Nhớ xứ Nghệ với những món ngon đậm đà tình quê
Nhắc tới ẩm thực xứ Nghệ, người ta sẽ nghĩ ngay đến những món ăn giản dị, mộc mạc như chính con người nơi đây.
Không quá cầu kỳ, trau chuốt, các đặc sản của Nghệ An đều được làm từ nguyên liệu dân dã nhưng luôn khiến những người con xa xứ phải nhung nhớ.
Cháo lươn là một trong những đặc sản xứ Nghệ được nhiều người ưa thích. Bát cháo có vị thơm cay nồng đặc trưng, thịt lươn vàng óng mềm ngọt thấm đẫm gia vị.
Nếu đến Vinh, bạn hãy thử món cháo ngon tuyệt này, đảm bảo sẽ nhớ mãi không quên.
Để nấu được món cháo lươn ngon thì trước hết bạn phải chọn được loại lươn đồng nhỏ, mình thon, thịt chắc. Lươn luộc chín, xé thịt dọc sợi, xào nấu cẩn thận. Cháo lươn Nghệ An không xào thịt lươn đến săn khô như cháo lươn ở Hà Nội mà miếng lươn được để nguyên, vẫn mềm, ngọt, thấm đượm vị thơm cay của hành, của ớt, của tiêu, lấp lánh sắc vàng của nghệ. Bát cháo múc ra được điểm mầu xanh của lá hành tăm, chỉ nhìn thôi cũng đủ thấy thu hút.
Bánh đa xúc hến là một món nhậu quen thuộc vào những dịp hội họp bạn bè của người dân xứ Nghệ. Hến được đãi từ sông Lam, tách vỏ béo, xào cùng hành mỡ.
Hến xào phải được ăn kèm bánh đa Đô Lương- một đặc sản khác của xứ Nghệ.
Những miếng bánh đa Đô Lương giòn rụm lúc này sẽ đóng vai trò như những chiếc thìa, giúp ta nhẩn nha xúc những con hến ngon lành và cảm nhận hương vị ngọt, thơm, cay, bùi, béo đầy quyến rũ.
Gia vị để ăn cùng bánh đa là lạc giã dập, rau sống và ớt cho những người muốn thêm chút vị cay nồng cho món ăn này.
Video đang HOT
Nhìn có vẻ giống bánh cuốn ngoài Bắc nhưng bánh mướt lại có hương vị thơm ngon rất riêng. Nguyên liệu chính để làm bánh mướt là gạo tẻ, đem xay nhuyễn thành bột, ngâm trước khi đem lên tráng. Bánh sau khi làm xong sẽ có độ dai và mịn. Món bánh mướt này có thể ăn kèm với thịt nướng, chả lụa…
Với bánh mướt, chỉ cần thêm chén nước mắm vắt chanh, đường vừa đủ, ớt cắt lát thái mỏng là ăn đến no. Đây là một món ăn sáng thơm ngon rất được nhiều người yêu thích.
Khoai xéo là một món ăn dân dã đặc trưng. Nó gắn liền với tuổi thơ và cuộc sống của biết bao người con của xứ Nghệ.
Khoai xéo là món ăn dễ làm.
Để làm khoai xéo, sau khi thu hoạch, người ta chọn những củ khoai ngon, nhiều bột nhất rồi đem đi rửa sạch, sau đó cắt lát mỏng đem đi phơi cho đến khi khoai khô giòn thì bỏ vào chum vại, đậy kín và để ăn dần.
Mực trộn tép bưởi là món ăn thú vị hơn cả trong tất cả các món ngon được chế biến từ mực.
Món này là thứ đặc sản dùng để ăn chơi sau ngày dài thăm thú, tắm biển Cửa Lò. Đầu bếp phải khéo léo chọn loại bưởi ngon và chế biến tỉ mỉ mới tạo ra được món ăn có mùi rất lạ, hấp dẫn này.
