Nhiều môn học thiếu giáo viên: Nỗi lo chất lượng thực hiện chương trình mới
Trước thềm năm học mới, tình trạng thiếu giáo viên vẫn diễn ra trên cả nước. Trong đó, nhiều địa phương đang thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học với bậc tiểu học; môn Âm nhạc, Mỹ thuật đối với bậc THPT khi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thiếu giáo viên ở nhiều môn học
Năm học 2022 – 2023 là năm đầu tiên Chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10. Ở lớp 3, đây cũng là lần đầu môn Tiếng Anh và Tin học trở thành môn học bắt buộc. Ở lớp 10, có môn Nghệ thuật gồm 2 phân môn: Âm nhạc, Mỹ thuật được đưa vào là môn học tự chọn.
Tuy nhiên, việc thiếu giáo viên trầm trọng ở các môn trên đang diễn ra tại nhiều địa phương. Năm học 2022 – 2023, TP Hồ Chí Minh dự kiến tăng khoảng 21.800 học sinh. Thành phố có nhu cầu tuyển dụng 2.355 giáo viên tiểu học; bậc THCS cần 1.698 giáo viên; mầm non cần 892 giáo viên và THPT cần tuyển 296 người.
Một giờ học môn Tiếng Anh của cô và trò Trường THCS Bế Văn Đàn (Hà Nội).
Theo Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh, ở một số môn học, việc tuyển dụng giáo viên gặp nhiều khó khăn, nhất là ở môn Tiếng Anh và Tin học. Nguyên nhân là do khi đào tạo giáo viên ở những môn này, các giáo sinh sẽ lựa chọn là đi làm ở bên ngoài thay vì đi dạy, dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên, nhất là ở các huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ, huyện Nhà Bè.
Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Bình Dương cũng cho biết, tình trạng giáo viên xin nghỉ việc là một khó khăn lớn của địa phương. Thời gian gần đây, giáo viên trên địa bàn tỉnh Bình Dương nghỉ việc nhiều. Theo thống kê từ tháng 1 đến 4/2022, toàn ngành có 527 giáo viên nghỉ việc. Một trong những nguyên nhân là lương giáo viên chưa đảm bảo cho cuộc sống.
Hiện nay, cấp học mầm non và tiểu học trên địa bàn vẫn còn thiếu nhiều giáo viên so với quy định. Đây là một trở ngại rất lớn trong việc nâng cao chất lượng chương trình.
Trong bối cảnh này, năm học mới Bình Dương lại tăng thêm 29.000 học sinh các cấp. Trình trạng thiếu giáo viên khiến nhiều đơn vị có số học sinh trên lớp cao, nhiều trường phải giảm lớp học 2 buổi/ngày do thiếu phòng học, nhiều trường phải thực hiện dạy 1 buổi/ngày. Việc này rất khó khăn khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ngoài việc tham mưu cho tỉnh về tuyển dụng giáo viên trong năm học mới, bà Hằng cho biết, giải pháp tình thế vẫn phải hợp đồng ngắn hạn, rà soát những viên chức gốc sư phạm đang làm ở các vị trí khác để chuyển sang giảng dạy.
Tại tỉnh Nghệ An, ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GDĐT tỉnh cho hay, tỉnh đang thiếu gần 8.000 giáo viên các cấp. Năm 2021 – 2022, Nghệ An được bổ sung 2.800 giáo viên, nhưng hiện vẫn còn thiếu khoảng 6.000 giáo viên.
Video đang HOT
“Thiếu giáo viên các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là việc đáng lo khi chương trình mới đang được thực hiện”, ông Thành nói.
Lên phương án tạm thời
Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cũng thẳng thắn thừa nhận, hiện nay tỉ lệ giáo viên/lớp bình quân chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhiều địa phương đang thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học đối với tiểu học, môn Âm nhạc, Mỹ thuật đối với THPT khi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2022 – 2023.
Lãnh đạo Bộ GDĐT cho biết: “Một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng, chưa có nhà công vụ cho giáo viên ở các địa bàn khó khăn, không có chính sách thu hút giáo viên đến công tác ở những địa bàn khó khăn hơn. Bên cạnh đó còn nhiều bất cập trong việc bố trí giáo viên Tiếng Anh, Tin học và Công nghệ dạy liên trường, liên cấp.
Nhân lực y tế trường học còn thiếu và yếu ở nhiều địa phương dẫn đến phải huy động hầu hết cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác phòng, chống dịch. Kinh phí cho việc mua sắm thiết bị phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục còn hạn chế”.
Trường học chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới 2022 – 2023.
