Nhiều sách giáo khoa có “sạn”
Không chỉ sách Tiếng Việt 1 của bộ Cánh Diều mà sách Tiếng Việt của bộ sách khác cũng bị chỉ ra nhiều “sạn” khó chấp nhận
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về sách giáo khoa (SGK) ngày 22-10 cho biết bộ này đã làm việc với hội đồng thẩm định, Nhà Xuất bản (NXB) ĐH Sư phạm TP HCM và tác giả sách Tiếng Việt lớp 1 – bộ Cánh Diều.
Có sửa nổi sách Tiếng Việt 1 – Cánh Diều?
Sau đó, tất cả các bên liên quan đều thống nhất tiếp thu tối đa những ý kiến góp ý để chỉnh sửa SGK cho phù hợp hơn. Hội đồng thẩm định cũng đề nghị tác giả khi chọn văn bản thay thế không sử dụng truyện ngụ ngôn hoặc các đoạn/bài “đa nghĩa”, nên lựa chọn đoạn/bài trong kho tàng văn học Việt Nam.
Học sinh lớp 1 tại TP HCM học sách giáo khoa mới .Ảnh: TẤN THẠNH
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay đã yêu cầu NXB ĐH Sư phạm TP HCM và tác giả khẩn trương xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính để kịp thời, thuận lợi cho giáo viên tổ chức các hoạt động dạy học. Trước mắt, Bộ GD-ĐT có hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên sử dụng các ngữ liệu được thay thế, bổ sung để thực hiện hoạt động dạy học các bài nằm trong chương trình học kỳ, đồng thời khẩn trương hoàn thiện việc điều chỉnh, bổ sung các nội dung trong SGK theo đúng quy định, báo cáo bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét phê duyệt trước ngày 15-11.
Video đang HOT
Tuy nhiên, phản hồi thông tin này, một chuyên gia tiểu học băn khoăn việc chỉnh sửa trong thời gian ngắn có đạt được hiệu quả như mong muốn, khi mà cuốn sách này có quá nhiều lỗi sai mang tính hệ thống? Thống kê cho thấy cuốn sách có 46/82 bài đọc là các văn bản sao phỏng từ truyện ngụ ngôn nước ngoài. Các bài văn xuôi tiếng Việt thì nhiều bài không có tác giả, văn vẻ lặp đi lặp lại nhiều câu ngô nghê. Ngoài ra, rất nhiều bài đọc có nội dung liên quan đến bạo lực, tật xấu như đe dọa, bắt nạt, lừa đảo, lười biếng. Các nhân vật trong bài cũng không gắn bó thân thiết với nhau, hoạt động chủ yếu của nhân vật này là lo sợ bị ăn thịt, dọa, la, than, cuỗm, quắp, tợp, tha, cắn, mổ, nhá, chộp, tóm cổ, kẹp cổ, nuốt mồi, bắt, chén, hùng hục… Sách cũng dùng quá nhiều phương ngữ, khẩu ngữ, từ ngữ ít dùng, chưa phù hợp với trẻ lớp 1 như “gà nhí”, “gà nhép”, “chuột út”, “sẻ ri”, “ca ri ri”, “nhá cỏ”, “nhá dưa”, “quà quà”, “ngó”, “ngộ”, “ngớ”, “nom”… Một số văn bản có nội dung chắp vá thiếu tính giáo dục. “Với một cuốn sách nhiều lỗi như thế này, việc chỉnh sửa trong thời gian ngắn là rất khó” – chuyên gia này nhận định.
“Sạn” ở nhiều sách
Không chỉ cuốn Tiếng Việt 1 của bộ Cánh Diều mới mắc lỗi mà nhiều phụ huynh, giáo viên cũng chỉ ra nhiều “sạn” ở các cuốn sách Tiếng Việt khác, đơn cử như sách Tiếng Việt 1 – bộ “Cùng học để phát triển năng lực” của NXB Giáo dục Việt Nam. Trong cuốn sách này, nhiều truyện dân gian, thơ, câu đố bị cắt xén tùy tiện. Ví dụ trang 109, sách dẫn truyện “Tấm Cám” như sau: “Tấm mồ côi mẹ, phải ở với mẹ kế là mẹ của Cám. Tấm rất chăm chỉ. Ngày ngày, Tấm mò cua, bắt cá, chăn trâu, cắt cỏ… Còn Cám ham chơi, chả chịu làm gì. Có lần, cả hai đi bắt cá. Cám nghĩ kế lấy hết cá ở giỏ của Tấm để mẹ khen”.
Trên thực tế, đây chỉ đoạn mở đầu của truyện “Tấm Cám”. Cắt ra một mẩu mà lấy tên truyện là “Tấm Cám” thì rõ ràng tác giả sách đã không chuẩn. Tại trang 139 bài tập đọc có đoạn: “Tròn vành vạnh, trắng phau phau/ Ăn no tắm mát rủ nhau đi nằm”, bên cạnh là bức tranh vẽ 6 cái bát.
Một giáo viên chia sẻ sách dạy như thế này thì học sinh không thể biết được là cái bát hay nhiều cái bát. Mà thực tế, bát cũng không chuẩn vì chỉ có đĩa mới “tròn vành vạnh”. Thêm vào đó, tác giả sách cũng đã biến câu đố gốc: “Một đàn cò trắng phau phau/Ăn no tắm mát rủ nhau đi nằm” thành câu hỏi như trên.
