Nhiều quy định “cởi trói” cho các trường
Những kết quả tích cực khi thực hiện thí điểm Nghị quyết số 77/NQ-CP sẽ được đưa vào và thể chế hóa chính thức trong dự thảo Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) sửa đổi bổ sung.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết thông tin này tại buổi giao lưu trực tuyến “ Tự chủ đại học – Xu thế phát triển tất yếu” do báo Đảng Cộng sản phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 25/10.
Trường công – tư cạnh tranh bình đẳng
Phát biểu đề dẫn buổi giao lưu, Tổng biên tập báo Đảng Cộng sản Trần Doãn Tiến nhấn mạnh, nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 -NQ/TƯ về đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, vấn đề tự chủ ĐH ở nước ta đã có những chuyển biến tích cực. Thực hiện Nghị quyết số 77/NQ/TƯ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở GDĐH công lập giai đoạn 2014 – 2017, đến nay đã có 23 trường ĐH được Chính phủ cho thí điểm. Sau 3 năm, các cơ sở GDĐH đã có những thành tựu nhất định và được xã hội công nhận. Các trường ĐH đã chủ động mở ngành và phát triển chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội, phương pháp và nội dung giảng dạy tiếp cận chuẩn quốc tế. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, từ những kết quả khả quan khi thực hiện nghị quyết 77, trong dự thảo Luật GD ĐH sửa đổi, bổ sung để trình Quốc hội thông qua 2018, nội dung tự chủ ĐH được làm rõ hơn ở Điều 32 để tạo thuận lợi cho các trường phát triển.
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh vào trường ĐH Ngoại thương. Ảnh:Thủy Trúc:
Ngoài ra, còn có những điều khác có liên quan đến tự chủ như về chuyên môn học thuật, tuyển sinh, mở ngành đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế. Tự chủ về nhân sự bộ máy cũng được quy định chi tiết hơn. Dự thảo Luật GDĐH cũng có những điều chỉnh quan trọng theo hướng khuyến khích sự phát triển của các trường tư thục và đảm bảo sự bình đẳng giữa các loại hình cơ sở GDĐH. Trong quy định liên quan đến tự chủ về chuyên môn học thuật, dự thảo Luật GDĐH không phân biệt giữa các loại hình sở hữu trường công – tư, mà chỉ căn cứ vào đều kiện và năng lực. Ví dụ, các trường công, tư được tự chủ mở ngành đào tạo nếu đáp ứng được điều kiện về kiểm định chất lượng, chứ không chỉ 23 trường đang thực hiện thí điểm theo Nghị quyết 77.
Các chính sách lớn của Nhà nước đối với GDĐH được quy định trong dự thảo Luật cũng không phân biệt trường công, tư mà bình đẳng tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong tiếp cận nguồn lực. “Đối với trường tư thục, dự thảo Luật GDĐH có quy đinh rành mạch, rõ ràng hơn để khuyến khích và tạo điều kiện cho các trường phát triển tốt hơn, cũng như có phân biệt rạch ròi. Ví dụ trước đây, cơ cấu tổ chức trường tư thục có khác biệt so với trường công lập nhưng hiện nay cũng đảm bảo bình đẳng giữa hai loại hình trường để quyền tự chủ thực hiện một cách đồng bộ” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.
Video đang HOT
Tự chủ nhưng không được phép thu học phí quá cao
Tự chủ về tài chính đồng nghĩa với các trường được thu mức học phí cao, sinh viên trong hoàn cảnh khó khăn khó có cơ hội tiếp cập giáo dục ĐH. Trước những băn khoăn này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chia sẻ đây là vấn đề Bộ GD&ĐT rất quan tâm khi thực hiện sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH. Theo Thứ trưởng Phúc, Nhà nước có trách nhiệm về vấn đề học bổng và chính sách tín dụng cho sinh viên nghèo. Bộ GD&ĐT quy định các trường trích một nguồn học phí để cấp học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, hiện nay, ĐH tự chủ chi thường xuyên 100% mới được xác định mức thu học phí để đảm bảo bù đắp chi phí đào tạo nhưng cam kết về chất lượng. Nhưng, không phải các trường muốn thu cao đến mức nào mà trên cơ sở bù đắp chi phí đào tạo hợp lý. Các trường công lập nhận ngân sách chi thường xuyên thì thực hiện theo quy định khung giá của Chính phủ.
