Nhói lòng học sinh tiểu học ăn cơm trộn muối, bún chan tương
Nhà xa nhưng phải đi học sớm, hàng trăm học sinh tại Trường tiểu học La Văn Cầu, xã Đắk R’Măng (Đắk G’Long, Đắk Nông) phải đem cơm nắm trộn muối đến trường để ăn chờ vào giờ học.
Nhiều học sinh tại Trường tiểu học La Văn Cầu chỉ qua bữa bằng hộp bún chan tương hay nắm cơm trắng trộn muối – Ảnh: BẢO DANH
Trường tiểu học La Văn Cầu nằm lọt thỏm giữa những ngọn đồi trập trùng, heo hút thuộc xã vùng sâu xã Đắk R’Măng. Xung quanh ngôi trường này là những buôn làng của người đồng bào dân tộc thiểu số di cư từ phía Bắc vào làm nương rẫy sinh sống.
Con đông, ruộng nương ít, nhiều gia đình có hoàn cảnh hết sức khó khăn nên khi con đến trường họ chỉ có nắm cơm trắng trộn muối hoặc gói mì tôm cho con đến trường.
Những hình ảnh nhói lòng của những học sinh tiểu học người H’Mông đã được một cô giáo đưa lên Facebook.
Chúng tôi đã tìm về ngôi trường này để ghi lại bữa cơm đạm bạc của học trò nơi đây.
Để tìm con chữ, hàng trăm học sinh ở những ngôi làng ẩn khuất giữa rừng mỗi sáng phải vượt gần chục km đến trường. Trên tay, trong cặp sách luôn là nắm cơm, chút muối trắng hay gói mì tôm sống để qua bữa vào buổi trưa, chờ vào giờ học.
Cũng có học sinh không mang cơm mà ra cổng trường mua hộp bún có miếng đậu hũ chiên, chan chút tương ớt để ăn lấy sức vào học.
Bữa ăn đạm bạc, vội vã trong sân trường, trước giờ vào lớp – Ảnh: BẢO DANH
Tan trường, em Ma Thị Dem (học sinh lớp 3B) dắt tay em trai học lớp dưới ra ghế đá cuối sân trường rồi mở cặp lôi ra gói mì tôm sống. Dem bóc vội gói mì rồi chia cho em trai là Ma A Phong (học sinh lớp 1B) và hai chị em ăn ngấu nghiến.
Nhà chị em Dem ở xa lắm, cha mẹ quanh năm làm nương rẫy mà vẫn nghèo. Mỗi sáng đi học, hai chị em được cho một gói mì tôm sống, chai nước sôi để nguội bỏ vào cặp để đến trường. Đó là tất cả “bữa ăn trưa 2.000 đồng” của chị em Dem trên hành trình theo đuổi con chữ.
Khác với Dem, em Giàng Thị Lý không mang theo cơm mà ra cổng trường mua một gói bún trắng có một lát đậu khuôn chan tương ớt để ăn qua bữa. Giá của bữa ăn của Lý – cô con gái út trong gia đình có 7 người con, cũng chỉ 2.000 đồng.
Trường hợp như Dem, Lý tại Trường tiểu học La Văn Cầu nhiều không kể hết.
Ông Hà Hữu Phong – hiệu trưởng Trường tiểu học La Văn Cầu, cho biết toàn trường có 673 học sinh, trong đó 98% là học sinh người H’Mông, có hoàn cảnh vô cùng khó khăn.
Video đang HOT
Phần lớn học sinh nhà xa trường, nhiều trường hợp phải mỗi ngày phải đi bộ gần 10km để đến lớp.
“Nhà xa, các em phải dậy sớm đi bộ từ 5h sáng để đi bộ đến lớp. Vậy nên các em phải mang theo cơm hay mua hộp bún trắng ăn tại trường đợi chiều vô học”, thầy Phong xót xa.
Ông Đoàn Công Hoàng – phó chủ tịch UBND xã Đắk R’Măng, cho biết phần lớn dân cư trong xã là người H’Mông di cư từ phía Bắc vào. Các gia đình thường đông con, kinh tế khó khăn.
Theo quy định, những học sinh tiểu học có nhà cách trường từ 4km trở lên đều được nhận gạo hỗ trợ của Nhà nước với mức 15kg/tháng/em.
