Nhiều nơi vi phạm nghiêm trọng về tuyển dụng, bố trí giáo viên
Cả nước thiếu gần 76.000 giáo viên nhưng là thiếu cục bộ ở một số địa phương, trong khi nhiều nơi vi phạm nghiêm trọng quy định về tuyển dụng, bố trí, phân công giáo viên.
Thứ trưởng Độ cho biết cả nước hiện thiếu 43.732 giáo viên mầm non, 18.953 giáo viên tiểu học, 10.142 giáo viên THCS. Đây là số thiếu cục bộ ở một số địa phương, mặc dù cả nước hiện vẫn thừa 12.165 giáo viên THCS.
Đặc biệt, một số nơi đã vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về tuyển dụng, bố trí, phân công giáo viên, gây nhiều bức xúc trong đội ngũ giáo viên và xã hội.
Thừa, thiếu giáo viên
- Xin thứ trưởng cho biết về thực trạng thừa, thiếu giáo viên hiện nay ở các địa phương như thế nào?
- Từ năm 2012, sau khi Luật Viên chức có hiệu lực, Chính phủ, Bộ Nội vụ đã xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, trong đó có vấn đề về tuyển dụng, sử dụng viên chức.
Theo đó, việc tuyển dụng giáo viên các cấp học thực hiện theo quy định tại Nghị định số 29/2012/NG-CP của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Các địa phương đã thực hiện việc tuyển dụng đảm bảo số lượng đội ngũ thực hiện nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, do thẩm quyền giao biên chế, tuyển dụng, quản lý viên chức ngành giáo dục (giáo viên, nhân viên trong và ngoài biên chế) thuộc UBND các cấp và ngành Nội vụ. Việc phân công đầu mối phụ trách công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ giáo viên của các địa phương còn nhiều bất cập.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ . Ảnh: Tiền Phong.
Ngành giáo dục (đặc biệt là phòng GD&ĐT) không được giao nhiệm vụ chủ trì, đầu mối tham mưu giúp UBND huyện tuyển dụng giáo viên nên không chủ động được trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học dẫn đến tình trạng thừa/thiếu giáo viên giữa các cấp học trong cùng một địa phương. Đến tháng 8/2018, so với định mức giáo viên/lớp quy định, cả nước thiếu 43.732 giáo viên mầm non, 18.953 giáo viên tiểu học, 10.142 giáo viên THCS (đây là số thiếu cục bộ ở một số địa phương, mặc dù cả nước hiện vẫn thừa 12.165 giáo viên THCS).
Đặc biệt, một số nơi đã vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về tuyển dụng, bố trí, phân công giáo viên, gây nhiều bức xúc trong đội ngũ giáo viên và xã hội, điển hình như vụ việc hợp đồng lao động đối với giáo viên ở huyện Krông Pắk, Đắk Lắk và một số địa phương khác mà báo chí đã
- Việc thừa, thiếu giáo viên mầm non, phổ thông hiện nay xuất phát từ những nguyên nhân nào?
- Việc thừa, thiếu giáo viên xảy ra ở một số địa phương hiện nay là do một số nguyên nhân chủ yếu sau:
Việc biến động về quy mô trường/lớp do dồn dịch, cơ cấu lại các trường hoặc do tăng dân số cơ học tại các khu vực trung tâm, thành phố lớn, khu công nghiệp dẫn tới việc thừa, thiếu cục bộ tại một số địa phương, khu vực nhất định.
Đối với mầm non, việc huy động trẻ ra lớp tăng cao, tốc độ nhanh do nhu cầu, cũng như việc thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Tổng biên chế của các tỉnh có xu hướng giảm (do thực hiện tinh giản biên chế), trong khi đó số lượng giáo viên tuyển ở các cấp trên (đặc biệt là THCS và THPT) có xu hướng thừa so với nhu cầu, do đó không còn biên chế cho cấp học mầm non.
Video đang HOT
Công tác xây dựng quy hoạch, dự báo nhu cầu về đội ngũ của các địa phương chưa kịp thời hoặc không hiệu quả dẫn đến bị động trong bố trí số lượng giáo viên.
Việc phân cấp trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập vì hầu hết ở các địa phương, cơ quan chuyên môn là sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên nên không chủ động được trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học.
Trong khi đó, các cơ quan có thẩm quyền quản lý trực tiếp cũng chưa có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục đối với công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ dẫn đến những bất cập hiện nay.
