Nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ nghi Mỹ đạo diễn đảo chính quân sự
Giữa biển cờ Thổ Nhĩ Kỳ cùng tiếng huyên náo từ dàn loa phóng thanh, Nazmi Kaya cười rạng rỡ, nét mặt không giấu được tự hào.
Người Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình ủng hộ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hôm 5/8. Ảnh: AP.
Tài xế xe tải 51 tuổi đã đưa cả gia đình “trở lại đất mẹ” từ nhà của họ ở Frankfurt, Đức, để trải nghiệm những cảm xúc và sự hỗn độn sau cuộc đảo chính quân sự thất bại hôm 15/7 tại Thổ Nhĩ Kỳ, theo Washington Post.
Họ đứng ở Quảng trường Taksim ở trung tâm thành phố Ankara, nơi diễn ra các cuộc cầu nguyện hàng đêm ăn mừng việc ngăn chặn thành công vụ đảo chính. Kaya ca ngợi những người biểu tình dũng cảm đương đầu với xe tăng của phe đảo chính là “chưa từng thấy ở bất kỳ đâu trên thế giới”.
Kaya cũng cho rằng người Thổ Nhĩ Kỳ biết ai là “đạo diễn” của vụ đảo chính. “Chúng tôi tin người Mỹ đã có đầy đủ ý tưởng về những gì đã xảy ra. CIA sẽ được hưởng lợi từ vụ đảo chính”.
Sự chắc chắn của Kaya về việc Mỹ đứng sau âm mưu đảo chính dường như cũng là xu hướng chung đang lan rộng ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Phe cánh hữu ở Thổ Nhĩ Kỳ và các cơ quan truyền thông ủng hộ chính quyền liên tục cáo buộc Mỹ có liên quan đến cuộc đảo chính hôm 15/7, với binh sĩ đảo chính đã giết hại dân thường, đánh bom cơ quan lập pháp trong nỗ lực bất thành nhằm lật đổ Tổng thống Erdogan.
Trong khi đó, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đổ lỗi cho giáo sĩ Fethullah Gulen, người đang sống lưu vong tại Pennsylvania, Mỹ đã chỉ đạo những người tin theo ông này xâm nhập cơ quan công quyền, chờ đợi thời cơ để lật đổ chính phủ do dân bầu ra.
Tổng thống Erdogan giận dữ khi Gulen vẫn sống an toàn, đòi Mỹ dẫn độ về Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, giới chức Mỹ cho biết họ đang chờ đợi các bằng chứng cho thấy ông Gulen có liên quan đến cuộc đảo chính. Sự bế tắc giữa hai nước quanh vấn đề dẫn độ đang làm sâu sắc thêm khủng hoảng trong mối quan hệ giữa Washington và đồng minh quan trọng trong khối NATO.
“Tôi kêu gọi nước Mỹ: Chúng ta là đối tác chiến lược theo kiểu gì mà phía Mỹ vẫn cho phép một người tôi yêu cầu dẫn độ cư trú trên nước họ”, Tổng thống Erdogan cho biết trong bài phát biểu được phát sóng trực tiếp trên kênh truyền hình quốc gia hôm 3/8.
“Cuộc đảo chính này có các diễn viên ở bên trong Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng kịch bản của nó được viết từ bên ngoài. Thật đáng tiếc, phương Tây hỗ trợ cho khủng bố và đứng về những kẻ âm mưu đảo chính”, ông Erdogan nói.
Ngày 7/8, Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức biểu tình quy mô lớn ở Istanbul, điểm nhấn trong phong trào biểu tình diễn ra hàng ngày ở nước này suốt 3 tuần qua, bất chấp các cuộc thanh trừng chưa từng có trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ. Lãnh đạo hai đảng đối lập cũng tham gia biểu tình ủng hộ ông Erdogan.
“Nếu phương Tây muốn loại bỏ Erdogan và bắt tay với các cemaat (những người theo phong trào Gulen), họ sẽ nhận được một Thổ Nhĩ Kỳ đi ngược lại lợi ích của họ”, nhà bình luận Levent Gultekin nói.
