Nhìn lại Xiaomi và Android One: khởi đầu đầy hứa hẹn nhưng kết thúc bằng một nỗi thất vọng
Những tưởng sẽ là một sự kết hợp tuyệt vời, nhưng Xiaomi Mi A series đã khiến người dùng thất vọng.
Sau thất bại của chương trình Google Play Edition, Google tiếp tục làm việc với các nhà sản xuất để tạo ra dòng thiết bị “thuần Android” mới – Android One. Không chỉ loại bỏ bloatware, các thiết bị Android One còn khác biệt với điện thoại Play Edition theo nhiều cách.
Tuy có không ít công ty tham gia chương trình Android One, nhưng lần này chúng ta hãy tập trung vào bốn mẫu smartphone do Xiaomi phát hành và số phận cuối cùng của chúng. Chương trình Android One vẫn còn tồn tại, hầu hết xuất hiện trên các mẫu máy Nokia, nhưng Google đã chuyển sang cách khác để đạt được các mục tiêu ban đầu đề ra cho Android One.
Những mục tiêu đó bao gồm xây dựng một dòng thiết bị giá cả phải chăng cho các thị trường mới nổi. Android One được thiết kế để hoạt động trên các hệ thống có ít RAM và tiết kiệm pin nhất có thể. Những chiếc điện thoại Android One đầu tiên được xây dựng trên một nền tảng phần cứng chung và ra mắt vào năm 2014 tại Ấn Độ. Sau đó, các nhà sản xuất bắt đầu cung cấp phần cứng đa dạng.
Xiaomi tham gia chương trình Android One tương đối muộn – sản phẩm đầu tiên của họ, Xiaomi Mi A1, ra mắt vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, đây là thiết bị Android One đầu tiên có mặt trên toàn cầu (tại 37 thị trường). Cấu hình của máy tương tự Mi 5X ở Trung Quốc, chạy giao diện MIUI thông thường của Xiaomi.
Phiên bản Mi A1 được cài sẵn Android 7.1 Nougat, hầu hết là Android thuần túy, dù Google đã cho phép một số ứng dụng của nhà sản xuất được cài sẵn, không giống như các điện thoại Play Edition nghiêm ngặt hơn về mặt này.
Ngoài ra, điện thoại Android One có thể được bán thông qua các kênh bán lẻ thông thường của nhà sản xuất, trong khi các điện thoại Play Edition bị hạn chế chỉ bán ở cửa hàng Google Play (một phần chính dẫn đến thất bại của chúng), bên cạnh đó là mức giá khá cao.
Mi A1 có cấu hình tầm trung với màn hình IPS LCD 5.5 inch 1080p, được bảo vệ bởi Gorilla Glass 3, phần khung máy được làm từ nhôm.
Cung cấp sức mạnh cho máy là chip Snapdragon 625, một con chip 14nm có chất lượng tốt. Nó không quá nhanh với CPU Cortex-A53 (2.0 GHz) tám lõi và Adreno 506, nhưng cũng đủ dùng và rất tiết kiệm năng lượng. Máy có 4GB RAM và 32GB/64GB dung lượng lưu trữ (eMMC 5.1), cùng với một khe cắm thẻ nhớ microSD.
Như đã nói ở trên, một trong những mục tiêu của Android One là chạy trên các thiết bị giá rẻ, RAM thấp, nhưng Mi A1 không hẳn là một trong số đó. Thay vào đó, mục tiêu của Mi A1 là thu hút những khách hàng thích phần cứng và giá cả của Xiaomi, nhưng không phải là fan của MIUI.
Máy thậm chí còn có camera kép với camera chính 12MP (cảm biến 1/2.9″, 1.25m) và camera tele 12MP (zoom quang 2x, 50mm). Camera chính có thể quay video 4K ở tốc độ 30 khung hình/giây, điều mà ngày nay vẫn chưa có ở một số camera trên điện thoại tầm trung.