Nhút là thức ăn dân dã, truyền thống của mọi gia đình ở Nghệ An. Món ăn này được làm từ mít xanh hoặc xơ mít chín và muối trắng.
Nguyên liệu đơn sơ và giản dị thế thôi nhưng hương vị của nhút lại chua chua, giòn giòn, ăn rất thích thú. Nhút có thể dùng để chấm nước mắm, làm nộm, xào, nấu canh.
Cam xã Đoài
Cam xã Đoài chín rộ vào dịp trước Tết nhưng ngay từ tháng 10, tháng 11 âm lịch đã có nhiều người đặt mua. Cam xã Đoài có mùi thơm đặc biệt, ngọt, vỏ mỏng, rất nhiều nước. Cam có thể ngâm với rượu để có một sản phẩm rượu vị ngọt thanh, có thể dùng làm món khai vị, bồi dưỡng sức khỏe.
Cam khi mới chín có màu vàng rồi chuyển sang sẫm dần nhưng luôn giữ được vẻ tươi tắn. Bên ngoài, cam có lớp the mỏng, chỉ cần khẽ sây xát là đã tỏa một mùi thơm đặc biệt. Khi bổ ra, cam có màu vàng óng, ăn rất thơm ngon.
Nếu đem cam ngâm với rượu sẽ cho một sản phẩm rượu thơm, vị ngọt thanh, có thể dùng làm món khai vị hoặc bồi dưỡng sức khỏe cho sản phụ.
Theo Dân trí
Về xứ Nghệ thưởng thức xáo lòng
Ngoài cháo lươn, bánh mướt, xáo lòng là một trong những đặc sản nức tiếng của Nghệ An. Buổi sáng, nếm một miếng lòng giòn mà dai, húp chút nước xáo vừa ngọt vừa the the vị hạt tiêu nơi đầu lưỡi mới hiểu vì sao ai đi xa xứ Nghệ cũng chỉ nhớ về bát xáo lòng.
Nhớ buổi nghèo khó
Người xứ Nghệ vẫn truyền tai nhau câu nói xưa "sớm hôm nhất xáo nhì canh". Nghĩa là, về ăn uống vào sáng sớm hoặc giờ nào trong ngày thì xáo lòng là lựa chọn số một. Bởi, xáo lòng không những dễ ăn, lại có thể dễ dàng kết hợp ăn kèm nhiều món khác như bún, cơm hoặc bánh mướt.
Bữa cơm gia đình thêm món xáo lòng lại càng hấp dẫn, hay nấu cỗ thêm bát xáo lòng lại càng thêm xôm. Cho nên chẳng ai ngờ, xáo lòng bây giờ lại thành đặc sản không thể thiếu trong mâm cỗ xứ Nghệ. Nhưng ít ai biết được trong quá khứ chỉ vì nghèo quá nên món xáo lòng mới xuất hiện. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian xứ Nghệ - ông Đặng Quang Liễn kể rằng: Ngày xưa chỉ có Tết hoặc những khi nhà có cỗ mới được ăn lòng lợn. Còn tháng ba ngày tám, ngày giáp hạt, những nhà nghèo không có tiền mua thịt, các bà các mẹ chuyển sang mua lòng cho rẻ. Nhưng nhiều nhà con đông, nếu luộc lòng thì không bõ nên họ mới nghĩ ra cách thêm nước vào để chia cho đủ mỗi người lưng bát. Nhớ lại quá khứ, ông Liễn vẫn còn bùi ngùi: "Mỗi khi bà hoặc mẹ đi chợ về, đỡ cái thúng con xuống mà thấy có một nhúm lòng gói trong lá chuối thì vui như Tết. Bởi biết chắc hôm đó có món xáo lòng. Ngày ấy bà nấu nước nhiều, lòng ít, nước chan cơm lõng ba lõng bõng mà ăn cứ ngon".
