‘Nhiều nạn nhân không biết mình đang chịu bạo lực học đường’
Một nữ sinh tại thị xã Hương Trà, Thừa Thiên – Huế bị bạn học cùng trường dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu.
Sự việc khiến nạn nhân bị chấn động não, sợ hãi không dám đến trường.
Mới đây, ông Lê Thân – Hiệu trưởng trường THPT Hương Trà (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, nhà trường đang phối hợp với công an địa phương làm rõ sự việc nữ sinh L.T.Y.Nh. (SN 2006, học sinh lớp 10) bị bạn cùng trường đánh đến nhập viện.
Theo đó, ngày 6/3, em Nh. nhận được tin nhắn của bạn cùng trường là Tr. (học sinh cùng khối lớp 10) hẹn gặp ở công viên Tứ Hạ (thị xã Hương Trà) để nói chuyện. Khi Nh. đến công viên thì bất ngờ bị Tr. lao vào đánh tới tấp vào đầu bằng mũ bảo hiểm.
Đến trưa 7/3, trên đường đi học về, Nh. tiếp tục bị Tr. cùng đám bạn chặn đường rồi dùng mũ bảo hiểm đánh chảy máu ở đầu.
Bà Lê Thị X. – mẹ của Nh. (trú phường Hương Vân, thị xã Hương Trà) cho hay, trưa 7/3, cháu về nhà với đầu đầy máu, cháu đi được một lúc rồi choáng và ngất. Cả nhà đưa cháu đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế thị xã Hương Trà. Sau đó, cháu được chuyển tuyến lên Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 trong tình trạng chấn động não.
Nữ sinh bị đánh đến chấn động não.
Gần nửa tháng điều trị, em Nh. được Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 cho xuất viện. Tuy nhiên, tâm lý Nh. hiện luôn sợ sệt do sợ bạn đánh nên không muốn đến trường.
Các chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân để xảy ra liên tiếp các vụ bạo lực học đường là do sai lầm trong cách giáo dục của cha mẹ, thầy cô.
Gần đây, bạo lực học đường xảy ra liên tục khiến nhiều người có cái nhìn khác về hiệu quả của bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường cũng như việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.
Video đang HOT
Một số chuyên gia cho biết, nguyên nhân của những vụ bạo lực học đường một phần do hiện nay cha mẹ quá bận rộn, không đủ kiên nhẫn để uốn nắn phân tích đúng sai cho con hiểu, họ chọn cách đánh mắng, áp đặt cho trẻ nhanh khuất phục, hoặc phó mặc giao con cho người khác nuôi dạy.
Hậu quả là đứa trẻ bị tổn thương một thời gian dài vì bị ảnh hưởng bởi cách hành xử bạo lực của cha mẹ. Vì thiếu tình yêu thương nên nhiều trẻ dễ hung hăng hơn.
Trẻ không biết yêu thương chính mình nên khó yêu thương người khác. Bên trong trẻ luôn mặc cảm, yếu đuối, mệt mỏi, chán chường,… vì vậy trẻ dễ có phản ứng tiêu cực ra ngoài.
Theo chuyên gia tâm lý Hà Thái Hương – ĐH Sư phạm Hà Nội 2 thì một trong những nguyên nhân khiến việc bạo lực học đường chưa thể chấm dứt là vì nhiều nạn nhân không nhận ra mình đang bị bạo lực học đường, chưa có kỹ năng phòng, chống bạo lực học đường, đặc biệt là các kỹ năng xử lý tình huống khi bị bạo lực học đường từ đó dẫn đến những hậu quả hết sức nghiêm trọng.
Để ngăn chặn bạo lực học đường, trước hết chúng ta cần thấy rằng người tham gia đánh hội đồng và nạn nhân cùng là học sinh ở tuổi mới lớn thích thể hiện cái tôi cá nhân nên một lời nói vô tình cũng dễ nảy sinh mâu thuẫn. Và cách các em thường chọn để giải quyết mâu thuẫn là đánh nhau mà không lường được hậu quả.
Do đó, để ngăn chặn bạo lực học đường thì vai trò của gia đình và nhà trường là hết sức quan trọng. Rất nhiều học sinh khi bị bạn đe dọa, thậm chí là đánh đập đã không dám nói thật với gia đình.
“Do đó, hơn ai hết bố mẹ cần làm bạn để đồng hành cùng con cũng như sẵn sàng lắng nghe tâm sự cũng như chia sẻ với con và cho con cảm giác rằng gia đình là chỗ dựa đáng tin cậy. Có như vậy con mới sẵn sàng chia sẻ những băn khoăn, lo lắng của mình cho bố mẹ. Khi là bạn của con thì bố mẹ sẽ dễ dàng hơn trong việc bảo vệ con trước bạo lực học đường.
Bên cạnh đó, vai trò của nhà trường cũng rất quan trọng trong việc tăng cường tuyên truyền giúp học sinh nhận thức được hậu quả của bạo lực học đường.