Cũng trong sách này, các tác giả cũng tự chỉnh sửa nhiều tác phẩm theo ý mình, như trong trang 155 với bài tập đọc “Hoa khoe sắc” của Thu Hà. Thực ra, tên bài thơ là “Hoa kết trái”. Khổ thơ cuối trong nguyên gốc là: “Này các bạn nhỏ/Đừng hái hoa tươi/Hoa yêu mọi người/Nên hoa kết trái” đã bị biến thành “Nên hoa khoe sắc”…
Một phụ huynh có con học bộ sách “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” phàn nàn sách Tiếng Việt lớp 1 của bộ này rất nặng. Vào tuần cuối của tháng 9, tức là khi học sinh mới chỉ đi học được 3 tuần, trong một buổi học, giáo viên yêu cầu học sinh phải nhớ được 4 chữ gồm n, nh, p, ph. Kèm theo đó là đọc “Nhà bé Thi ở phố nhỏ, phố nhà Thi có phở bò”…
Không giao bài tập cho học sinh lớp 1
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết để triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình, SGK lớp 1 mới, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục để không gây quá tải, giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp, không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh.
Thời khóa biểu cần bảo đảm tỉ lệ hợp lý giữa các môn học và hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1.
Minh bạch trong làm sách
Cho dù Bộ GDĐT đã chỉ đạo có biện pháp khắc phục những sai sót về SGK lớp 1 chương trình GDPT mới, song mối quan tâm đến việc chỉnh sửa SGK, cũng như việc rút kinh nghiệm cho những bộ sách tiếp theo ra sao vẫn đang là mối quan tâm của dư luận.
Ảnh minh họa
Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thu Trang- Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi, việc xuất bản, áp dụng giảng dạy bộ SGK lớp 1 có một số bất cập gây áp lực cho cả học sinh và phụ huynh, đặc biệt về khối lượng kiến thức và sự lãng phí khi không thể tái sử dụng.
Cụ thể, số đầu sách cho mỗi bộ sách quá nhiều (với 23 đầu sách), khối lượng kiến thức nhiều, nhất là một số kiến thức xa rời thực tiễn và chưa phù hợp với độ tuổi; nhiều phụ huynh nghèo, nhất là gia đình vùng nông thôn, miền núi gặp nhiều khó khăn trong việc mua sách do chi phí khá cao; sự thích nghi của giáo viên và học sinh với chương trình mới còn nhiều hạn chế.
Bộ GDĐT phải tổ chức đánh giá nghiêm túc, khoa học, khách quan và có giải pháp khắc phục những hạn chế trên để làm cơ sở cho việc triển khai biên soạn, thẩm định, xuất bản và áp dụng các bộ SGK các lớp, cấp học khác.
Không phải chờ cho đến kỳ họp Quốc hội lần này, từ trước đó cử tri đã bày tỏ sự bức xúc trước thông tin hơn 16 triệu USD được thiết kế vay Ngân hàng thế giới (WB) để biên soạn 1 bộ SGK nhưng sau đó Bộ GDĐT báo cáo không thực hiện được.
Dư luận đặt băn khoăn số tiền này được sử dụng để làm gì? Bởi cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã có 5 bộ SGK lớp 1 được Bộ tổ chức thẩm định và phê duyệt, việc biên soạn bộ SGK riêng của Bộ là không cần thiết, gây lãng phí lớn, làm ảnh hưởng đến chủ trương xã hội hóa giáo dục...
Theo lý giải của Bộ GDĐT, hiện nay Bộ không tiếp tục biên soạn một bộ SGK, do đó, muốn nhận được hỗ trợ kinh phí thì phải tái cấu trúc, tái phân bổ nguồn kinh phí đó. Bộ GDĐT sẽ phải tính toán sẽ sử dụng vào việc gì cho phù hợp trong việc triển khai chương trình mới. Do vậy, khoản kinh phí này vẫn trong tài khoản của WB.
Đại diện Bộ GDĐT khi trao đổi với báo chí về vấn đề này đã cho biết: Số tiền 16 triệu USD thực chất là đang trên kế hoạch thiết kế, nhưng khi thực hiện các đầu việc thấy hợp lý, khả thi thì mới được WB giải ngân. Chứ không phải là Bộ GDĐT đã được nhận số tiền 16 triệu USD và không làm SGK thì thừa ra làm việc khác. Tất cả mọi việc thực hiện theo mục tiêu của Dự án và sự giám sát chi tiêu của Bộ Tài chính và WB.
Như vậy, việc biên soạn SGK tới đây sẽ tiếp tục theo tinh thần xã hội hóa. Từ kinh nghiệm của bộ sách lớp 1 Cánh Diều, bài học quan trọng nhất rút ra là thẩm định SGK cần phải làm bài bản, minh bạch hơn. Tránh tình trạng như năm nay, bản thảo được bảo mật nên ngoài các tác giả và hội đồng thẩm định thì không ai biết nội dung SGK thế nào.
Đến khi in ấn xong rồi, SGK cũng không được phát hành sớm tại nhà sách như các năm trước nên phụ huynh muốn mua cũng không có. Các chuyên gia cũng phải rất khó khăn mới có được sách để tham khảo và lựa chọn. Đặc biệt về phía các tác giả, quy trình tổ chức biên soạn SGK cần phải khoa học và nghiêm túc hơn nữa. Nếu không, những sai sót đáng tiếc sẽ là không tránh khỏi.
Bộ GD-ĐT nhận trách nhiệm để xảy ra bức xúc về bộ sách 'Cánh Diều' Báo cáo Quốc hội, Bộ GD-ĐT thừa nhận, việc để xảy ra bức xúc trong dư luận về sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ Cánh Diều có trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, hội đồng thẩm định và tác giả. Bộ GD-ĐT nhận một phần trách nhiệm vì để xảy ra bức xúc liên quan đến sách Cánh Diều -...