Nhiều tiêu chí của đề án phân luồng, hướng nghiệp học sinh đạt vượt mục tiêu
Các cơ sở giáo dục phổ thông đã tích cực đổi mới, đa dạng hóa hình thức tư vấn hướng nghiệp để phù hợp với lứa tuổi học sinh.
Tại phiên họp về “Giải pháp phân luồng hướng nghiệp học sinh trong thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018″ vừa được Tiểu ban Giáo dục Phổ thông thuộc Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức mới đây, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Xuân Thành cho biết: Sơ lược kết quả 3 năm thực hiện Đề án “ Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025″ (Đề án 522), có 4/6 tiêu chí của Đề án giai đoạn 2018-2020 đã đạt mục tiêu đề ra.
Nhiều tiêu chí của đề án phân luồng, hướng nghiệp học sinh đạt vượt mục tiêu. Ảnh minh họa: Văn Dũng/TTXVN
Theo thống kê báo cáo của UBND các tỉnh, thành phố, ở tiêu chí “Trường Trung học Cơ sở có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương”, 68,52% cơ sở trên cả nước đã đáp ứng được; trong khi mục tiêu của Đề án là 55%. Ở tiêu chí “Trường Trung học Phổ thông có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương”, tỷ lệ đạt được thực tế là 75,93%, cao hơn mục tiêu Đề án 15,93%.
Đối với 2 tiêu chí “Trường Trung học Cơ sở có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ” và “Trường Trung học Phổ thông có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ”, tỷ lệ đạt được cũng vượt hơn mục tiêu lần lượt là 19,07% và 17,78%. Hai tiêu chí chưa hoàn thành mục tiêu là “Học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp” và “Học sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng”.
Ông Nguyễn Xuân Thành cũng chia sẻ: Việc thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông cũng đạt một số kết quả tích cực. Trong đó, nổi bật như việc bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học liên thông giữa các trình độ đào tạo, lên các cấp học cao hơn; cơ chế chính sách khuyến khích học sinh đi học nghề, hỗ trợ kinh phí cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo, học sinh thuộc diện chính sách và những cơ sở đào tạo học sinh sau tốt nghiệp Trung học Cơ sở vào học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Các cơ sở giáo dục phổ thông đã tích cực đổi mới, đa dạng hóa hình thức tư vấn hướng nghiệp để phù hợp với lứa tuổi học sinh. Nhiều hoạt động giáo dục gắn với giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phù hợp với bối cảnh của địa phương như giáo dục gắn với sản xuất kinh doanh theo mô hình giáo dục gắn với đồi chè, vườn mía, cà phê được các trường ở Lào Cai, Tuyên Quang và một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên thường xuyên triển khai. Giáo dục STEM trong cơ sở giáo dục phổ thông ngày càng được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực…
Tuy nhiên, ghi nhận từ các địa phương, hoạt động phân luồng hướng nghiệp cho học sinh vẫn gặp nhiều hạn chế do tâm lý của người học và phụ huynh “chuộng” học tiếp lên đại học hoặc ở nhà lao động kiếm sống ngay. Đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm công tác này chưa được đào tạo bài bản nên còn hạn chế về năng lực thực hiện. Chương trình, tài liệu phục vụ cho hoạt động giáo dục hướng nghiệp chưa đảm bảo về số lượng và chất lượng. Nhiều địa phương chưa có đủ hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp để thu hút học sinh. Thông tin về thị trường lao động vẫn còn hạn chế, chưa đầy đủ, công khai, nên khó thuyết phục học sinh và phụ huynh tham gia phân luồng, hướng nghiệp.
Video đang HOT
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai Đỗ Minh Tâm cho biết, Đề án 522 đã tạo ra những tác động tích cực đến công tác phân luồng hướng nghiệp cho học sinh của địa phương, vốn chưa thực hiện hiệu quả trong giai đoạn trước đây. Từ khi thực hiện Đề án 522, tỷ lệ học sinh sau Trung học Cơ sở vào Trung học Phổ thông của địa phương này, trong các năm, dao động từ 62-68%; 8-10% học sinh vào Giáo dục thường xuyên. Tỷ lệ theo học nghề từ hệ sơ cấp đến cao đẳng là 14%. Đối với học sinh học xong cấp Trung học Phổ thông, tỷ lệ vào đại học khoảng hơn 4%; cao đẳng là hơn 9% và 16%-18% đi học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Khi thảo luận giải pháp phân luồng hướng nghiệp học sinh trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, nhiều đại biểu quan tâm đến việc xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên. Theo đó, một số chuyên gia đề xuất đào tạo văn bằng 2 hoặc chứng chỉ nghiệp vụ cho giáo viên được phân công thực hiện công tác này, thay vì chỉ bồi dưỡng thường xuyên như hiện nay. Với những yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng “đủ lớn”, sẽ giúp giáo viên có đủ năng lực hướng nghiệp cho học sinh và nâng cao chất lượng công tác này.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Nâng cao chất lượng hướng nghiệp và phân luồng sau Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông cũng là một giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Vì vậy, Tiểu ban Giáo dục phổ thông sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến chuyên gia để hoàn thiện báo cáo sơ kết và xây dựng phương án cho giai đoạn tới. Trong đó, một số giải pháp sẽ được đề cập tới là tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh phổ thông, phụ huynh học sinh; làm tốt việc bố trí, bồi dưỡng giáo viên để đảm đương nhiệm vụ này.
Hiện hơn 70% cơ sở giáo dục phổ thông đã có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ. Tỷ lệ này ở địa phương có điều kiện khó khăn là 50% nhưng mục tiêu đến năm 2025 là 100% trường có giáo viên kiêm nhiệm công tác này và đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Do đó, việc phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ là một trong nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra trong giai đoạn tới.
Vào mùa tư vấn hướng nghiệp: Quảng cáo lấn... tư vấn
Tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp được xem là chìa khóa giúp học sinh định hướng đúng việc chọn ngành, chọn nghề.
Một chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp với sự tham dự của nhiều trường đại học.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây ở một vài trường, công tác tư vấn có phần nặng về quảng cáo tuyển sinh với mục tiêu là hút thí sinh vào trường mình, thay vì quan tâm tới nhu cầu, năng lực các em.
Khi tư vấn, hướng nghiệp chưa vô tư
Chọn ngành, chọn nghề chưa bao giờ là việc dễ dàng với học sinh giữa "bão" thông tin hiện nay. Vì vậy, công tác tư vấn, hướng nghiệp của đội ngũ giáo viên THPT, chuyên gia tư vấn đóng vai trò hết sức quan trọng trong định hướng nghề nghiệp cho các em.
Theo thông lệ hàng năm các trường đại học sẽ phối hợp với nhiều đơn vị khác như báo chí, công ty truyền thông, hợp tác với sở GD&ĐT, trường THPT để thực hiện chương trình tư vấn. Do thời lượng các buổi tư vấn không nhiều (chỉ từ 1 - 2 tiếng/buổi) nên các đơn vị gần như cắt giảm tối đa công tác chia sẻ thông tin về dự báo nguồn nhân lực, ngành nghề mà xã hội sẽ cần trong tương lai, cũng như tư vấn cho học sinh lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, khả năng... Đa số thời gian của chương trình là để dành cho các trường giới thiệu, quảng bá ngành nghề mới, thế mạnh mà mình đang đào tạo.
Việc "pha loãng" nội dung tư vấn, định hướng nghề nghiệp bằng các nội dung chủ yếu là quảng bá ngành học, về trường khiến học sinh tham gia cảm thấy nặng nề. Trần Mạnh Trung - cựu học sinh lớp 12 Trường THPT Tây Ninh, hiện là sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành - thừa nhận:
"Một số buổi tư vấn em tham gia khi còn học lớp 12 không đọng lại nhiều dấu ấn. Các thông tin chia sẻ tại buổi tư vấn gần như na ná nhau, nội dung phần lớn là giới thiệu về ngành nghề của các trường. Trong khi nội dung học sinh cần là thông tin về nhu cầu nhân lực ngành nghề, xu hướng phát triển ngành nghề trong tương lai, khả năng tương thích và phát huy tốt nhất năng lực của bản thân khi chọn nhóm ngành nghề lại lớt phớt".
"Tại nhiều buổi tư vấn, tôi nhận thấy phần lớn học sinh đều không hào hứng, với thông tin mà chuyên gia, các trường chia sẻ. Một phần do nguồn thông tin học sinh hiện nay được tiếp cận quá nhiều, đa dạng, phần vì các trường vẫn nặng về tham vấn, thông tin nhóm ngành nghề của trường mình hơn là định hướng sâu và bao quát hơn cho học sinh", ThS Nam nói.
ThS Trần Nam - Trưởng phòng Tuyển sinh & Truyền thông Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM) - nhìn nhận thực trạng trên khiến các buổi tư vấn, tuyển sinh tại các trường THPT dần giảm sức hút với học sinh.
Cũng chung góc nhìn, cô Nguyễn Thị Mai P., giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP Thủ Đức, cho rằng, các buổi tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp 2 năm trở lại đã "nhạt" hơn.
"Học sinh sau nhiều buổi tham gia tư vấn đều cho rằng thông tin mang lại không nhiều giá trị bởi chuyên gia, nhà trường không đi tận cùng các vấn đề khiến nhiều em vẫn lơ mơ trong chọn ngành, chọn nghề.
Thậm chí, để tiết kiệm thời gian trong buổi tư vấn có chuyên gia tâm lý chia sẻ về "lộ trình" chọn trường, nghề theo kiểu mẫu số chung như: Học sinh làm trắc nghiệm bản thân (bằng một kênh trắc nghiệm có uy tín); Tiếp theo là xem xét năng lực/sở thích/điều kiện tài chính; tham khảo dự báo/nhu cầu của xã hội; cuối cùng là đánh dấu chọn ngành/trường. Các phương thức trên tôi cho rằng là đi tuyển sinh hơn là tư vấn cho học sinh nên hiệu quả định hướng không cao", cô P. nói.
Ảnh minh họa
Chất lượng tư vấn hạn chế, bất lợi cho thí sinh
Công tác quảng cáo tuyển sinh chiếm thời lượng nhiều hơn hướng nghiệp tại các buổi tư vấn ít nhiều tác động không tốt đến việc lựa chọn ngành nghề đúng đắn của học sinh.
Thực tế vẫn nhiều học sinh chọn ngành, trường đại học vì thấy tên ngành học đó "hot", nhiều bạn lựa chọn hoặc chọn trường đó theo học vì trường to đẹp mà không quan tâm, lắng nghe năng lực của chính bản thân, đến khi tham gia học tại trường mới biết mình đã chọn sai, dẫn đến chán nản, bỏ bê việc học...
Thống kê từ các trường ĐH tại TPHCM cho thấy, tỷ lệ sinh viên năm 3 & 4 bị cảnh cáo học vụ, thậm chí đuổi học không có khuynh hướng giảm, thậm chí tăng. Bình quân mỗi trường hàng năm số học sinh rơi rụng sau quá trình theo học 4 năm chiếm tỉ lệ từ 16 - 24%. Trong hàng loạt lý do sinh viên bị đình chỉ học tập thì nguyên nhân từ việc chọn sai ngành, sai trường dẫn đến chán trong quá trình học khá lớn.
TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM - nhìn nhận: Thực trạng trên có nguyên nhân từ sự chủ quan, lựa chọn ngành nghề theo hướng cảm tính, xu thế, không đúng với sở thích và đam mê của sinh viên, nhưng lỗi cũng một phần đến từ công tác tư vấn, hướng nghiệp hiện nay đang nặng về "cá nhân" hơn là vì "cái chung".
"Không thể bác bỏ tính hiệu quả của công tác tư vấn, hướng nghiệp trong suốt thời gian qua khi hiệu quả phân luồng học sinh đã có chuyển biến rõ nét. Việc tham vấn, hướng nghiệp cũng giúp học sinh, phụ huynh có cái nhìn toàn diện hơn về bối cảnh xã hội và nhu cầu nhân lực từng nhóm ngành nghề trong tương lai gần.
Tuy vậy, cũng không thể không nói đến hạn chế mà những buổi tư vấn nặng về marketing hơn là lắng nghe tâm tư, định hướng một cách đầy đủ việc chọn ngành, nghề cho học sinh. Tất nhiên không thể đòi hỏi sự trọn vẹn và đủ đầy nhưng cá nhân tôi cho rằng, các trường khi tham gia tư vấn, hướng nghiệp cần định hướng rõ mục tiêu thông tin muốn truyền tải đến học sinh tại buổi tư vấn sẽ hiệu quả và có sức hút hơn", TS Lý nói.
Là chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực tư vấn, hướng nghiệp, ông Trần Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế - cho rằng, đây là điều các trường cần điều chỉnh trong tương lai gần. Bởi theo ông, xu hướng chọn ngành, nghề của học sinh hiện nay thay đổi rất nhiều. Ngày trước 10 học sinh tư vấn thì 9 em hỏi về việc học các trường ĐH, còn hiện nay có 4/10 em xin tư vấn về học nghề.
Tuy vậy, có một thực tế không thể chối bỏ là các chuyên gia tư vấn khi tham gia chương trình vẫn ít nhiều bị chi phối bởi các đơn vị "chủ xị" của buổi tư vấn, hướng nghiệp. Thực tế, nếu chúng ta hài hòa, cân bằng được hai mặt của công tác tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp thì hiệu quả sẽ rất cao. Các trường cần thích ứng và điều chỉnh dần.
Bình Phước: Cần tiếp tục củng cố hệ thống dạy học trên nền tảng số Ngày 24/12, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cùng đoàn công tác đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước, nhằm nắm bắt việc thực hiện chủ trương đảm bảo phát triển đồng đều, bình đẳng trong giáo dục giữa các vùng miền; trao đổi một số quan điểm, chủ trương, giải pháp, các nhiệm vụ lớn của ngành...