Nhiều trường đại học ở TP.HCM đua nhau mở ngành liên quan robot, AI
Nắm bắt xu hướng thị trường lao động trong thời gian tới, nhiều trường đại học ở TP.HCM mở ngành mới liên quan trí tuệ nhân tạo, robot, khoa học dữ liệu.
Mùa tuyển sinh 2019, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM thông báo mở ngành đào tạo Robot và trí tuệ nhân tạo. Trường chỉ tuyển 20 sinh viên, miễn 100% học phí. Đây là trường được cho là đầu tiên đào tạo ngành này. Điểm chuẩn trong mùa đầu tuyển sinh là 25,2 – cao nhất trong tất cả ngành học của trường.
Ngành học về robot, trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu được dự đoán là “hot” trong thời gian tới. Ảnh: AILab.
Mở ngành mới thu hút tuyển sinh
Năm nay, nhiều trường đại học thông báo mở thêm các ngành đào tạo liên quan trí tuệ nhân tạo (AI), robot, hệ thống dữ liệu, tạo ra cuộc cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo.
ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) thông báo trường dự kiến mở thêm 5 chương trình đào tạo chất lượng cao, trong đó có chuyên ngành Kỹ thuật robot (nằm trong ngành Kỹ thuật cơ điện tử). Đây không phải ngành mới nhưng là chuyên ngành mới của ĐH Bách khoa.
Theo PGS Bùi Hoàng Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), với chuyên ngành này, trường sẽ tập trung giảng dạy bằng tiếng Anh.
ĐH Công nghệ Thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm nay cũng mở thêm ngành Khoa học máy tính hướng trí tuệ nhân tạo, Kỹ thuật máy tính hướng hệ thống nhúng và IoT.
“Nhằm đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nên trường mở thêm 2 ngành này. Bên cạnh đó, trường còn một số ngành mũi nhọn đào tạo theo định hướng trên như Khoa học dữ liệu, An toàn thông tin”, ông Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết.
Video đang HOT
ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng mở thêm ngành Hệ thống nhúng và IoT (Internet of Thing – Internet vạn vật).
PGS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng ĐH quốc tế Hồng Bàng, cho biết năm nay, trường sẽ mở 11 ngành đào tạo mới, trong đó có Trí tuệ nhân tạo (AI). PGS Phong cho rằng khi xu thế của xã hội đang tiến rất nhanh về AI, trường phải mở ngành đào tạo để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này trong thời gian tới.
Một số trường đại học lại chọn đi theo hướng khoa học dữ liệu. Năm nay, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) mở 6 ngành mới, trong đó có ngành Khoa học dữ liệu.
Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin – Truyền thông nhà trường, cho hay việc mở ngành Khoa học dữ liệu để đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tất cả vấn đề liên quan như big data, AI, IoT… đều cần nguồn dữ liệu tốt và đương nhiên cần đến những người làm công việc này một cách khoa học.
Tương tự, ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng dự kiến mở 2 ngành mới là IoT và AI ứng dụng, Khoa học dữ liệu. Trong đó, IoT và AI ứng dụng được xây dựng theo hướng ứng dụng trong các thiết bị điều khiển nhúng như robot, thiết bị tự động…
Quan trọng vẫn là chất lượng đào tạo
Liên quan ứng dụng của AI, khoa học dữ liệu trong ngành kinh tế, ngân hàng, ĐH Ngân hàng TP.HCM dự kiến mở ngành khoa học dữ liệu trong kinh doanh. Đại diện nhà trường cho rằng dữ liệu là yếu tố rất quan trọng, nhất là trong thời điểm phát triển ngân hàng số hiện nay.
ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng dự kiến mở thêm 3 chương trình đào tạo mới gồm: Khoa học dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh của khoa Toán kinh tế; kinh doanh số và trí tuệ nhân tạo của khoa Hệ thống thông tin; kinh tế quốc tế (kinh tế đối ngoại) chất lượng cao bằng tiếng Anh của khoa Kinh tế đối ngoại.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc chương trình nghiên cứu dự báo nhân lực, nền kinh tế đang chuyển đổi mạnh mẽ, thị trường nhân lực hiện tại và sắp tới rất cần lao động liên quan lĩnh vực robot, trí tuệ nhân tạo.
Do đó, các cơ sở đào tạo, nhất là trường đại học phải ưu tiên, tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao, đủ năng lực cần thiết, đặc biệt là lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ.
