Nhiều tỉnh xin thêm chỉ tiêu tuyển giáo viên
Nghệ An là một trong những địa phương xin tăng chỉ tiêu tuyển giáo viên với số lượng lớn; tỉnh này xin bổ sung gần 8.000 giáo viên mầm non và phổ thông.
Tại hội nghị toàn ngành giáo dục diễn ra ngày 31/10, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An xin bổ sung 7.843 giáo viên mầm non và phổ thông nhằm đáp ứng tốt việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, hỗ trợ xây dựng mô hình xã hội hóa các trường PTDT nội trú, bán trú ở miền núi và vùng khó khăn…
Ông Trung cho biết, Nghệ An có 5 huyện miền núi cao, địa hình rộng lớn, hơn 1.000 điểm trường lẻ (phần lớn ở bậc biểu học).
Tương tự, ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng kiến nghị nghị Bộ Nội vụ có hướng dẫn để đảm bảo việc giao đủ chỉ tiêu biên chế giáo viên đối với các cơ sở giáo dục công lập. Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ nên tham mưu với Chính phủ ban hành quy định về hợp đồng nhân viên làm công tác chuyên môn trong các cơ sở giáo dục khi thành lập mới hoặc khi có người nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác nhưng trường chưa kịp thời tuyển dụng mới.
Với Quảng Nam, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, toàn tỉnh đã sắp xếp, sáp nhập giảm 47 trường, 301 điểm trường và hơn 2.000 biên chế. Chủ trương của địa phương trong việc sáp nhập trường là ở đâu có học sinh thì ở đó có giáo viên, nhất là các địa bàn miền núi. Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đang khiến nhiều nơi thiếu giáo viên, Quảng Nam sẽ tổ chức thi tuyển hằng năm để bổ sung kịp thời.
Ông Tài đề nghị Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ hạ thấp tiêu chuẩn, tiêu chí tuyển dụng để giải quyết khó khăn về nguồn tuyển. Theo ông, với vùng đồng bào dân tộc miền núi, giáo viên mầm non chỉ cần có trình độ trung cấp, giáo viên tiểu học chỉ cần có trình độ cao đẳng (theo quy định hiện hành, giáo viên bậc tiểu học phải có bằng đại học).
(Ảnh minh hoạ: Zing.vn)
Ở góc độ đào tạo ngành sư phạm, GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội đề xuất: “Cần sắp xếp hệ thống các trường, đặc biệt là hệ thống đào tạo giáo viên để tránh chuyện đầu tư dàn trải, không tập trung nguồn lực đầu tư để có những trường trọng điểm, dẫn đầu.
Các địa phương hoàn toàn có thể đặt hàng đào tạo giáo viên đối với các trường đại học sư phạm. Đồng thời, cần quyết liệt hơn nữa trong bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Việc này, Bộ GD&ĐT đã triển khai cùng với các trường đại học sư phạm. Nhưng tôi nghĩ rằng, riêng Bộ GD&ĐT, riêng ngành GD&ĐT sẽ không thể triển khai tốt nếu không có sự tham gia của các địa phương”, GS Minh chia sẻ.
Lắng nghe các đề xuất, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, giáo dục là quốc sách hàng đầu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; các cấp ủy Đảng, chính quyền tới đây cần tập trung ưu tiên hơn nữa cho giáo dục.
“Tinh giản biên chế nhưng không thể để trường lớp thiếu giáo viên. Lãnh đạo các tỉnh, thành ngoài vấn đề trường lớp thì lo cho giáo viên là hết sức quan trọng. Đề nghị Bộ GD&ĐT sau hội nghị có kiến nghị mạnh mẽ về vấn đề này”, Phó Thủ tướng lưu ý
Video đang HOT
Các tỉnh vùng sâu vùng xa linh hoạt khắc phục thiếu giáo viên mầm non
Ngành GD&ĐT các tỉnh Hà Giang, Trà Vinh, Đắk Lắk không ngừng nỗ lực thực hiện các biện pháp mềm dẻo, linh hoạt trong bố trí, phân công đội ngũ nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non.
Tập trung quy hoạch mạng lưới trường lớp
Trong những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang đã có nhiều đổi mới, gặt hái được những thành tựu đáng kể. Đặc biệt là đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành, quy mô mạng lưới trường lớp được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, chất lượng đội ngũ nhà giáo và chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh ngày càng được nâng cao.
Hiện toàn tỉnh có 821 cơ sở giáo dục với tổng số 254.754 trẻ mầm non, học sinh phổ thông. Toàn tỉnh có 236/616 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 38,31%. Song bên cạnh đó, giáo dục mầm non Hà Giang còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, đặc biệt về việc biên chế, sắp xếp đội ngũ giáo viên tại các đơn vị trường học.