Video đang HOT
Ngoài ra còn có cảm biến vân tay ở mặt sau. Viên pin gắn liền có dung lượng 3.080 mAh. Mặc dù không hỗ trợ sạc nhanh, nhưng bộ sạc 10W đi kèm cho phép sạc từ 0 đến 30% trong nửa giờ, khá ổn so với tiêu chuẩn lúc đó. Chip Snapdragon 625 quản lý năng lượng rất tốt có thể kéo dài thời lượng pin lên mức 87 giờ, nếu hàng ngày bạn dùng các tác vụ như gọi điện thoại, duyệt web và xem video, mỗi thứ 1 tiếng.
Xiaomi Mi A1 có giá 230 EUR ở châu Âu. Tuy nhiên, việc phát hành A1 là một cột mốc lớn – đây là một trong những mẫu Xiaomi đầu tiên ra mắt ở châu Âu. Xiaomi tin rằng điện thoại Android One có sức hấp dẫn rộng rãi hơn so với các thiết bị MIUI thông thường của hãng, điều này giúp hãng tự tin mở rộng sang những thị trường mới.
Một trong những lời hứa của Android One là cập nhật nhanh chóng. Các điện thoại dự kiến sẽ nhận được hai bản cập nhật hệ điều hành (Mi A1 đã lên Android 9 Pie vào cuối năm 2018) cũng như ba năm bản vá bảo mật.
Xiaomi Mi A2 ra mắt vào giữa năm 2018. Nó có màn hình 5.99 inch 1080p lớn hơn, chip Snapdragon 660 mạnh mẽ hơn với bốn lõi Cortex-A73 và Adreno 512. Cấu hình cơ bản có RAM 4GB, có tùy chọn 6GB.
Dung lượng lưu trữ cơ bản vẫn là 32GB, nhưng Xiaomi đã loại bỏ thẻ nhớ microSD, người dùng có thể chọn phiên bản 64GB hoặc 128GB nếu cần thêm bộ nhớ. Máy cũng loại bỏ jack 3.5mm.
Mi A2 cũng thay đổi cảm biến camera kép. Xiaomi loại bỏ camera tele 2x, thay thế bằng một camera 20MP với cảm biến 1/2.8″ (kích thước điểm ảnh 1.0 m) và khẩu độ f/1.8 sáng hơn, nhằm hỗ trợ chụp ảnh trong điều kiện ánh sáng yếu. Camera chính 12MP vẫn được giữ nguyên.
Camera selfie 5MP của phiên bản gốc đã được thay thế bằng một camera 20MP có khả năng chụp ảnh tốt hơn, có đèn flash LED chuyên dụng.
Mặc dù có thân máy lớn hơn, nhưng A2 chỉ có viên pin 3.000 mAh, tuy nhiên đã hỗ trợ Quick Charge 18W (v3 toàn cầu, v4 cho thị trường Ấn Độ).
Xiaomi Mi A2 ra mắt với Android 8 Oreo và nhận được bản cập nhật hệ điều hành lên Android 10 vào đầu năm 2020. Xiaomi đã tăng giá và cấu hình cơ bản 4/32GB bắt đầu ở mức 250 EUR, bản 6/128GB là 350 EUR.
Xiaomi cũng cung cấp một phiên bản giá rẻ hơn, Mi A2 Lite. Máy có màn hình IPS LCD 5.84 inch 1080p và thiết kế tai thỏ. Lite sử dụng Snapdragon 625 tương tự như Mi A1. Cấu hình cơ bản của máy chỉ là 3/32GB (với tùy chọn 4/64GB cao hơn), nhưng ít nhất nó đã khôi phục lại khe cắm microSD và cả jack tai nghe 3.5mm.
Máy giữ lại camera chính 12MP và bỏ camera chụp thiếu sáng, thay vào đó là cảm biến độ sâu 5MP. Tuy nhiên, Mi A2 Lite có pin lên đến 4.000mAh, đây là một nâng cấp đáng hoan nghênh.
