Nhiều trường tạm dừng dạy Giáo dục địa phương chờ… sách
Trong Chương trình GDPT 2018, Giáo dục địa phương là môn bắt buộc từ lớp 1 – 12.
Tiết địa phương được lồng ghép trong môn Khoa học tự nhiên tại Trường Tiểu học thị trấn Thanh Chương, Nghệ An.
Tuy nhiên năm học này, việc chậm có tài liệu giáo dục địa phương lớp 3, lớp 7 và lớp 10 khiến nhiều trường tại Nghệ An vất vả trong dạy học môn này. Thậm chí có trường đang tạm dừng dạy môn Giáo dục địa phương lớp 7 và lớp 10 để chờ có sách.
Trường học xoay xở
Từ đầu năm học tới nay, việc tổ chức dạy học môn Giáo dục địa phương tại Trường THCS Lý Nhật Quang (huyện Đô Lương, Nghệ An) được giao về cho các tổ bộ môn và giáo viên chủ động thiết kế, xây dựng. Cô Nguyễn Thị Hồng Kiên – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, môn Giáo dục địa phương được lồng ghép vào các môn như: Địa lý, Mỹ thuật, Âm nhạc, Lịch sử…
Năm học này, theo lộ trình sẽ triển khai SGK mới đối với lớp 7. Tuy nhiên tài liệu giáo dục địa phương chưa có. Vì vậy, nhà trường yêu cầu giáo viên tìm hiểu nguồn thông tin, tài liệu, sách, ảnh… của huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An để dạy học. Ví dụ môn Lịch sử có thể lồng ghép dạy học về địa chỉ đỏ cách mạng Truông Bồn. Về Địa lý có thể liên hệ đến công trình thủy lợi Bara Đô Lương dẫn nước cho nhiều huyện trong tỉnh như Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu… Hay môn Âm nhạc có thể gắn với dân ca ví giặm Nghệ – Tĩnh.
Mặc dù, việc dạy học chương trình địa phương đến nay tương đối ổn định, song Hiệu trưởng Trường THCS Lý Nhật Quang cũng cho rằng, nếu sớm có sách để dạy học theo phân phối chương trình thì hiệu quả hơn. Bởi việc dạy tiết địa phương đều là kiêm nhiệm, giao cho giáo viên bộ môn. Mà bản thân thầy cô cũng phải dành thời gian soạn giáo án, dạy học chuyên môn của mình.
Đối với cấp THPT là năm đầu tiên triển khai Chương trình sách giáo khoa mới cho lớp 10, việc chưa có tài liệu giáo dục địa phương cũng khiến nhiều trường học, giáo viên lúng túng trong triển khai. Dù vậy, các trường vẫn tổ chức dạy cho học sinh và lồng ghép vào các môn học khác nhau với thời lượng 1 tiết/1 tuần theo quy định.
Tuy nhiên từ đầu tháng 11, việc tổ chức các tiết của chương trình giáo dục địa phương đang tạm dừng để chờ sách giáo khoa chính thức. Sở GD&ĐT Nghệ An cũng đề nghị các trường chưa dạy môn học này với lớp 7 và lớp 10 và chuyển sang học kỳ II.
Cô Nguyễn Thị Huyền Nga – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập (thành phố Vinh) cho hay, từ đầu năm học, trường đã bố trí thời khóa biểu để dạy chương trình địa phương với 1 tiết/tuần. Nếu bây giờ tạm dừng chờ tài liệu chính thức, các tiết học này sẽ dồn sang học kỳ II và dạy học 2 tiết chương trình địa phương mỗi tuần. Trong khi thời khóa biểu đã sắp xếp theo kế hoạch năm học. Nhà trường đang tính phương án phải bố trí tiết học vào buổi chiều cho học sinh.
Cô trò Trường THCS Lý Nhật Quang, huyện Đô Lương, Nghệ An.
Bảo đảm dạy có tính hệ thống
Theo Chương trình GDPT 2018, Giáo dục địa phương là môn bắt buộc từ lớp 1 – 12. Trong đó đối với cấp THCS và THPT có thời lượng 35 tiết/khối lớp/năm học. Riêng cấp tiểu học không có tiết riêng, mà được lồng ghép trong hoạt động trải nghiệm theo quy định của khung chương trình năm học. Để phù hợp với tính chất, đặc thù môn học và hiệu quả dạy học, tài liệu giáo dục địa phương được giao cho UBND các tỉnh, thành tổ chức biên soạn, thẩm định. Sau đó gửi Bộ GD&ĐT đồng ý phê duyệt sẽ xuất bản.