“Do địa phương không có ngân sách nên đang xin cấp, vận động mạnh thường quân để hỗ trợ thức ăn mặn trong bữa cơm trưa hàng ngày cho các em học sinh”, ông Hoàng hy vọng.
Em MaThị Dem, học sinh lớp 3B bóc mì tôm sống cho em trai và mình ăn – Ảnh: BẢO DANH
Em Ma A Phong (học sinh lớp 1B) nhận gói mì từ chị và ăn ngấu nghiến – Ảnh: BẢO DANH
Cơm nắm tới trường nhưng học sinh nơi đây ăn rất ngon lành, vui vẻ – Ảnh: BẢO DANH
Bữa ăn 2.000 đồng của em Giàng Thị Lý – Ảnh: BẢO DANH
Bữa ăn bán tại cổng trường chỉ có bún trắng, miếng đậu hũ chiên chan tương ớt – Ảnh: BẢO DANH
Theo tuoitre.vn
Xót xa bữa cơm trưa với muối ớt của nhiều học trò Đắk R'Măng
Những bữa trưa đạm bạc chỉ có cơm trắng, rau rừng với túi muối ớt được giã nát. Nhưng đối với những học sinh này, bữa trưa ăn chỉ để no vì chúng đã quá quen với sự thiếu thốn đó.
Bữa cơm trưa được đựng trong túi ni lông, vỏ mì tôm
Đi bộ hơn 2 tiếng đồng hồ để tới trường
Hơn 4 năm nay, cứ tầm 5g sáng, Vàng Thị Phường Lam (học sinh lớp 5, trú cụm 4, thôn 6) lại thức dậy để bắt đầu hành trình hơn 10 km đi bộ tới Trường Tiểu học La Văn Cầu (xã Đắk R'Măng, huyện Đắk G'Long, Đắk Nông). Năm học này, em gái Lam là Vàng Thị Huống đã vào lớp 1, Lam có thêm nhiệm vụ dẫn em đi học và chăm sóc em buổi trưa.
Sau khi vệ sinh cá nhân, chuẩn bị sách vở, túi cơm, 2 chị em Lam hòa cùng những đứa trẻ khác đi bộ đến trường. Lam học buổi sáng, còn Huống ngồi trong sân trường chờ đến chiều mới vào học. Đến trưa, Lam học xong, ăn cơm cùng em rồi ngồi ở ngoài đợi em tan trường để cùng về nhà.
Hai chị em Lam là trong số những đứa trẻ phải ăn cơm trưa tại trường vì nhà quá xa
Không chỉ chị em Lam, rất nhiều đứa trẻ ở các cụm 16, 17 (thôn 7) và cụm 4, 5 (thôn 6) ngày ngày cũng phải đi bộ hơn 2 tiếng đồng hồ để đến trường. Có những hôm học cả ngày, hầu hết các em ở lại trường buổi trưa cho kịp giờ học buổi chiều. Các em phải mang theo cơm đùm cơm gói để ăn trưa. Những bữa cơm ăn bạc chỉ có cơm, một ít muối trắng giã cùng ớt, vài cọng rau và mấy quả cà pháo đã ngả màu đen hoặc một viên đường mía.
Số em có rau rừng, muối ớt để ăn cơm rất ít, phần lớn các em ăn cơm trắng không
11 giờ kém, tiếng trống báo hiệu kết thúc buổi học, Vàng A Lùng (học sinh lớp 5, trú thôn 7) cất hết sách vở vào ngăn bàn rồi chạy vội sang lớp em gái Vàng Thị Sung. Sung mới vào học lớp 2 nên được ra sớm, em cầm sẵn hộp cơm và chai nước chờ anh trai dẫn đi ăn. Hôm nay có thêm một bạn cùng lớp Sung đi cùng nên Lùng đưa hai em ra một chỗ vắng ngồi ăn.
Phải nhờ một giáo viên trong trường thuyết phục, anh em Lùng mới mở lời nói chuyện với chúng tôi. Lùng cho biết, nhà xa nên sáng đi học phải mang theo cơm để ăn. Hộp cơm này được chị gái của Lùng dậy sớm chuẩn bị cho hai anh em ăn trưa.
