Nhu cầu tuyển dụng ngành CNTT Việt Nam tăng gấp 4 lần sau 10 năm
Theo thống kê, nhu cầu tuyển dụng của ngành CNTT đã tăng gấp 4 lần sau một thập kỷ, từ năm 2010 đến đầu năm 2020. Sự thay đổi mức lương đăng tuyển qua các năm cũng phản ánh xu hướng phát triển của CNTT tại Việt Nam.
Phát triển phần mềm chiếm ưu thế bền vững trong thập kỷ “gia công”
VietnamWorks vừa công bố báo cáo “Thị trường nhân lực ngành CNTT Việt Nam” thập niên 2010 – 2020.
Báo cáo được thực hiện dựa trên việc phân tích các số liệu từ hai nguồn chính gồm: dữ liệu về các công việc ngành CNTT được đăng tuyển trong giai đoạn 2010-2019; và dữ liệu khảo sát thị trường nhân lực ngành CNTT 2020 do đơn vị này thực hiện bằng phương pháp định lượng trên 2.000 nhân lực ngành CNTT.
Trong đó, các số liệu về lương được sử dụng trong báo cáo là mức lương hàng tháng trước thuế và bảo hiểm, được tính theo USD với tỉ giá là 23.300 đồng/1 USD.
Thống kê cho thấy, giai đoạn từ 2010 đến đầu năm 2020, nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành Phát triển phần mềm luôn chiếm hơn 50% nhu cầu tuyển dụng của toàn ngành CNTT
Lấy năm 2010 làm mốc, báo cáo “Thị trường nhân lực ngành CNTT Việt Nam” thập niên 2010 – 2020 cho thấy nhu cầu tuyển dụng của ngành CNTT tại Việt Nam đã tăng gấp 4 lần sau 1 thập kỷ.
Trong đó, 7 nhóm ngành thuộc lĩnh vực CNTT có như cầu tuyển dụng phổ biến lần lượt là: Phát triển phần mềm; Hỗ trợ kỹ thuật; Quản lý dự án/Sản phẩm; Thiết kế trải nghiệm người dùng (UX) và Giao diện (UI); Kỹ sư kiểm định chất lượng sản phẩm QA/QC và Khoa học dữ liệu.
Đáng chú ý, giai đoạn từ 2010 đến đầu năm 2020, nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành Phát triển phần mềm luôn chiếm hơn 50% và có ảnh hưởng lớn nhất đến nhu cầu tuyển dụng của toàn ngành CNTT. Khi so sánh nửa đầu thập kỷ và nửa cuối thập kỷ, nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành này tăng trưởng gần gấp đôi.
Video đang HOT
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, trong nhóm ngành Phát triển phần mềm, nhu cầu tuyển dụng chủ yếu là các kỹ sư có chuyên môn Mobile, Web, ERP (giải pháp phần mềm quản lý đa chức năng) đi kèm các kỹ năng lập trình ngôn ngữ phổ biến là JAVA, PHP, .NET luôn chiếm tỷ lệ cao cho thấy xu hướng phát triển phần mềm tại Việt Nam trong thập kỷ qua nằm ở dịch vụ gia công phần mềm (Outsourcing), đặc biệt là Web App và Mobile App.
Ngoài ra. nếu xét theo kỹ năng phổ biến, kỹ năng lập trình Web Javascript vẫn thể hiện được khả năng hợp với xu thế phát triển phần mềm tại Việt Nam. Nhóm kỹ năng này có mức tăng trưởng mạnh nhất về nhu cầu tuyển dụng, lên đến 63,3% nếu so với năm 2010. Theo sau đó là nhóm kỹ năng lập trình cho iOS tăng trưởng 29,8% và kỹ năng lập trình cho Android tăng 26,8%.
Xu hướng CNTT thay đổi qua các năm xét từ góc độ “mức lương cao nhất”
Cũng theo báo cáo “Thị trường nhân lực ngành CNTT Việt Nam” thập niên 2010 – 2020, mức lương đăng tuyển trung bình cao nhất có sự thay đổi qua từng năm cho thấy sự thay đổi xu hướng CNTT tại Việt Nam trong thập kỷ qua.
Cụ thể, giai đoạn 2011 – 2012, đây là thời kỳ của Phát triển ứng dụng trên điện thoại (Mobile App), do đó mức lương trung bình cao nhất thuộc về bộ đôi bổ trợ cho nhau là Kỹ sư lập trình nhúng hệ thống (Embedded Developer) với mức lương 3.750 USD và Kỹ sư phần cứng (Hardware Engineer) có mức lương 3.500 USD.
