Nhìn lại những điều đã cũ và hy vọng ngành Giáo dục sẽ khởi sắc trong năm mới
Điều mong muốn duy nhất của chúng tôi cũng như toàn xã hội là ngành Giáo dục sẽ cùng thay đổi, trên dưới một lòng để làm tốt sứ mệnh, thiên chức của mình.
Người Việt Nam ta có thói quen trong những ngày đầu năm mới thì ai cũng mong muốn điều tốt đẹp và chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi mong muốn mọi người đều an vui, ngành giáo dục năm mới không còn những chuyện buồn, ngành giáo dục năm mới đều là những câu chuyện điển hình.
Và, điều mong muốn duy nhất của chúng tôi cũng như toàn xã hội là toàn ngành giáo dục cùng thay đổi, trên dưới một lòng để từng người thầy luôn làm tốt sứ mệnh, thiên chức của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Quốc hội tán thành thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi) (Ảnh minh họa: TTXVN)
Nhìn lại những điểm nhấn của ngành Giáo dục trong năm 2019
Nhìn lại năm 2019, chúng ta thấy rằng đây là một năm mà ngành giáo dục có rất nhiều điểm nhấn so với năm 2018. Nếu như năm 2018 để xảy ra vụ gian giận điểm thi trên quy mô rộng ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình với hơn 200 thí sinh được nâng điểm.
Thế nhưng, năm 2019 thì chúng ta thấy được sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo Bộ, các địa phương, cùng đội ngũ giáo viên và sự phối hợp với nhiều ban ngành khác đã thực hiện khá tốt kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia.
Kỳ thi năm 2019 đã thể hiện sự nghiêm túc, gọn nhẹ và không còn những bất thường về điểm số. Những địa phương có truyền thống học tập tốt đã trở lại vị trí dẫn đầu, những địa phương còn khó khăn đã được trả lại đúng vị trí.
Không còn tình trạng những thủ khoa, những thí sinh có điểm cao nằm ở những tỉnh như Sơn La, Hà Giang và Hòa Bình nữa. Người dân không còn nghi ngờ về việc gian lận và đương nhiên uy tín của kỳ thi đã được cải thiện- cho dù kết quả không cao như năm 2018.
Năm 2019 cũng đánh dấu một sự kiện lớn liên quan đến toàn ngành giáo dục đó là Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 đã được Quốc hội thông qua. Bắt đầu từ ngày 1/7/2020 này, Luật Giáo dục năm 2019 sẽ có hiệu lực.
Rất nhiều thay đổi trong thời gian tới đây đòi hỏi giáo viên phải thực sự cố gắng, học tập để đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong tình hình mới.
Điều đáng chú ý là cuối năm 2019 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 để đưa vào giảng dạy cho Chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm học tới. Chủ trương “một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa” đã được thực hiện.
Rất nhiều lớp tập huấn cho đội ngũ giáo viên cốt cán đã được mở để chuẩn bị cho việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa mới lần này. Hy vọng, Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ giải quyết được những hạn chế của chương trình, sách giáo khoa hiện hành.
Vẫn còn những điều chưa trọn vẹn
Hậu quả của tiêu cực trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 được các địa phương giải quyết trong năm 2019 nhưng rõ ràng cách giải quyết vẫn khiến dư luận băn khoăn, chưa đồng tình.
Danh sách các thí sinh gian lận điểm thi không được Bộ và các địa phương công bố. Những thí sinh được xác định là gian lận điểm nhưng đủ điểm chuẩn vào các trường đại học không bị xử lý như kế hoạch ban đầu mà lãnh đạo Bộ đã chia sẻ với báo chí.
Video đang HOT
Những phụ huynh có con được nâng điểm đa phần chỉ dừng lại ở mức kỷ luật “Khiển trách” hoặc “Nghiêm túc rút kinh nghiệm” mà thôi. Như vậy, chúng ta thấy mâu thuẫn xảy ra trong cách giải quyết của sự việc.
Lúc chủ trương không công bố danh sách thí sinh gian lận điểm thi thì nói là có thể việc này do cha mẹ các em làm nên không xử lý thí sinh.
Nhưng, cha mẹ những thí sinh được nâng điểm đa phần chỉ bị xử lý ở mức “Khiển trách” hoặc “Nghiêm túc rút kinh nghiệm” thì tính răn đe không có. Mức kỷ luật này cũng không ảnh hưởng nhiều đến vị trí công tác của các bậc phụ huynh.