Video đang HOT
Tại Nghệ An, khi triển khai Chương trình GDPT mới đã thành lập Ban biên soạn, Hội đồng thẩm định tài liệu giáo dục địa phương. Trong 2 năm học vừa qua, sách giáo khoa môn này cho lớp 1, 2, và lớp 6 đã xuất bản. Tuy nhiên năm học này, chuẩn bị hết học kỳ I, sách cho học sinh lớp 3, lớp 7, lớp 10 vẫn đang chờ phê duyệt khiến nhiều trường vừa dạy học vừa xoay xở tài liệu.
Lãnh đạo nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An đánh giá, môn Giáo dục địa phương cung cấp cho học sinh hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử truyền thống, các vấn đề về địa lý – kinh tế, hướng nghiệp, chính trị – xã hội và môi trường của tỉnh. Từ đó góp phần hình thành nền tảng văn hóa cho học sinh. Bước sang năm thứ 3 triển khai chương trình giáo dục địa phương, nhiều giáo viên phản hồi môn học này có nội dung sinh động, ý nghĩa thiết thực. Vì vậy, môn học dễ tạo hứng thú cho học sinh nếu giáo viên sáng tạo, linh hoạt trong dạy học.
Cô Nguyễn Thị Thành – Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Thanh Chương cho biết: Đối với bậc tiểu học, việc dạy học chương trình địa phương thuận lợi hơn so với cấp THCS và THPT do không quy định số tiết cụ thể, không tổ chức kiểm tra đánh giá. Thay vào đó tiết giáo dục địa phương được lồng ghép vào hoạt động trải nghiệm.
Trước đó, trong chương trình hiện hành, tiết giáo dục địa phương được lồng ghép trong hoạt động ngoài giờ lên lớp nên giáo viên đã quen và triển khai hiệu quả, thuận lợi với lớp 1, lớp 2. Riêng lớp 3 chưa có sách giáo khoa nên các tổ chuyên môn sẽ cùng thảo luận và đưa ra chủ đề tương ứng với môn học để lồng ghép. Thực tế, các tiết học địa phương của trường đang lồng ghép vào môn Khoa học tự nhiên, Đạo đức, Âm nhạc và Mỹ thuật.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Nghệ An, trong Chương trình GDPT 2018, khung chương trình mới là pháp lệnh, nên có thể sử dụng nhiều tài liệu phục vụ dạy học. Tuy vậy, tài liệu giáo dục địa phương có giá trị như sách giáo khoa, có hội đồng biên soạn, thẩm định cấp tỉnh và Bộ GD&ĐT phê duyệt.
Đối với tiểu học, tiết giáo dục địa phương được dạy lồng ghép, không có tiết riêng, còn ở cấp THCS và THPT đây đã là môn học độc lập, có số tiết theo quy định. Vì thế, dạy học theo sách giáo khoa sẽ có tính hệ thống, quy chuẩn hơn so với nội dung các nhà trường, giáo viên tự biên soạn và phục vụ kiểm tra, đánh giá học sinh.
Về sự chậm trễ trong ra sách giáo dục địa phương, ông Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, dù số tiết không nhiều, nhưng tài liệu liên quan đến nhiều lĩnh vực như lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kinh tế, hướng nghiệp, an sinh xã hội… Trong khi năm học này, cùng lúc thực hiện cho 3 lớp nên quá trình biên soạn, tổ chức hội thảo lấy ý kiến, thẩm định, chờ phê duyệt… mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó còn liên quan đến vấn đề pháp lý, sở hữu trí tuệ, đăng ký bản quyền…
Sách lớp 7 đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt và sắp tới tiến hành in ấn, phát hành về các trường. Còn sách lớp 3 và lớp 10 đang đợi Bộ phê duyệt và dự kiến sẽ hoàn tất các thủ tục để xuất bản phục vụ dạy học từ học kỳ II. Khi yêu cầu trường THCS và THPT học tạm dừng dạy học tiết địa phương, sở cũng thay đổi kế hoạch dạy học để phù hợp, bảo đảm các em vẫn có đủ 35 tiết/năm học.
Nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 bao gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học hoặc hoạt động giáo dục, trong đó có Chương trình Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Ngày 26/12/2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ban hành Chương trình Giáo dục phổ thông (sau đây gọi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018). Chương trình này bắt đầu triển khai thay thế dần Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 từ năm học 2020-2021 theo từng khối lớp học.
Một trong những thuận lợi cho việc thực hiện chương trình Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp là ngày 14/05/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 522/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025" (sau đây gọi là Đề án 522 hoặc Đề án). Quá trình thực hiện Đề án được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn I tiến hành trong 3 năm (2018-2020) và giai đoạn II tiến hành trong 5 năm (2021-2025).
Như vậy, việc triển khai chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cũng bắt đầu cùng với việc triển khai thực hiện giai đoạn 2 của Đề án 522. Có thể coi đây là một thuận lợi lớn trong việc việc thực hiện nhiệm vụ phân luồng, hướng nghiệp học sinh trong quá trình thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này cũng cần phải có nhưng lộ trình và giải pháp cụ thể, khả thi và hiệu quả.
Trong những năm qua, mặc dù đã được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của các cấp quản lý giáo dục, dù các cơ sở giáo dục đã triển khai thực hiện Đề án 522 của Chính phủ và cũng đã thu được những kết quả nhất định, nhưng kết quả giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh ở nhà trường phổ thông vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Có thể thấy thực trạng đó do một số nguyên nhân sau đây:
Nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh của tất cả các cơ quan quản lý, trong hệ thống giáo dục cũng như các tầng lớp nhân dân vẫn chưa thực sự có những chuyển biến mạnh.
Nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp, phân luồng trong các nhà trường phổ thông cũng chưa có sự đổi mới mạnh mẽ phù hợp với đặc điểm tình hình phát triển của nền kinh tế, xã hội. Năng lực hướng nghiệp cho học sinh của giáo viên thông qua giảng dạy môn học còn rất hạn chế.
Do nhiều nguyên nhân, giáo viên thực hiện triển khai hoạt động này chỉ với vai trò kiêm nhiệm nên việc đầu tư học tập, nghiên cứu, phát triển năng lực công tác cũng như đầu tư thời gian công sức cho hoạt động này còn hạn chế. Chưa có bộ phận, giáo viên chuyên trách về công tác hướng nghiệp cho học sinh.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động giáo dục hướng nghiệp, phân luồng ở các nhà trường phổ thông cũng rất hạn hẹp.
Còn thiếu các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông.
Việc huy động nguồn lực xã hội trong và ngoài nước tham gia giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông cũng chưa được quan tâm nên kết quả hầu như còn rất khiêm tốn.
Việc quản lý đối với giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông cũng chưa được làm tốt.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh theo mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được xác định trong Đề án 522 của Chính phủ, trước mắt cần chú trọng giải quyết tốt một số công việc sau:
Xây dựng lực lượng giáo viên
Trong khoản 2, Điều 66 của Luật Giáo dục 2019 đã ghi rõ: "Nhà giáo có vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục". Vì thế, để nâng cao chất lượng giáo dục thì một trong những việc quan trọng, trước tiên, là phải xây dựng đội ngũ nhà giáo có đủ năng lực và phẩm chất để thực hiện nhiệm vụ giáo dục. Trong Chương trình GDPT 2018, ở cấp trung học, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc với thời lượng nhiều hơn thời lượng của các môn học: Giáo dục công dân, Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật,... Điều đó có nghĩa vị thế của hoạt động này trong chương trình GDPT 2018 tương tự như các môn học bắt buộc hoặc lựa chọn khác.