- Đối với những địa phương vẫn còn tình trạng thừa, thiếu và hợp đồng giáo viên không đúng quy định, đặc biệt là vấn đề thiếu giáo viên do tăng trưởng “ nóng” về quy mô học sinh, Bộ GD&ĐT đã có những giải pháp để khắc phục tình trạng này như thế nào?
- Trước vấn đề thừa, thiếu cục bộ giáo viên, đặc biệt là vấn đề thiếu giáo viên do tăng trưởng “nóng” về quy mô học sinh đang xảy ra ở một số địa phương, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới trường, lớp, không để những trường quy mô nhỏ, lớp có số lượng học sinh không đủ theo định mức để thực hiện điều tiết giáo viên từ những trường thừa sang những trường, lớp thiếu giáo viên; ưu tiên bố trí biên chế của các địa phương để tuyển dụng giáo viên, không xảy ra tình trạng có học sinh mà không có giáo viên dạy học.
Để khắc phục tình trạng còn một số lượng lớn giáo viên mầm non, phổ thông đang hợp đồng lao động và tình trạng thiếu giáo viên mầm non, nhất là việc một số địa phương có tăng trưởng “nóng” về quy mô học sinh do phát triển mạnh các khu công nghiệp, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2018, Thủ tướng đã chỉ đạo và giao Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp Bộ GD&ĐT xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu biên chế ngành giáo dục của một số địa phương cho phù hợp với mức tăng dân số cơ học, bảo đảm phù hợp Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, Bộ Nội vụ đã họp bàn với Bộ GD&ĐT thống nhất chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiến hành rà soát vấn đề biên chế, hợp đồng lao động đối với giáo viên trong các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục; rà soát, tổng hợp về dân số, số học sinh trên địa bàn từ năm 2015 đến năm 2018 nhằm làm rõ việc tăng, giảm về dân số và tăng, giảm học sinh tại các cấp học, bậc học, trong đó tập trung làm rõ việc tăng, giảm học sinh cơ học tại các cấp học, bậc học ở các địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị.
Trên cơ sở đó tổng hợp nhu cầu về giáo viên cần tăng thêm của tỉnh sau khi đã thực hiện tự điều chỉnh, cân đối trong tổng số người làm việc được giao của địa phương nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu để Bộ Nội vụ thống nhất với Bộ GD&ĐT phương án trình Thủ tướng xem xét, quyết định để giải quyết những khó khăn, bất cập của các phương nhằm bảo đảm không để xảy ra tình trạng có trường, lớp, học sinh mà không có giáo viên giảng dạy.
- Việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên của ngành giáo dục trước thềm năm học mới 2018-2019 như thế nào?
- 2018-2019 là năm học tiếp tục thực hiện 9 nhiệm vụ trong tâm và 5 giải pháp của ngành giáo dục đã đề ra; đồng thời là năm học mà toàn ngành đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2019-2020.
Bộ GD&ĐT luôn xác định và đề cao vai trò có tính chất “then chốt ” của đội ngũ giáo viên – nhân tố quyết định đến kết quả và sự thành công trong triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ năm học cũng như công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Ngay từ học kỳ II của năm học 2017-2018, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương rà soát hiện trạng giáo viên theo từng môn học, cấp học gắn với quy hoạch, cơ cấu lại hệ thống các cơ sở giáo dục để sắp xếp, bố trí, sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên hiện có cho năm học 2018-2019; đồng thời, điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm sát với nhu cầu sử dụng.
Đến nay, theo chỉ đạo của bộ, các địa phương đang thực hiện việc tuyển dụng, sắp xếp đội ngũ và tổ chức các khóa bồi dưỡng hè về chính trị, phương pháp, nghiệp vụ dạy học cho tất cả cán bộ quản lý, giáo viên các cấp; tiếp tục thực hiện các chính sách và làm tốt việc đánh giá, tôn vinh, khen thưởng đối với đội ngũ.
Bắt đầu từ năm học này, bộ cũng chỉ đạo các địa phương thực hiện đánh giá cán bộ quản lý, giáo viên theo các chuẩn/tiêu chuẩn mới được ban hành thay thế cho các chuẩn trước đây nhằm giúp cho bộ có được bức tranh tổng thể về chất lượng đội ngũ, từ đó có những chỉ đạo và kế hoạch để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ.
Thu nhập của giáo viên Việt Nam còn hạn chế. Ảnh minh họa: Việt Hùng.
Sẽ chấn chỉnh đạo đức nhà giáo
- Năm học vừa qua, một số địa phương vẫn xảy ra tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội, Thứ trưởng cho biết giải pháp của Bộ GD&ĐT để khắc phục tình trạng này như thế nào trong năm học 2018-2019?
