Nhớ bún cá sứa mà ứa nước mắt
Nhớ thời trường kỳ ăn ‘khoai cõng cơm’, mẹ tôi thỉnh thoảng cải thiện bằng món bún cá sứa bình dị. Giờ món bún cá sứa ’sang chảnh’ hơn, nhưng mỗi lần nhớ món bún cá sứa mẹ làm lại có cảm giác như sắp rơi nước mắt…
Bún cá sứa ở Nha Trang
Bún cá sứa nguyên thủy là món ăn của nhà nghèo. Nhà tôi nằm bên dải đất duyên hải miền Trung. Thời bao cấp, quanh năm ăn cơm độn khoai lang, nuốt trầy cuống họng. Vậy nên, lâu lâu mẹ lại cất công ra mép biển nhặt được chân sứa nào còn tươi mới dạt vào là đem về làm bún cá sứa để “ăn cho mát môi, trôi cho mát cổ”, lại giải nhiệt ngày hè.
Cái thời phải “ăn mắm mút giòi” mà có tô bún cá sứa do chính tay mẹ tôi nấu thì cả đàn anh em chúng tôi cứ cắm đầu cắm cổ mà ăn không nói nên lời. Vì thế, tôi hay nói vui sau mỗi lần ăn bún cá sứa là hôm nay mẹ cho cả nhà ăn món bún “á khẩu”. Quả thật, vị ngọt của cá ngừ tươi, cái sừn sựt của thịt chân sứa, quyện cùng hương thơm rau húng lủi, cải xà lách, giá đậu xanh và các gia vị cay nồng bốc lên từ tô bún khiến chúng tôi chảy nước mắt nước mũi nhưng thấy rất ngon.
Video đang HOT
Mới đây, tôi được ăn tô bún cá sứa “phiên bản” Nha Trang. Tuy hơi khác bún cá sứa mẹ làm, nhưng nó là thứ đặc sản mà ai một lần đến thành phố biển này cũng nên thử. Bạn có thể ghé Bún cá Cô Ba và Bún cá 87 trên đường Yersin, Bún Cá Sứa ở số 3 Tăng Bạt Hổ, Bún cá Hạnh Nhiên 132 Bạch Đằng…
Từ món ăn bình dị dân dã, bún sứa cá Nha Trang đã trở thành thứ đặc sản mang tính thương mại. Vì thế, cảm nhận của tôi về tô bún cá sứa Nha Trang dù vẫn giữ “hồn vía” vốn có của mình nhưng cũng đã có những biến tấu. Nếu mẹ tôi chỉ có mỗi “độc chiêu” dùng cá ngừ cắt khúc và sứa để làm nên tô bún cá sứa thì ở Nha Trang người ta đa dạng hơn. Sứa dùng làm bún có cả sứa chân và sứa sen tươi, có nơi còn dùng sứa đóng gói công nghiệp. Còn cá thì không chỉ riêng cá ngừ mà còn có cá thu, cá cờ. Kiểu chế biến cũng khác.
Chẳng hạn, cá sau khi luộc lên tách thành miếng cho vào với sứa gọi là bún sứa cá dầm. “Sang chảnh” hơn nữa là thêm vài miếng chả cá làm từ cá thu hoặc cá nhồng. Chưa hết, một chủ quán bún cá sứa tại đây, tiết lộ bí quyết nấu nồi nước nhưn ngọt lừng là nhờ nấu bằng cá liệt.
Dù ăn bún cá sứa ở quán Nha Trang “sang chảnh” hơn nhiều, nhưng thật lòng mỗi lần ăn bún cá sứa ở đâu thì tôi vẫn cứ nhớ tô bún cá sứa bình dị mẹ tôi đã từng làm.
Theo Thanhnien
Vấn vương hương bưởi Đại Bình
Con đường dẫn vào làng Đại Bình ẩn mình trong những hàng cây ăn quả được che bóng mát rượi. Những trái bưởi hình trụ, rám nắng, vàng trĩu, thả hương lãng đãng, quấn quýt theo từng bước chân người lữ khách.
Bưởi Đại Bình vừa được hái còn thoảng hương thơm
Làng Đại Bình (xã Quế Trung, H.Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) nổi tiếng vì nơi đây không chỉ còn nguyên vẹn giá trị của một làng quê Việt với cây đa, bến nước, sân đình... mà còn là một "vùng đất Nam bộ" độc nhất vô nhị giữa lòng Quảng Nam.
Theo lời người dân, sở dĩ có tên "bưởi trụ lông" vì bưởi có dáng hơi thuôn, hình trụ và một lớp lông rất dày trên vỏ những quả bưởi còn non, có thể nhìn thấy và khi sờ vào thì cảm nhận rất rõ. Đó cũng chính là nét độc đáo tạo nên sự khác biệt của bưởi làng này.
Những con ngõ nắng rải trên lá với hương bưởi Đại Bình trải khắp lối đi
Về Đại Bình đúng mùa trái cây chính vụ (thường kéo dài từ khoảng cuối tháng 6 đến đầu tháng 10) hay dù đã quá mùa nhưng tại nhiều vườn, bưởi vẫn thay nhau đơm hoa, kết trái. Một phần vì khí hậu thổ nhưỡng tốt nhưng quan trọng hơn cả là sự tận tụy, chăm bón của người dân nên lúc nào trong tán lá xanh cũng lủng lẳng những trái tròn xoe lại bắt đầu chuyển sang màu vàng, mới nhìn đã ưng con mắt chứ chưa nói đến vị ngọt ngào của từng múi bưởi.
Nên chọn bưởi quả vàng, da căng mịn và láng, gai bưởi to cầm chắc tay chính là quả ngon, mọng nước. Ấy là kinh nghiệm chọn bưởi mà người Đại Bình chia sẻ với du khách phương xa. Được thưởng thức những múi bưởi có màu hồng nhạt, vị ngọt thanh là điều không có gì tuyệt vời bằng. Mùi hương bưởi nồng nàn rồi thoảng nhẹ trong không gian như quên đi những bộn bề cuộc sống. Đặc biệt hơn, bưởi còn được các bà, các chị miệt vườn biến tấu thành nhiều món đãi khách gần xa như gỏi bưởi, bưởi rim đường phèn...
Vị thơm ngon ngọt bưởi Đại Bình chắc chắn đã từng làm cho không ít người xốn xang, nâng niu, muốn cất giữ mãi. Thế nên, bước chân đã xa rồi nhưng mỗi khi nghĩ về, lòng lại nhớ từng ngõ đá, từng vườn cây trái và cả những câu chuyện ướp đầy hương bưởi Đại Bình.
Theo Thanhnien
Nồng nàn gỏi tỏi Lý Sơn Gỏi tỏi Lý Sơn nồng nàn, vị ngọt quyện với hương thơm của rau và gia vị lưu mãi nơi đầu lưỡi. Lòng lâng lâng vui sướng khi thưởng thức gỏi tỏi trên bãi biển lộng gió, ngắm ráng chiều hư ảo phía trời xa. Gỏi tỏi Lý Sơn ăn kèm bánh tráng Cô chủ quán cạnh bãi biển huyện đảo Lý Sơn...