Mi A2 Lite có giá cơ bản 180 EUR (3/32GB) và 230 EUR (4/64GB).
Tiếp theo là Xiaomi Mi A3, ra mắt vào giữa năm 2019, đây là phiên bản cuối cùng trong series Mi A (Mi A3 không có phiên bản Lite) và cũng là lúc mà mọi thứ đổ vỡ.
Mi A3 ban đầu cho thấy phần cứng khá hấp dẫn với camera chính 48MP (1/2″, 0.8m, f/1.8). Không có ống kính tele, nhưng camera này có zoom lossless 2x, thêm vào đó là camera góc siêu rộng 8MP. Ngoài ra còn có một camera độ sâu 2MP. Camera selfie được nâng cấp lên 32MP.
Mi A3 có pin dung lượng 4.030 mAh và sạc nhanh 18W. Máy chuyển sang dùng chip Snapdragon 665, nhưng hiệu suất vẫn tương tự 660. Nhìn chung, điện thoại vẫn cho cảm giác nhanh hơn nhờ nâng cấp lên công nghệ UFS 2.1 (lưu trữ nhanh hơn so với eMMC được sử dụng trong các mẫu trước đó).
Xiaomi cũng lắng nghe ý kiến của fan và mang trở lại khe thẻ nhớ microSD, jack 3.5 mm. Dù vẫn thiếu NFC, nhưng các mẫu trước đó cũng không có.
Nhưng những ưu điểm đó không đủ để bù đắp lại sự hạ cấp mà Xiaomi đã làm trên Mi A3.
Máy có màn hình kích thước 6.09 inch lớn hơn và chuyển sang tấm nền Super AMOLED. Nghe có vẻ tuyệt vời, cho đến khi bạn nhận thấy độ phân giải chỉ còn 720 x 1.560 px, quá thấp đối với một chiếc smartphone tầm trung vào năm 2019.
Bên cạnh đó, dù dùng kính Gorilla Glass 5 ở mặt trước và sau, nhưng khung kim loại ở các phiên bản cũ đã bị thay bằng khung nhựa.
Xiaomi Mi A3 có giá cơ bản là 250 EUR, giống như A2, nhưng màn hình có độ phân giải thấp và khung nhựa đã khiến fan thất vọng, nhưng vẫn có những người tin vào Android One và đó là lúc mà Xiaomi biến niềm tin của người dùng thành một nỗi thất vọng,
Chiếc điện thoại ra mắt với Android 9 Pie và sẽ nhận được hai bản cập nhật hệ điều hành chính.
Bản cập nhật Android 10 được phát hành lần đầu tiên vào tháng 3 năm 2020, nhưng nó nhanh chóng bị gỡ khi nhiều người dùng nhận thấy rằng điện thoại của họ không phản hồi như bình thường sau khi cập nhật. Quá trình triển khai cập nhật được tiếp tục vài tuần sau đó và sự cố dường như đã được giải quyết. Tuy nhiên, một vấn đề khác lại xuất hiện và bản cập nhật Android 10 lại bị tạm ngưng, đến lần phát hành thứ ba vẫn còn một số lỗi nhưng đã được sửa vài tuần sau đó.
Những tưởng Xiaomi đã rút ra được bài học, nhưng bản cập nhật Android 11 còn tệ hại hơn thế nữa. Bản phát hành ban đầu vào cuối tháng 12 năm 2020 đã biến điện thoại của nhiều người dùng thành “cục gạch”. Xiaomi phản ứng chậm chạp, phải đến vài ngày sau bản cập nhật mới bị gỡ và lúc đó đã là quá muộn. Những người dùng gặp lỗi phải gửi điện thoại về công ty để sửa.
Phải đến cuối tháng 1 năm sau, Xiaomi mới có thể giải quyết vấn đề và phát hành bản cập nhật Android 11 “an toàn”. Tại thời điểm này, người hâm mộ đã không còn tin tưởng vào dòng A của Xiaomi – khi mà Android One đại diện cho sự cập nhật nhanh chóng và dễ dàng.
