Nhiều trường đại học công nhận dạy học trực tuyến
Việc dạy học trực tuyến đã được nhiều trường đại học triển khai như một hình thức bắt buộc trong thời gian sinh viên nghỉ học tập trung để phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Một giờ học trực tuyến của Trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM – Trúc Thúy
Kết quả dạy học trực tuyến được các trường công nhận tương đương học tập trung tại trường.
Ngày 13.3, Bộ GD-ĐT có văn bản gửi các cơ sở đào tạo ĐH, trường CĐ và TC sư phạm triển khai công tác đào tạo từ xa ứng phó với dịch Covid-19. Để thống nhất thực hiện, Bộ yêu cầu các trường sử dụng phương thức đào tạo từ xa với một số học phần phù hợp, áp dụng cho các khóa đào tạo chính quy, vừa làm vừa học trong thời gian sinh viên (SV) không học tập trung do dịch Covid-19. Trong đó, khuyến khích sử dụng phương thức đào tạo trực tuyến qua mạng, đảm bảo chất lượng đào tạo, chuẩn đầu ra của từng học phần và chương trình.
Bắt đầu từ tháng 3, việc dạy học trực tuyến đã trở thành hình thức dạy học bắt buộc với giảng viên và SV nhiều trường ĐH.
Từ năm 2017, trong quy chế đào tạo Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM đã cho phép áp dụng mô hình đào tạo kết hợp. Năm nay, ngay khi có thông báo nghỉ học tập trung tránh dịch bệnh, trường này có chủ trương khuyến khích thực hiện dạy học trực tuyến nhưng giảng viên đăng ký, trường đồng ý mới triển khai. Theo PGS-TS Vũ Đức Lung, Phó hiệu trưởng nhà trường, từ tuần này trường bắt buộc dạy và học trực tuyến với 100% môn học.
“Việc dạy học trực tuyến trước mắt sẽ triển khai hết tháng 3. Nếu dịch bệnh được khống chế, SV trở lại trường, hình thức học tập sau đó là tập trung trên lớp. Nhưng trong trường hợp phải tiếp tục nghỉ học tránh dịch, sẽ tiếp tục thực hiện học trực tuyến”, PGS-TS Vũ Đức Lung cho biết.
Tương tự, Trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM cũng triển khai hình thức dạy học này từ tháng 2, nhưng thực hiện đồng loạt và bắt buộc với các môn học từ đầu tháng 3. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trọng, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho hay theo kế hoạch, học kỳ 2 của năm học này sẽ kết thúc vào tháng 6. Tuy nhiên, trước mắt hình thức dạy học trực tuyến sẽ thực hiện cho đến khi SV có thể đi học tập trung trở lại.
Trước đó, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cũng triển khai cho SV toàn trường học tập trực tuyến trong thời gian nghỉ tránh dịch bệnh Covid-19. Theo tiến sĩ Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo, hình thức trực tuyến triển khai cho tất cả các học phần, trước mắt là hết tháng 3. Từ tháng 4, tùy tình hình dịch bệnh mà sẽ tiếp tục dạy học trực tuyến nếu SV tiếp tục nghỉ hoặc dạy học tập trung khi trở lại trường.
Tuy nhiên, tiến sĩ Phan Ngọc Minh cho rằng: “Dù dạy trực tuyến hoàn toàn nhưng trường vẫn có kế hoạch tổ chức thêm một số buổi học tập trung sau đó để nắm bắt việc tiếp thu bài của SV, nếu cần thiết củng cố thêm cho người học”.
Một số trường ĐH khác hiện cũng áp dụng hình thức dạy học trực tuyến trên diện rộng với các học phần lý thuyết như: Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM…
Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết trường này đang chuẩn bị cho việc dạy học trực tuyến trên diện rộng bắt đầu từ tuần cuối tháng 3 với các học phần lý thuyết. Tuy nhiên, hình thức này sẽ áp dụng với một số môn lý luận chính trị, công nghệ thông tin…
Công nhận tới đâu?
Đại diện các trường ĐH thực hiện bắt buộc hình thức này đều khẳng định kết quả dạy học trực tuyến được công nhận tương đương với hình thức học tập trung trên lớp. Tuy nhiên, việc tổ chức thi cuối học phần các trường đều đợi để thi tập trung.
PGS-TS Vũ Đức Lung cho biết: “Theo quy định hiện tại của trường, chỉ cho phép tính điểm thành phần từ hoạt động dạy học trực tuyến tối đa 20% số điểm mỗi môn học. Việc thi cuối kỳ bắt buộc theo hình thức tập trung để đảm bảo kết quả”. Theo ông Lung, kết quả dạy học trực tuyến sẽ được công nhận như học tại lớp.