Chính vì xử lý như vậy nên chúng ta vẫn thấy cái xấu lởn vởn trong ngành giáo dục nếu sự việc xử lý chỉ lừng chừng như vậy rồi thôi.
Điều đáng để băn khoăn nữa là Nghị quyết 88 của Quốc hội đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn 1 bộ sách giáo khoa cho Chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng cuối cùng thì Bộ không làm được.
Phải chăng đây là sự chậm trễ của lãnh đạo Bộ khi để các chuyên gia, nhà giáo có khả năng biên soạn, viết sách giáo khoa đã ký trước hợp đồng với các Nhà xuất bản hay thực tâm Bộ Giáo dục không muốn làm. Vì cứ nhìn vào khoảng thời gian Bộ thông báo tuyển người biên soạn sách giáo khoa thì chúng ta cũng hiểu được bản chất của sự việc.
Trong 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 của Chương trình giáo dục phổ thông mới được phê duyệt thì có 4 bộ là của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Dù sách chưa phát hành chính thức nhưng đơn vị này đã “đi đêm” với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh từ 4 năm nay.
Sách chưa phát hành nhưng lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã đánh tiếng là giá sẽ cao hơn sách giáo khoa hiện hành.
Tuy nhiên, nếu còn tình trạng đi đêm như thế này thì chuyện sách giáo khoa mới có giá cao hơn sách giáo khoa hiện hành cũng là điều dễ hiểu. Gánh nặng sẽ tiếp tục đè lên đôi vai của phụ huynh học sinh trong những năm tới.
Trong các nhà trường thì tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra khá phổ biến và trở thành nỗi ám ảnh cho phụ huynh. Học sinh học thêm từ khi chưa vào lớp 1 đến khi thi vào đại học. Một số học sinh học ngày, học tối, học ở trường, học ở nhà thầy cô xuyên suốt.
Tình trạng một số giáo viên bạo hành học sinh vẫn xảy ra ở một số nhà trường và trong năm 2019 thì chúng ta vẫn thấy một số giáo viên bị đuổi việc vì liên quan đến bạo hành học sinh.
Tình trạng phụ huynh bênh vực con mình, coi thường giáo viên vẫn xảy ra ở một số nơi. Nhẹ thì lên Facebook xúc phạm, nặng thì vào trường đánh cả giáo viên đang dạy con mình. Đạo lý, tính tôn sư trọng đạo đang bị mai một ở một số nơi, một số trường hợp- đây thực sự là một thách thức lớn đối với ngành giáo dục trong thời gian tới đây.
Năm 2020 hy vọng sự bình an, khởi sắc.
Năm 2020 đã chính thức bắt đầu- năm mà ngành giáo dục bắt đầu sẽ áp dụng Chương trình giáo dục phổ thổng mới ở lớp 1- năm mà Luật Giáo dục sửa đổi sẽ có hiệu lực. Rất nhiều thay đổi đang chờ đội ngũ lãnh đạo ngành giáo dục và đội ngũ giáo viên đứng lớp.
Liệu rồi những hạn chế, yếu kém trong ngành có được khắc phục, những cái mới liệu giáo viên có tiếp cận tốt không? Tất cả đòi hỏi sự chung sức, chung lòng của toàn ngành giáo dục cùng sự cộng hưởng của toàn xã hội.
Nếu sự chỉ đạo sát sao cùng với chung tay phối hợp tốt, chúng ta tin rằng ngành giáo dục nước nhà sẽ khởi sắc đi lên. Và, chúng ta tin, chờ đợi một năm mới ngành giáo dục nước nhà không còn nữa những câu chuyện buồn, câu chuyện tiêu cực để vực dậy uy tín, vị thế của giáo dục nước nhà ngày càng được tốt hơn.
THANH AN
Theo giaoduc.net
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH có hiệu lực: "Đòn bẩy" cho cả hệ thống
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2019. Đây được coi là hành lang pháp lý quan trọng để các trường đại học thực hiện quyền tự chủ và là "đòn bẩy" để GDĐH phát triển.
Ảnh minh họa
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Giáo dục & Thời đại đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GD&ĐT).