Ngoài ra, các giáo viên phụ trách công tác tư vấn tâm lý cho học sinh cũng cần được tập huấn, nâng cao nghiệp vụ để nắm bắt tâm sinh lý của học sinh, biết cách trò chuyện, tư vấn cho các em.
Cùng với đó, bộ quy tắc ứng xử trong trường học được đưa xuống giới thiệu cho các cơ sở giáo dục là cần thiết, nhưng vấn đề là ở cơ sở lại triển khai chưa hiệu quả bộ quy tắc này.
Vì thế trong quá trình thực hiện bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường cần phải có đánh giá tổng kết cũng như rút kinh nghiệm. Xây dựng một mô hình thì dễ, nhưng triển khai thế nào ở cơ sở giáo dục để phát huy hiệu quả mới là vấn đề phải bàn kỹ”, chuyên gia Hà Thái Hương nói.
'Ngăn sóng' bạo lực học đường
Câu chuyện bạo lực học đường một lần nữa lại xuất hiện, khiến dư luận băn khoăn. Làm sao để ngăn sóng bạo lực học đường khi học sinh trở lại trường học trực tiếp đang nhận được sự quan tâm của xã hội.
Cần quan tâm tới tâm tư, tình cảm của học sinh để hóa giải sớm những vụ bạo lực học đường.
Cần tiếp tục báo động
Tối 25/3, mạng xã hội chia sẻ đoạn clip ghi lại cảnh học sinh đánh nhau. Qua xác minh, được biết các em trong clip học sinh Trường TH và THCS Triệu Vân, em L. lớp 7 bị 2 học sinh lớp 8 là T. và K. Trong clip, em L. đã bị một học sinh khác túm tóc kéo đi một đoạn. Sau đó, L. bị đè đầu xuống, bị đấm, đạp liên tục và còn bị một học sinh khác bắt quỳ xuống xin lỗi. Lúc bị đánh, L. không có bất kỳ một kháng cự nào.
Dù đã quỳ xuống như yêu cầu nhưng L. tiếp tục bị 2 học sinh kia đấm, đá túi bụi. Có một người đã can ngăn "tha đi T." nhưng L. vẫn tiếp tục bị đánh đập. 2 học sinh đánh bạn còn tiếp tục có hành động như xé áo của L.
Điều đáng nói, chứng kiến vụ việc, nhiều học sinh khác đã cười đùa, quay video mà không quyết liệt can ngăn. Phía nhà trường cũng như gia đình không biết về chuyện này cho đến khi clip được đăng tải trên mạng xã hội.
Trước đó, hai nữ sinh Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) xảy ra mâu thuẫn và đánh nhau. Cụ thể, trong giờ ra chơi tiết thứ 2 buổi chiều ngày 22/3, em P.T.N.L. (lớp 10C5) và em V.T.D.L. (lớp 11B2) có xích mích trong lúc đi rửa tay và có lời qua tiếng lại, sau đó xảy ra mâu thuẫn. Sự việc này đã được quản sinh nhà trường can ngăn và yêu cầu học sinh giải tán về lớp.
Sau buổi học, hai học sinh tự hẹn nhau ra ngoài trường để giải quyết mâu thuẫn dẫn đến việc đánh nhau. Hậu quả vụ việc khiến nữ sinh P.T.N.L. bị chấn thương phải điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt-Tiệp, nữ sinh V.T.D.L. phải điều trị tại Bệnh viện huyện Kiến Thụy.
Vụ việc đang được Ban giám hiệu Trường THPT Nguyễn Huệ phối hợp cùng chính quyền địa phương, Công an Thị trấn Núi Đối (huyện Kiến Thụy) xác minh trước khi có các quyết định liên quan đến việc xử lý kỷ luật học sinh.
Đây không phải trường vụ bạo lực học đường cá biệt. Còn nhớ, sáng 18/9/2021, tại Trường THPT Lục Ngạn 3 (tỉnh Bắc Giang) xảy ra vụ học sinh xô xát, đánh nhau rồi quay clip đưa lên mạng xã hội. Cũng trong năm học trước, nhiều vụ bạo lực học đường khá nghiêm trọng đã xảy ra. Vào khoảng 11 giờ 30 phút ngày 14/1/2021 tại Trường THPT Lang Chánh, Thanh Hóa, khi em P.T.L. vừa tan học ra tới cổng trường thì bất ngờ bị Nguyễn Bá Thuận cầm một cây gậy sắt vụt thẳng vào đầu trước sự chứng kiến của nhiều học sinh khác.
Tại thời điểm nhập viện, qua chụp chiếu, các bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa xác định L. bị vỡ sọ não, tổn thương cơ thể tới 49%. Công an huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa sau đó đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Bá Thuận để điều tra về hành vi "Giết người".
Chuyện bạo lực học đường không phải là chuyện mới. Với từ khóa "bạo lực học đường" gõ trên thanh công cụ Google, chỉ trong 0,44 giây cho ra 629.000 kết quả. Điều đó phần nào phản ánh mức độ "phổ biến" đáng báo động của hiện tượng này.
