Nhiều thách thức từ dạy học song ngữ
Việc triển khai giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ có ý nghĩa quan trọng với học sinh dân tộc, song thực tế còn nhiều tồn tại thách thức.
Cần áp dụng nhiều phương pháp dạy học với học sinh dân tộc.
Đòi hỏi nỗ lực người thầy
Không như học sinh người Kinh, trước khi vào Mầm non đa số học sinh dân tộc thiểu số chưa thể sử dụng được tiếng Việt. Khi vào mầm non, mẫu giáo được sự giáo viên chăm sóc, giao tiếp bằng tiếng Việt nên có kiến thức ban đầu về tiếng Việt, sử dụng được những mẫu hội thoại đơn giản, có kỹ năng cơ bản nghe, nói. Nhưng vì nhiều lý do không theo các em bước vào lớp 1.
Cô Ôn Thị Lý, giáo viên trường Tiểu học xã Thanh Vân (Quản Bạ, Hà Giang) nơi học sinh trên 90% là người dân tộc (đa số là dân tộc Mông) nhận ra thực tế trong sinh hoạt gia đình, cộng đồng, phụ huynh và học sinh dân tộc cơ bản sử dụng tiếng mẹ đẻ nên bước ra thế giới bên ngoài, tới trường lớp… tiếng Việt trở thành ngôn ngữ thứ hai của học sinh.
Trong quá trình lên lớp, việc giao tiếp thông thường với thầy cô giáo của nhiều học sinh lớp 1 còn khó khăn, thậm chí nhiều em không thể tương tác qua ngôn ngữ. Do đó việc nghe giảng kiến thức các môn học khác nhau bằng tiếng Việt còn nhiều hạn chế, dẫn tới ảnh hưởng tới hiệu quả dạy học.
“Khi đến trường lớp, sinh hoạt trong môi trường xa lạ với ngôn ngữ giao tiếp chưa vững dẫn tới tâm lý rụt rè, e sợ. Đây cũng trở thành rào cản tiếp thu và hứng thú học tập của học sinh dân tộc. Do đó, hạn chế về tiếng Việt của học sinh cũng chính là thách thức, trách nhiệm đặt lên người thầy trong quá trình dạy học…”, cô Lý trao đổi.
Nhiều thầy cô đang giảng dạy cho học sinh dân tộc cũng cho rằng việc học và sử dụng thành thạo ngôn ngữ mẹ đẻ của học sinh là điều gần như bắt buộc đối với họ. Trong lớp học có 2-3 thành phần học sinh dân tộc thì giáo viên cũng phải biết và sử dụng tốt ngần ấy ngôn ngữ.
Video đang HOT
Chỉ khi nào hiểu được ngôn ngữ của học sinh, hiểu bản sắc, tính cách, văn hóa dân tộc.. thì khi ấy dạy học mới hiệu quả. Giáo viên mới có thể áp dụng các phương pháp, có cách ví dụ, minh họa giải thích phù hợp nhất đưa kiến thức tới học trò.
theo thầy Lê Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) trong 2 năm bùng nổ dịch bệnh Covid-19, nhiều thời điểm học sinh phải tạm dừng tới trường, do đó thói quen sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ (đặc biệt với học sinh lớp 1) đã ảnh hưởng nhiều tới việc giao tiếp bằng tiếng Việt, quên kiến thức tiếng Việt.
Mặt khác, khi trở lại học tập, học sinh thụ động, thiếu linh hoạt trong học tập lẫn cuộc sống. Điều đó khiến giáo viên vất vả trong việc bù lại kiến thức cũ, củng cố tiếng Việt đối với học sinh lớp nhỏ (lớp 1,2) giúp hoạt động học tập hiệu quả.
Học sinh dân tộc học tốt hơn khi thông thạo tiếng Việt.
