tôi đã có cơ hội chứng kiến việc các linh kiện bị lấy đi khỏi một chiếc máy bay. Tôi cũng đã ở trên chiếc máy bay sử dụng linh kiện lấy từ nghĩa địa máy bay – chính là những phần linh kiện tôi thấy bị gỡ ra khỏi xác máy bay bị loại bỏ, được bảo quản trước khi lắp lại vào máy bay mới”.
Mỹ không phải là nơi duy nhất có nghĩa địa máy bay. Nga cũng có một số nghĩa địa chứa các xác máy bay cổ từ thời Liên Xô, như căn cứ máy bay ném bom ở Vozdvizhenka – cách Vladivostok gần 100km. Một nghĩa địa khác nằm ở Chernobyl, tại khu vực mà người dân được sơ tán sau thảm họa nổ lò phản ứng hạt nhân ở Ukraina vào năm 1986. Tại nghĩa địa này, một hàng máy bay trực thăng cỡ lớn của Liên Xô đứng tĩnh lặng trên sân bay, gần với những chiếc xe từng dùng để dọn dẹp các khu vực nhiễm xạ.
Theo BBC, bất chấp việc những chiếc trực thăng có thể bị nhiễm xạ ở mức độ nhất định, nhiều chiếc vẫn bị lấy đi các linh kiện quan trọng. Mỗi năm, số lượng xác máy bay lại giảm dần đi cùng hoạt động tái chế. Keith Hayward – chuyên gia tại Hội hàng không không gian hoàng gia Anh – nói rằng máy bay ít gây khó khăn trong việc rã xác hơn các phương tiện vận tải hạng nặng khác như tàu biển.
Theo BBC, khi ngày càng có ít kim loại tái chế được dùng để sản xuất máy bay hiện đại, quy mô khổng lồ của nghĩa địa máy bay như Bãi xương sẽ dần giảm xuống. “Trong tương lai, việc tăng cường sử dụng vật liệu composite sẽ khiến người ta khó xử lý các xác máy bay hơn. Nhưng ngành hàng không có các quy trình để xử lý vấn đề này. Và ngay cả trong tương lai đó, nhu cầu chứa máy bay sẽ vẫn còn tồn tại. Thực tế thì số lượng máy bay chứa ở nghĩa địa cũng là một thước đo tốt, cho thấy sự suy giảm hoặc phục hồi liên quan tới hoạt động của ngành hàng không. Số lượng máy bay ở nghĩa địa chắc chắn sẽ được các chuyên gia theo dõi kỹ” – Hayward nói.
Trở lại Tucson, các hàng máy bay đỗ tại Davis-Monthan vẫn nằm im trong cái nắng của Arizona. Với một số máy bay, Bãi xương là điểm đến cuối cùng. Nhưng với một số chiếc máy bay khác, đây chỉ là điểm dừng chân tạm, trước khi chúng có cơ hội tung cánh trở lại bầu trời.
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Cận cảnh quá trình "khai tử" các tàu ngầm hạt nhân Nga
Hải quân Nga sở hữu một lượng lớn tàu ngầm hạt nhân và đang trong quá trình thay thế chúng bằng những tàu hiện đại, đắt giá hơn. Nhưng để phá hủy những chiếc tàu ngầm cũ này cũng là cả một công việc đầy tốn kém.
Nằm trong khuôn khổ kế hoạch hiện đại hóa quân đội trị giá 21 nghìn tỷ rúp (545 tỷ USD) của Tổng thống Nga Putin, hải quân nước này đang được tiếp nhận những tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới lớp Borei. Cùng với quá trình này, các tàu ngầm hạt nhân thế hệ cũ sẽ phải "nghỉ hưu" và tháo dỡ.
Việc xử lý những chiếc tàu lớn, mang trên mình những lò phản ứng hạt nhân này cũng là cả một quá trình công phu và tốn kém.
Một chiếc tàu ngầm hạt nhân cũ của Nga trên đường đi phá hủy tại Vladivostok
Với chiều dài 107m, mỗi chiếc tàu ngầm hạt nhân dài hơn cả một sân bóng đá
Thông thường, các tàu ngầm sẽ được đưa tới xưởng Zvezda, tại Vladivostok
Tại đây chiếc tàu sẽ bị tháo dỡ từng phần
Công việc tháo dỡ những chiếc tàu cũ kỹ mang tải trọng lớn và nhiên liệu hạt nhân là không hề đơn giản
Theo một số ước tính, Nga sẽ phải chi khoảng 2 tỷ USD để tháo dỡ toàn bộ các tàu ngầm hạt nhân đến tuổi "nghỉ hưu"
Góc chụp này cho thấy không gian sống chật chội ra sao trên những chiếc tàu ngầm kiểu cũ
Thanh Tùng
Tổng hợp
Nga gây ngạc nhiên bằng những vũ khí hải quân mới Đài Tiếng nói nước Nga dẫn báo cáo của ông Leonid Naumov, người đứng đầu Viện Công nghệ biển thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, Bộ Quốc phòng nước này đã đặt hàng lô tàu thuyền không người lái có trang bị súng máy cũng như các robot-trực thăng. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã thị sát việc biểu diễn...