Thực tế hiện nay, nhiều trường ĐH rất lo lắng nếu phải thực hiện tự chủ nếu phải thu học phí cao thì không có người học. Trong khi không phải trường nào cũng có thể nghiên cứu khoa học, sản xuất để tăng nguồn thu. Chia sẻ vấn đề này, Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương Bùi Anh Tuấn cho rằng tự chủ ĐH là xu thế tất yếu. Mức độ tự chủ đối với các cơ sở GDĐH là khác nhau vì phụ thuộc vào năng lực và điều kiện của từng trường. Hiện nay, đa số các trường ĐH, khi hình thành đều có ngành nghề truyền thống gắn liền với tên tuổi của mình. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập thì cần phải xem lại cơ cấu ngành nghề cho phù hợp với thị trường lao động. “Trường chúng tôi có ngành truyền thống rất nổi tiếng như chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, nhu cầu xã hội rất lớn, điểm tuyển sinh thuộc top đầu các trường của cả nước. Nhưng chúng tôi cũng phải tính đến những ngành nghề mới đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. 3 năm gần đây, chúng tôi mở môt số ngành như Kế toán, Logicstic, Kinh doanh quốc tế đáp ứng chuẩn thế giới” – ông Bùi Anh Tuấn cho biết. Đồng thời khuyên các trường ĐH cũng trong điều kiện tương tự, bên cạnh những ngành nghề truyền thống, cần cân nhắc tới ngành mới đáp ứng nhu cầu nhân xã hội. Có như thế mới giải được bài toán khó khăn về kinh phí và mang đến thành công.
Theo kinhtedothi
Giáo dục đại học Việt Nam: Bước "nhảy vọt" trong công bố quốc tế
Chỉ tính riêng công bố quốc tế của 30 trường đại học hàng đầu Việt Nam, tính từ 2017 đến tháng 6/2018 đã đạt 10.515 bài, bằng cả giai đoạn 5 năm trước 2011-2015 công bố trên toàn quốc.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đã cho biết như vậy khi tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 về Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo trong giáo dục đại học.
Bước chuyển mình mạnh mẽ về nghiên cứu khoa học trong giáo dục đại học Việt Nam
Cả nước có 945 nhóm nghiên cứu
Theo GS Nguyễn Đình Đức, 3 thành tựu nổi bật của giáo dục đại học Việt Nam đã làm được trong 5 năm qua khi thực hiện Nghị quyết 29 là đã hội nhập và theo chuẩn mực của quốc tế; đã có sự đột phá về chất lượng và có sự chuyển mình mạnh mẽ về chương trình đào tạo, cơ cấu nguồn nhân lực.
Đặc biệt, đối với lĩnh vực nghiên cứu khoa học, trước đây, hoạt động nghiên cứu khoa học, gắn kết chặt đào tạo với nghiên cứu thường chỉ được chú trọng ở các đại học lớn. Sau khi có Nghị quyết 29, để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, hoạt động đào tạo gắn với nghiên cứu được Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm chỉ đạo triển khai ở tất cả các trường đại học.
Các trường đại học đã chú trọng xây dựng các nhóm nghiên cứu (NNC) để tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế. Ngoài hai Đại học Quốc gia, nhiều trường đại học đã xác định mục tiêu phát triển thành các đại học nghiên cứu tiên tiến.
Theo báo cáo khảo sát của Bộ GD&ĐT, tính đến hết năm 2017, trong các trường đại học có 945 NNC, một trường đại học có trung bình 7 NNC trong đó cơ sở đào tạo có nhiều nhóm nghiên cứu nhất là Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Đà Nẵng, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, ĐHQG Hà Nội và trường ĐH Tây Nguyên,..
GS Đức cho rằng, thành tích lớn nhất của 5 năm qua là giáo dục đại học Việt Nam đã tạo được sự chuyển biến đột phá về chất lượng. Chất lượng đội ngũ đã tăng lên từng bước, từng năm theo chuẩn quốc tế. Nếu như trước đây, GS, PGS,TS không yêu cầu bắt buộc có công bố quốc tế, thì nay, với quy chế mới về tiêu chuẩn chức danh, bắt buộc yêu cầu GS, PGS và cả các NCS khi bảo vệ luận án đều phải có công bố quốc tế.