Các trường đã chủ động
- Ngày 1/7, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH chính thức có hiệu lực thi hành. Một trong những chính sách được dư luận quan tâm ở luật này là cơ chế tự chủ ĐH. Theo bà, đến thời điểm này, các trường đã sẵn sàng đón nhận chính sách tự chủ như thế nào?
- Nhìn chung, hầu hết các cơ sở GDĐH đều đã tổ chức nghiên cứu và phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH tới cán bộ, giảng viên và người học; Đồng thời chuẩn bị các điều kiện để thực hiện luật, đặc biệt là tự chủ đại học. Các trường lớn đều chú trọng rà soát cơ cấu tổ chức, kiện toàn bộ máy tổ chức và nhân sự để thực hiện theo quy định của luật mới. Đặc biệt là việc thành lập, kiện toàn Hội đồng trường theo quy định của pháp luật và các văn bản có liên quan.
Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế tổ chức, hoạt động, quy chế tài chính... và các quy định nội bộ khác cũng đang được các cơ sở GDĐH triển khai thực hiện. Nhiều trường đã tổ chức hội nghị toàn trường để xác định chiến lược phát triển trong điều kiện mới - điều kiện đẩy mạnh tự chủ ĐH.
- Vậy Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn gì để các trường bắt nhịp với cơ chế tự chủ? Các trường sẽ phải làm gì để thực hiện chính sách mới, thưa bà?
- Trong điều kiện tự chủ ĐH, Bộ GD&ĐT cũng không đặt nặng vai trò phải hỗ trợ các trường. Vai trò chính của Bộ là xây dựng chính sách, pháp luật và kiến tạo cơ chế phát triển đã được thể hiện rõ nét trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH. Bộ cũng đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành luật và dự thảo Nghị định tự chủ đối với các cơ sở GDĐH công lập.
Ảnh minh họa
Các trường sư phạm cùng "nhập cuộc"
- Còn đối với các trường sư phạm thì sao? Liệu có những khó khăn, rào cản nào hay không, thưa bà?
- Các trường sư phạm sẽ thực hiện tự chủ và trách nhiệm giải trình như các cơ sở GDĐH khác, trừ một số nội dung liên quan đến chỉ tiêu đào tạo GV, ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào trình độ đại học, mở mới các ngành đào tạo GV các trình độ phải thực hiện theo quy định của cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ GD&ĐT).
Khó khăn hay rào cản đối với các trường sư phạm nhìn chung sẽ không khác với những cơ sở khác vì tất cả các cơ sở có đào tạo GV hiện nay đều đã là các trường đa ngành, không bị bó buộc trong phạm vi nhiệm vụ Nhà nước giao.
Tuy nhiên, khác với các trường khác, trường đào tạo GV phải chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo đội ngũ nhà giáo - nhân tố vừa là điểm xuất phát vừa là sự quyết định thành công trong đổi mới GD-ĐT. Trường sư phạm cũng có khó khăn nhất định về mặt tài chính bởi khi tự chủ, các trường này không được thu học phí cao đối với các ngành đào tạo GV (do đào tạo theo đặt hàng của Nhà nước và có mức trần học phí được cấp theo đầu sinh viên).
Vấn đề việc làm và thu nhập của SV sư phạm tốt nghiệp cũng là khó khăn do chủ trương tinh giản biên chế và dự báo cung cầu trong đào tạo sư phạm... Để giải quyết vấn đề này, cùng với việc Bộ Tài chính đã xây dựng cơ chế đặt hàng của Nhà nước, Bộ GD&ĐT đã và đang cùng với các địa phương khảo sát nhu cầu đào tạo GV làm căn cứ xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng GV các cấp; đồng thời, Bộ cũng cùng với các trường sư phạm nòng cốt xây dựng đề án tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở đào tạo GV và xây dựng một số trường sư phạm trọng điểm. Thực hiện những nội dung này cũng cần phải có thời gian nhưng đó là cách tháo gỡ khó khăn cho các trường sư phạm hiện nay.
Về phía trường, trước mắt, cần nâng cao nhận thức về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH và tự chủ đại học, thực hiện Công văn 499 của Bộ GD&ĐT. Đồng thời thực hiện kiểm định chất lượng và chuẩn bị tốt các điều kiện tự chủ quy định tại Điều 32 của luật này.