Đây không phải là vấn đề của Android One, đã có sai sót nghiêm trọng trong cách Xiaomi phát triển phần mềm One của họ. Thêm vào đó, giao diện thuần Android và hạn chế các ứng dụng cài đặt sẵn không thu hút được người dùng như Xiaomi và Google kỳ vọng. Cuối cùng, không có chiếc Mi A nào bán chạy.
Sự kết hợp giữa Xiaomi và Android One có rất nhiều hứa hẹn, tuy nhiên, vấn đề phần cứng và các bản cập nhật thảm hại của Mi A3 đã mang lại tiếng xấu cho A-series. Cuối cùng, phiên bản Android Go đã vươn lên để lấp đầy thị trường smartphone giá rẻ, tập trung vào một số mục tiêu ban đầu của One.
Xiaomi bán hơn 190 triệu smartphone năm 2021, 3/4 lượng người dùng MIUI là từ quốc tế
Xiaomi nằm trong top 5 hãng smartphone phổ biến nhất theo khảo sát từ 64 thị trường trên toàn cầu.
Xiaomi vừa qua đã báo cáo tình hình kinh doanh trong năm 2021 của họ, trong đó công ty đạt tổng doanh thu 328,3 tỷ NDT (khoảng 51,6 tỷ USD), tăng 33,5% so với năm trước, lợi nhuận ròng đạt 22 tỷ NDT (3,5 tỷ USD), tăng 69,5% so với năm 2020.
Mảng smartphone đã đạt đực thành công ấn tượng với 190,3 triệu thiết bị được bán trên khắp thế giới, cao hơn 30% so với năm 2020. Trong đó, 24 triệu thiết bị thuộc phân khúc cao cấp, tăng 160% so với năm ngoái.
Tổng doanh thu từ smartphone là 208,9 tỷ CNY (32,8 tỷ YSD), con số này cho thấy mức tăng trưởng 37,2%.
Xiaomi vẫn tiếp tục mở rộng trên thị trường toàn cầu. Báo cáo tài chính tiết lộ gần một nửa tổng doanh thu của hãng đến từ thị trường nước ngoài - 163,6 tỷ NDT (25,7 tỷ USD).
Xiaomi đang nằm trong top 5 hãng smartphone phổ biến nhất theo khảo sát từ 64 thị trường trên toàn cầu, trong đó thương hiệu này đứng vị trí thứ nhất ở 14 thị trường.
Công ty đang cố gắng mở rộng các danh mục đầu tư với sản phẩm AI và kết quả năm 2021 cho thấy doanh thu từ các thiết bị thông minh khác ngoài smartphone tăng hơn 26%, đạt 85 tỷ NDT (13,7 tỷ USD). Ở mảng kinh doanh máy điều hòa không khí, tủ lạnh và máy giặt, mức tăng trưởng so với cùng kỳ là 60%.
Xiaomi cho biết họ đạt được lượng người dùng MIUI hoạt động hàng tháng là 509 triệu, cao hơn 28,4% so với năm 2020. Đáng chú ý là trong số này chỉ có 130 triệu người dùng tại Trung Quốc, nghĩa là người dùng quốc tế chiếm lượng người dùng MIUI.
Nhờ lượng người dùng lớn, Xiaomi cũng kiếm được doanh thu từ quảng cáo trong giao diện của mình với 18,1 tỷ NDT (2,8 tỷ USD), tăng 42,3%.
iPhone SE 3: mối đe dọa lớn nhất đối với smartphone Android Sự xuất hiện của iPhone SE thế hệ tiếp theo sẽ tiếp đà thành công của các mẫu tiền nhiệm trong phân khúc tầm trung - vốn là địa phận của Android. Nếu những tin đồn gần đây chính xác, đó sẽ là mối đe dọa lớn nhất đối với smartphone Android. Thị trường tầm trung là rất lớn. Đó chính là thị...