Nhìn lại hành trình Thiên Long Bát Bộ tại Việt Nam
Cảm ơn FPT Online đã đưa Thiên long bát bộ đến với công chúng trong 7 năm qua, chúng tôi hiểu các bạn giờ đang rất khó khăn vì mất đi Thiên long bát bộ khi chưa có sản phẩm thay thế xứng đáng thật sự là rủi ro cho toàn doanh nghiệp và những người FPT.
7 năm qua, Thiên Long Bát Bộ đã trải qua bao thăng trầm, song với sự trân trọng từ chính những người FPT, nó vẫn luôn là bạn đồng hành của một lượng lớn game thủ Việt và là sản phẩm chủ lực của FPT Online.
Những người “tiên phong” và cái giá phải trả
Năm 2005, FPT Telecom đi tiên phong trong lĩnh vực game online tại Việt Nam với 2 sản phẩm đầu tay là Priston tale (PTV) và MU (MU FPT). Vào thời điểm đó, họ đã phải trả cái giá rất đắt vì… chẳng hiểu gì về game.
Cả 2 tựa game đầu tay của FPT đều có mức đầu tư khủng khiếp vào thời điểm ấy: trên 500.000 USD cho mỗi sản phẩm. Nếu PTV thất bại vì không có cơ sở thương mại trong game, thì MU thất bại vì chính những người FPT. Họ đã kỳ vọng rằng game cũng như bao sự thành công mà họ từng làm, trở thành một sản phẩm có thể đem lại hàng vài chục tỷ đồng mỗi tháng. Thêm nữa, bản thân FPT không lường trước và không “dẹp loạn” được nạn MU private trên toàn Việt Nam với gần 40 nhà phát hành chui.
MU FPT là một trong những game online có vòng đời dài nhất tại Việt Nam
Tuy nhiên, MU FPT dù chỉ đạt doanh thu khoảng 3 – 4 tỷ đồng/tháng, song nó cực kỳ bình ổn và trở thành một trong các sản phẩm game online có vòng đời dài nhất tại Việt Nam. Tính đến thời điểm đóng cửa vào cuối tháng 7.2014 thì MU FPT đã hoạt động được đến 10 năm.
Cả PTV và MU FPT đều không thành công như mong đợi, lãnh đạo tập đoàn thất vọng… Chính bản thân TGĐ FPT Telecom khi ấy là Trương Đình Anh trong một buổi họp kín đã thốt lên với các “tướng lĩnh” một lời cay đắng: “Các chú đã và đang làm game online trở thành nỗi thất bại nặng nề nhất trong sự nghiệp của anh”.
Càng không thành công như kỳ vọng, người FPT dường như càng cay cú. Gần chục “tướng tài” đã từng chiến thắng trên các mặt trận khác được huy động về chỉ huy game online. Trong số này có đến 4 người trở thành lãnh đạo cấp công ty thành viên của tập đoàn FPT, thậm chí có người hiện còn là đương kim TGĐ FPT Telecom.
Đến hết năm 2006, tình hình vẫn không được cải thiện. Ông Trương Đình Anh đã hoàn toàn thất vọng và dần dần chuyển các tướng lĩnh thua trận trong game online sang làm công việc khác, đặc biệt là đẩy mạnh lĩnh vực viễn thông. Nhiều lãnh đạo cao cấp từng trải qua thời kỳ ấy, đến giờ họ vẫn thẳng thắn chia sẻ cùng chúng tôi rằng “nói một cách sòng phẳng thì ngày ấy người FPT chả biết gì về game, và cũng có thể nói rằng chính game online đã dạy cho người FPT một bài học rằng không phải cái gì họ cũng giỏi”.
Sự ra đời của FPT Online và Thiên long bát bộ
Trước nỗi ám ảnh thua trận, Phạm Thành Đức (người sau này là PTGĐ FPT Telecom, rồi TGĐ FPT Retail và hiện đang là TGĐ M Service với sản phẩm Momo) – người chỉ huy toàn bộ mảng game online khi ấy đã từng sống những tháng ngày hết sức cay đắng trong sự nghiệp: Quay đủ mọi cách, đủ các giải pháp hay ý tưởng nhưng vẫn không làm tình hình tốt hơn.
Video đang HOT
Sự tổn thương của một kẻ thua trận khiến anh lang thang lặn lội khắp nơi, thậm chí bằng cả tiền cá nhân, để tìm cách thay đổi số phận. Rồi cơ duyên cũng đến khi đang lang thang Trung Quốc thì có người chỉ anh tìm đến Sohu (ChangYou hiện giờ) với sản phẩm Thiên long bát bộ.