Theo Chương trình GDPT 2018, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp có thời lượng 105 tiết/1 năm học, trong đó thời lượng dành riêng cho hoạt động hướng nghiệp cấp trung học cơ sở 20% (21 tiết), cấp trung học phổ thông 30% (khoảng 32 tiết). Như vậy, xét riêng hoạt động hướng nghiệp cũng có thể cơ cấu mỗi trường một giáo viên chuyên môn. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, nhà trường chưa có biên chế giáo viên chuyên môn phụ trách Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Để khắc phục thực trạng này, một mặt đề nghị Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nghiên cứu để có biên chế riêng cho giáo viên chuyên môn phụ trách Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp , một mặt nhà trường nên nghiên cứu, xem xét để phân công giáo viên chuyên trách mảng hoạt động này. Có thể tạm coi như đây là giáo viên giảng dạy môn "Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp" và làm nhiệm vụ kiêm nhiệm phụ trách hoạt động giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh của nhà trường (tạm gọi là giáo viên giáo dục hướng nghiệp). Chỉ khi người giáo viên được phân công chuyên trách thì mới toàn tâm toàn ý và có điều kiện để đầu tư công sức, trí tuệ cho công việc của mình.
Đồng thời, các cơ sở giáo dục cần tạo điều kiện cho giáo viên giáo dục hướng nghiệp (mà lại chưa được đào tạo đúng chuyên ngành) được dự học đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng về giáo dục hướng nghiệp.
Hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông: Cần tiếp tục quan tâm
Các trường đại học sư phạm mở mã ngành đào tạo giáo viên giáo dục hướng nghiệp
Với Chương trình GDPT 2018, Bộ GD&ĐT giao hoặc các trường đại học sư phạm cần chủ động mở mã ngành đào tạo giáo viên giáo dục hướng nghiệp. Việc mở mã ngành đào tạo giáo viên ngành này sẽ đem lại nhiều ích lợi:
Đào tạo cho các trường phổ thông những giáo viên có đủ nămg lực và phẩm chất đảm nhiệm giảng dạy, tổ chức thực hiện Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và thực hiện giáo dục hướng nghiệp phân luồng học sinh ở các trường trung học.
Để đào tạo mã ngành này, các trường sư phạm sẽ phải biên soạn các giáo trình, tài liệu về giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh; phải xây dựng đội ngũ giảng viên đảm nhiệm các học phần về hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Như vậy việc biên soạn tài liệu tập huấn, bồi dưỡng và cử đội ngũ chuyên gia làm báo cáo viên tập huấn, bồi dưỡng sẽ đảm bảo cả về số lượng và chất lượng.
Với mã ngành đào tạo này cũng sẽ mở ra một hướng nghiên cứu thu hút đông đảo các nhà khoa học giáo dục, giáo dục hướng nghiệp tham gia để có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này, góp phần hữu hiệu trong việc nâng cao hoạt động giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh ở trường phổ thông.
Cung cấp thông tin về thị trường tuyển sinh, tuyển dụng kịp thời, đầy đủ
Nhiệm vụ của giáo dục hướng nghiệp không chỉ dừng ở việc chỉ ra những hướng có thể đi, những nghề có thể chọn, những trường có thể học mà đôi khi quan trọng hơn là cần chỉ ra cho học sinh biết làm cách nào để thực hiện được hướng chọn của bản thân. Hay nói cách khác là làm thế nào để đi tới được đích đã đề ra. Mỗi ngành, nghề sẽ có những đòi hỏi về tính cách, sức khỏe, học vấn của người lao động khác khác nhau. Trong đó có cái do bản thân có sẵn, có cái cần phải học tập, tu dưỡng, rèn luyện. Giáo dục hướng nghiệp nói chung hay tư vấn hướng nghiệp nói riêng cần giúp học sinh hoặc cha mẹ học sinh - người được tư vấn - xác định được nhiệm vụ và lập được kế hoạch để thực hiện thành công nhiệm vụ đó.
Để giúp học sinh chọn được hướng đi của mình, tự xác định những việc cần phải làm để đạt được nguyện vọng và để giáo viên có thông tin trong tư vấn hướng nghiệp thì phải cung cấp cho họ những thông tin cần thiết về vị trí việc làm, về đãi ngộ được hưởng, về số lượng và thời điểm tuyển và những yêu cầu mà ứng viên cần phải có. Với những thông tin đó, căn cứ vào tiềm năng, tính cách, sở thích của học sinh mà giáo viên có thể đưa ra lời khuyên cho học sinh chọn ngành, chọn nghề, chọn trường và lập kế hoạch học tập, rèn luyện để đáp ứng được yêu cầu của ngành, nghề, trường đã chọn.