Bữa cơm của hai đứa trẻ chỉ có rau, còn cơm được trộn sẵn với muối ớt. Mỗi miếng cơm, hai anh em chỉ dám bốc một miếng rau nhỏ bỏ vào miệng. Do buổi sáng nhịn đói đi học, lại phải đi một quãng đường dài nên cả hai anh em Lùng ăn bữa cơm trưa đạm bạc một cách ngon lành.
Cạnh đó, Cự A Thành (học sinh lớp 3, trú cụm 2, thôn 5) ngồi thu mình vào một góc tường, ăn vội ăn vàng nắm cơm để ra sân chơi với các bạn. Không có cặp lồng đựng cơm như nhiều bạn khác, mỗi sáng Phương gói cơm vào một túi ni lông rồi cất vào cặp, đến trưa thì mang ra ăn.
Do cơm nóng được gói trong túi từ sáng, đến trưa thì đã nhuộm màu đỏ
Cốt là no bụng
Cô Vũ Thị Hồng Thơm tâm sự: "Phần đa các học sinh ăn trưa tại trường là do nhà xa, bố mẹ đi vắng . Những phần cơm được trộn với muối ớt, bởi muối và ớt có sẵn trong nhà. Nhiều khi các em ăn một miếng, lại phải uống một ngụm nước vì quá cay. Tuy gọi là rau xào nhưng đó chỉ là rau rừng, được xào với muối chứ không có dầu mỡ gì. Phần lớn các em ăn hết cơm là do vị cay của ớt, cốt là no bụng".
Ngồi cùng nhóm bạn, Giàng Seo Chua ( học sinh lớp 5, trú thôn 7) cũng đang cố gắng ăn hết bữa trưa của mình. Phần cơm nguội ngắt ăn kèm với món rau đắng khiến cậu bé nhiều lần nghẹn chảy nước mắt. Do cơm nóng được gói trong túi ni lông từ sáng, đến trưa thì đã nhuộm màu đỏ và đóng cục, thế nên ăn được vài miếng cơm, cậu bé đành bỏ giở vì không thể nuốt nổi.
Bữa cơm với muối ớt...
... và món rau xào mặn đắng không phải là bữa ăn ngon mà chỉ để no bụng
Không chỉ có Chua, nhiều đứa trẻ khác đã quá quen với những bữa ăn thiếu thốn như vậy. Số em ăn cơm với muối, rau rừng chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại chỉ có cơm trắng. Bữa cơm hoặc là cay, hoặc là mặn đắng nên nhiều em bỏ bữa để đi chơi với bạn bè, số ít em còn lại thì chờ bạn ăn xong, xin thức ăn từ các bạn.
Số còn lại ăn cơm với một viên đường mía
5 năm nhà trường vẫn chưa có điện
Thầy Hà Hữu Phong, hiệu trưởng Trường Tiểu học La Văn Cầu trăn trở: "Phần lớn các em "bán trú" ở đây đều do nhà xa và hoàn cảnh khó khăn. Nhiều em học buổi chiều nhưng phải đi học từ 10g sáng, nên cũng phải mang cơm theo. Toàn thể ban giám hiệu và các thầy cô giáo cũng rất xót xa trước cuộc sống cơ cực của các em nên đang tính đến phương án xin địa phương xây bếp ăn bán trú.
Tuy nhiên, dù đã đi vào hoạt động từ 5 năm nay nhưng nhà trường vẫn chưa có điện, chưa có nước sạch và cũng chưa biết đến bao giờ mới triển khai mô hình bán trú cho các em".
Do buổi sáng nhịn đói đi học, lại phải đi một quãng đường dài nên nhiều em ăn cơm rất ngon lành.
Được biết, Đắk R'Măng là một xã nghèo của tỉnh Đắk Nông, phần lớn dân cư ở đây là đồng bào Mông di cư vào, sống rải rác thành nhiều cụm. Trường Tiểu học La Văn Cầu năm học này có hơn 700 học sinh, trong đó khoảng 97% là học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo Dân Trí
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không để dân thiếu đói và không có Tết Chiều 8.2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cùng đoàn công tác của Trung ương đã đến thăm, tặng quà, chúc Tết đồng bào dân tộc thiểu số và công nhân lao động tỉnh Đắk Lắk. Tại buổi gặp mặt, tặng quà cho bà con buôn Kram, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vui mừng khi nghe...