Giai đoạn năm 2013 – 2014 đánh dấu bước trỗi dậy của thời đại “Tập trung vào dữ liệu” (Data driven) khi các doanh nghiệp đều hướng đến việc tận dụng khai thác các lợi thế của dữ liệu lớn, kéo theo mức lương cao nhất thuộc về hai công việc phục vụ cho Khoa học dữ liệu là Kỹ sư khoa học dữ liệu (Data scientist) với mức lương 3.531 USD và Kỹ sư lập trình ngôn ngữ Python với mức lương 2.900 USD.
Nửa thập kỷ sau vào những năm từ 2015 – 2019, tiếp tục là sự phát triển của Khoa học dữ liệu khi công nghệ này ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn với doanh nghiệp. Điều này thể hiện qua việc mức lương đăng tuyển cho vị trí “Phát triển hệ thống quản trị thông minh cho doanh nghiệp” (BI) với mức lương 1.532 USD vào năm 2015.
Các xu hướng công nghệ cao bắt đầu du nhập vào Việt Nam thời điểm này và cũng thể hiện được thông qua mức lương cao được chi trả cho các vị trí như Kỹ sư lập trình vạn vật kết nối (IoT Developer) với mức lương 1.800 USD; Kỹ sư lập trình trí tuệ nhân tạo (AI Developer) với mức lương 1.958 USD; Kỹ sư lập trình công nghệ chuỗi khối (Blockchain Developer) được đề xuất mức lương 2.033 USD; Kỹ sư lập trình Dữ liệu đám mây (Cloud Developer) với mức lương 2.006 USD, Kỹ sư lập trình thị giác máy tính (Computer Vision Developer) với mức lương 2.382 USD.
Nếu xét theo vai trò công việc, Quản lý dự án/sản phẩm là nhóm được nhà tuyển dụng đề xuất mức lương đăng tuyển cao nhất là 1.775 USD. Tiếp theo là Phát triển phần mềm với mức lương đăng tuyển trung bình là 1.527 USD. Nhóm Khoa học dữ liệu đứng ở vị trí thứ 3 với mức lương là 1.356 USD.
Còn xét theo lĩnh vực công việc, Top 3 lĩnh vực có mức lương cao nhất lần lượt là: Fintech với mức lương đăng tuyển trung bình là 1.115 USD; Công nghệ cao (IoT; AI; Blockchain…) có mức lương trung bình là 1.055USD; Thương mại điện tử (E-Commerce) với mức lương là 895 USD.
Nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp ngành CNTT tăng 7%
Theo Navigos Group, sản xuất và CNTT là hai lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp cao nhất quý I/2020. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng nhân sự của ngành CNTT tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sản xuất, CNTT dẫn đầu về nhu cầu tuyển dụng trong quý I/2020
Báo cáo về nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp tại thị trường Việt Nam trong quý I/2020 vừa được Navigos Group phát hành. Đây là tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự đang sở hữu trang tìm kiếm việc làm trực tuyến VietnamWorks và công ty tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search.
Thống kê dựa trên nhu cầu tuyển dụng từ Navigos Search cho thấy, ngành sản xuất có nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao tăng trưởng cao nhất, tăng 14% so với quý IV/2019 và tăng đến 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành CNTT cũng có mức tăng trưởng nhẹ ở mức 3% so với quý IV/2019 và 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chuyên gia Navigos Search cho rằng hiện nay là thời điểm tốt để doanh nghiệp tuyển dụng và chuẩn bị nguồn nhân lực cho giai đoạn phục hồi kinh doanh sau dịch bệnh.
Theo quan sát từ Navigos Search, làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, với một số ngành trong đó có Điện - Điện tử vẫn tiếp diễn từ năm 2019. Tuy nhiên, các quyết định tuyển dụng của các nhà đầu tư đang phải trì hoãn vì chính sách hạn chế di chuyển giữa các quốc gia.
Ngoài ra, một số dự án chậm triển khai do trưởng dự án hoặc vị trí quan trọng không thể sang Việt Nam sau thời gian về nước hoặc di chuyển ở các quốc gia khác. Một số dự án xây dựng nhà máy mới chậm tiến độ do phải đảm bảo khoảng cách với công nhân xây dựng.
Do đó, với ngành sản xuất, nhiều vị trí tuyển dụng phải tạm hoãn. Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã chủ động ứng dụng công nghệ như: phỏng vấn sơ bộ trực tuyến và sẽ đưa ra quyết định chính thức khi có thể gặp mặt trực tiếp với ứng viên.