Với mức phí bản quyền kỷ lục gần 1 triệu USD, Thiên long bát bộ làm tập thể lãnh đạo FPT “phát hoảng”. Họ trở nên thận trọng và nhát tay. Bao nhiêu ý kiến phản đối vì họ cho rằng tiếp tục Thiên long bát bộ với mức đầu tư như thế là thiếu sáng suốt, và nếu làm thì chẳng khác gì làm bằng sự cay cú.
Phạm Thành Đức đã nhận được sự chia sẻ và hậu thuẫn lớn từ sếp của mình là Trương Đình Anh, rồi thầy trò họ đã phải thuyết phục từng người trong ban lãnh đạo FPT để Thiên long bát bộ có thể về với FPT Telecom.
Nhưng để phát hành Thiên long bát bộ, người FPT đã sáng suốt thay đổi cách thức phát hành. Họ đã hiểu rằng: Làm game phải có thứ hiểu biết đàng hoàng về nó, và từ đó FPT Online ra đời. Thiên long bát bộ có thể xem như một món quà mà anh Phạm Thành Đức để lại cho FPT Online trước khi kiên quyết đứng dậy đi làm nhiệm vụ khác.
Người tiếp nhận Thiên long bát bộ cùng sứ mệnh lấy lại danh dự cho người FPT trong lĩnh vực game online là Lương Công Hiếu. Người từng đứng ngoài suốt 2 năm nhìn những người bạn của mình cay đắng với game online giờ sẽ xung trận đón nhận thách thức. Hàng loạt các chuyên gia giỏi về game online, đa số đều xuất phát từ game thủ được quy tụ về FPT Online.
Người đảm nhận chủ trì công tác phát hành Thiên long bát bộ đầu tiên (Project manager) cũng chính là người từng thua 2 trận trước đó với PTV và MU FPT: anh Huỳnh Ngọc Hải, với biệt danh “Hải Nobita”.
Sự “cứu vãn” danh dự của người FPT
Mùa Hè năm 2007, Thiên Long Bát Bộ ra mắt công chúng. Ít ai biết rằng nó vừa phát hành đã… thất bại. 6 tháng sau, Hải Nobita xin ngân sách phát hành lại. Lần này thì chỉ số lên đều và ngay lập tức trở thành game MMORPG trực tiếp cạnh tranh với Võ lâm truyền kỳ của VNG.
2007 – 2009, Thiên long bát bộ tiếp tục tăng trưởng đều và ổn định. Người FPT tạm thở phào vì rốt cuộc họ đã có thể cứu vãn được danh dự và tạm chấp nhận với vị trí thứ 2 trên thị trường về doanh thu game online sau VNG.
Thời đỉnh cao, TLBB đã từng thu về 49 tỷ tiền nạp thẻ mỗi tháng
Năm 2009, một sự cố hy hữu đã xảy ra với Thiên long bát bộ. Hacker đã tấn công vào cơ sở dữ liệu bằng chính mạng WiFi và ăn cắp toàn bộ source game. Vì sự cố này, ChangYou đã cân nhắc đến việc chấm dứt hợp đồng phát hành với FPT Online ngay lập tức. Một lãnh đạo FPT Online đã phải bay sang Trung Quốc, trú tại một căn hộ ngay tầng trên văn phòng của ChangYou suốt 1 tháng ròng chỉ để hàng ngày thuyết phục ChangYou bỏ qua sự cố ấy và đừng chấm dứt hợp đồng.
Cũng trong năm 2009, “khai quốc công thần” Hải Nobita rời khỏi công ty. “Đông Ca” (Lê Phương Đông) thay thế nắm Thiên long bát bộ.
Năm 2010, FPT Online thay đổi Tổng giám đốc, rồi sau đó Đông Ca cũng rời khỏi FPT Online, Thiên long bát bộ lại được giao về cho “Phát mập” (Nguyễn Tấn Phát) quản lý.
Năm 2011, Phát mập lại rời khỏi FPT Online, Thiên long bát bộ lại được chính Hải Nobita quay về chủ trì.
Năm 2012, một lần nữa Hải Nobita dứt áo ra đi khỏi FPT Online. Thiên long bát bộ lại được giao cho “Hải hói” (Hoàng Minh Hải).
Tháng 9.2014, Thiên long bát bộ chính thức rời bỏ FPT Online, rời bỏ những người FPT để về ngôi nhà mới VNG.
Trong suốt 7 năm qua, Thiên long bát bộ đã trải qua bao thăng trầm, trải qua bao đời giám đốc sản phẩm, song với sự trân trọng từ chính những người FPT, sản phẩm này vẫn luôn là bạn đồng hành của một lượng lớn game thủ trên toàn Việt Nam và là sản phẩm chủ lực của FPT Online.