“Việc dạy học trực tuyến được công nhận chính thức. Không chỉ trong thời điểm này, trường còn tiến tới xây dựng quy chế xem đây là một trong các phương pháp dạy học với tối đa 30% thời lượng môn học”, tiến sĩ Phan Ngọc Minh thông tin.
Lý giải việc công nhận hình thức học trực tuyến như học trên lớp, tiến sĩ Nguyễn Thanh Trọng nói: “Việc học trực tuyến ở trường đang thực hiện theo đúng thời khóa biểu, thời gian như dạy trên lớp với 100% SV tham gia. Giảng viên được yêu cầu cung cấp nội dung bài giảng, giao bài tập cho SV. Trường thực hiện điểm danh, theo dõi đánh giá mức độ tương tác người học và lấy ý kiến người học về hình thức này. Trường cũng dự kiến đẩy mạnh hình thức học tập này trong tương lai”.
Tương tự, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng công nhận kết quả dạy và học trực tuyến các môn lý thuyết đã được triển khai trong thời gian này.
Đà Nẵng, Quảng Nam học trực tuyến trên truyền hình
Từ sáng nay 16.3, học sinh lớp 12 ở TP.Đà Nẵng bắt đầu ôn tập, củng cố kiến thức để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia trong chương trình “Ôn tập 2 lớp 12 trên truyền hình” do Sở GD-ĐT phối hợp Đài PT-TH Đà Nẵng (DanangTV) thực hiện. Chương trình phát trên sóng từ thứ hai đến thứ bảy hằng tuần, khung giờ 9 – 10 giờ 30, bắt đầu từ thứ hai 16.3 (kênh sóng DanangTV1, DanangTV2) và trên website: www.danangtv.vn.
Tại Quảng Nam, từ hôm nay 16.3, Sở GD-ĐT cũng phối hợp với Đài PT-TH Quảng Nam (QRT) tổ chức dạy học qua kênh QRT và trực tuyến tại địa chỉ www.qrt.vn dành cho học sinh khối 12. Chương trình kéo dài từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, trong các khung giờ: 9 – 10 giờ, 15 – 16 giờ.
An Dy – Mạnh Cường
Theo thanhnien.vn
Nghỉ học tránh dịch Covid-19: Lúng túng dạy học trực tuyến
Trong thời gian nghỉ học dài ngày để tránh dịch Covid-19, hình thức học trực tuyến được nhiều trường đại học triển khai. Nhưng thực tế áp dụng cho thấy không chỉ trường học, ngay cả giảng viên và sinh viên cũng chưa thực sự sẵn sàng.
Sinh viên TP.HCM học trực tuyến tại một quán cà phê - Tấn Đạt
Không dạy trực tuyến bị trừ... thu nhập ?
Ngay sau khi dời lịch học để tránh dịch Covid-19, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã chuyển đổi phương pháp đào tạo từ tập trung tại trường sang dạy học trực tuyến.
Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường này, việc dạy học trực tuyến triển khai với tất cả môn học và bắt buộc toàn bộ giảng viên cơ hữu của trường phải tham gia. Tuy nhiên, theo ông Dũng, chỉ có khoảng 80 giảng viên của trường có thể thực hiện dạy học hoàn toàn trực tuyến, số còn lại phải tích hợp nhiều phương thức khác nhau.
Nhìn lại tròn 1 tháng Việt Nam chống lại dịch bệnh Covid-19
"Để thực hiện dạy học trực tuyến, giảng viên phải làm việc nhiều, bài giảng cần thiết kế lại đảm bảo mỗi lần dạy chỉ dài 10 - 15 phút để sinh viên có thể theo dõi. Nhưng nhiều người làm đối phó, đưa bài giảng nhưng mức độ tương tác với sinh viên không nhiều, có khi cả ngày chỉ thực hiện 1 lần", ông Dũng nói.
Do vậy, theo ông Dũng, trường đã bắt buộc 100% giảng viên cơ hữu phải tham gia giảng dạy trực tuyến trong đợt nghỉ học tránh dịch. Dù sinh viên nghỉ học dài ngày nhưng cán bộ giảng viên trường vẫn nhận đủ 100% lương và thu nhập. Do đó, giảng viên cần có trách nhiệm làm việc trong điều kiện thực tế, trong đó có dạy trực tuyến. "Giảng viên nào không dạy trực tuyến sẽ bị cắt lao động tiên tiến, vẫn hưởng lương theo ngạch bậc nhà nước nhưng bị cắt thu nhập tăng thêm", ông Dũng cho hay.
Sinh viên chưa quen, trường chưa kịp chuẩn bị
Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM vừa triển khai cho sinh viên toàn trường giảng dạy và học tập trực tuyến trong thời gian nghỉ tránh dịch Covid-19. Theo tiến sĩ Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo, thời gian nghỉ học tránh dịch là dịp để trường làm quen với phương thức đào tạo mới này.
