Nhớ hoa đu đủ xào tỏi
Có nhiều món ăn gây nhớ thương bởi vị béo, bùi, vị chua ngon, ngòn ngọt. Cũng có những thức là lạ, tạo ấn tượng bằng vị đắng. Mướp đắng, rau đắng, rau má, mỗi loài mỗi vị đắng riêng.
Và tôi đã lỡ thương thêm một vị đắng khác. Đó là cái đắng bùi từ hoa đu đủ đực.
Vị hoa đắng bùi, thoảng hương đu đủ non
Hồi còn bé, đu đủ đối với tôi là người bạn. Bẻ một cọng đu đủ, cắt gọn hai đầu, sau đó thì tha hồ pha xà phòng thổi bong bong suốt buổi. Nhựa đu đủ non hơi ngứa, vì thế lũ trẻ nít chúng tôi chỉ hong hóng quả hườm hườm đến quả chín rục trên cây. Mà riêng chi mấy đứa hau hau chúng tôi, những chú chích chòe, chào mào cũng mê đu đủ chín. Vị ngọt, cái mát thanh thanh của đu đủ ăn là nghiền. Vui nhất là lúc đu đủ hườm giòn, miếng nào miếng ấy rùm rụm, nhai vừa thích vừa ngon.
Cũng đến là kỳ, đu đủ có cây bình thường trĩu trịt quả, cây lại quanh năm suốt tháng một bóng quả cũng chẳng có. Cái anh đu đủ đực này thật lạ, suốt ngày thả bông giỡn bướm. Nhưng bù lại, hoa đu đủ lại là nguyên liệu làm nên những món ngon tuyệt vời.
Để làm món ăn từ hoa đu đủ đực, điều cần thiết đầu tiên là phải luộc kỹ. Vị hoa đắng, đắng đến mức nhăn mặt. Nhưng khi đã sơ chế kỹ càng, vị đắng dịu đi, thì cái thanh tao, cái bùi của hoa mới có dịp tỏa sáng. Trong đó, đơn giản và chân chất nhất phải kể đến hoa đu đủ xào tỏi.
Hái hoa, mang hoa rửa sạch, loại bỏ cuống, chỉ giữ lại búp và những cánh hoa màu ngà. Sau đó cho hoa vào nấu sôi tầm 30 phút. Để thật ngon, không quá đắng, khi vớt hoa ra phải xả nước lạnh, vò hoa, sau đó vắt ráo nước. Đó là cách làm của tôi. Cách thứ hai là luộc hoa hai, ba đợt để xả đắng chứ không vò hoa. Thế là ta có ngay thành phẩm hoa đu đủ mềm mướt, màu ngà trông ngon mắt vô cùng.
Chút xíu dầu, phi tỏi thơm lừng, vàng hươm rồi cho hoa vào. Nhẹ tay đảo hoa, nêm nếm chút nước mắm, tiêu, ớt, mì chính. Thông thường tôi chẳng cho muối vì hoa ngấm gia vị rất mạnh, nếu nêm muối thì phải gia giảm thật nhẹ tay. Xóc xóc thật nhẹ chút xíu nữa là có ngay đĩa hoa đu đủ xào tỏi thơm nức mũi.
Hoa đu đủ mềm mướt đặc trưng, thơm ngấm mùi tiêu, tỏi, ớt, đậm đà hương nước mắm. Cánh hoa không còn hăng, đắng gắt mà chuyển sang vị đắng bùi, dịu dàng. Món hoa đu đủ xào tỏi thoang thoảng mùi đu đủ non nhưng không ngái. Gắp vài cọng hoa, và chén cơm nóng, vị giác như chợt bừng tỉnh, vừa ăn vừa gật gù khen cái thấm tháp, tươi ngon tuyệt diệu của đất trời.
Ngoài xào tỏi, hoa đu đủ đực có thể làm gỏi, nấu canh, luộc chấm nước mắm. Nhưng dù món ngon nào, vị hoa vẫn thế, chút đăng đắng, bùi bùi, hương đu đủ thoảng đưa như làn gió. Có khác chăng là với món nộm, vị hoa thanh thanh, món canh đằm thắm, và món luộc thì tinh tế.
Video đang HOT
Ở quê tôi, nhiều người chuộng nước nấu từ hoa đu đủ. Đây là bài thuốc dân gian có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, giảm ho, khan tiếng. Riêng tôi, những dịp may có cây đu đủ đực mọc trong vườn, tôi lại khấp khởi trong lòng. Nó không chỉ là niềm vui được chế biến những món ăn dân dã, đậm đà, đó còn là vùng trời bao la của những ký ức tuổi thơ đẹp đẽ.
Về miền Tây ăn rau tập tàng... lá cách, nhãn lồng mát ruột mát gan
Trời miền Tây mấy hôm nay đột nhiên nóng như đổ lửa. Người xứ quê lại thèm thuồng một dĩa rau tập tàng luộc để chấm kho quẹt ăn một bữa cho mát ruột mát gan.
Rau tập tàng chấm kho quẹt. QUÁCH DUY THỊNH
Rau tập tàng là tên gọi chung của nhiều loại rau trong vườn kết hợp lại. Nhưng kỳ lạ, loại rau này khi kết hợp thì hết sức ăn ý và làm nên món ngon ẩm thực độc đáo ở xứ miệt vườn miền Tây.