Trong cuộc gặp gỡ báo chí tại Washington tuần trước, Serdar Kilic, đặc phái viên của Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi Mỹ chấp nhận việc Ankara có quyền nghi ngờ, bắt giữ và sa thải hàng nghìn người theo phong trào Gulen. Tuy nhiên, các nhóm nhân quyền quốc tế chỉ trích mạnh mẽ các động thái của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ sau đảo chính. Tổ chức quan sát nhân quyền thế giới lên án các cuộc đàn áp là “sự sỉ nhục với nền dân chủ”.
Video đang HOT
Dù vậy, đa phần người Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tin rằng Mỹ nợ họ một lời giải thích. Tướng Hulusi Akar, sĩ quan quân đội cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong đêm đảo chính, ông đã được các sĩ quan phe nổi dậy đưa điện thoại để nói chuyện với giáo sĩ Gulen.
Người Thổ Nhĩ Kỳ cũng thắc mắc về việc các binh sĩ đảo chính xuất hiện ở căn cứ không quân Incirlik, nơi người Mỹ cũng hiện diện. Ngoài ra, họ cũng nghi ngờ việc vì sao Mỹ và phương Tây mất nhiều giờ sau mới lên án cuộc đảo chính.
“Người Mỹ muốn có ai đó khác Erdogan để phù hợp với chính sách của họ”, Ayse Eren Yusuf, 33 tuổi, người tham dự các cuộc cầu nguyện mỗi tối cùng chồng ở Quảng trường Taksim, nói.
Washington Post nhận định ông Erdogan dường như trở nên mạnh mẽ hơn sau cuộc đảo chính. Việc ban bố tình trạng khẩn cấp trên cả nước trong ba tháng khiến Erdogan nắm được nhiều quyền hành hơn, đặt quân đội dưới sự chỉ huy của ông và giành được sự ủng hộ từ các đảng đối lập.
Các nhà quan sát cho biết tài năng hùng biện của ông Erdogan đã được sử dụng như một công cụ chính trị. “Erdogan giống như một ảo thuật gia với những môn đệ của mình. Nếu ông bảo “bỏ nó xuống”, họ sẽ làm theo lời ông”, Burak Kadercan, học giả người Thổ Nhĩ Kỳ tại Học viện chiến tranh hải quân Mỹ, bình luận.
Sự phẫn nộ của người Thổ Nhĩ Kỳ cũng phản ánh tâm lý bất bình với các quan chức nước ngoài và báo giới, những người bị cho là không nhận thức đầy đủ những tổn thương do các sự kiện liên quan đến đảo chính gây ra.
“Tâm lý hiện nay ở Thổ Nhĩ Kỳ là hình ảnh phản chiếu cho suy nghĩ chống lại người Thổ của truyền thông phương Tây”, Akin Unver, giáo sư tại Đại học Kadir Has ở Istanbul cho biết.
Thanh trừng
Binh sĩ tham gia đảo chính thất bại ở Thổ Nhĩ Kỳ bị giam giữ. Ảnh: Mirror.
Các nhà lãnh đạo cấp cao Mỹ đang cố gắng hàn gắn quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vào cuối tháng này, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph F. Dunford Jr. đã có cuộc gặp thân mật với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ và các lãnh đạo dân sự tại Ankara.
Trong khoảng thời gian này, Ibrahim Kalin, người phát ngôn của Tổng thống Erdogan nói chính quyền Ankara không tin rằng Washington đứng sau vụ đảo chính.
Bên cạnh những cuộc gặp gỡ giữa Ankara và Washington, các vụ đàn áp vẫn diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hôm 5/8, một biên bản ghi nhớ bị rò rỉ cho thấy đang có một cuộc thanh trừng những người theo giáo sĩ Gulen ở nội bộ đảng cầm quyền của ông Erdogan.