Theo ông Tuấn, dù ở ngành nghề nào, người lao động trong thời đại 4.0 bắt buộc phải có những kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, phân tích dữ liệu, thống kê mang tính tổ chức và quy trình, khả năng tương tác hiện đại (người – máy, người – robot)…
“Dù rất cần và thiếu, thị trường chỉ cần những lao động thực sự có kỹ năng tốt, kiến thức am hiểu. Các trường phải đào tạo thực sự chất lượng chứ không phải chạy theo thị hiếu, ồ ạt mở ngành mới, đặt tên cho thật ‘kêu’, rất 4.0 nhưng cuối cùng đào tạo không tới đâu”, ông Tuấn cảnh báo.
Theo Minh Nhật (Zing)
Kiểm định chất lượng đại học: Chuẩn để thuyết phục người học
Cả nước có khoảng 50% số trường đại học, cao đẳng (ĐH,CĐ), đã được kiểm định. Trong số những trường tham gia kiểm định, hiếm có trường nào không đạt chuẩn.
Trước thực trạng quản lý đào tạo ĐH thời gian qua, có nhiều ý kiến cho rằng đa số các trung tâm kiểm định hiện nay đều là một bộ phận của các trường ĐH, vì thế mà thiếu độc lập, kết quả kiểm định cũng chưa thực sự mang tính khách quan.
Ảnh minh họa.
Kiểm định không phải để đối phó
Thông tin từ Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), tính đến ngày 31/8/2019, cả nước có 255 cơ sở giáo dục hoàn thành báo cáo tự đánh giá (trong đó có 222 cơ sở giáo dục đại học và 33 trường CĐ sư phạm); 133 cơ sở giáo dục ĐH và 7 trường CĐ sư phạm được các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước đánh giá ngoài. Trong đó 123 cơ sở giáo dục ĐH và 5 trường CĐ sư phạm được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Cùng với đó, có 67 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn trong nước, trong đó có 19 chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chuẩn xây dựng theo hướng tiếp cận với tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo của Mạng lưới bảo đảm chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA).
Bộ GDĐT khuyến khích các cơ sở giáo dục đăng ký đánh giá, kiểm định với các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế có uy tín. Tới nay đã có 7 trường ĐH được đánh giá ngoài và được công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của Hội đồng Cấp cao về Đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (HCERES) và AUN-QA. Trong đó, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) được cả 2 tổ chức trên công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
Theo các chuyên gia giáo dục, không thể phủ nhận hệ thống giáo dục ĐH đang lan tỏa mạnh mẽ tinh thần kiểm định chất lượng. Các trường tham gia kiểm định như một chứng nhận về uy tín. Kiểm định là cần thiết và là việc bắt buộc phải làm. Mục đích của kiểm định để đánh giá, bảo đảm chất lượng giáo dục đến đâu. PGS.TS Nguyễn Xuân Nghị- nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, cho rằng: Việc đánh giá mức độ đạt được so với tiêu chuẩn kiểm định đáp ứng đến đâu chất lượng đào tạo không chỉ là điều cần thiết đối với các cơ sở đào tạo mà đây cần phải được coi như văn hoá chất lượng của các nhà trường.
PGS.TS Lê Văn Thanh (Trường ĐH Mở Hà Nội) nêu quan điểm, kiểm định để xã hội hiểu mình đạt chuẩn chất lượng nhằm thuyết phục người học tìm đến. Tuy nhiên, kiểm định để đối phó với cơ quan quản lý nhà nước cũng không phải không có. Cần hiểu đúng rằng những trường, ngành đạt chuẩn kiểm định trong nước và quốc tế sẽ có những lợi thế nhờ nỗ lực đạt chuẩn của mình. Ngược lại, những trường chưa đạt chuẩn kiểm định, hoặc kết quả kiểm định lệch với thực tế cần để xã hội biết và đánh giá.
Tiến tới độc lập trong kiểm định chất lượng
Kết quả kiểm định được công bố thời gian qua cũng cho thấy hiện vẫn còn những bất ổn tồn tại trong đào tạo ĐH Việt Nam. Bởi có tới 50% các trường ĐH được đánh giá chưa đạt 5 tiêu chí khá quan trọng đối với một cơ sở giáo dục ĐH. Bao gồm: Chương trình đào tạo được định kỳ đánh giá và thực hiện cải tiến chất lượng dựa trên kết quả đánh giá; Yêu cầu đủ số lượng giảng viên để thực hiện chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học, giảm tỉ lệ trung bình sinh viên/giảng viên; Yêu cầu mức độ đáp ứng của thư viện, thư viện điện tử; Có đủ diện tích đất và diện tích mặt bằng tổng thể phục vụ cho hoạt động của các cơ sở giáo dục. Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) thừa nhận, cơ chế, chính sách khuyến khích cũng như các chế tài về công tác kiểm định chất lượng giáo dục còn chưa cụ thể; một số quy định về tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo còn chưa được ban hành (như chương trình đào tạo giáo viên trình độ CĐ, trung cấp; chương trình đào tạo từ xa đối với giáo dục ĐH...); một số hướng dẫn đánh giá đã được ban hành nhưng còn chậm. Đội ngũ cán bộ chuyên trách ở cấp hệ thống còn thiếu chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục. Hệ thống phần mềm quản lý về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục chưa được thiết lập và vận hành...
