Nhiều trẻ em lao động quá sức
Ngày 5.8, Thường trực HĐND TP.HCM phối hợp Đài truyền hình TP.HCM tổ chức chương trình “Lắng nghe và trao đổi” với chủ đề “Chăm sóc trẻ em – Những vấn đề cần quan tâm”.
Mở đầu buổi đối thoại, bà Trương Thị Ánh – Phó chủ tịch HĐND TP.HCM, xót xa nêu thực trạng: Hiện có khoảng 1.500 trẻ em lang thang mưu sinh và 342 trẻ em phải lao động sớm, lao động nặng nhọc ở những cơ sở tư nhân, những hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ tại TP.HCM.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, thông tin thêm: Có khoảng 300.000 trẻ em đến TP.HCM cùng bố mẹ hoặc tự lang thang kiếm sống. Không ít trẻ phải mưu sinh bằng những việc nặng nhọc trong những cơ sở may tư nhân hay bằng những cách như: nuốt lửa, nuốt than, ăn xin… Đặc biệt, khảo sát 6 tháng đầu năm 2012 cho thấy: Có 110 cơ sở tư nhân, hộ kinh doanh nhỏ lẻ có sử dụng lao động trẻ em. Trong đó, tập trung tại các quận, huyện: Bình Tân, Bình Chánh, Gò Vấp… Tuy nhiên, cũng theo bà Nhung, khi bà trực tiếp xuống địa bàn kiểm tra thì không còn số lao động trẻ em ở trong 110 cơ sở đó.
Lao động trẻ em tại cơ sở may mặc trên địa bàn Q.Bình Tân – Ảnh: Hoài Nam
Về vụ việc nêu trên, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM, đặt câu hỏi: “Tôi muốn biết sự phối hợp trong công tác quản lý ở những địa phương có 110 cơ sở trên trong thời gian qua như thế nào? Có điều gì cần cảnh báo không?”. Bà Tuyết Nhung giải thích: “Thực ra, vấn đề lao động trẻ em đã xảy ra nhiều năm rồi chứ không phải mới. Khi kiểm tra, chủ cơ sở nói đây là con cháu của họ từ ngoài quê vào, thành ra là không có vấn đề lao động trẻ em. Một vấn đề khác nữa là, họ viện cớ trẻ em vào đây lao động có cái giấy của cha mẹ cho phép để vừa làm vừa được học hành…”. Bà Quyết Tâm ngắt lời: “Biện pháp nào để bảo vệ quyền và nghĩa vụ trẻ em tốt hơn?”. Bà Tuyết Nhung: “Trách nhiệm giám sát ở địa bàn phải được thực hiện thường xuyên. Và khi phát hiện vi phạm, phải có xử phạt và răn đe”. Bà Quyết Tâm lên tiếng: “Vừa qua, sở đã xử phạt bao nhiêu vụ?”. Bà Tuyết Nhung: “Đã phạt hơn 30 cơ sở. Còn lý do không xử phạt 110 cơ sở trên là khi đến kiểm tra, các cơ sở đã giải tán lao động trẻ em và dùng những biện pháp để lẩn tránh các cơ quan chức năng”.
Đại diện Phòng LĐ-TB-XH huyện Bình Chánh cho biết: Trong năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012, cơ quan chức năng trên địa bàn huyện đã phát hiện, xử lý 6 vụ bóc lột sức lao động trẻ em (gồm 22 trẻ) trong những cơ sở may nhỏ lẻ. Ở đó, các em phải làm việc từ 8 – 9 giờ/ngày, thậm chí là 10 – 12 giờ/ngày trong dịp lễ, tết và vụ mùa sản xuất. Môi trường làm việc chật hẹp, nóng bức rất ảnh hưởng đến sức khỏe các em. Thu nhập mỗi em là 10 – 15 triệu đồng/năm và được chủ cơ sở trả cho cha mẹ các em 1 lần/năm. Không chỉ dùng cách đối phó quen thuộc “đây là những em, cháu của chúng tôi từ ngoài quê vào”, nhiều chủ cơ sở còn sử dụng mặt bằng thuê nên khi bị phát hiện đã nhanh chóng di chuyển đến những nơi khác.
Bên cạnh vấn đề trẻ lao động sớm, lao động nặng nhọc, nhiều đại biểu ban ngành liên quan và cử tri TP.HCM đã bày tỏ sự quan tâm về thực trạng, giải pháp khắc phục đối với việc thiếu sân chơi cho trẻ cũng như các vụ bạo hành, xâm hại trẻ đang có xu hướng gia tăng. Ông Nguyễn Văn Minh – Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM thẳng thắn nhìn nhận: “Đối với những vụ bạo hành gia đình cũng như xâm hại trẻ em, chúng ta làm công tác tuyên truyền rất tốt. Tuy nhiên, chúng ta chỉ phát hiện vụ việc thông qua báo chí, tức là chỉ chạy sau công luận. Bởi thực tế cho thấy khi tiến hành kiểm tra giám sát, gần như chúng ta đã không phát hiện được vụ việc nào”.
Theo Thanh Niên
Video đang HOT
'Bán' con trẻ làm lao động khổ sai
Trong nhiều trường hợp lao động trẻ em (TE) bị chủ cơ sở sản xuất ngược đãi, vắt kiệt sức khỏe, chính người thân các cháu đẩy con em mình vào đường cùng.
Đó là cảnh báo của đại diện các cơ quan chức năng trong chương trình Lắng nghe và trao đổi do HĐND TPHCM và Đài Truyền hình TPHCM (HTV) tổ chức ngày 5-8.
Em Nguyễn Văn T (13 tuổi, quê Lâm Đồng) làm việc nặng nhọc tại một lò gốm ở quận 9. Ảnh: LT.