Về lâu dài, vấn đề quan trọng là mỗi trường cần nâng cao năng lực quản trị quản lý; xác định mục tiêu, chiến lược, kế hoạch phát triển trường; xây dựng và ban hành các văn bản nội bộ phù hợp với cơ chế lựa chọn và mục tiêu phát triển; phát triển ngành đào tạo, xây dựng những ngành thế mạnh của trường trong đào tạo và nghiên cứu, kết nối doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Đồng thời, có chính sách thu hút các nguồn lực để phát triển, đặc biệt là chính sách thu hút giảng viên, nhà khoa học giỏi, thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển trường bền vững; tùy theo năng lực mà đặt ra và thực hiện các mục tiêu quốc tế như thu hút giảng viên, SV nước ngoài, áp dụng các chuẩn khu vực và quốc tế để thực hiện kiểm định, xếp hạng...
SV tìm kiếm cơ hội việc làm. Ảnh minh họa
Kiểm định sẽ trở thành nhu cầu của chính các trường
- Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm là kiểm định chất lượng và trách nhiệm giải trình của các trường đại học. Vậy chúng ta sẽ giám sát việc này như thế nào để mọi việc được thực hiện thực chất?
- Trong thời gian gần đây, kiểm định chất lượng đã thực sự được đẩy mạnh. Tính đến ngày 31/5/2019, đã có 121 cơ sở GDĐH được đánh giá và công nhận đat tiêu chuẩn chất lương GD bởi cac tổ chức kiểm định trong nước; 6 cơ sở GDĐH được đánh giá và công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá của Hội đồng Cấp cao về đánh giá nghiên cứu và GDĐH Pháp (HCERES) và Mạng lưới bảo đảm chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA). Có 142 chương trình đào tạo đại học đã được đánh giá và công nhận, trong đó có 16 chương trình đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước; 126 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài và công nhận bởi các tổ chức kiểm định quốc tế.
Theo quy định, kiểm định là điều kiện cơ bản để được tự chủ mở ngành, liên kết đào tạo và tự chủ thực hiện các hoạt động chuyên môn khác. Kết quả kiểm định được công khai, là điều kiện để thu hút người học trong tuyển sinh, là một trong các cơ sở để nhà trường xác định mức học phí... Văn hóa chất lượng đang bước đầu được hình thành và kiểm định sẽ trở thành nhu cầu của chính các trường chứ không phải chỉ để thực hiện quy định của pháp luật.
Trách nhiệm giải trình cũng đã được quy định rõ là trách nhiệm cơ sở GDĐH báo cáo, minh bạch thông tin đối với người học, xã hội, cơ quan quản lý có thẩm quyền, chủ sở hữu và các bên liên quan về việc tuân thủ quy định của pháp luật và thực hiện đúng quy định, cam kết của cơ sở GDĐH. Cơ chế minh bạch thông tin để người học và xã hội giám sát, đặc biệt là các thông tin về điều kiện bảo đảm chất lượng và chất lượng thực tế của cơ sở GDĐH.
Mặt khác tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm với hệ thống chế tài đủ sức răn đe và phòng ngừa chung sẽ là cơ chế giám sát hiệu quả và bảo đảm hoạt động thực chất. Với cơ chế minh bạch thông tin như hiện nay thì người học cũng ngày càng trở thành những người lựa chọn thông minh và những trường không bảo đảm chất lượng sẽ không có cơ hội để tiếp tục tồn tại.
- Bà kỳ vọng gì đối với lĩnh vực GDĐH khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH chính thức đi vào cuộc sống?
- Tất cả những người đã tham gia soạn thảo, ban hành luật này đều thực sự mong muốn nó sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng, thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học; sự năng động, sáng tạo của đội ngũ trí thức và các nhà quản lý GDĐH sẽ được phát huy tối đa để sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao chất lượng GDĐH, hội nhập quốc tế. Qua đó, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện GDĐH, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo nhân lực chất lượng cao nhằm thực hiện một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước.
- Xin cảm ơn bà!
Sỹ Điền (thực hiện)
Theo GDTĐ
Năm 2019, sự kiện giáo dục nào đáng quan tâm? Năm 2019 có nhiều sự kiện GD-ĐT thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Bên cạnh một số quyết sách hứa hẹn những thay đổi căn bản thì ngành giáo dục vẫn xảy ra những vụ việc gây nghi ngờ và mất niềm tin của xã hội nhưng lại chưa được chính ngành này giải đáp thỏa đáng....