Chuyên gia Navigos Search nhận định, các ứng viên trong ngành đang tìm hiểu những cơ hội việc làm mới. Dự đoán sau khi dịch bệnh được kiểm soát, từ nửa cuối năm 2020, nguồn cung nhân sự ngành sản xuất sẽ dồi dào, trong khi nhu cầu tuyển dụng ổn định trở lại để các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất.
Lương cho ứng viên ngành TMĐT có xu hướng tăng cao
Là một trong những ngành ít chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, thương mại điện tử (TMĐT), đặc biệt cho ngành hàng thiết yếu đang phát triển mạnh vì giải quyết được việc hạn chế gặp gỡ và thanh toán trực tiếp. Theo ghi nhận của Navigos Search, đang có nhu cầu tuyển dụng ở các vị trí Phát triển kinh doanh, Marketing và những vị trí kỹ thuật chuyên môn về E-Commerce.
Các doanh nghiệp TMĐT ưu tiên tuyển dụng ứng viên đã có kinh nghiệm trong cùng ngành và sẵn sàng trả mức lương cao để thu hút nhân tài. Mặt bằng lương cho các ứng viên có xu hướng cao hơn các lĩnh vực kinh doanh truyền thống và sẽ duy trì như vậy trong 3 - 5 năm tới.
Ngoài ra, Navigos dự đoán trong thời gian tới sẽ có nhiều nhà đầu tư mới vào thị trường Việt Nam khiến nhu cầu tuyển dụng của ngành TMĐT sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2020 và 2021.
Cũng trong thông tin mới phát ra, Navigos cho biết, trong Quý I/2020, ngành Ngân hàng chứng kiến nhiều sự dịch chuyển của nhân sự cấp cao. Ngoài ra, xuất hiện tình trạng dư thừa nhân lực vì tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, đã có ngân hàng phải tái cơ cấu để cắt giảm nhân sự.
Dưới tác động của dịch bệnh, các dự án kinh doanh của ngân hàng bị trì hoãn. Sự thay đổi trong khách hàng mục tiêu cũng khiến các ngân hàng phải tái định hướng lại chiến lược kinh doanh. Xu hướng phát triển "Ngân hàng số" bắt đầu từ năm 2019 và được dự đoán có nhu cầu tuyển dụng tăng trong 2020.
Theo quan sát của Navigos Search, nhu cầu tuyển dụng ngành ngân hàng sẽ phụ thuộc nhiều vào kế hoạch kinh doanh sắp tới và Đại hội cổ đông thường niên trong quý II/2020.
Ngoài ra, trong Quý I/2020, nhu cầu tuyển dụng cấp trung và cấp cao của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam được giữ ổn định. Song ứng viên Nhật Bản phải chờ thị thực và giấy phép lao động lâu hơn nên ngày đi làm có thể bị trì hoãn. Vì thế, một số doanh nghiệp Nhật Bản đã cân nhắc mở rộng cơ hội cho các ứng viên Việt Nam cho các vị trí quản lý.
Navigos Search cũng đưa ra dự báo quý II/2020 thị trường lao động sẽ sôi động hơn. Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp Nhật sẽ tiếp tục ổn định ở ngành Sản xuất và CNTT.
Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search nhận định hiện nay đang là thời điểm tốt để doanh nghiệp tuyển dụng và chuẩn bị nguồn nhân lực cho giai đoạn phục hồi kinh doanh sau dịch bệnh.
"Hiện nay hầu như toàn bộ quá trình tuyển dụng từ tìm kiếm ứng viên cho đến phỏng vấn đều có thể thực hiện hiệu quả nhờ ứng dụng công nghệ. Do đó, bên cạnh duy trì và tạo động lực cho đội ngũ hiện tại, các công ty cần xây dựng ngay kế hoạch tuyển dụng để đảm bảo nguồn nhân lực và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp mình", bà Mai đề xuất.
M.T
Amazon giữ lại 70% lực lượng lao động Mỹ được thuê trong mùa Covid-19 Amazon sẽ giữ lại khoảng 70% lực lượng lao động Mỹ mà họ đã thuê tạm thời trong bối cảnh nhu cầu tăng do đại dịch Covid-19, công ty vừa cho biết với Reuters. 125.000 nhân viên tuyển dụng trong đại dịch Covid-19 sẽ được trao cho các vị trí cố định tại Amazon Theo Neowin, các nhân viên được Amazon thuê trong...