Selim Sazak, một chuyên gia người Thổ Nhĩ Kỳ ở New York, Mỹ cho biết chính quyền ông Erdogan sẽ tìm mọi cách để xem ai là Gulenist (người theo giáo sĩ Gulen). “Có sự truy bắt điên cuồng ở đất nước này”, Sazak nói.
Trên Quảng trường Taksim, người ta có thể nhận thấy mức độ tương tự về các cuộc thanh trừng.
“Đây là tất cả những gì chúng tôi có, lá cờ này là máu của chúng tôi”, Murat Dost, 36 tuổi, người bán cờ phục vụ biểu tình, cho biết.
Một người bạn của ông đã bị lính đảo chính bắn chết trên cầu và ông muốn nhìn thấy “công lý được thực thi”.
“Mỹ cần phải dẫn độ Gullen càng sớm càng tốt. Khi ông ta trở về đây, chúng tôi có thể treo cổ ông ta”, Dost nói.
Văn Việt
Theo VNE
Đảo chính đẩy Thổ Nhĩ Kỳ gần Nga, xa Mỹ
Sau sự kiện đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ đêm 15.7, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhanh chóng lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ đối với chính quyền của ông Recep Erdogan. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ giận dữ cho rằng, Washington cũng có một phần trách nhiệm trong vụ đảo chính.
Đảo chính khoét sâu mối bất hòa giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ
Cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ đêm 15.7 đang khoét sâu thêm mối bất hòa giữa Washington và Ankara.
Cuộc đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra đêm 15.7 nhằm lật đổ Tổng thống Recep Erdogan đã khiến hơn 260 người thiệt mạng trong các vụ đụng độ và hàng nghìn người bị bắt giữ.
Cả Tổng thống lẫn Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đều tuyên bố, Giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống lưu vong ở bang Pennsylvania của Mỹ là người đứng sau dàn dựng vụ đảo chính, đồng thời yêu cầu Washington dẫn độ ông Fethullah Gulen về nước.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim thậm chí còn lên tiếng cảnh báo rằng, những quốc gia nào ủng hộ Gulen sẽ bị xem là trong tình trạng chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ".
Ngoài ra, Ankara quyết định đóng cửa tất cả các hoạt động của Mỹ và NATO tại căn cứ không quân Incirlik - nhà của ít nhất 1.500 nhân viên Mỹ. Biện minh cho quyết định của mình, giới chức Thổ Nhĩ tuyên bố rằng, việc đóng cửa căn cứ Incirlik là nhằm phục vụ cho việc điều tra và bắt giữ những kẻ đảo chính. Không lâu sau, chỉ huy căn cứ Tướng Bekir Ercan Van bị bắt giữ cùng nhiều quân nhân khác ở Incirlik.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, động thái này của Ankara là nhằm gây áp lực với Washington vì căn cứ Incirlik đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) do Mỹ dẫn đầu.
Những động thái như trên từ Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến Mỹ "nóng mặt". Ngoại trưởng Mỹ John Kery ngày 17.7 tuyên bố, Washington chưa nhận được bất cứ yêu cầu dẫn độ Giáo sĩ Gulen nào từ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời nhấn mạnh rằng, yêu cầu như vậy chỉ được đáp ứng một khi Ankara trưng ra được bằng chứng rõ ràng, xác đáng cho thấy ông Gulen đứng sau vụ đảo chính. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, Ankara không nên nghi ngờ Washington có liên quan đến chính biến vừa qua ở nước này.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama mặc dù bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ "được bầu một cách dân chủ" ở Thổ Nhĩ Kỳ, cũng lên tiếng cảnh báo Ankara rằng, những phát biểu ngầm định Mỹ can dự vào vụ đảo chính là "hoàn toàn sai lệch" và có thể ảnh hưởng đến quan hệ 2 nước.
Trên thực tế, vụ đảo chính chỉ khoét sâu thêm mối bất hòa trong những năm gần đây giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Chính quyền Obama nhiều năm qua không vừa lòng với cách cai trị cứng rắn của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đồng thời chỉ trích Ankara chưa hết lòng hỗ trợ cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố khét tiếng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) do Mỹ dẫn đầu.