Mất khoảng 30 phút để hái hết tất cả các loài rau xung quanh vườn. Do rau mọc tự nhiên nên nhìn xanh mơn mởn và tươi non. Một rổ rau có thể luộc được một dĩa vừa ăn cho gia đình thưởng thức.
Hầu như các loài rau quanh vườn này đều là một vị thuốc nam có tác dụng an thần, thanh nhiệt, mát gan, đặc biệt là hiệu quả điều trị mất ngủ vô cùng tuyệt vời.
Mùa nào thức ấy nên mùa hạn như thế này trong các loài rau vườn rất dễ gặp dây nhãn lồng hay còn gọi là cây chùm bao. Trái chín có màu vàng bên trong hạt màu đen. Tới mùa trái chín trẻ con vùng nông thôn rất thích.
Nhãn lồng còn gọi là cây chùm bao
Ngoài ra rau ráng này mọc hoang theo bờ sông, rạch nơi có nguồn nước lợ và nước mặn. Nên dù miền Tây đang hạn mặn nhưng loài này vẫn mọc vô số kể xung quanh nhà. Rau ráng cùng họ với loài dương xỉ hay rau choại. Rau này có tính mát, mang đi luộc ăn kèm với các món mặn rất bắt miệng.
Rau ráng mọc hoang theo bờ sông, rạch nơi có nguồn nước lợ và nước mặn
Cây ớt hiểm là loài cây được trồng quanh năm trong vườn nhà ở xứ quê. Trái thường nhỏ, có vị cay xé. Người dân thường tận dụng cả đọt ớt hiểm (không lấy trái) để nấu canh hay luộc kèm với các loài rau khác. Đọt ớt có vị thơm, không đắng.
Ớt hiểm
Mùa hạn mặn nên rau trong vườn loài nào chịu được hạn tốt, còn sống thì hái vào gọi là rau tập tàng. Nếu mùa mưa thì có thêm lá lốt, cải trời, lá bình bát, bồ ngót, mồng tơi hay đọt rau lang, dây khoai mỡ.
Mỗi loài rau có mùi vị khác nhau. Ngoài luộc thì người dân quê còn biến tấu như nấu canh tôm sông hoặc nhiều loài có thể ăn sống khi rửa sơ qua nước muối.
Cây lá cách là loài cây rất đặc trưng của người dân Nam Bộ. Nhất là món bánh xèo mà không có lá cách xem như giảm đi phần ngon. Mùi của lá cách hơi hắc nhưng ăn vào rất mát gan và chữa nhiều loại bệnh theo Đông Y. Ngoài lá cách dùng để xáo nước cốt dừa với thịt bò thì lá cách dùng để luộc để tăng mùi thơm cùng với các loài rau khác.
Cây lá cách
Rau đắng đất thường mọc trên đất pha cát ở các ruộng hoang, các hố nông cạn nước vào mùa khô. Rau này có tác dụng kiện vị, sát trùng, nhuận tràng. Theo Đông y, toàn cây rau đắng đất có vị đắng, tính mát, có tác dụng lợi tiêu hóa, khai vị, lợi tiểu, nhuận gan, hạ nhiệt. Ngoài luộc cùng các loài rau khác thì rau này còn ăn chung với cháo cá lóc đồng.
Rau đắng mọc ở rất nhiều nơi
Rau dền đất thường mọc hoang ở các ruộng nơi có trồng đồ hàng bông. Rau dền có vị ngọt, tính mát, chứa nhiều chất dinh dưỡng. Đặc biệt, hàm lượng chất sắt trong rau dền rất cao và trở thành một trong những loại thực phẩm cung cấp chất sắt.
Rau dền đất
Cây lức là một loại cây bụi, mọc ở rất nhiều nơi. Từ lâu loại cây này đã được dùng làm thuốc chữa trị bệnh trĩ khá hiệu quả. Theo y học cổ truyền, cây lức có vị đắng, cay, thơm, tính ấm. Công dụng tán phong hàn, lợi tiểu, tiêu độc, tiêu ứ, tiêu đờm, sát trùng, làm ăn ngon miệng, giúp tiêu hoá. Chính vì điều đó mà đọt lức rất tốt cho sức khỏe khi mang đi hấp cơm hay luộc làm rau ăn trong đời sống hàng ngày.
Cây lức
Bữa cơm miền quê tuy đạm bạc với mớ rau tập tàng mới hái ngoài vườn. Tô nước luộc rau nêm thêm gia vị rồi bỏ vài cọng hành cũng làm nên một tô canh thơm lừng cho cả nhà húp xì xụp giải nhiệt trong ngày nắng hầm hập.
Gắp một đũa rau tập tàng luộc chấm vào ơ kho quẹt với mỡ vàng rực. Vị mằn mặn của nước mắm và ớt cay rồi lại đưa thêm miếng cơm mới cảm thấy vừa lòng hả dạ cơn thèm thuồng một món đồng quê nhưng lại rất ngon miệng.
Rau đắng đất: Hương vị thời gian Từ lâu, rau đắng đất đã là một loại rau dân dã gắn liền với đời sống của người dân miệt Nam Bộ và Nam Trung Bộ nước ta. Rau đắng đất ngoài là nguyên liệu nấu canh còn là loại rau ăn kèm không thể thiếu trong món cháo cá lóc hay lẩu cá kèo, lẩu mắm của người dân miệt này....