Nguyên liệu làm món xáo lòng rất đơn giản
Xáo lòng ăn suốt 4 mùa đều được, nhưng tuyệt nhất vẫn là khi mát trời. Bởi lúc này, thời tiết thúc giục con người ta xích lại gần nhau, ăn bát xáo lòng càng thêm ấm cúng. Từng làn khói tỏa ra từ bát xáo lòng lóng lánh càng khiến các giác quan như căng ra, như bắt người ta phải ăn cho bằng được. Ông Liễn nói rằng, bây giờ thời đại đã khác, những món ăn ngày xưa phải đợi đến Tết hoặc nhà có cỗ mới được nếm thì nay đều có cả. Nhưng xáo lòng thì khác, ăn không chỉ để thưởng thức mà còn để nhớ lại hương vị ngày xưa. Ăn để nhớ những ngày ngồi dưới gốc đa đầu làng đợi mẹ đi chợ về, nhớ những chiều đông mưa gió cả nhà xì xà xì xụp bên mâm cơm dưới mái tranh dột...
Món xáo lòng hình thành trong thời kỳ khó khăn
Nguyên liệu đơn giản
Không ai biết món xáo lòng có từ bao giờ, chỉ biết rằng món ăn này mẹ truyền lại cho con, con lại truyền lại cho thế hệ kế tiếp. Từ đời này qua đời khác, xáo lòng nghiễm nhiên trở thành món ăn quen thuộc với tất cả mọi người. Cụ Cao Thị Bốn ở xã Diễn Thọ (Diễn Châu) nói: "Từ hồi tôi còn nhỏ đã được mẹ nấu cho ăn món này. Có hỏi bà vì sao lại nghĩ ra món xáo lòng thì bà cũng nói từ hồi cha ông đã nấu như thế. Ngày xưa, nấu xáo lòng là ưu tiên cho người già và trẻ nhỏ miếng gan, còn dồi ưu tiên phần bố làm quai rượ.u. Mẹ chỉ dám ăn tí nước thôi. Nhớ lại mà thương".
Xáo lòng được nấu bằng nguyên liệu chính là lòng lợn. Người nấu sẽ chọn cỗ lòng ngon nhất rồi xem nhà có bao nhiêu người ăn để ước lượng. Một ít gan, một ít tim, một ít dồi trường. Ai muốn trình bày màu sắc thì thêm cà chua, còn nếu không thì chỉ thêm chút tiết. Gia vị cũng như những món ăn bình thường khác. Chỉ có hạt nêm, hạt tiêu và rau thơm. Ấy vậy mà qua bàn tay của người phụ nữ xứ Nghệ, xáo lòng lại có hương vị rất riêng như thể trái tim chàng trai chỉ biết rung động trước cô gái mà mình thầm để ý. Có lẽ cũng bởi vậy nên nhiều người thấy đơn giản, mang đi nơi khác nấu xáo lòng đãi bạn, có nếm thế nào cũng không ra hương vị từng được ăn.
Một nguyên tắc để có món xáo lòng ngon là nguyên liệu phải được sơ chế cẩn thận để loại bỏ chất bẩn và mùi hôi. Lòng thái miếng vừa ăn, ướp trước một chút gia vị cho ngấm. Lúc này, người nấu sẽ cho một chút dầu ăn vào chảo, đảo thơm cùng hành tỏi rồi cho lòng vào đảo nhanh tay. Lúc lòng đã săn lại tiếp tục cho nước sôi và lòng non vào. Khi thấy nước đã sôi trở lại thì cho tiết vào quấy đều, cho rau thơm và nêm nếm cho vừa rồi tắt bếp. Cũng theo cụ Bốn, một bí quyết mà các cụ từ ngày xưa vẫn truyền cho nhau để có món xáo lòng ngon là gan và dồi xào riêng rồi cho vào khi nồi xáo đã sôi. Làm như vậy thì gan vừa chín tới thơm mềm, còn dồi trường vừa giòn dai vừa trắng.