Mỹ đã nhiều lần thúc giục chính quyền Erdogan cần phải đẩy mạnh nỗ lực đóng cửa biên giới phía nam của Thổ Nhĩ Kỳ với Syria để ngăn chặn chiến binh nước ngoài vượt biên gia nhập IS. Đầu năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cũng lên tiếng tuyên bố, ông sẽ gây sức ép để buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải làm nhiều hơn trong cuộc chiến chống IS.
Trong khi đó, về phần mình, Ankara cũng bất mãn với việc Mỹ ủng hộ và xem các đơn vị dân quân người Kurd (YPG) là một trong những đồng minh chiến trường chiến đấu với IS hiệu quả nhất. Ankara vốn xem người Kurd ở Syria là kẻ thù không đội trời chung và đổ lỗi cho người Kurd là thủ phạm của một loạt các vụ đánh bom đẫm máu gần đây ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Nga - Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần nhau
Ngay sau vụ đảo chính đêm 15.7, Tổng thống Nga Putin đã gọi điện bày tỏ sự ủng hộ đối với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan.
Giới quan sát nhận định, mối bất hòa ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ lại là cơ hội của người Nga. Gần đây, quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang có dấu hiệu ấm nồng trở lại sau khi Tổng thống Recep Erdogan hồi tháng trước cuối cùng cũng lên tiếng xin lỗi về việc bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 của Nga tháng 11 năm ngoái.
Trong bức thư xin lỗi gửi tới Điện Kremlin, ngoài cam kết sẵn sàng làm mọi thứ để xoa dịu nỗi đau của gia đình phi công Su-24 thiệt mạng trong vụ việc, ông Erdogan còn nhấn mạnh Nga là "một người bạn và là đối tác chiến lược" của Thổ Nhĩ Kỳ và bày tỏ mong muốn khôi phục quan hệ song phương với Moscow.
Về phần mình, ngay sau chính biến đêm 15.7 ở Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Nga Putin đã có cuộc điện đàm với ông Erdogan và nhấn mạnh rằng, đảo chính nổ ở nước này là không thể chấp nhận được.
Ông chủ Điện Kremlin cũng gửi lời chia buồn tới gia đình, người thân những nạn nhân thiệt mạng sau vụ đảo chính. Tuy nhiên, kết quả đẹp nhất sau cuộc điện đàm là hai nhà lãnh đạo xác nhận kế hoạch tổ chức một cuộc gặp mặt cá nhân "trong tương lai gần nhất". Theo đài NTV của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Putin và Erdogan đã nhất trí gặp nhau trong tuần đầu tiên của tháng 8 tới.
Trong một bài viết đước đăng tải ngày 18.7, báo điện tử Đa chiều có trụ sở ở Mỹ bình luận, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã tìm thấy sự an ủi từ người đồng cấp Nga và điều này trái ngược với sự lạnh giá đến từ phía Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ngoài ra, việc Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ 2 phi công bắn rơi Su-24 của Nga do tham gia đảo chính cũng sẽ giúp 2 bên xóa bỏ hoàn toàn mối bất hòa trước đó để tiến tới hàn gắn quan hệ.
Các nhà phân tích nhận định, trong cuộc gặp riêng sắp tới, nhiều khả năng, hai nhà lãnh đạo Nga, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bàn đến việc tái khởi động lại dự án dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ bị đóng băng từ tháng 11.2015 hay giấc mơ cùng kiểm soát eo biển chiến lược Bosphorus.
Theo Danviet
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói Đức 'nuôi dưỡng khủng bố' Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích Đức vì không cho phép ông phát biểu trực tuyến với người ủng hộ ở nước này, cho rằng Berlin đang "nuôi dưỡng khủng bố". Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu trước người ủng hộ tại thành phố Istanbul ngày 7/8. Ảnh: Reuters. Hàng chục nghìn người ngày 31/7 biểu tình tại Cologne,...