“Với giáo viên bình thường vất vả 1 thì những thầy cô giáo dạy học sinh dân tộc vất vả 4-5 phần. Ngoài việc chuẩn kĩ năng kiến thức, phải song hành với củng cố tiếng Việt. Trước những khó khăn, thách thức của nghề nghiệp luôn đòi hỏi giáo viên sự kiên trì, nhẫn nại bên cạnh tình yêu thương với học trò để có thể chèo lái con thuyền tri thức cập bến…”, cô Ôn Thị Lý chia sẻ.
Còn nhiều thách thức
Đến nay hiệu quả của chương trình giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ đã đạt được hiệu quả đáng khích lệ ở một số tỉnh. Tuy nhiên, còn không ít rào cản từ thực tế.
Trước hết đặc thù của vùng dân tộc miền núi, đặc biệt các địa phương vùng sâu vùng xa về địa hình, giao thông, cơ sở hạ tầng và các điều kiện kinh tế xã hội… trở thành thách thức lớn đối với phát triển giáo dục dân tộc.
Trình độ, số lượng đội ngũ giáo viên tham gia chương trình giáo dục song ngữ còn hạn chế; số giáo viên có trình độ về tiếng mẹ đẻ ( tiếng dân tộc) có song cơ bản là những giáo viên lớn tuổi nên việc vận dụng phương pháp tích cực hóa hoạt động học tập của học sinh chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Cô Bùi Thị Hường, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Sín Chéng (Si Ma Cai, Lào Cai) cũng cho rằng việc dạy học cho học sinh dân tộc thiểu số phải do chính giáo viên địa phương đảm nhiệm sẽ mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên trình độ chuyên môn của số giáo viên người địa phương đạt chuẩn còn thấp nên việc giảng dạy chưa mang lại được hiệu quả như mong muốn.
Khi giáo viên chưa vững kiến thức tiếng Việt thì việc truyền tải đến cho học sinh chắc chắn khó đạt hiệu quả. Dù các nhà trường, địa phương đã tích cực bồi dưỡng, tập huấn trình độ giáo viên dân tộc dạy học sinh dân tộc nhưng vẫn cần tiếp tục chuẩn hóa, nâng cấp.
Giúp học sinh củng cố tiếng Việt từ nhiều phương pháp, hình thức giáo dục.
Từ thực tế cũng cho thấy, trong khi nhu cầu phát triển đội ngũ giáo viên lớn và cấp bách thì kế hoạch, chương trình, chuẩn nội dung, cơ sở đào tạo giáo viên dạy chương trình song ngữ vẫn còn là thách thức ở các địa phương.
Bên cạnh đó, với tính chất đặc thù của tiếng dân tộc (Jrai, Khmer; Mông… tại một số địa phương như Lào Cai, Gia Lai, An Giang) còn những khó khăn nhất định trong việc biên soạn chương trình, hướng dẫn giảng dạy. Dẫn đến giáo viên lúng túng trong việc lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp.
Ngoài ra, giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ với học sinh dân tộc mới chỉ thực hiện được ở các lớp có học sinh thuộc cùng một dân tộc thiểu số trong khi đại bộ phận các địa phương vẫn còn sự đan xen về cư trú của nhiều thành phần dân tộc. Giáo dục đa ngôn ngữ và công tác đào tạo bồi dưỡng giáo viên có năng lực đa ngôn ngữ vẫn là vấn đề khó với ngành giáo dục các địa phương hiện nay.
Giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ có ý nghĩa quan trọng với học sinh dân tộc. Đây là hướng tiếp cận góp phần khắc phục hạn chế rào cản về ngôn ngữ đối với trẻ em đồng thời từng bước nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số.
Triển khai dạy các môn tiếng dân tộc thiểu số: Tập trung chuẩn bị để đạt hiệu quả
Kế hoạch triển khai Chương trình 'Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2030' của UBND tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ bố trí đủ nguồn lực để triển khai dạy môn tiếng Ê đê, đến năm 2030 dạy môn tiếng Raglai cho học sinh tiểu học.