Ăn mì gói, "cày" 12 giờ/ngày
Theo số liệu của HĐND TPHCM, thành phố hiện có trên 15 nghìn trẻ lang thang, kiếm sống, trong đó 342 trẻ phải lao động nặng nhọc trong môi trường độc hại.
Ông Trần Vinh Hoa, Trưởng phòng Lao động huyện Bình Chánh, cho biết, trong 6 tháng đầu năm, huyện Bình Chánh phát hiện 6 vụ ngược đãi lao động trẻ em với 22 trẻ phải làm việc quần quật từ 8 đến 12 giờ/ngày với đồng lương rất thấp.
"Hầu hết các cơ sở sử dụng lao động TE là hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ, thuê mướn mặt bằng sản xuất và không đăng ký kinh doanh. Khi bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý, chủ cơ sở chống chế, cho rằng các em là họ hàng, người thân vào Sài Gòn học nghề", ông Hoa nói.
Bà Lương Thị Thuận, Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em TPHCM, xót xa: TE lang thang, lao động nặng nhọc hầu hết là người nhập cư. Các cháu phải đối mặt nhiều nguy cơ như bị trấn lột, cưỡng bức, đánh đập, xâm hại sức khỏe, đặc biệt là xâm hại tình dục và bị bóc lột sức lao động.
Nhiều cháu cho biết, buổi sáng chỉ được chủ cho ăn một gói mì rồi làm việc quần quật từ 7 đến 12 giờ. Buổi trưa, các cháu ăn một chén cơm, nghỉ nửa tiếng rồi làm việc đến khuya. Nhiều hôm, các cháu phải làm việc đến 12 giờ đêm mới được nghỉ.
Do làm việc quá sức, ăn uống thiếu thốn nên các cháu luôn mệt mỏi, buồn ngủ, rất dễ xảy ra tai nạn lao động, gây thương tật.
"Các bậc cha mẹ cần cảnh giác, không nên giao con mình cho người khác chăn dắt bởi thực trạng của trẻ rất đen tối", bà Thuận cảnh báo.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TPHCM Nguyễn Thị Tuyết Nhung, giám sát tại một số quận trong 6 tháng đầu năm 2012, TPHCM phát hiện trên 100 cơ sở sản xuất sử dụng lao động TE. Thanh tra Sở LĐ-TB&XH phát hiện và xử lý 33 cơ sở vi phạm.
"Khi đưa các cháu bị chủ cơ sở sản xuất ngược đãi vào các trung tâm để chăm sóc, phục hồi sức khỏe thì cha mẹ các cháu xin bảo lãnh, thậm chí vay tiền để chuộc ra rồi lại bán con cho các chủ cơ sở khác.
Bị kiểm tra, nhiều chủ cơ sở trưng ra giấy thỏa thuận với cha mẹ, người thân các cháu về việc gửi con vào TPHCM học tập, học nghề nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Đã đến lúc phải thay đổi biện pháp xử lý.
Cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, thức tỉnh các phụ huynh cũng như tăng cường phối hợp giữa các địa phương để ngăn chặn nạn ngược đãi lao động TE", bà Nhung đề nghị.
Trẻ đuối nước vì quận chưa có hồ bơi
Ông Hoàng Quốc Lịch, đại diện cử tri quận 8, cho biết, là một quận nội thành nhưng sông rạch chằng chịt, đến nay, quận 8 vẫn chưa có hồ bơi. Ngoài nhà thiếu nhi, quận không có khu vui chơi nào khác dành cho TE. Không có hồ bơi, các cháu đành tắm trên các dòng kênh đen, vừa bốc mùi, ô nhiễm, vừa nguy hiểm đến tính mạng.
Từ đầu năm đến nay, quận 8 có 6 trường hợp trẻ đuối nước do tắm kênh rạch. Ngoài ra, do không có khu vui chơi, trẻ phải tụ tập đá bóng dưới lòng đường, vừa dễ gây tai nạn giao thông, vừa cản trở lưu thông, làm mất an ninh trật tự. "Là cử tri lớn tuổi, tôi cảm thấy có lỗi với các cháu", ông Lịch chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Chủ tịch UBND quận 8, UBND quận đã quy hoạch hai khu vui chơi dành cho TE với tổng kinh phí 13 tỷ đồng, đồng thời rà soát, xây dựng một số hồ bơi các trường học có diện tích rộng. Tuy nhiên, do vướng Nghị quyết 11 về hạn chế đầu tư công nên quận đang vận động xã hội hóa.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, TPHCM hiện có 62 nhà văn hóa không có khu vui chơi giải trí dành riêng cho TE. Chị Trần Thị Diệu Thúy, Phó Bí thư Thành Đoàn TPHCM, kiến nghị UBND TPHCM dành thêm quỹ đất để làm công viên phục vụ thiếu nhi và cộng đồng.
"Các quận vùng ven, ngoại thành đang thiếu trầm trọng các khu vui chơi dành cho trẻ. Đầu năm 2012, gặp gỡ các cháu thiếu nhi, lãnh đạo TPHCM hứa sẽ xây dựng hai phòng chiếu phim 3D cho TE thành phố nhưng đến nay sau 8 tháng, TPHCM mới xây được một phòng", chị Thúy cho biết.
Theo Tiền Phong
Thêm nỗi đau của cô bé bị bố tra tấn dã man Tìm về nhà Thúy, chúng tôi chắc mẩm, có lẽ cô bé từng bị bố đẻ tra tấn dã man đã có được những tháng ngày sống yên bình, vui vẻ bên mẹ và cậu em trai. Nhưng, nỗi đau về thể xác còn chưa kịp lành thì giờ đây cô bé 13 tuổi này lại đang phải gánh chịu một nỗi đau...