Theo GS Đức, nếu năm 2006, mới có giảng viên Trần Hữu Nam, NCS ngành toán của ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN lần đầu tiên làm NCS trong nước đã công bố được 1 bài ISI trong quá trình làm luận án (và đã được đặc cách bảo vệ sớm luận án TS, thì nay 80% các NCS trong lĩnh vực KHTN- CN của ĐHQGHN, cũng như nhiều NCS của trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, trường ĐH Y Hà Nội, trường ĐH Tôn Đức Thắng, trường ĐH Duy Tân và nhiều trường đại học khác khi bảo vệ luận án TS đều đã có công bố quốc tế ISI,....
Cá biệt có những trường hợp đặc biệt xuất sắc như NCS Trần Quốc Quân, NCS Phạm Hồng Công - ngành Cơ học Kỹ thuật của Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN, từ khi là sinh viên đến khi bảo vệ luận án TS chỉ có 3 năm (được chuyển tiếp NCS) và mỗi em đã có khoảng 20 bài báo trên các tạp chí quốc tế ISI có uy tín, còn hơn nhiều NCS được đào tạo hoàn toàn ở nước ngoài.
"Nhảy vọt" trong công bố quốc tế
Nhờ nâng chuẩn chất lượng và có chính sách hỗ trợ cho nghiên cứu và các nhóm nghiên cứu, công bố quốc tế của Việt Nam đã tăng mạnh trong 3 năm gần đây.
GS Nguyễn Đình Đức cho hay, năm 2013, trước khi có Nghị quyết 29, tổng công bố quốc tế của cả Việt Nam hết sức khiêm tốn, ở mức 2309 bài. Tuy nhiên, theo thống kê mới đây của nhóm nghiên cứu độc lập trường ĐH Duy Tân, tính từ 2017 đến thời điểm công bố vào tháng 6/2018, chỉ riêng các công bố quốc tế của 30 trường đại học Việt Nam hàng đầu đã đạt 10.515 bài, hơn cả giai đoạn 5 năm trước 2011-2015, khi đó toàn Việt Nam, trong 5 năm mới có 10.034 bài.
Theo GS Đức, nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế đã trở thành tiêu chí bắt buộc của giảng viên đại học. Công ăn việc làm, kiến thức chuyên môn song hành với ngoại ngữ và kỹ năng mềm cho người học là kim chỉ nam cho hoạt động đào tạo trong các trường đại học hiện nay. Cho thấy giáo dục đại học Việt Nam đang có sự chuyển biến và đột phá về chất hết sức quan trọng, theo các yêu cầu và chuẩn trình độ quốc tế.
Lần đầu tiên Việt Nam có đại học lọt tốp xếp hạng thế giới
Tính đến ngày 31/8/2018, có 218 cơ sở giáo dục đại học và 33 trường cao đẳng sư phạm hoàn thành tự đánh giá; 124 cơ sở giáo dục đại học và 03 trường cao đẳng sư phạm được đánh giá ngoài, trong đó 117 cơ sở giáo dục đại học và 03 trường cao đẳng sư phạm đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng; 10 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài và được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng; 06 trường đại học được đánh giá ngoài và được công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của Hội đồng Cấp cao về Đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (HCERES) và Mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA); 107 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài và công nhận.
Lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục đại học Việt Nam, vào năm 2018, 2 Đại học Quốc gia có tên trong danh sách xếp hạng 1000 trường hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng QS; trên 10 cơ sở GDĐH của Việt Nam có tên trong các bảng xếp hạng nghiên cứu SCImago, thứ hạng cũng dần được cải thiện. Ngoài ra, còn có 3 cơ sở GDĐH được chứng nhận 3 sao theo QS-Stars.
Hồng Hạnh
Theo Dân trí
Gần 24 triệu học sinh, sinh viên dự Lễ khai giảng năm học 2018 - 2019 Hôm nay 5/9, gần 24 triệu học sinh, sinh viên cả nước đến trường dự Lễ khai giảng năm học 2018 - 2019 (Năm nay, số lượng học sinh tăng hơn 2 triệu so với năm học trước). Đây là năm học có tính chất bản lề trong lộ trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29. Năm...