Nhiều phụ huynh trường Vĩnh Phong 4 muốn đòi lại tiền xã hội hóa giáo dục
Nhiều phụ huynh nghi ngờ nhà trường có dấu hiệu thu tiền huy động từ nguồn xã hội hóa không đúng với quy định nên muốn đòi lại.
Dùng công văn hết hiệu lực để trình Ủy ban thông qua việc thu tiền
Ngày 15/8, nhiều phụ huynh trường Tiểu học Vĩnh Phong 4 ( huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) đã tìm cách liên hệ với giáo viên chủ nhiệm để đòi lại tiền đã đóng.
Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, ngày 13/8, phụ huynh của trường Tiểu học Vĩnh Phong 4 phải đóng nhiều khoản tiền vô lý căn cứ trên tờ trình số 03/TTr-THVP4 ngày 12/8/2019 về việc huy động từ nguồn xã hội hóa giáo dục năm 2019 – 2020.
Các khoản tiền trường Tiểu học Vĩnh Phong 4 liệt kê để thu của phụ huynh. (Ảnh: H.L)
Tờ trình này do Hiệu trưởng Trịnh Ngọc Thùy Mai ký ban hành có xác nhận của ông Cô Văn Niết – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Phong.
Tờ trình căn cứ công văn số 6890/BGD&ĐT-KHTC ngày 18/10/2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn, quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của các cơ sở Giáo dục và Đào tạo.
Việc căn cứ công văn số 6890/BGD&ĐT-KHTC mà nhà trường trình cho Ủy ban nhân dân xã để xác nhận thu tiền của phụ huynh đã hết hiệu lực.
Phụ huynh phát hiện sự việc nhà trường có dấu hiệu chưa trung thực trong việc ban hành văn bản để kêu gọi xã hội hóa giáo dục nên muốn lấy lại tiền.
Phụ huynh tên Lan (đã đổi tên nhân vật), có con học lớp 4 tại trường khẳng định, với số tiền 120.000 đồng để quyên góp là không nhiều, nhưng có cảm giác bị lừa dối.
Phụ huynh muốn minh bạch tất cả các khoản phải đóng tại nhà trường chứ không thể dùng một văn bản thiếu tính pháp lý để buộc phụ huynh hỗ trợ.
Phó Chủ tịch xã ký xác nhận tờ trình thu tiền học sinh khi Chủ tịch xã đi vắng
Theo bảng liệt kê các khoản thu ở trường, gồm: Quỹ khuyến học: 40.000 đồng; Quỹ lớp: 20.000 đồng; Quỹ vệ sinh: 30.000 đồng; Vở bài tập Tiếng việt Toán: 100.000 đồng; Sách Anh văn ( Giá cả khác nhau, vì lớp học khác nhau); Đồng phục học sinh (Giá tiền 90.000đ/ bộ).
Video đang HOT
Ngoài ra, phụ huynh còn phải đóng thêm các khoản, gồm: Tiền quỹ Đội; Tiền giấy thi (từ 12.000 đồng đến 22.000 đồng tùy theo khối); Tiền sổ khám bệnh.
Đối với đồng phục học sinh, Ban đại diện cha mẹ học sinh có trách nhiệm tổ chức mua cho học sinh. Các phụ huynh muốn biết số tiền “xã hội hóa” 120.000 đồng đã thu có được trả lại không?Tất cả các khoản thu trên đều không nằm trong phạm vi phải thu của nhà trường.
Với những phụ huynh chưa đóng tiền “xã hội hóa” thì có phải đóng nữa không?
Ngày 15/8, Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Võ Văn Kiệu – Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Phong.
Ông Kiệu xác nhận đã nắm vụ việc và sẽ chỉ đạo xử lý.
Theo nguồn tin của Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thời điểm ông Cô Văn Niết – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã đóng dấu ký xác nhận cho Hiệu trưởng thu các khoản trên là lúc ông Kiệu đang đi học tại Thành phố Cần Thơ.
Một số ý kiến thắc mắc, Phó Chủ tịch xã, ông Cô Văn Niết có đủ thẩm quyền để ký xác nhận trên Tờ trình của Hiệu trưởng trường Tiểu học Vĩnh Phong 4 hay không?
Hưng Long
Theo giaoduc.net
Năm nào cũng thay sách, chúng tôi biết lấy tiền đâu để mua?
Họ sẽ ít vẽ vời chỉnh sửa này kia, ít yêu cầu các trường thay sách từ nhà xuất bản này sang nhà xuất bản khác, ít nói rằng giáo trình này hơn giáo trình khác..
Người đàn bà chở xe đồng nát, tấp vội vào bên hiên một cửa hàng văn phòng phẩm.
Sách Mỹ thuật mới vừa được thay trong năm học này trước thềm thay sách (Ảnh tác giả).
Chị tất tả bước vào, khuôn mặt nóng bừng vì nắng.