"Thực tế cũng có những sinh viên tại các khu vực khó khăn, vùng sâu vùng xa thì việc học trực tuyến sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên trường đã chủ động cho cả tình huống này để đảm bảo kiến thức cho người học", tiến sĩ Minh cho hay.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng cũng nói việc giảng dạy trực tuyến trong một số trường hợp còn bị khó do tâm lý học sinh, sinh viên. Ông Dũng nói: "Có những sinh viên có tâm lý phản ứng về việc đóng học phí thì phải học trên lớp. Có sinh viên thì ám ảnh hình thức học trực tuyến do phải làm việc, đọc sách và làm bài tập liên tục nhiều hơn hình thức truyền thống. Trong khi, có sinh viên ở quê không có mạng hoặc mạng yếu không vào được...".
Do đó, ông Dũng cho biết trong tuần đầu tiên học tập trung trở lại, trường sẽ tiến hành kiểm tra mức độ tiếp thu bài của sinh viên. Nếu cần sẽ kết hợp thêm hình thức dạy trực tiếp trên lớp.
TP.HCM đề xuất cho cả nước nghỉ học hết tháng 3, Bộ Y tế nói gì?
Trong khi đó, nhiều trường ĐH cho biết chưa thực hiện việc giảng dạy trực tuyến ngay trong thời điểm này do chưa có sự chuẩn bị đồng bộ. Theo thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, trường này chưa yêu cầu bắt buộc dạy trực tuyến trong toàn trường, thay vào đó giảng viên chỉ chủ động giữ liên lạc với sinh viên về tình hình học tập.
Với quy mô sinh viên chính quy hiện khoảng 34.000 người, thạc sĩ Khang cho biết: "Để dạy trực tuyến, trường học phải có sẵn trang thiết bị và cơ sở dữ liệu. Sinh viên cũng cần có đủ điều kiện, đặc biệt là internet tốc độ cao nên không thể nói là thực hiện được luôn".
Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, đại diện của Bộ GD-ĐT khẳng định việc dạy học trực tuyến trong thời gian học sinh nghỉ vì dịch Covid-19 là cần khuyến khích nhưng không thể thay thế dạy trực tiếp. Vì vậy, các trường vẫn phải dạy bù để đảm bảo thời gian thực học. Theo lãnh đạo một trường ĐH, chỉ đạo này của Bộ là có cơ sở, không chỉ đúng với việc dạy học trực tuyến trường phổ thông mà kể cả với bậc ĐH khi điều kiện của người dạy, người học chưa đồng đều.
Ý kiến
Cách làm như hiện nay chỉ là giải pháp "chữa cháy"
Về việc học online, hiện nay chúng ta chưa sẵn sàng. Học sinh chưa được đặt nền móng tự học, chưa được hay rất ít được dạy phương pháp học. Cơ sở vật chất trang bị cho các trường, gia đình, học sinh chưa thể đáp ứng được việc học online như mạng yếu và thiếu, phần mềm dạy học, thiết bị dạy học trực tuyến, đa phần sử dụng laptop, điện thoại quay phim nên tiếng, hình ảnh... chưa đạt chuẩn. Về hình thức dạy học, kết nối nhà trường - giáo viên - học sinh đang làm mỗi nơi một kiểu, tùy khả năng, tùy sở thích, chưa có một sự đồng bộ và chỉ đạo chung để đạt được sự an tâm. Việc học online như hiện nay chỉ là giải pháp "chữa cháy" nên mọi thứ sẽ phải làm lại khi học sinh đi học lại.
Phạm Phương Bình (Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Wifi yếu nên không học được
Không phải ai ở nhà cũng có máy tính và wifi mạnh. Tôi khó học online vì wifi ở nhà yếu quá. Mà nhiều khi giảng viên chỉ dạy theo cách đưa câu hỏi, bài tập và tài liệu lên. Trong khi đó bắt trả lời bài tập và quy định thời gian nộp. Mình không có máy tính mà nhiều khi điện thoại đang làm thì bị đơ không tải bài làm lên được.
Nguyễn Nguyên (sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)
Bích Thanh - Phạm Hữu (ghi)
Theo Thanh niên
Học kỹ năng ngày mai ngay hôm nay Dạy - học trực tuyến không phải là điều mới mẻ. Cái mới là ở giai đoạn đầu của dịch COVID-19, hoạt động này có vẻ như là một giải pháp tình thế, nhưng giờ thì đã khác trong bối cảnh dịch đang có những diễn biến phức tạp... Thầy và trò một trường THPT ở TP.HCM ôn tập trực tuyến môn toán...