Những bê bối an toàn thực phẩm ảnh hưởng đến trẻ em thế giới
Sự cố 23 học sinh tiểu học Ấn Độ thiệt mạng do ăn phải thực phẩm nhiễm thuốc trừ sâu khiến hiệu trưởng chịu án tù 17 năm.
Ngày 16/7/2013, tai nạn nghiêm trọng liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm xảy ra tại trường tiểu học Gandaman (Chapra, bang Bihar, miền đông Ấn Độ), khiến 23 học sinh mất mạng. Nạn nhân từ 4 đến 12 tuổi, chết sau khi ăn thực phẩm nhiễm thuốc trừ sâu được phục vụ trong bữa trưa ở trường.
Các nạn nhân ngã bệnh trong vòng vài phút sau khi ăn bữa cơm với đậu nành và cà ri khoai tây, nằm trong chương trình bữa trưa miễn phí hàng ngày do chính phủ tài trợ. Một số em chết gần như ngay lập tức, những em khác được chuyển đến bệnh viện điều trị nhưng không qua khỏi.
23 trẻ Ấn Độ đã mất mạng trong sự cố an toàn thực phẩm ở Chapra. Ảnh: India Today
The Guardians thông tin, xét nghiệm pháp y cho thấy đậu nành trong bữa ăn bị nhiễm monocrotophos, loại thuốc trừ sâu gây chết người bị cấm ở nhiều quốc gia.
Một tuần sau thảm kịch, cảnh sát Ấn Độ bắt giữ Meena Devi, hiệu trưởng của trường cùng chồng bà là Arjun Yadav để điều tra. Quan chức phát hiện dầu ăn dùng để nấu món đậu nành được đựng trong chiếc thùng trước đây từng chứa thuốc trừ sâu. Dầu ăn bà Devi mua từ một cửa hàng tạp hóa do chồng sở hữu. Một đầu bếp của nhà trường khai khi nhận xét dầu ăn trông có vẻ khác thường, hiệu trưởng vẫn yêu cầu sử dụng.
Devi và chồng bị buộc tội làm chết người, có thể bị kết án tử hình. Cả hai đều phủ nhận cáo buộc và nói với cảnh sát không cố ý gây chết người. Hơn ba năm sau ngày bị bắt giữ, tháng 8/2016, tòa án ở Chhapra đã kết án Meena Devi 17 năm tù với tội danh cẩu thả làm chết người. Ông Arjun Yadav không bị kết tội.
Bữa trưa học đường ở Ấn Độ là một trong những chương trình dinh dưỡng học đường lớn nhất thế giới, phục vụ hơn 120 triệu trẻ em. Chính quyền tiểu bang có quyền tự do quyết định thực đơn và thời gian của các bữa ăn, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể. Chương trình được giới thiệu lần đầu tiên vào những năm 1960 ở miền nam Ấn Độ, được xem là một trong những động lực để phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn cho con đi học.
Thực phẩm thường được cung cấp bởi các nhà thầu. Trong đó, nhiều đơn vị sử dụng nguyên liệu không đạt tiêu chuẩn nhằm trục lợi và hối lộ cho các quan chức để nhắm mắt làm ngơ. Mặc dù đã có những phàn nàn về chất lượng thực phẩm được phục vụ và vấn đề thiếu vệ sinh, sự cố ở bang Bihar được đánh giá rất nghiêm trọng và chưa từng có tiền lệ.
Ai Cập ngừng chương trình bữa trưa học đường sau loạt sự cố
Chỉ trong tháng 3/2017, Ai Cập chứng kiến 4.650 trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm tại các trường học trên toàn quốc. Sự cố lớn nhất xảy ra tại thành phố Sohag ở phía nam, khiến ít nhất 3.350 học sinh ảnh hưởng. Trước đó, số trường hợp được báo cáo từ đầu năm học (tháng 9/2016) là khoảng 300.
Video đang HOT
Trước làn sóng phẫn nộ của dư luận, Bộ Giáo dục Ai Cập quyết định ngừng chương trình bữa trưa học đường để điều tra nguyên nhân, theo hãng tin AP ngày 23/3/2017. Động thái này tác động đến khoảng 9 triệu học sinh vốn được hưởng lợi từ chương trình.
Tuy nhà chức trách khẳng định thực phẩm đã được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi phân phối, nhiều phụ huynh bày tỏ không hài lòng. Thức ăn trong bữa trưa và cả đồ ăn vặt trong bữa phụ được cung cấp bởi một công ty thuộc sở hữu của quân đội. Nhiều học sinh bị đau bụng, nôn mửa và sốt nhẹ sau khi ăn bánh quy miễn phí ở trường.