Bén duyên cùng bánh mướt
Cho đến nay, sau bao nhiêu gian khó thì xáo lòng đã trở thành món ăn quen thuộc nhất với người xứ Nghệ. Nhưng, để hỏi xáo lòng vùng nào ngon nhất thì người ta đều nói "xáo lòng Diễn Châu".
Với những cách chế biến riêng nên xáo lòng ở các chợ vùng Diễn Châu đều có mùi vị đặc trưng hơn cả. Thơm, đậm, chua, cay, mà cái giòn, dai và mềm của miếng lòng sôi sục trong nước vẫn giữ nguyên sự tinh tế. Còn ở xứ Nghệ nói chung, xáo lòng không chỉ là một món nhậu lai rai với rượ.u, bia, mà còn là món điểm tâm thường được ăn kèm với bún, bánh đa nướng hoặc bánh mướt. Nhưng theo đánh giá của phần đa người xứ Nghệ thì bánh mướt vẫn là hợp nhất.
Lại nói qua về bánh mướt Nghệ An, nó được làm bằng bột gạo tẻ và gần giống với bánh cuốn ngoài Bắc nhưng được cuốn lại thành từng cái giống như nem rán. Ngày xưa các cụ phải ngâm gạo qua đêm, rửa sạch rồi cho vào cối đá xay nhuyễn. Để nước gạo đấy lắng trong vài tiếng rồi tráng trên nồi hơi to, thêm hành phi mỡ rồi cuốn lại. Cuốn đến đâu khách mua đến đấy. Mang tiền đến mua cũng được, mang gạo tẻ đến đổi cũng được. Giờ thì bánh mướt được làm bằng máy, vệ sinh hơn, nhanh hơn, nhưng mỗi nhà vẫn giữ bí quyết riêng để mẻ bánh mướt vừa thơm vừa ngậy. Bánh mướt ăn kèm với xáo lòng thường được người bán hàng chiều khách cắt sẵn từng miếng vừa ăn rồi bày ra đĩa. Để khi khách ăn có thể tùy ý chấm nước xáo hoặc cho cả miếng vào tô xáo cho đậm đà.
Xáo lòng thường được ăn kèm với bánh mướt
Chị Hoàng Thị Mơ, một người bán bánh mướt chợ Diễn Châu cho hay: "Bánh mướt mà ăn với xáo lòng thì không chê vô mô (vào đâu) được. Ăn một lần là nghiện đó. Vào ngày lễ Tết, nhà tui làm xuyên đêm cũng không kịp mà giao hàng cho các quán". Theo thời gian, xáo lòng cũng được cải biến cho phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng, nhưng hương vị thì vẫn như xưa. Người xa quê nhớ đến món xáo lòng không chỉ là món ăn dân dã mà còn là hồi tưởng.
"Văn hóa vùng miền sinh ra văn hóa ẩm thực, đó là quy luật. Xứ Nghệ nói chung là vùng giàu văn hóa nhưng nghèo vật chất. Trong quá khứ, đa phần người dân đều nghèo nên mới có câu chuyện "cá gỗ" truyền khẩu đến ngày nay. Xáo lòng là một món ăn nảy sinh từ trong điều kiện rất khó khăn ấy và trở thành đặc sản khi mọi thứ đã bão hòa".
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đặng Quang Liễn
Theo anninhthudo.vn
Dân dã, đậm đà khoai xéo xứ Nghệ Có những món ăn của một thời đói kém mà khi nhớ về, người ta muốn quên đi. Nhưng cũng có những món ăn khiến ta nhớ mãi bởi nó là kỉ niệm lưu giữ chút hương vị tuổi thơ. Khoai xéo của vùng đất Nghệ An đầy nắng gió là một trong những thức quà như vậy. Giản dị, đơn sơ nhưng...