Những giọt mồ hôi chảy thành dòng chan hòa trên làn da khắc khổ, sạm đen.
Chị nói với cô bán hàng: "Tôi muốn mua một bộ sách lớp 2 cho con".
Chị chép miệng, hôm trước có xin cho con được bộ sách cũ nhưng không học được vì 2 cuốn sách Toán, tiếng Việt rách tả tơi từng tờ.
Những cuốn sách giáo khoa VNEN học mới vài tuần đã bong tróc từng tờ thế này (Ảnh tác giả).
Họ in gì mà ẩu thế không biết? Sách học chưa hết năm đã nhàu nát, rách bươm.
Nói rồi chị chép miệng: "Chẳng bù cho ngày xưa, một bộ sách giáo khoa học tới mấy khóa vẫn còn dùng tốt".
Bộ sách Anh văn dù còn mới nhưng đã bị viết nhoe nhoét cũng không thể học được.
Cô bán hàng thông báo tiếp, năm nay còn phải mua thêm cuốn sách học Mỹ thuật theo chương trình Đan Mạch.
Chị đồng nát buột miệng kêu "Trời!".
Tiếng cô bán hàng còn rầu rỉ hơn: "Chị mua thêm một cuốn còn thế, tôi đây bỏ đi hàng trăm cuốn vở Mỹ thuật thì biết kêu ai?"
Chị tính, năm thì đổi sách Tin học, năm đổi giáo trình Anh văn, sách Mỹ thuật, rồi thay sách Vnen vì có chỉnh sửa...tính ra năm nào học sinh cũng phải mua sách mới.Nói rồi chị bán hàng than: "Năm nào cũng thay sách, chúng tôi bán được hàng nhưng lại thương những phụ huynh nghèo không có tiền mua sách cho con".
Và năm nào những hiệu sách ở các địa phương cũng phải bán đồng nát hàng trăm cuốn sách bị tồn kho năm ngoái.
Một bộ sách có ít tiền đâu, không mua sách nâng cao chỉ sách giáo khoa và thêm một vài cuốn vở bài tập thì bộ sách đã lên gần 500 ngàn đồng.
Nhà một con đi học đã khổ, vài ba đứa chỉ tiền mua sách cũng xính rính luôn.
Đáng buồn là, dù phải bỏ ra số tiền mua sách gấp mấy lần bộ sách cũ trước đây, thế nhưng sách mới mua cũng chỉ học được vài tháng, cùng lắm hết năm là vứt.
Nhà có 2 anh em nhưng em chẳng thể học lại sách do anh để lại.
Cô bán hàng còn kể cho chúng tôi nghe không ít chuyện xót lòng khi có những phụ huynh không đủ tiền mua cho con bộ sách phải xin cô được trả góp hằng ngày.
Thế là chiều nào cũng vậy, người mẹ ấy ghé hàng sách của cô gửi 20 ngàn đồng.
Chị phải góp trong 2 tháng mới đủ tiền mua sách, vở, bút viết cho 2 đứa con.
Ai dè sách của con có những bài toán, những phép tính khác các bạn.Người mẹ cũng giải bày, rút kinh nghiệm năm ngoái không có tiền nên cho con học bộ sách cũ đi xin.
Dù không nhiều nhưng cũng rất khó khăn khi các bạn sửa bài theo nhóm.
Rút kinh nghiệm năm học này, dù bộ sách cũ của anh vẫn còn dùng được nhưng chị vẫn không thể cho con bé em học.
"Thôi mình ăn ít lại, mình mặc ít đi, dồn tiền mua cho con bộ sách mới để con học đỡ vất vả".
Những câu chuyện thế này, những lời phân trần trách móc:
"Người ta không biết thương người nghèo!" giá mà có thể đến tai các nhà xuất bản, những người có trách nhiệm thì biết đâu đó họ sẽ động lòng trắc ẩn cũng nên?
Biết đâu đó, họ sẽ ít vẽ vời chỉnh sửa này kia, ít yêu cầu các trường thay sách từ nhà xuất bản này sang nhà xuất bản khác, ít nói rằng giáo trình này (sách Tin, tiếng Anh và Mỹ thuật) hơn giáo trình khác cho dân nghèo bớt khổ?
Đỗ Quyên
Theo giaoduc.net
Xã hội hóa giáo dục - tháo gỡ "điểm nghẽn": Ám ảnh... lạm thu Năm học mới cận kề, cũng là lúc nhiều phụ huynh bắt đầu lo "ngay ngáy" về chuyện đóng góp đầu năm học. Ngoài khoản thu theo quy định, không ít cơ sở GD "phát minh" ra nhiều khoản mới, núp bóng Ban đại diện cha mẹ học sinh, đôi khi trở thành gánh nặng, thậm chí nỗi ám ảnh cho nhiều gia...