Báo cáo tại Hội nghị đánh giả kết quả 10 năm thực hiện Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Giang cho biết, toàn tỉnh hiện nay thiếu giáo viên mầm non mà quy mô về dân số, học sinh ngày càng tăng tại các khu vực trung tâm, đối với các vùng miền núi, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn.
Do đặc điểm đặc thù có nhiều điểm trường lẻ, số trường có nhiều điểm trường cao năm điểm trở lên là 123/212 trường, chiếm tỷ lệ 58%, sĩ số học sinh trong một lớp ít trong khi các lớp học này vẫn cần đảm bảo đủ giáo viên theo quy định.
Trong khi đó ngành Giáo dục đang triển khai, thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết Trung ương 6 nên hầu hết các cơ sở giáo dục chưa được giao đủ chỉ tiêu giáo viên theo định mức quy định của Bộ GD&ĐT, theo đó một số địa phương trong tỉnh còn chỉ tiêu giao giao nhưng chưa xây dựng được kế hoạch tuyển dụng, vì vậy giáo viên hiện còn thiếu nhưng chưa được bổ sung kịp thời.
Tình trạng thiếu giáo viên mầm non đã tạo áp lực lớn cho đội ngũ trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ (Ảnh minh hoạ).
Đội ngũ giáo viên biến động theo từng năm học, do đến tuổi hưu, nghỉ trước tuổi, thuyên chuyển theo gia đình về đồng bằng... Sự biến thiên về số lượng học sinh, về đội ngũ nhà giáo gây khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp sao cho hợp lý và ổn định nhất.
Thêm nữa, công tác dự báo, quy hoạch mạng lưới trường lớp của một số địa phương chưa kịp thời và hiệu quả. Theo phân cấp tại địa phương, cơ quan chuyên môn Phòng GD&ĐT không phải là đơn vị chủ trì đầu mối tham mưu giúp UBND huyện tuyển dụng giáo viên nên không chủ động được trong việc điều tiết số lượng giáo viên.
Tình trạng thiếu giáo viên đã tạo áp lực lớn cho đội ngũ trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở một số địa phương của Hà Giang rất thấp.
Nhiều nơi giáo viên làm việc ngoài giờ kéo dài nhưng không được trả chế độ thừa giờ. Thu nhập của giáo viên mầm non thấp, thời gian làm việc ở trường quá tải, áp lực công việc lớn, ảnh hưởng đến cuộc sống của giáo viên.
Từ thực trạng trên nhằm khắc phục những khó khăn đối với việc thiếu giáo viên, ngành Giáo dục tỉnh Hà Giang đã đưa ra một số giải pháp cụ thể.
Một trong những biện pháp quan trọng tỉnh đã thực hiện trong thời gian qua là tập trung quy hoạch mạng lưới trường, lớp, trong đó chú trọng thực hiện Nghị quyết số 19 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII), văn bản số 3712 (năm 2018) của Bộ GD&ĐT. Chỉ đạo phòng GD&ĐT rà soát, phối hợp tham mưu điều động, luân chuyển, biệt phái giáo viên từ đơn vị thiếu ít sang đơn vị thiếu nhiều, điều động giáo viên Tiểu học, THCS xuống dạy mầm non.
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và đảm bảo đủ tiêu chí đội ngũ cho công tác phổ cập Giáo dục mầm non 5 tuổi, tỉnh Hà Giang đã chú trọng sắp xếp giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn cho các lớp mầm non 5 tuổi. Ưu tiên sắp xếp giáo viên cho các lớp mẫu giáo.
Đối với các nhóm trẻ 0-2 tuổi ở vùng điều kiện thuận lợi thực hiện tốt công tác xã hội hoá giáo dục mở các nhóm trẻ tư thục để đảm bảo tỷ lệ huy động độ tuổi nhà trẻ 0-2 tuổi.
Đối với các lớp mẫu giáo ghép ở các thôn bản, các điểm trường không đảm bảo quy định số lượng học sinh trên lớp, điểm trường gần nhau, thôn gần trường chính, giao thông đi lại thuận tiện, có đủ cơ sở vật chất..., tỉnh thực hiện sáp nhập điểm trường gần nhau, hay vận động phụ huynh đưa con ra trường chính học tập nhằm giảm bớt số lớp, số lượng giáo viên dành tăng cường, bổ sung cho các trường còn thiếu giáo viên theo quy định. Với những giải pháp chủ yếu nêu trên, tỉnh Hà Giang đã phần nào khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non.
Phối hợp với trường ĐH sư phạm của tỉnh trong đào tạo giáo viên mầm non
Trà Vinh là tỉnh thuộc khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Năm học 2019-2020, toàn tỉnh có 122 trường mầm non/ 31.097 trẻ/ 1146 nhóm, lớp/ 2009 giáo viên.
Mặc dù tăng hàng năm nhưng số lượng giáo viên mầm non hiện tại của tỉnh vẫn còn thiếu so với quy định. Tính đến cuối năm học 2019-2020, toàn tỉnh thiếu 38 giáo viên nhà trẻ, 463 giáo viên mẫu giáo, giáo viên dạy lớp mẫu giáo năm tuổi thiếu 323 người.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng thiếu giáo viên mầm non là công việc của giáo viên mầm non vất vả, thời gian làm việc trong ngày nhiều nhưng mức lương thấp nên chưa thu hút được nhiều giáo viên vào ngành.
Trong thời gian chờ tuyển dụng, giáo viên mầm non mới ra trường xin vào làm việc tại các công ty, xí nghiệp với mức lương từ 5-8 triệu đồng/ tháng nên khi có tuyển dụng, họ không muốn quay về dự tuyển giáo viên mầm non nữa vì công việc vất vả hơn nhưng mức lương thấp hơn.
Để giải quyết tình trạng trên, Sở GD&ĐT Trà Vinh phối hợp với trường Đại học Trà Vinh trong tuyển sinh, đào tạo chuyên ngành Sư phạm Mầm non; chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của trường đại học thực hiện trên cơ sở nhu cầu biên chế giáo viên mầm non của tỉnh.
Tùy theo tình hình, số lượng giáo viên mầm non dự tuyển hằng năm, các đơn vị huyện, thị xã, thành phố có sự mềm dẻo linh hoạt trong việc tổ chức thi tuyển, xét tuyển giáo viên mầm non; đối với giáo viên mầm non được tuyển dụng, bố trí làm việc ở xa nhà được cơ sở giáo dục mầm non bố trí cho ở nhà công vụ và tạo các điều kiện thuận lợi trong công việc để khuyến khích, động viên giáo viên an tâm công tác.
Mềm dẻo linh hoạt trong việc tổ chức thi tuyển, xét tuyển giáo viên mầm non là một giải pháp được Trà Vinh áp dụng (ảnh minh hoạ).
Xây dựng đề án sáp nhập các trường, điểm trường
Đắk Lắk là một tỉnh nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên. Toàn tỉnh có 1.025 trường, 15.762 lớp từ mầm non đến trung học phổ thông. Tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non diễn ra ở nhiều địa phương đang đặt ra nhiều vấn đề trong xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới hiện nay.
Đến cuối năm 2019-2020, cấp học mầm non tỉnh có 8.612 cán bộ quản lý - giáo viên - nhân viên. Trong đó giáo viên có 6.227 người, tỷ lệ giáo viên đứng lớp đạt 1,75 giáo viên/lớp.
Nhìn chung số lượng định biên giáo viên/lớp còn thấp, nhân viên chưa đủ số lượng người làm việc theo quy định đã gây khó khăn trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ tại trường.
Đối với các cơ sở giáo dục mầm non công lập, Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức thẩm định biên chế của các đơn vị trực thuộc Sở, tổ chức rà soát đối tượng giáo viên đủ điều kiện tuyển dụng đặc cách để báo cáo Sở Nội vụ trình UBND tỉnh phê duyệt, xét tuyển đặc cách theo đúng quy định.
Xây dựng đề án sáp nhập các trường, điểm trường phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị. Chỉ đạo các đơn vị cấp huyện làm tốt công tác điều tra, thống kê nhu cầu vị trí làm việc của giáo viên ở các trường học toàn tỉnh, để đề xuất chỉ tiêu đào tạo đạt chuẩn, trên chuẩn một cách hợp lý.
Đối với các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, căn cứ vào tình hình tuyển sinh đầu năm học và nhu cầu thực tế, giáo viên giảng dạy, nhân viên, các trường xây dựng kế hoạch tuyển dụng theo vị trí việc làm và có công khai trên các phương tiện thông tin. Thời gian thử việc được các đơn vị đánh giá và tiến hành ký kết hợp đồng làm việc theo vị trí tuyển dụng. Đối với giáo viên người nước ngoài, các đơn vị hỗ trợ đầy đủ thông tin thủ tục đăng ký khi tham gia hợp đồng làm việc tại đơn vị theo hướng dẫn của cơ quan quản lý có thẩm quyền theo quy định.
Đại diện của ngành Giáo dục Đắk Lắk kiến nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ bổ sung biên chế giáo viên mầm non cho các trường ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, nhằm đảm bảo được số lượng giáo viên mầm non theo quy định.
Sinh viên sư phạm đặt vấn đề lương giáo viên với lãnh đạo Chính phủ Ngày 23/10, sinh viên, giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có buổi giao lưu với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhân dịp khai giảng năm học 2020 - 2021. Mở đầu buổi giao lưu, sinh viên, giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội đặt các vấn đề như: Lương giáo viên...