Nó cũng cho thấy những nguy cơ hiện hữu và tiềm ẩn cần có nhiều biện pháp để tháo gỡ, nếu không, môi trường học đường ngày càng trở nên bất an hơn, nhất là khi học sinh cả nước sẽ trở lại trường sau một thời gian dài phải học trực tuyến.
Giáo dục kỹ năng phòng ngừa bạo lực
Cứ sau mỗi vụ bạo lực học đường xảy ra, người ta đều thấy sự vào cuộc khá nhanh của cơ quan chức năng, từ nhà trường, công an địa phương, cho tới Sở GDĐT nơi vụ việc xảy ra. Nhất là khi các clip ghi lại cảnh bạo lực học đường được tung lên mạng xã hội và gây sự bức xúc trong dư luận thì sự vào cuộc tìm hiểu, chỉ đạo càng khẩn trương. Thông thường, ngay sau đó, các hình thức kỷ luật, nhắc nhở hay cảnh cáo học sinh cũng sẽ được đưa ra.
Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng, đó chỉ là cách thức giải quyết "phần ngọn" các vụ việc cụ thể. Còn xét về bản chất, bạo lực học đường là một "tảng băng chìm", cần có nhiều biện pháp căn cơ, dài hơi. Bởi lẽ, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới bạo lực học đường, mà nhiều trường hợp, khởi nguồn lại từ những lí do hết sức nhỏ nhặt, như: không chào, nhìn đểu, rửa tay vẩy nước trúng người bạn...
TS Tâm lý học Lê Minh Công (Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam) cho rằng, trong độ tuổi dậy thì (lứa tuổi THCS, THPT), học sinh sẽ trải qua những biến đổi mạnh mẽ về tinh thần và thể chất. Điều đó có thể dẫn đến những suy nghĩ muốn thể hiện và khẳng định bản thân, hoặc gây nên sự thiếu đồng cảm lẫn nhau. Đây chính là nguyên nhân của rất nhiều vụ bạo lực học đường.
Bên cạnh đó, theo TS Công, những yếu tố xung quanh cũng tác động đến suy nghĩ và hành vi của học sinh đặc biệt là trong gia đình và nhà trường. Hiện nay, học sinh ít được trang bị kĩ năng sống và đang phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn. Trên thực tế, có khoảng 5-10% học sinh mắc những chứng rối loạn, tuy nhiên nhà trường lại không chú ý đến những khó khăn của các bạn mà chỉ cho rằng đó là kém đạo đức.
TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học (ĐH Sư phạm Hà Nội) từng phân tích một nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường: xuất phát từ quan niệm của cha mẹ, coi việc bạo lực, mắng con là cách giáo dục hiệu quả. Bên cạnh đó, việc học sinh xem các chương trình, chơi trò chơi điện tử mang tính bạo lực, cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường tăng cao.
Trong khi đó, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho rằng, cần đặc biệt quan tâm tới vấn đề tâm lý học đường vì đây là cách tháo gỡ tích cực nhất. Cần kết hợp công tác xã hội trong cộng đồng và trường học để phòng ngừa, giải quyết những vụ việc liên quan đến bạo lực của học sinh và trẻ em.
Để sớm có thể hóa giải những vụ bạo lực học đường, nhiều ý kiến cho rằng, giáo viên chủ nhiệm có vai trò quan trọng trong việc nắm bắt tâm tư, tình cảm của học sinh. Những giáo viên có kỹ năng nắm bắt tâm lý học sinh và những giáo viên chủ động xây dựng cho mình nhiều "nguồn tin" sẽ nhanh chóng xóa tan những xích mích của học trò.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, khi học sinh trở lại học trực tiếp, phụ huynh học sinh và các thầy, cô giáo cần quan tâm tới những tâm tư, tình cảm của các em. Nên mở các buổi sinh hoạt chung giữa từng lớp, từng khối lớp để tạo những môi trường sinh hoạt lành mạnh, đồng thời có biện pháp phổ biến, ngăn chặn bạo lực học đường.
Cần truyền thông với các em về một môi trường học tập lành mạnh, chia sẻ, không giấu diếm. Ban giám hiệu các trường cũng cần tăng cường các "nguồn tin" để sớm phát hiện, ngăn chặn các ý định sử dụng bạo lực trong học đường. Ngoài ra, mỗi trường học cần chủ động mở cửa những phòng tư vấn tâm lý để sẵn sàng chia sẻ và cùng các em tìm giải pháp tích cực trước những xích mích học đường khi mới manh nha...
Nỗ lực chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em Kết quả cuộc điều tra quốc gia thứ hai về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam cho thấy, có rất ít thay đổi về tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ kể từ cuộc điều tra đầu tiên trước đó chục năm. Có rất nhiều nguyên nhân khiến bạo lực gia đình, bạo lực giới vẫn tồn ở mọi...