- Thứ nhất, bộ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc, có kết quả Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Đồng thời, hoàn thiện đề án xây dựng văn hoá ứng xử trong trường học trình Thủ tướng phê duyệt để triển khai thực hiện từ năm học này; chỉ đạo sửa đổi, bổ sung các nội dung về đạo đức nhà giáo, đưa quy tắc ứng xử vào trong quy chế làm việc; phát huy dân chủ trường học.
Thứ hai, bộ chỉ đạo các địa phương quán triệt và tổ chức cho giáo viên học tập Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT ngày 15/5/2018 về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo trong đợt học hè và bước vào năm học mới.
Theo đó, để nâng cao đạo đức nhà giáo, chấn chỉnh tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên xây dựng và tập huấn cho giáo viên cách nhận diện và phòng ngừa những tình huống, nguy cơ có thể dẫn đến hành vi vi phạm đạo đức; hỗ trợ tư vấn tâm lý cho nhà giáo và người học khi có tình huống xảy ra; tăng cường thanh tra, kiểm tra nền nếp, kỷ cương trường học; xử lý nghiêm các giáo viên, nhân viên, người lao động có hành vi vi phạm đạo đức, hành vi bạo hành thể chất, tinh thần học sinh và người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra các vụ việc vi phạm; phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về giáo dục.
Thứ ba, bộ đã rà soát, hoàn thiện các chuẩn nghề nghiệp của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong đó có quy định về phẩm chất đạo đức nhà giáo; xây dựng chương trình bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo chuẩn nghề nghiệp; rà soát, hướng dẫn nội dung bồi dưỡng thường xuyên, chú trọng bồi dưỡng đạo đức nhà giáo, kỹ năng xử lý tình huống sư phạm; chỉ đạo đổi mới hoạt động đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm, xây dựng chuẩn đầu ra cho sinh viên sư phạm gắn với chuẩn nghề nghiệp giáo viên, trong đó chú trọng tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp.
Thứ tư, trong năm học này, Bộ GD&ĐT tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nhà giáo; kịp thời nắm bắt các thông tin xử lý tại địa phương và tôn vinh, tuyên dương, khen thưởng, tuyên truyền rộng rãi trong toàn ngành các tấm gương người tốt, việc tốt.
- 2018-2019 là năm học quan trọng đối với ngành giáo dục trong việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới theo lộ trình, bắt đầu triển khai từ năm học 2019-2010 đối với lớp 1, xin thứ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này.
- Đúng như vậy, 2018-2019 là năm học mà toàn ngành giáo dục bước đầu phải hoàn tất các khâu chuẩn bị cho quá trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, đặc biệt là lớp 1. Vì vậy, ngoài việc chuẩn bị giáo viên đủ về số lượng và cơ cấu môn học, Bộ GD&ĐT đã và đang triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mà Thủ tướng đã phê duyệt.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, đơn vị đang triển khai thực hiện quy hoạch, sắp xếp hệ thống các trường sư phạm; đổi mới và xây dựng mới 50 chương trình đào tạo; thực hiện giao chỉ tiêu tuyển sinh gắn với nhu cầu sử dụng theo đề xuất của UBND các tỉnh, thành phố. Công tác bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới đã được chuẩn bị chu đáo, cụ thể:
Bồi dưỡng giáo viên về Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và Chương trình môn học theo từng cấp học được thực hiện cùng với lộ trình thực hiện đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông. Việc bồi dưỡng sẽ được thực hện thông qua hình thức trực tuyến.
Bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên về sách giáo khoa mới (nhà xuất bản có sách giáo khoa được lựa chọn sử dụng có trách nhiệm phối hợp với ngành Giáo dục tổ chức tập huấn cho giáo viên theo sách giáo khoa đã được phê duyệt cho phép sử dụng và được nhà xuất bản phát hành).
Bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên, cán bộ quản lý theo chuẩn nghề nghiệp cho đội ngũ 360 giảng viên sư phạm chủ chốt, 28.000 giáo viên và 4.000 CBQLPT cốt cán và tất cả cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên phạm vi cả nước.
Bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về một số năng lực cốt lõi để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới: Năng lực dạy học tích hợp, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, phát triển chương trình nhà trường…
Các nội dung này, Bộ GD&ĐT đã tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên cốt cán phổ thông từ năm 2014, các cơ sở đào tạo giáo viên chủ động cập nhật, bổ sung nội dung bồi dưỡng và phối hợp với các sở giáo dục và đào tạo để bồi dưỡng cho giáo viên đối với những địa phương có nhu cầu.
