Nhọc nhằn ngày hè
Làm thêm ngày hè không chỉ giúp cho các bạn sinh viên có thêm thu nhập, mà còn giúp họ có thêm cơ hội để trải nghiệm, cọ xát thực tế đời sống.
Hoàng Thị Ly tranh thủ làm thêm dịp hè – Ảnh: Sao Mai
Trong khi hàng trăm sinh viên hớn hở xách ba lô về quê nghỉ hè thì một số bạn vẫn bám trụ ở lại thành phố để làm thêm. Vật lộn trong những quán nhậu, nhà hàng hay đứng cả ngày trong những shop bán hàng…
Video đang HOT
Chúng tôi gặp Hoàng Thu Hà, quê Thanh Hóa, sinh viên Trường ĐH Sư phạm Huế trong một nhà hàng trên đường Phạm Văn Đồng (TP.Huế) khi Hà đang tất bật phục vụ khách. Khi khách đã vãng, Hà mới thư thả đôi chút để trò chuyện với chúng tôi.
Hà chia sẻ: “Được nghỉ hè, ai cũng khao khát được về quê nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên mình ở lại làm thêm. Thời buổi vật giá leo thang, để có thêm thu nhập cho các khoản chi tiêu hàng ngày, sinh viên chúng tôi phải kiếm việc làm thêm. Do linh hoạt được thời gian nên tôi có thể làm tại các nhà ăn, quán nhậu… Để kiếm thêm ít tiền để trang trải học phí cho học kỳ sau, giảm bớt gánh nặng cho cha mẹ”.
Công việc của Hà cũng khá vất vả, mỗi ngày cô phải có mặt tại nhà hàng lúc 8 giờ sáng và làm việc cho đến 21 giờ mới được về. Ngoài công việc chạy bàn, thời gian rảnh Hà còn phải rửa chén bát và đôi lúc cô phải tham gia phụ bếp khi nhà hàng cần.
“Nói chung, quản lý yêu cầu làm gì đều phải làm theo. Công việc chịu nhiều áp lực, có khi nhà hàng đón đoàn khách cả trăm người, khách đông người phục vụ ít, nhiều lúc tay chân lóng cóng nên bị chủ và khách rầy la là chuyện bình thường”, Hà tâm sự.
Công việc vất vả như vậy nhưng mỗi tháng Hà chỉ nhận được 2 triệu đồng tiền lương. Số tiền đó được Hà chi tiêu tiết kiệm để chuẩn bị cho năm học mới.
Cùng hoàn cảnh với Hà, Hoàng Thi Trúc Linh (sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch Huế, chuyên ngành chế biến món ăn) cũng không về quê mà ở lại xin làm phụ bếp cho một nhà hàng khác cùng trên đường Phạm Văn Đồng.
Là chị cả trong gia đình có 3 chị em, bố mẹ quanh năm lam lũ với ruộng đồng nên cuộc sống cũng không mấy dư giả vì vậy để có tiền ăn học, Linh phải tự xoay sở làm thêm để trang trải.
Linh chia sẻ: “Đi làm không chỉ giúp mình có thêm thu nhập (2 triệu đồng/tháng) mà điều quan trọng là mình học được rất nhiều từ chính công việc này. Thường thì ở trường bọn mình học về lý thuyết nhiều hơn thực hành, học lý thuyết rất quan trọng nhưng nếu không được thực hành thường xuyên thì mình vẫn chưa hiểu hết bài của thầy cô truyền đạt ở lớp. Đi làm giúp mình học hỏi được rất nhiều từ những người đi trước, lúc đầu là nhặt rau, sơ chế, dần dần mình được hướng dẫn làm những món đơn giản. Vừa học vừa làm trực tiếp giúp mình khắc phục ngay những điểm yếu cũng như học hỏi rút kinh nghiệm cho bản thân. Là con gái làm ở chỗ chuyên phục vụ những món nhậu nên khá vất vả, có những hôm phải đến gần 1 giờ sáng mới về đến nhà, biết là nguy hiểm nhưng mình cũng không còn cách nào khác”.
Khác với Hà và Linh, đi làm thêm với sinh viên Hoàng Thị Ly (Trường CĐ Y tế Thừa Thiên- Huế) là để muốn trải nghiệm và học tập thêm vốn sống.
“Mình vốn là người rụt rè, cũng hay ngại tiếp xúc với người lạ, đặc biệt rất run khi đứng trước đám đông. Nên khi được bạn bè giới thiệu, mình xin vào làm nhân viên bán hàng tại quầy KFC của siêu thị. Trước đây để giành thời gian cho việc học nên mình chỉ đi làm những lúc rảnh, còn bây giờ nghỉ hè nên mình xin làm cả ngày. Vốn quen được yêu thương, chiều chuộng nên khi đi làm phải chiều chuộng người khác nhiều lúc mình cũng có chút chạnh lòng”, Ly chia sẻ.
Ly cho biết: “Vì ít phải làm việc nên khi làm ở đây vừa phải bán hàng, vừa chạy bàn, những lúc rảnh còn phải đi phát tờ rơi xung quanh siêu thị. Có hôm về đến nhà chân không cử động được vì đau nhức. Hằng ngày mình tiếp xúc với rất nhiều người, có nhiều khách hàng cởi mở, vui tính nhưng cũng không ít người rất khó tính, họ có thể quát mắng nếu không vừa ý… Công việc vất vả nhưng mỗi tháng cũng chỉ nhận được 2 triệu đồng. Tuy thế, nhờ công việc mà mình nhận ra rằng cuộc sống không đơn giản và việc kiếm được đồng tiền cũng rất khó khăn”.
Làm thêm, để kiếm tiền trang trải chi phí học tập và trải nghiệm những nhọc nhằn của cuộc sống là lý do mà nhiều sinh viên đã ở lại thành phố trong những ngày hè nóng bức.
Theo TNO