Samar, bà nội trợ ở Cairo cho biết đã thu thập đồ ăn mà các con được phát ở trường mỗi ngày và vứt đi. “Tôi luôn nhắc nhở các con không được ăn những đồ ăn vặt được phát ở trường. Họ đưa cho chúng một miếng phô mai đáng ngờ với một nhãn hiệu mà tôi chưa từng thấy trước đây”, cô nói.
53.000 trẻ Trung Quốc ngộ độc sữa nhiễm melamine
Năm 2008, Lý Trường Giang, người đứng đầu cơ quan giám sát an toàn thực phẩm của Trung Quốc từ chức sau vụ bê bối liên quan đến 53.000 trẻ ngộ độc do uống sữa nhiễm hóa chất melamine.
Hàng chục công ty sản xuất sữa ở Trung Quốc đã bị phát hiện cung cấp sữa nhiễm bẩn, trong đó có ba công ty lớn nhất thuộc lĩnh vực này. Sự cố khiến gần 13.000 người phải nhập viện điều trị và theo dõi, 4 trẻ em thiệt mạng và hơn 100 em gặp nguy hiểm.
Sức khỏe của trẻ em bị ảnh hưởng xấu sau khi uống sữa nhiễm melamine. Ảnh: Reuters
Melamine được sử dụng để sản xuất nhựa, có hàm lượng nitơ cao, khiến các sản phẩm dường như có lượng protein cao. Một số nhà cung cấp sữa bị cáo buộc pha loãng nước với sữa để tăng khối lượng, sau đó thêm melamine để “ngụy trang”.
Thu nạp một lượng nhỏ melamine không gây hại, nhưng việc hấp thụ lâu dài có thể gây sỏi thận và suy thận, đặc biệt là trẻ em. Hầu hết nạn nhân dưới hai tuổi.
Tập đoàn Sanlu, nhà sản xuất sữa bột lớn nhất Trung Quốc, bị chỉ trích vì đã nhận khiếu nại về chất lượng sữa trong hơn một tháng, nhưng giấu kín thông tin trong thời điểm Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội.
Sau sự cố, nhiều quốc gia và lãnh thổ châu Á như Nhật Bản, Brunei, Singapore, Malaysia và Đài Loan đã cấm hoặc thu hồi các sản phẩm sữa Trung Quốc.
Hàng loạt trẻ em ở Hong Kong được đưa đi xét nghiệm sau khi nạn nhân đầu tiên là cô bé ba tuổi bị chẩn đoán sỏi thận. Em uống hai ly sữa giàu canxi ít béo mỗi ngày trong hơn một năm. Chính phủ hứa điều trị miễn phí cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi sữa nhiễm melamine, nhưng phụ huynh vẫn lo lắng hậu quả lâu dài.
Vụ bê bối khiến nông dân chăn nuôi bò sữa chịu nhiều tổn thương. Nhiều người tuyệt vọng đến mức đổ sữa và làm chết gia súc sau khi các công ty ngừng mua. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc hứa trợ cấp để nông dân vượt qua khủng hoảng.
Hiệu trưởng Trung Quốc bị sa thải vì thực phẩm bị mốc
Theo Global Times ngày 17/3/2019, hiệu trưởng Trường trung học số 7 Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc) vừa bị sa thải sau vụ bê bối gây bức xúc về an toàn thực phẩm. Hôm thứ sáu, trưởng phòng giáo dục Huang Xiaodong và phó giám đốc Cục Quản lý thị trường của địa phương bị đình chỉ công tác và bị điều tra về sự việc.
Sự việc bùng nổ từ hôm thứ ba tuần trước. Một số học sinh phản ánh bị đau bụng, khiến phụ huynh cùng kéo đến trường, tìm thấy thịt và hải sản bị mốc trong căng tin. Hôm thứ bảy, hơn 920 học sinh trường Thành Đô được tổ chức kiểm tra sức khỏe. Ba học sinh nhập viện vì viêm ruột thừa cấp tính và đau bụng, trong đó hai người hiện đã ổn định và một người xuất viện.
Một cuộc điều tra của cơ quan quản lý thị trường Thành Đô cho thấy 17 trong số 18 lô thực phẩm được cung cấp cho căng tin của trường đạt tiêu chuẩn, còn 75 kg mì sợi bị mốc, hai phần ba trong số đó đã được phục vụ.
Các nhà điều tra nhấn mạnh rằng mẫu thực phẩm được lưu trữ đúng cách và không có bên thứ ba nào can thiệp vào các xét nghiệm. Năm trường khác trong thành phố có cùng nhà cung cấp thực phẩm cũng được kiểm tra, nhưng không vấn đề nào được phát hiện.
Trong khi cam kết không khoan nhượng đối với bất kỳ hành vi sai trái nào liên quan đến vụ bê bối, chính quyền địa phương kêu gọi công chúng không lan truyền tin đồn sai lệch trên mạng.