Xây dựng lộ trình
Tiếng DTTS là môn tự chọn trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trường trên địa bàn tỉnh chưa triển khai giảng dạy. Đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt Chương trình "Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng DTTS trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2030". Theo đó, đến năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) sẽ hoàn thành biên soạn và phấn đấu đảm bảo đủ 100% sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học bậc tiểu học đối với 8 tiếng DTTS đã được ban hành chương trình môn học, bao gồm tiếng Bahnar, Chăm, Ê đê, Khmer, Jrai, Mnông, Mông, Thái. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình này trên địa bàn tỉnh.
Học sinh dân tộc thiểu số ở TP. Cam Ranh.
Chương trình đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2025, sẽ tập trung nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện các điều kiện dạy học để tổ chức dạy tiếng Ê đê cho học sinh tiểu học theo Thông tư số 34/2020 của Bộ GD-ĐT ban hành chương trình giáo dục phổ thông môn học đối với 8 tiếng DTTS nói trên. Trong đó, bảo đảm đủ sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học sau khi được bộ biên soạn, phê duyệt và ban hành; đảm bảo đủ giáo viên dạy tiếng Ê đê; 45% giáo viên dạy tiếng Ê đê có trình độ chuẩn được đào tạo; 100% giáo viên dạy tiếng Ê đê được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; 100% cán bộ quản lý giáo dục có liên quan về dạy học tiếng Ê đê được bồi dưỡng nâng cao năng lực. Đến năm 2030, phấn đấu đảm bảo các điều kiện để tổ chức giảng dạy thêm môn tiếng Raglai, trong đó 100% giáo viên giảng dạy tiếng Ê đê và tiếng Raglai sẽ có trình độ đào tạo đạt chuẩn.
Đảm bảo các điều kiện tổ chức giảng dạy
Ông Đỗ Hữu Quỳnh - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, việc tổ chức dạy môn tiếng DTTS có ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển tiếng nói, chữ viết, văn hóa của đồng bào DTTS. Tuy nhiên, do học sinh DTTS sống rải rác ở các địa bàn cách xa nhau nên việc tập hợp để tổ chức lớp học sẽ gặp khó khăn. Bên cạnh đó, để triển khai chương trình còn phải đảm bảo các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất... Giải pháp đề ra là nâng cao năng lực của Trường Đại học Khánh Hòa trong việc phát triển chương trình, mở ngành đào tạo giáo viên tiếng DTTS, giáo viên liên môn (trong đó có tiếng DTTS, trọng tâm là tiếng Ê đê và tiếng Raglai). Bên cạnh đó, thực hiện đào tạo giáo viên tiếng DTTS với các phương thức linh hoạt, như: Văn bằng 2, cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ... Sở sẽ tăng cường bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tiếng DTTS về đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục có liên quan về kiến thức dân tộc và quản lý dạy học tiếng DTTS. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chế độ chính sách đối với người dạy và người học tiếng DTTS.
Sở GD-ĐT đã yêu cầu các phòng GD-ĐT thống kê số lượng học sinh DTTS, tham mưu UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch triển khai dạy học tiếng DTTS phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Đồng thời, bố trí, sắp xếp nguồn lực nhằm đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học, tài liệu, đội ngũ giáo viên để tổ chức giảng dạy hiệu quả. Ngoài ra, ngành GD-ĐT tỉnh sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển kho học liệu và dạy học tiếng DTTS.
Thay đổi 'thói quen cũ' dạy môn Khoa học tự nhiên Trước khó khăn chung về đội ngũ, các trường THCS đã chủ động sắp xếp thời khóa biểu để triển khai thuận lợi việc dạy học môn Khoa học tự nhiên. Cô Mai Thị Lệ Thúy và học trò trong giờ học. Chủ động thời gian dạy - học Cô Mai Thị Lệ Thúy, GV Trường THCS Kim Đồng, huyện Tân Lạc, tỉnh...