Đặc biệt giai đoạn 2010 – 2011 (phát hành ở năm thứ 4 và thứ 5), Thiên long bát bộ mới đạt đến mức cực thịnh. Trong giai đoạn này, có lúc mức đỉnh CCU đã lên đến gần 50.000 với mức doanh thu lên đến 49 tỷ tiền nạp thẻ mỗi tháng.
Đến nay, có thể nói rằng Thiên long bát bộ đã là một sản phẩm về cuối vòng đời, tuy nhiên nó sẽ được duy trì và cập nhật mới bằng một phiên bản khác, như Thiên long bát bộ 3 (hay Tân thiên long) chẳng hạn.
Cảm ơn FPT Online đã đưa Thiên long bát bộ đến với công chúng trong 7 năm qua, chúng tôi hiểu các bạn giờ đang rất khó khăn vì mất đi Thiên long bát bộ khi chưa có sản phẩm thay thế xứng đáng thật sự là rủi ro cho toàn doanh nghiệp và những người FPT.
Tuy nhiên, chúng ta hãy chờ đợi một Thiên long bát bộ khác biệt, được làm mới đến công chúng thông qua nhà phát hành số 1 của Việt nam hiện nay là VNG. Mong rằng Thiên long bát bộ sẽ tiếp tục đem lại cho game thủ sự trải nghiệm kỳ thú mới.
Theo Gamek
VNG đang muốn làm "ông vua" mảng game võ hiệp?
Nói đến game võ hiệp ở Việt Nam là phải nhắc ngay đến VNG? Và có vẻ như câu khẩu hiệu vui này đang dần trở thành hiện thực khi thời gian gần đây hãng đang tập trung đẩy mạnh và thâu tóm các "sản phẩm vua" của dòng game võ hiệp nổi tiếng.
Khởi đầu bằng Võ Lâm Truyền Kỳ (VLTK), sau đó là VLTK 2 và Kiếm Thế, điều này ít nhiều cho thấy tham vọng xâm chiến thị trường game võ hiệp của VNG lúc mới hình thành. Tuy nhiên, do bài toán về doanh thu cũng như tuổi thọ của từng sản phẩm mà đến thời điểm hiện tại chỉ còn mỗi VLTK là đủ sức "gòng gánh" trước sự đổi thay khắc nghiệt của thị trường. Song bù lại VNG vẫn tự tin nắm trong tay một tập khách hàng yêu thích game võ hiệp thuộc loại nhất nhì Việt Nam. Cho nên khi ra mắt các đầu sản phẩm mang thương hiệu "võ lâm" thì dù ít dù nhiều chúng vẫn sống khỏe dưới bàn tay VNG. Ví dụ như việc webgame Võ Lâm Chi Mộng đã thu hút một lượng người chơi không hề nhỏ trong ngày đầu ra mắt và thành công liên tiếp trong 2 năm liên - một điều tưởng chừng khó xảy ra đối với một webgame nhập vai.
Thành công từ những cái tên quen thuộc
Cho nên cái nôi mang đến sự thành công và bành trướng của VNG trong lĩnh vực kinh doanh game online chính là đề tài game võ hiệp, là thể loại MMORPG. Vì vậy trong bất kỳ khoảng thời gian nào, cột mốc nào, VNG vẫn đưa vào danh sách phát hành những tựa game thân thuộc với game thủ Việt Nam từ nội dung, hình ảnh cho đến lối chơi.
Đến năm 2013, do không chấp nhận "an phận thủ thừa" ở mảng game võ hiệp 2D, VNG tiếp tục "đưa quân" tiến đánh thị phần game 3D thông qua tựa game đình đám VLTK 3. Song điều đáng tiếc là do thị hiếu phần đông người chơi Việt Nam không quá mặn mà với thể loại MMORPG 3D thế hệ mới, đặc biệt là về lối chơi mang thiên hướng hành động, đòi hỏi sự đầu tư đúng mực về thời gian cũng như kiến thức. Cho nên VLTK 3 chỉ bùng nổ thật sự trong vài tháng đầu ra mắt rồi dần già về sau mất hút!
Và thử sức với cái mới...
Không chỉ riêng VLTK 3 gặp vấn nạn trên mà cả những cái tên đình đám ở thị trường game Trung Quốc như Cửu Âm Chân Kinh, Tiếu Ngạo Giang Hồ, Đao Kiếm 2 cũng trắc trở không kém phần khi ra mắt tại Việt Nam. Do đó việc thử sức game võ hiệp 3D của VNG đã thất bại và ít nhiều cũng để lại bài học xương máu cho hãng trong rất nhiều kế hoạch tái chiếm thị trường game võ hiệp về sau này.
