Nhức đầu con càng lớn càng ‘khó bảo’
Nhiều phụ huynh có con trong tuổi khoảng từ 10-16 than thở thấy ‘quá khó’ trong việc giao tiếp với con. Họ cảm thấy bế tắc khi con bước vào giai đoạn thay tính đổi nết.
Chị Hạnh Nhi, Q.7, TP.HCM có con gái lên 13 tuổi, than vãn: “ Sao con gái lớn chừng nào khó bảo chừng đó. Lúc nào cũng tỏ ra khó chịu, lầm lầm lì lì, đi học về là vào phòng riêng đóng cửa lại”.
Nhiều phụ huynh khác thì thảng thốt: “Sao hồi nhỏ con ngoan ngoãn, lễ phép mà giờ lại trái tính trái nết thế này?”.
Trẻ bước vào tuổi dậy thì có những biến đổi rất lớn về tâm sinh lý. Lúc này trẻ rất cần sự chỉ bảo, giúp đỡ tận tình, nhưng cha mẹ quá bận rộn hoặc do suy nghĩ đơn giản nên ít gần gũi, chia sẻ với trẻ.
Kết quả là dù sống chung một mái nhà nhưng cha mẹ và con cái như “người dưng”, ban ngày thì mạnh ai nấy đi, tối về việc ai nấy làm: mẹ thì lo dọn dẹp nhà cửa, cha xem ti vi, con rút vào phòng riêng.
Một số bậc cha mẹ thỉnh thoảng cũng trao đổi, hỏi han con song “được” nghe con đáp là hãy để cho chúng được yên hoặc lấy lý do học bài để tránh nói chuyện với người lớn…
Lý do chính là trẻ giai đoạn này có nhiều lo lắng, hoang mang với những thay đổi của bản thân song không biết bày tỏ cùng ai, trong khi trẻ chưa có nhiều kỹ năng kiểm soát cảm xúc nên không làm chủ được hành vi.
Để cởi bỏ nút thắt, tạo mối quan hệ chặt chẽ với con trong tuổi dậy thì, các bậc phụ huynh cần nắm rõ một số quy tắc.
Video đang HOT
Thứ nhất, trang bị cho trẻ những kiến thức cơ bản, cần thiết về những thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì. Có hiểu biết, trẻ sẽ lường trước được những thay đổi về sinh lý của bản thân và đỡ căng thẳng, e ngại hơn.
Thực tế cho thấy những đứa trẻ được cha mẹ chỉ dẫn tận tình, chu đáo sẽ cảm thấy tự tin, hạnh phúc và tự hào về sự trưởng thành của cơ thể.
Để chuẩn bị cho con, cha mẹ có thể cùng con đi mua sách, tham khảo tài liệu về những đặc điểm của hai giới khi bước vào giai đoạn tuổi dậy thì. Nếu chưa nắm chắc những kiến thức này, cha mẹ có thể trao đổi thêm với chuyên gia tư vấn để hỗ trợ con.
Thứ hai, trang bị cho con kỹ năng tự chăm sóc, bảo vệ cơ thể mình cũng như kỹ năng kiềm chế cảm xúc, kiểm soát hành vi. Lứa tuổi này các em rất dễ có biểu hiện thất thường, bốc đồng, sẵn sàng “đá thúng, đụng nia” khi không vừa ý.
Cần lưu ý, ở giai đoạn này trẻ rất dễ phạm lỗi và có hai chiều hướng gây ra lỗi. Một là do vô ý vì sự rối loạn, biến đổi của cơ thể, tay chân lóng ngóng nên hành động vụng về, hậu đậu. Hai là trẻ chủ động cố tình gây ra lỗi để gây sự chú ý, quan tâm của cha mẹ.
Vì thế, khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ cần bình tĩnh, kiên nhẫn cùng trẻ phân biệt lỗi của trẻ do đâu. Nếu trẻ sai, cha mẹ nên nhẹ nhàng chỉ ra cái sai và định hướng cho trẻ. Bên cạnh đó, hãy luôn đặt niềm tin vào trẻ.
Nếu cha mẹ quát tháo, chê trách, mỉa mai, so sánh với những đứa trẻ khác hoặc với chính mình sẽ làm cho trẻ thêm căng thẳng, bức xúc và rơi vào trạng thái cảm thấy tự ti vì mình kém cỏi, bất tài, vô dụng.
Hãy kể cho con nghe những cảm xúc của mình khi bước vào giai đoạn dậy thì như con, nhất là những hành vi vụng về mà mình đã trải qua để trẻ cảm nhận được sự đồng cảm và chân thành. Tránh lối áp đặt kiểu “ngày xưa mẹ thế này, thế kia…” đối với trẻ.
Giai đoạn này trẻ cũng bắt đầu hình thành cảm xúc khác giới, hãy đồng cảm, lắng nghe và định hướng trẻ thay vì la mắng, cấm đoán – điều rất nhiều phụ huynh có con trong tuổi dậy thì hay mắc phải.
Bên cạnh đó đừng chỉ quan tâm đến kết quả học tập của con vì việc học hiện đang là áp lực lớn của hầu hết trẻ. Thay vào đó, hãy chú ý đến khí chất và những rung động của trẻ. Hãy dành thời gian trò chuyện với trẻ, đưa trẻ đi nhà sách, tham gia các môn thể thao, tâm sự, bàn luận với trẻ những chủ đề mà trẻ quan tâm…
Theo tuoitre.vn
Không bao giờ được dùng bạo lực để trấn áp trẻ
Vụ việc bé T.D (Hà Nội) bị anh rể tát vì cho rằng em ương bướng, hư hỗn đã khiến dư luận bức xúc nhưng đồng thời cũng chia sẻ về sự bất lực khi con khó bảo ở tuổi dậy thì. Chia sẻ với Báo NTNN, TS Vũ Thu Hương (giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội) khẳng định, dù trong bất kỳ trường hợp nào, người lớn không thể giáo dục trẻ bằng bạo lực.