Thời gian thực hiện các hoạt động đào tạo bắt đầu từ năm 2018 đến 2023 theo niên chế năm học; các hoạt động bồi dưỡng từ năm 2018 đến 2023 vào thời điểm tháng 7, tháng 8 hàng năm.
Cụ thể, năm 2019 bồi dưỡng lớp 1; năm 2020 bồi dưỡng lớp 2, 6; năm 2021 bồi dưỡng lớp 3,7,10; năm 2022 bồi dưỡng lớp 4, 8 11; năm 2023 bồi dưỡng lớp 5, 9, 12.
Theo Tiền phong
Đắk Lắk: Tòa án chuyển hồ sơ vụ giáo viên kiện nhà trường sang Công an để điều tra
Nhận thấy nhà trường đã đơn phương cắt hợp đồng trái với quy định pháp luật, 5 thầy cô giáo trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) đã tiến hành khởi kiện trường ra tòa.
Sáng 25/8, một lãnh đạo Công an huyện Krông Pắk cho biết đã nhận được hồ sơ của TAND huyện về việc 5 giáo viên (GV) hợp đồng mất việc khởi kiện Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (xã Krông Búk) đã đơn phương cắt hợp đồng trái quy định để "xem xét dấu hiệu tội phạm".
"Đây là quan điểm của tòa và họ đã chuyển hồ sơ sang thì trách nhiệm của công an là phải tiến hành xác minh để đưa ra kết luận cuối cùng", vị lãnh đạo này cho hay.
Sau khi mất việc, các giáo viên phải bươn chải đủ nghề. Trong ảnh: Thầy Võ Văn Tuấn (GV Toán trường THCS Ea Uy) làm nương rẫy để mưu sinh.
Theo đó, 5 GV đều được ông Nguyễn Sỹ Kỷ (nguyên Phó trưởng ban Nội Chính Tỉnh ủy Đắk Lắk, nguyên Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk giai đoạn 2011-2016) ký quyết định hợp đồng lao động. Tất cả được phân công về dạy tại Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai với mức lương khởi điểm có hệ số 2,34.
Trao đổi với PV Dân trí, thầy Nguyễn Tuấn Anh - GV Tin học, Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai cho biết, các GV sau khi nhận nhiệm vụ về trường dạy ổn định cho đến ngày 20/1/2017 thì nhà trường gọi lên yêu cầu 22 GV dạy hợp đồng ký lại hợp đồng thời vụ (từ tháng 2 đến tháng 7/2017), mức lương 1.500.000 đồng/tháng/người, trừ các loại bảo hiểm, mỗi người chỉ còn được nhận chỉ còn 1.002.500 đồng.
Nhận thấy yêu cầu của nhà trường trái với hợp đồng đã ký theo quyết định của UBND huyện nên có 5 thầy cô đã từ chối việc ký và bị mất việc làm. Sau đó, các thầy cô đã quyết định làm đơn khởi kiện "tranh chấp hợp đồng lao động" để đòi quyền lợi cho mình. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ việc là UBND huyện Krông Pắk.
Sau khi tòa nhận đơn, hai bên đã tiến hành đối thoại, hòa giải nhưng đều không thành. "Vừa qua, phía trường cùng huyện gọi chúng tôi lên và cho biết sẽ trả 40 triệu đồng/người nhưng các thầy cô đều chưa đồng ý. Việc thực hiện sai hợp đồng lao động nhưng trả cho chúng tôi số tiền ấy là quá thấp so với chừng ấy thời gian bị mất việc nên chúng tôi chưa chấp nhận việc rút đơn kiện", thầy Tuấn Anh cho hay.
Được biết, sau khi bị nghỉ dạy các thầy cô đã phải bươn chải đủ nghề để mưu sinh, đời sống vô cùng khó khăn, vất vả.
Hiện vụ án đã bị tạm đình chỉ xét xử vì TAND huyện Krông Pắk xét thấy cần đợi kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT Công an huyện. Và vụ án sẽ tiếp tục khi lý do tạm đình chỉ không còn và khi có quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự của tòa án.
Thúy Diễm
Theo Dân trí
Đắk Nông: Tiếp tục ký hợp đồng để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên đầu năm học Ông Nguyễn Bốn, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông vừa chỉ đạo, cho phép ký hợp đồng tiếp đối với 385 giáo viên của năm học trước, trong đó ưu tiên cho vùng khó khăn để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên của tỉnh này. Ngày 21/8, UBND tỉnh Đắk Nông có buổi làm việc với Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông và...