Cần xây dựng một hệ thống Cổng thông tin bao gồm một Cổng thông tin cấp quốc gia và các Cổng thông tin cấp địa phương. Cổng thông tin cấp địa phương vừa cung cấp thông tin từ Cổng thông tin quốc gia vừa có những thông tin cụ thể, kịp thời của địa phương. Cổng thông tin cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về thị trường lao động và dự báo nguồn nhân lực của các ngành nghề trong hiện tại và tương lai để các cơ sở giáo dục có thể tiếp cận, sử dụng nhằm phục vụ cho công tác tuyên truyền giáo dục hướng nghiệp hiệu quả.
Có thể nói, thiếu thông tin đầy đủ, kịp thời về thị trường tuyển dụng, thị trường tuyển sinh thì hoạt động giáo dục hướng nghiệp cũng chỉ như là một hoạt động phong trào mà thôi. Lý luận về giáo dục hướng nghiệp mang tính lý thuyết suông sẽ không thuyết phục được lòng tin của học sinh và của cha mẹ học sinh.
Công tác quản lý, chỉ đạo
Công tác chỉ đạo, quản lý giáo dục nói chung, giáo dục hướng nghiệp nói riêng cũng cần có sự đổi mới cho phù hợp. Đổi mới đầu tiên có lẽ là đổi mới nhận thức về vị trí, vai trò của hoạt động giáo dục hướng nghiệp và hoạt động phân luồng học sinh. Cần đổi mới tư tưởng từ coi hoạt động giáo dục hướng nghiệp như là một hoạt động ngoại khóa, có hay không có kết quả và kết quả thế nào cũng được sang tư tưởng xác định đây là một trong những nội dung giáo dục phổ thông. Từ đổi mới nhận thức sẽ triển khai một số đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo. Xin nêu một số công việc như sau:
Các cấp quản lý giáo dục từ Bộ GD&ĐT đến các cơ sở giáo dục phổ thông cần có bộ phận kiêm nhiệm quản lý, theo dõi về giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh. Bộ phận này sẽ vừa triển khai chỉ đạo, vừa giám sát, đánh giá để có những biện pháp phát huy, khắc phục kịp thời, hiệu quả. Bộ phân này cũng là đầu mối để phối hợp với các ban, ngành, trường học, doanh nghiệp,... liên quan đến giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh.
Tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp
Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong công tác chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp,... có sự liên kết chặt chẽ giữa đào tạo và tuyển dụng; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phối hợp đầu tư hỗ trợ trong công tác đào tạo nghề; bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích học sinh đi học nghề; hỗ trợ kinh phí cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo, học sinh thuộc diện chính sách và những cơ sở đào tạo học sinh sau trung học cơ sở vào học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Đầu tư cơ sở vật chất tối thiểu phục vụ hoạt động giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh. Mỗi trường nên có một phòng dành cho hoạt động giáo dục hướng nghiệp để làm nơi hội họp, làm việc với các chuyên gia tư vấn, lưu giữ tài liệu, làm phòng tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, cho cha mẹ học sinh v.v...
Việc coi giáo viên giáo dục hướng nghiệp như một giáo viên bộ môn bình thường cũng cần được thể hiện qua sự bình đẳng trong bồi dưỡng, tạo điều kiện làm việc, đãi ngộ, đánh giá, thưởng phạt,...
Nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trung học không chỉ nhằm thực hiện tốt Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong Chương trình GDPT 2018 mà còn góp phần giải quyết tốt bài toán nhân lực cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Để thực hiện được điều đó cần triển khai đồng bộ các giải pháp từ đổi mới nhận thức đến các công việc cụ thể. Trong đó có lẽ việc quan trọng đầu tiên là cần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và xác định đúng vị thế của người giáo viên giáo dục hướng nghiệp ở trường phổ thông.
Bảo đảm tính mở, linh hoạt khi triển khai nội dung giáo dục địa phương Nội dung giáo dục địa phương (GDĐP) được các nhà trường triển khai linh hoạt và đa dạng hình thức tổ chức dạy học. Nội dung giáo dục địa phương cần linh hoạt phương thức dạy học. Ảnh minh họa Tuy nhiên, vì mới nên còn có khó khăn và cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát...