Nhiều thay đổi trong giáo dục đại học
Từ 1.1.2013, luật Giáo dục đại học chính thức có hiệu lực. Theo đó, sẽ có nhiều quy định về giáo dục đại học phải chỉnh sửa và thay đổi. Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga xung quanh vấn đề này.
Đổi cách đánh giá về chất lượng
Theo ông, hiện còn tồn tại những quy định nào chưa phù hợp với luật Giáo dục đại học và Bộ sẽ sửa đổi như thế nào?
Luật được xây dựng trên tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện nên khi thực hiện sẽ có nhiều thay đổi trong hệ thống với mục tiêu là nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Những tồn tại, hạn chế lâu nay sẽ phải thay đổi cho phù hợp với luật. Đầu tiên là công tác quản lý, phát huy quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình xã hội của cơ sở giáo dục đại học để phát huy tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ quản lý các nhà trường.
Sắp tới việc đánh giá kết quả đào tạo không phải bằng số lượng các môn học đã hoàn thành, mà bằng khối lượng kiến thức người học tích lũy qua mỗi chương trình – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Cách tiếp cận quản lý chất lượng cũng thay đổi theo quan điểm không đánh giá kết quả đào tạo bằng số lượng các môn học đã hoàn thành, mà bằng khối lượng kiến thức người học tích lũy được qua mỗi chương trình. Hệ thống giáo dục đại học cũng thay đổi theo mục tiêu đào tạo để đáp ứng nhu cầu nhân lực đa dạng. Từ đó chương trình đào tạo của các trường cũng sẽ được thiết kế theo những hướng khác nhau. Tiêu chí xác định cơ sở giáo dục đại học tư thục không vì lợi nhuận sẽ được cụ thể hóa và các chế độ, chính sách đối với các trường này cũng được xác định rạch ròi… Bộ đang soạn thảo những văn bản quy phạm pháp luật mới và điều chỉnh các văn bản hiện hành cho phù hợp với yêu cầu của luật.
Thực thi quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình xã hội
Luật cũng cho phép các trường được tự chủ trong nhiều lĩnh vực. Vậy quyền tự chủ đại học sẽ được giao cho những trường như thế nào, Bộ có ban hành tiêu chí để các trường được tự chủ không?
Video đang HOT
Khi hệ thống các văn bản dưới luật được hoàn thiện, cơ cấu tổ chức các trường đã được thực hiện theo quy định của luật thì các trường được tự chủ theo đúng tinh thần của luật. Bộ sẽ ban hành các văn bản liên quan đến việc này gồm: tiêu chí đạt chuẩn quốc gia, thông tư quy định về tổ chức kiểm định chất lượng. Ngoài ra, hội đồng trường được thành lập và hoạt động theo đúng chức năng quy định. Các văn bản mới sẽ ban hành cùng cơ chế giám sát của hội đồng trường sẽ đảm bảo tính thực thi quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình xã hội. Trước mắt, các trường đã được giao quyền tự chủ trước đây sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao.
Thưa ông, việc tự chủ trong tuyển sinh sẽ được tiến hành ra sao? Có được thực hiện ngay trong năm 2013?
Luật quy định các cơ sở giáo dục đại học được lựa chọn phương thức tuyển sinh theo thi tuyển, xét tuyển hay kết hợp thi tuyển và xét tuyển. Năm ngoái, các trường thuộc khối năng khiếu, nghệ thuật của Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch đã đề xuất phương án tuyển sinh riêng nhưng có một số điểm chưa thật yên tâm nên chưa triển khai được. Năm nay, các trường này tiếp tục hoàn thiện phương án. Bộ cùng với Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch đang xem xét cụ thể và sẽ có quyết định thực hiện hay không trong thời gian tới. Từ nay đến 2015, kỳ thi tuyển sinh không có gì thay đổi lớn. Chỉ có những thay đổi nhỏ mang tính kỹ thuật cho phù hợp với tình hình thực tế.
Theo thanh niên
Đổi mới thi ĐH: Có thể chỉ trường tốp trên thi tuyển
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, sẽ ổn định kỳ thi tuyển sinh như hiện nay đến năm 2015, những thay đổi lớn sẽ diễn ra sau thời gian này.
Phải tính toán lại
- Năm nay các trường ngoài công lập không tuyển được thí sinh dù theo số liệu của Bộ, số lượng thí sinh đủ điều kiện xét tuyển còn rất cao. Theo ông, có những nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng này?
- Năm nào Hội đồng xác định điểm sàn của Bộ cũng họp, tính toán thống kê tuyển sinh đến từng vùng. Số lượng thí sinh trên điểm sàn luôn được tính toán dư ra nhiều để các trường xét tuyển.
Từ năm 2015 sẽ có những thay đổi lớn về tuyển sinh ĐH, CĐ.
Những trường và ngành không tuyển được thí sinh đã khó khăn từ các năm trước. Đây là các ngành, trường không thu hút được thí sinh hoặc không còn nóng nữa như: kinh tế quản lý, tài chính - ngân hàng... Thực tế này ảnh hưởng đến sự lựa chọn của thí sinh. Dù chỉ tiêu còn dư các em cũng không nộp đơn xét tuyển mà chờ năm sau. Đa số các trường ngoài công lập chỉ chăm chăm đầu tư vào các ngành này nên người học bị giảm sút.
- Bộ có phương án nào cho các trường này hay không?
- Các trường phải tính toán chiến lược phát triển. Đầu tiên là về ngành nghề, các ngành như: kinh tế quản lý, tài chính - ngân hàng... phải tính toán lại. Thời điểm 3-4 năm trước có thể tuyển sinh tốt, thí sinh nộp đơn vô rất nhiều nhưng hiện nay chỉ duy trì các ngành này sẽ rất khó khăn. Bên cạnh đó, các trường phải tăng cường quảng bá hình ảnh thông qua chất lượng để tạo niềm tin của người học.
- Nhiều ngành nghề ở các trường đã vượt quá nhu cầu thị trường lao động, Bộ sẽ điều tiết chuyện này như thế nào, thưa ông?
- Bộ đã cảnh báo nhiều lần việc cung quá cầu ở các ngành như: kinh tế quản lý, tài chính - ngân hàng. Theo quy hoạch, các ngành này chỉ được chiếm 20% tổng chỉ tiêu nhưng nay đã vượt đến 38%. Về mặt quản lý nhà nước, Bộ đang khống chế mở các ngành này tại các trường. Bộ cũng đã cảnh báo và đang hạn chế tối đa việc mở ngành điều dưỡng, y tá ở bậc CĐ và TC. Nếu không hạn chế, các ngành này cũng sẽ rơi vào tình trạng như khối ngành kinh tế.
Thay vì báo cáo chung về ngành nghề như các năm trước, năm nay Bộ yêu cầu các trường báo cáo kỹ về 22 ngành đào tạo (những ngành có nguy cơ cung vượt quá cầu). Qua đó, sẽ nắm bắt được ngành nào đang chệch khỏi quy hoạch để có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Khuyến khích các trường tuyển sinh riêng
- Ông có nghĩ rằng từ năm sau trở đi, việc tuyển sinh của các trường sẽ còn khó khăn và có sự cạnh tranh nhiều hơn nữa?
- Đây là xu hướng tốt vì có sự cạnh tranh lành mạnh. Luật Giáo dục ĐH bắt đầu áp dụng từ đầu năm 2013 cũng khuyến khích các trường cạnh tranh. Trường nào chưa có chiến lược phát triển và đầu tư nâng cao chất lượng thì sẽ khó khăn.
Ngoài ra, khi luật Giáo dục ĐH có hiệu lực, sẽ có sự phân tầng các trường. Các trường sẽ được xếp hạng (do các tổ chức kiểm định chất lượng độc lập tiến hành) nên không thể các trường đều ngang nhau. Từ đây, người sử dụng lao động sẽ biết được sinh viên trường nào tốt hơn. thí sinh cũng sẽ có sự chọn lựa trường phù hợp với nhu cầu và năng lực, vào các trường nghiên cứu, ứng dụng hay đào tạo nghề nghiệp.
- ĐH Quốc gia TP.HCM đã bàn bạc sẽ tổ chức thi theo hướng lựa chọn 3 trong 5 môn học. Trước nhu cầu thay đổi của thực tế, Bộ sẽ có những đổi mới nào về tuyển sinh trong các năm tới?
- Về cơ bản, chúng tôi khuyến khích các trường tuyển sinh riêng, nhất là các trường văn hóa nghệ thuật - thể thao... Chúng tôi đang tính toán nhiều phương án. Có thể sẽ chỉ có một số trường tốp trên thi tuyển, các trường còn lại sẽ xét tuyển. Hoặc sẽ có một kỳ thi chung có những môn để thí sinh tự chọn. Việc thay đổi nhằm nâng cao chất lượng và giảm tốn kém cho xã hội. Thời gian sắp tới đây có thể Bộ sẽ tổ chức xin ý kiến các chuyên gia, nhà giáo dục, các thành phần trong xã hội để chọn lựa phương án nào, hoặc chọn lựa môn thi nào. Đây là sự thay đổi lớn và cần tiến hành kỹ lưỡng.
Tuy nhiên, chủ trương của Bộ là ổn định tuyển sinh cho đến năm 2015 và chỉ thay đổi về kỹ thuật. Những thay đổi lớn về tuyển sinh sau năm 2015 sẽ được thông báo trước 2-3 năm để thí sinh có thời gian chuẩn bị.
Theo Thanh Niên
Biết cách tự học Để tích lũy được nhiều kiến thức, học sinh phải tìm cho mình phương pháp tự học tốt nhất. Tạo tính độc lập Nhiều giáo viên cho rằng cách học của phần đông học sinh (HS) hiện nay chưa mang lại hiệu quả cao. HS còn quá phụ thuộc vào bài giảng của thầy cô trên lớp, dẫn đến thụ động và ít...