Và thật đúng vậy. Thay vì tốn kém thời gian để tìm tòi, nghiên cứu sản phẩm game võ hiệp mới rồi mới quyết định đặt mua về nước thì VNG đã "đi tắt đón đuôi" bằng cách thỏa hiệp ngầm với các đơn vị sản xuất game võ hiệp thành danh ở thị trường Việt Nam. Đây là một góc nhìn kinh doanh cũng như xu hướng cạnh tranh hoàn toàn mới và chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Bởi lẽ tựu chung các sản phẩm này đã được kiểm chứng thông qua quãng thời gian hình thành cũng như phát triển ở thị trường trong nước. Song song đó VNG hoàn toàn có số liệu thực tế về mặt doanh thu, số người chơi để tham khảo chứ không còn là những con số ảo thường được đội ngũ thị trường ước tính dành cho một đầu game chưa ra mắt.
Cho nên có thể thấy ngay trong khoảng giữa năm 2013 và đầu quý 2/2014, VNG đã đẩy mạnh các thương vụ hợp tác với các hãng sản xuất game Trung Quốc để hòng mua lại bản quyền phát hành các trò chơi đã ra mắt thành công tại Việt Nam. Đơn cử như thương vụ game Ngạo Kiếm Vô Song (NKVS) của NPH DOU đã được VNG đặt hàng với NSX IXINYOU để biến nó thành một game mới dành riêng cho hãng khai thác qua tên gọi 9K Truyền Kỳ. Cũng cần phải nói thêm rằng đây là một trong số những game võ hiệp 2D thành công bậc nhất thị trường Việt Nam năm 2013 về cả mặt doanh thu lẫn số lượng người chơi. Cho nên việc phát hành lại tựa game này thông qua một bộ mặt mới đã khiến cho không chỉ giới người chơi NKVS lâu năm nói chung mà cả những cá nhân, tập thể kinh doanh game online trong nước cũng phải bàng hoàng.
Rồi quay sang "hớt tay trên" các sản phẩm đắt khách trong nước!
Không dừng lại ở đó, mới đây vào trưa ngày 18/8/2014, VNG lại một lần nữa khiến làng game Việt dậy sóng khi tuyên bố lấy được quyền phát hành tiếp game Thiên Long Bát Bộ(TLBB) từ tay NPH FPT Online. Tuy nhiên vụ việc này có phần "hấp dẫn" hơn với thương vụ NKVS ở chỗ toàn bộ dữ liệu trong 7 năm vừa qua của trò chơi đều được bàn giao gần như toàn vẹn vào tay VNG. Điều này dường như là không thể xảy ra ở thị trường game Việt Nam, nhất là khi liên quan đến tên tuổi và uy tín của một công ty kinh doanh game lớn, mà ở đây là FPT Online.
Nếu bạn không tin thì hồi công ty Vietnam eSport (trước là Garena) đã từng ngỏ í mua lại toàn bộ dữ liệu người chơi của game FIFA Online 2 chỉ với mục đích hỗ trợ chuyển đổi tài khoản khi đến với game mới FIFA Online 3 của hãng. Song vụ việc này đã không đi đến đâu khi phía VTC nhất quyết không thương lượng, "không bán" cộng đồng của mình. Quay trở lại với vụ việc TLBB thì đây quả là điều kỳ tích, khi VNG vừa thuyết phục được cả NSX ChangYou, vừa khiến FPT Online "ngậm bồ hòn" mà bàn giao cộng đồng người chơi lâu năm nhất của mình vào tay đối thủ. Tuy nhiên cũng có không ít giả thuyết cho rằng chính NSX ChangYou mới là người ngỏ mua lại toàn bộ cơ sở dữ liệu game TLBB từ tay FPT Online rồi sau đó bàn giao nguyên trạng cho VNG. Bởi thực tế giữa VNG và FPT Online chưa hề có một buổi ngồi nói chuyện nào liên quan đến TLBB hay Tân Thiên Long - theo như tên gọi mới mà VNG dự kiến sử dụng khi tái phát hành.
Như vậy sau gần 10 năm góp mặt ở làng game Việt thì cho đến thời điểm hiện tại VNG đã chính thức trở thành "ông Vua" của dòng game võ hiệp, bao gồm cả thị phần 2D lẫn 3D khi sở hữu trong tay những sản phẩm thành danh bao gồm VLTK 1 - 2, Kiếm Thế, Võ Lâm Chi Mộng, 9K Truyền Kỳ và mới đây nhất là "con gà đẻ trứng vàng" của FPT Online - Thiên Long Bát Bộ.
Theo Playpark
Những vụ "nẫng tay trên" đình đám tại làng game Việt Thương thảo để mua bản quyền phát hành game online đã khó, nhưng bảo vệ quyền ấy trước sự dòm ngó của những đối thủ khác lại càng khó khăn hơn gấp bội. Ngày hôm nay (18/8/2014), làng game nước nhà lại được phen xôn xao trước vụ việc VNG bất ngờ tuyên bố nắm quyền phát hành game Thiên Long Bát Bộ...