Thùy Linh
Theo VNE
Đắk Nông: Học sinh vùng cao cảm ơn độc giả báo Dân trí vì bữa cơm trưa có thịt cá
Ba ngày sau khi báo Dân trí đăng tải bài viết: "Tránh bữa trưa với muối ớt và chuột đồng cho học sinh, giáo viên lên mạng "xin" giúp đỡ", hơn 130 học sinh của xã vùng cao Quảng Hòa (huyện Đắk G'Long, tỉnh Đắk Nông) đã có bữa cơm trưa đầy đủ thịt cá, canh rau từ số tiền mà độc giả báo Dân trí ủng hộ, giúp đỡ.
Tới thời điểm hiện tại, hơn 120 triệu đồng cùng nhiều món quà của độc giả cả nước đã được trao đến những học sinh của Trường Tiểu học Bế Văn Đàn và THCS Quảng Hòa.
Lá thư cảm ơn độc giả báo Dân trí của học sinh Triệu Thị Phương
Em Triệu Thị Phương, nữ sinh lớp 9A, một trong 130 học sinh được nhận cơm trưa, nắn nót viết từng lời cảm ơn độc giả báo Dân trí. Bắt đầu từ tuần học này, cô học trò người Dao sẽ được ăn hai bữa trưa do các thầy cô giáo nấu. Đối với cô bé và hàng chục đứa trẻ khác đang tá túc ở những lán trại dựng quanh trường, đó là những bữa cơm đầy đủ nhất trong những ngày chúng trọ học xa nhà.
Trong thư cảm ơn gửi độc giả Dân trí, Phương tâm sự, các em đều là những học sinh nghèo người dân tộc thiểu số, dù hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả đều có ước muốn là được tiếp tục đến trường, để có được tương lai tươi sáng hơn. Thế nhưng, học lên mỗi lớp lại làm gánh nặng của cha mẹ ngày càng tăng, vì vậy ngoài giờ học, các em phải đi làm thuê, bắt cua, hái rau rừng về ăn. Nhận được sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, đó không chỉ là món quà vật chất mà còn là món quà tinh thần, chắp cánh cho những ước mơ của học trò vùng cao.
Bắt đầu từ ngày 10/12, học sinh xã Quảng Hòa sẽ được nhận cơm, được nấu từ số tiền các độc giả ủng hộ
Thầy Nguyễn Quang Trung, giáo viên trường THCS Quảng Hòa, người phụ trách bếp ăn tình thương cho biết, thực sự những ngày qua là những ngày hạnh phúc không chỉ đối với cá nhân thầy mà là toàn thể giáo viên, học sinh xã Quảng Hòa. Trước những tình cảm của độc giả báo Dân trí, tập thể các thầy cô giáo đều nhận thấy rằng, việc đi "xin" cơm cho học sinh là đúng đắn và sẽ tiếp tục duy trì, tất cả chỉ vì mục tiêu, "giữ chân" học trò ở lại trường.
"Đến ngày hôm nay, vẫn không có từ ngữ nào có thể diễn tả được niềm vui, niềm hân hoan của thầy trò chúng tôi khi có những bữa cơm ngon, đầy đủ chất dinh dưỡng được làm nên từ sự giúp đỡ của mọi người. Nhận được sự giúp đỡ to lớn của các mạnh thường quân, chúng tôi càng có niềm tin, động lực để tiếp tục công việc. Còn học sinh, các em có thêm một lý do ở lại trường, đó là học tập thật tốt để không phụ công mọi người", thầy Trung xúc động.
Nhiều đồ dùng sinh hoạt, học tập cũng được gửi tặng học sinh hai trường của xã Quảng Hòa
Em Triệu Thị Phương thay mặt những học sinh của xã vùng cao Quảng Hòa gửi lời cảm ơn đến các mạnh thường quân, độc giả báo Dân trí. "Một lần nữa, cho phép cháu thay mặt các bạn học sinh nơi đây, xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các cô chú. Cô chú ơi, chắc chắn chúng cháu sẽ không phụ lòng tâm huyết của cô chú !", Phương viết cuối thư.
Thay mặt chính quyền địa phương, ông Nguyễn Bá Thủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa cũng gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả độc giả báo Dân trí. Sự quan tâm, động viên, giúp đỡ của mọi người đối với học sinh của xã đã giúp các em có cuộc sống ổn định hơn, qua đó thể hiện tinh thần nhân văn, lá lành đùm lá rách của người Việt Nam.
Dương Phong
Theo Dân trí
Bạn đọc viết: Bữa ăn bán trú: Mong mỏi của phụ huynh trường nông thôn Ở nhiều vùng nông thôn, việc đưa đón con trẻ đi lại học hành còn nhiều vất vả, tốn kém công sức và tiền bạc vì chưa có bữa ăn bán trú ở trường. Khó khăn nảy sinh từ bữa trưa của học sinh cũng gây ảnh hưởng một phần đến chất lượng giáo dục cũng như sinh hoạt gia đình. Ảnh minh...