Thưa TS, tại sao ở lứa tuổi dậy thì trẻ em lại có những thay đổi chóng mặt về tính cách, trở nên bướng bỉnh, khó bảo?
- Trẻ dậy thì là thời điểm các bạn sẽ phải đối mặt với các biến đổi rất lớn về nhiều mặt. Cơ thể trưởng thành, các bộ phận nhạy cảm phát triển, những vấn đề hết sức người lớn như xuất hiện các vấn đề về sinh lý, cảm giác thích bạn khác giới xuất hiện mạnh mẽ, cảm giác sợ sệt vì những biến đổi bất thường cùng những lo lắng, hoảng hốt khi có ai đó vô tình động chạm đến cơ thể. Có thể nói, trong suốt cuộc đời một con người, thời điểm dậy thì là thời điểm chúng ta thay đổi nhiều nhất.
TS Vũ Thu Hương - giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội.
Khi con dậy thì, cha mẹ thường lúng túng, bất lực trong việc uốn nắn, dạy dỗ trẻ. Theo bà nguyên nhân do đâu?
- Khi bọn trẻ còn bé, cha mẹ thấy con cái còn nhỏ, nhiều điều còn lơ ngơ, nghĩ có thể lừa hoặc trấn áp được con. Vì thế, có không ít cha mẹ dùng quyền của người cha để quát nạt, đánh đập, bắt ép con cái nghe theo ý mình. Cũng có cha mẹ dùng lời ngon ngọt để dụ dỗ con nghe mình.
Đến khi con dậy thì, cơ thể con đã lớn, lúc đó con thấy cha mẹ không còn quá to lớn như lúc các con còn bé. Vì thế, các con không còn sợ hãi và nghe theo cha mẹ. Mặt khác, con cũng đã tích lũy được chút hiểu biết xã hội vì thế, con có thể đủ sức hiểu ra những hành vi của cha mẹ làm với mình trước nay là không ổn, có thể vi phạm một số tuyên bố của cha mẹ từng nói hoặc vi phạm luật chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Chính vì vậy, con bắt đầu bày tỏ sự thiếu tin tưởng và không hợp tác với cha mẹ.
Vậy cha mẹ phải làm thế nào để không "nổi điên" khi giáo dục trẻ?
- Trẻ ở tuổi dậy thì tuy đang nổi loạn nhưng vẫn có hiểu biết và sự đánh giá riêng. Nếu cha mẹ luôn làm mọi việc hợp lý, đúng luật pháp quy định, có sự hiểu biết về tâm sinh lý trẻ thì chắc chắn các con cũng sẽ không phản kháng.
Ví dụ: Một bà mẹ thấy con được điểm học tập không cao thì ra sức dụ dỗ con học thêm vào trong hè dù con mới thi xong học kỳ 2, rất mệt mỏi và muốn xả hơi. Với tình huống này, các bạn nhỏ chắc chắn sẽ có phản kháng mạnh mẽ.
Còn một bà mẹ biết động viên con kịp thời dù con mới có chút cố gắng nhỏ xíu cho một việc nào đó thì chắc chắn vẫn có thể trở thành bạn bè thân thiết của tuổi dậy thì.
Không bao giờ bạo lực là hướng xử lý phù hợp dù đó là tình huống nào. Trẻ bị bạo lực chắc chắn sẽ mang theo sự tổn thương hết sức lâu dài. Có những bạn bị bố mẹ đánh đập quá nhiều đã chia sẻ, khi lớn lên, bạn ấy luôn có cảm giác sợ hãi rằng người đang giao tiếp với mình sẽ tát bốp vào mặt mình. Rõ ràng, những ấn tượng sâu nặng của những vụ bạo hành sẽ còn mãi cho dù vụ việc đã trôi qua từ rất lâu.
Cha mẹ cần làm gì để không bị động và thiếu kiến thức "làm cha mẹ" khi con đến tuổi dậy thì, khó bảo?
- Theo tôi, cha mẹ cần có những hướng dẫn cụ thể về việc giáo dục con trẻ từ ngay khi đứa trẻ còn nằm trong bụng mẹ. Từ mục tiêu sinh con như: Sinh con vì đã lập gia đình,vì bạn bè ai cũng sinh con, sinh con vì muốn có thêm con trai, sinh con vì mong muốn tạo ra một con người... cho đến việc chăm sóc và giáo dục con thế nào.
Việc này không chỉ cần thực hiện khi con đã lớn mà ngay từ khi con còn nhỏ cho đến khi con đủ tuổi trưởng thành. Vậy nên, có lẽ cần có những quy định cụ thể bắt buộc các cha mẹ theo học các lớp hướng dẫn làm cha mẹ. Nếu việc này được tiến hành thì chắc chắn các vụ việc đánh đập vì con khó bảo, bướng bỉnh sẽ không có cơ hội xảy ra.
Theo Danviet
Làm thế nào khi con dậy thì sớm? Hiện nay sự phát triển tâm sinh lý của trẻ thường sớm hơn so với lứa tuổi. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh cần phải để tâm tới hiện tượng dậy thì sớm ở trẻ, từ đó có những cách xử lý phù hợp Dậy thì sớm Các bác sĩ cho biết những dấu hiệu nhận biết dậy thì sớm ở trẻ...