Nhiều băn khoăn cũng đang đặt ra khi các trung tâm kiểm định giáo dục ĐH "vàng thau lẫn lộn". Trên thực tế với những trường tham gia kiểm định, tỉ lệ đạt kiểm định cũng khá cao. Vậy kết quả kiểm định đó có đáng tin cậy hay không? Lý giải về việc này, TS Lê Mỹ Phong- Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết, theo quy trình hiện nay, trước hết các trường gửi báo cáo tự đánh giá cho cơ quan chủ quản và về Cục, Cục nhận được báo cáo tự đánh giá đó thì không xem về chuyên môn mà chỉ xem về hình thức báo cáo là đầy đủ, đúng yêu cầu của bộ tiêu chuẩn hay chưa. Nếu đúng rồi thì Bộ đưa tên đơn vị vào danh sách những đơn vị đã hoàn thành tự đánh giá. Sau khi có tên trong danh sách này, trường mới được tự liên hệ với cơ quan kiểm định để đăng ký đánh giá ngoài. Trường sẽ gửi báo cáo tự đánh giá đó cho tổ chức kiểm định để họ thẩm định. Nếu tổ chức kiểm định xét thấy tỉ lệ số tiêu chí đạt khi đánh giá ngoài của trường không được 80% thì sẽ không đề nghị tổ chức kiểm định lập hội đồng kiểm định. Khi các trường gửi hồ sơ đến các tổ chức thẩm định, nơi đây đọc báo cáo tự đánh giá thì thấy với hiện trạng như thế kiểm định bây giờ là chưa đạt, để lại để các trường tự tiếp tục phấn đấu, tự cải thiện các điều kiện đảm bảo chất lượng, khi nào đạt mới kiểm định. Ngoài ra, có những trường biết mình chưa đạt thì chưa đề nghị đánh giá. Vì thế mới có chuyện tỉ lệ được công nhận sau thẩm định cao...
Hiện nay, cả nước có 5 trung tâm kiểm định ĐH. Trong đó, có 3 trung tâm đặt tại 2 ĐH Quốc gia, ĐH Đà Nẵng và Trường ĐH Vinh và 1 trung tâm thuộc Hiệp hội Các trường ĐH,CĐ Việt Nam. Đại diện Cục Quản lý chất lượng Bộ GDĐT cho hay, Bộ đang thanh tra định kỳ 2 trung tâm kiểm định chất lượng (trung tâm của Hiệp hội và trung tâm ở ĐH Đà Nẵng). Bộ muốn thông qua đó có những đánh giá nghiêm túc, đưa ra bức tranh rõ ràng về kiểm định, để điều chỉnh chính sách cho phù hợp. và sắp tới sẽ bàn cách để các tổ chức kiểm định thực sự là những tổ chức độc lập cả về chuyên môn lẫn cơ cấu tổ chức.
Theo các chuyên gia, Luật Giáo dục hiện hành cũng đều chốt 3 nhóm nguyên tắc chủ yếu đối với hoạt động kiểm định. Đầu tiên là khách quan, đúng pháp luật; thứ hai là trung thực, công khai, minh bạch; thứ ba là bình đẳng, bắt buộc, định kỳ. Trong các nhóm nguyên tắc ấy, độc lập luôn là yếu tố đầu tiên, bởi độc lập, khách quan, minh bạch luôn là nguyên tắc quan trọng nhất của tất cả các mô hình kiểm định.
Dung Hòa
Theo daidoanket
Không phải cứ ngồi trong lớp học thêm là sẽ giỏi, có 5 địa điểm cha mẹ nên đưa con đến thường xuyên để trẻ vừa học vừa chơi mà vẫn giỏi như thường Điểm số không phải thứ quyết định sự thành công của một đứa trẻ mà phụ thuộc vào vốn sống, tri thức, trải nghiệm trẻ góp nhặt trong suốt những năm tháng còn trẻ thơ. Đối với các bậc phụ huynh, chắc hẳn việc học của con luôn luôn được ưu tiên hàng đầu, vì đó là tương lai, là cuộc sống sau...