Năm học mới cận kề cũng là thời điểm các trường rà soát, đầu tư cơ sở vật chất, bố trí đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, trước thực tế trên, các trường sắp xếp, bố trí đội ngũ thế nào để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là khối lớp 3, lớp 7, lớp 10 là câu hỏi đặt ra.
Năm đầu tiên triển khai chương trình, SGK mới với lớp 10, Trường THPT Ngô Quyền (TP Nam Định, Nam Định) đang tích cực chuẩn bị các điều kiện phục vụ giảng dạy.
Ông Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, năm học tới, trường tuyển 451 chỉ tiêu vào lớp 10. Nhà trường đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thêm một đơn nguyên gồm 3 tầng. Sau khi đưa vào hoạt động, dự kiến cuối năm 2022, toàn trường có tổng số 37 phòng học và phòng chức năng, đáp ứng đủ nhu cầu học tập, giảng dạy cho thầy trò.
Theo ông Cương, công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên cho khối 10 được thực hiện theo đúng yêu cầu, kế hoạch. Để khắc phục những khó khăn ban đầu, Trường THPT Ngô Quyền đưa ra giải pháp sẽ cho học sinh học buổi chiều trong những tháng đầu năm học 2022 – 2023.
Trao đổi với phóng viên, ông Lưu Văn Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Sĩ Liên (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) cho hay, để triển khai chương trình mới, căn cứ vào tình hình đội ngũ, cơ sở vật chất, trường đã tổ chức cho học sinh chọn các tổ hợp môn tự chọn. Từ đó, phân phối học sinh theo lớp, nhóm lớp theo đúng yêu cầu, nguyện vọng của học sinh.
Theo ông Xuân, số học sinh lựa chọn môn Âm nhạc, Mỹ thuật rất ít. Trong khi đó, mặc dù số giáo viên hiện có của trường đủ theo biên chế nhưng lại không có giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật. Vì vậy nhà trường không bố trí dạy 2 môn học này.
Thay vào đó, trường tính toán, sắp xếp cho số học sinh lựa chọn môn Âm nhạc, Mỹ thuật học tập trung tại một điểm cùng học sinh của các trường khác trên địa bàn cũng lựa chọn 2 môn học này.
“Song song với đó, trường mở các câu lạc bộ để học sinh tham gia. Qua đó vẫn đảm bảo các em phát huy phẩm chất, năng lực bản thân”, ông Xuân cho hay.
Sơn La thiếu hàng nghìn giáo viên đứng lớp
Năm học 2021-2022, ngành giáo dục Sơn La thiếu gần 3.000 giáo viên các bậc học.
Giờ học tại Trường tiểu học Mường Khiêng 1, huyện Thuận Châu.
Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao chất lượng giáo dục tại các trường học và gây ra nhiều khó khăn trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.
Thuận Châu là một trong những huyện vùng cao của tỉnh Sơn La. Do địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn nên ngành giáo dục phải bố trí nhiều điểm trường lẻ, lớp học cắm bản. Vì thế, việc đầu tư cơ sở vật chất bị dàn trải, số lượng giáo viên đứng lớp không đảm bảo, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học nhất là đối với bậc mầm non và tiểu học.
Tại Trường Tiểu học Mường Khiêng 1, hiện có 3 điểm trường lẻ và một điểm trường trung tâm. Do đặc thù phải bố trí nhiều điểm trường lẻ dẫn đến việc không tập trung giáo viên. Có những lớp chưa đảm bảo sĩ số học sinh nhưng vẫn phải bố trí đủ giáo viên đứng lớp, dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên chung trong toàn trường.
Ông Nguyễn Thế Mạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Khiêng 1 cho biết, việc thiếu giáo viên ảnh hưởng đến các hoạt động của nhà trường, đặc biệt là công tác giảng dạy chuyên môn. Khi có đủ giáo viên nhà trường sẽ có cơ hội nâng cao chất lượng giảng dạy cũng như các hoạt động ngoại khóa. Nhà trường mong muốn được giao đủ biên chế để nâng cao chất lượng giảng dạy, hướng đến mục tiêu đạt trường chuẩn quốc gia trong thời gian tới.
Giờ học của cô và trò trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nà Bó, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.
Tại huyện Thuận Châu hiện có 84 trường học các cấp, thời gian qua thông qua việc triển khai chủ trương đưa học sinh điểm lẻ về điểm trường chính đã giảm bớt tình trạng thiếu giáo viên. Tuy nhiên, chủ trương này khó thực hiện ở các trường học còn lại do địa bàn rộng, đòi hỏi phải có điểm trường lẻ.
Ông Lê Danh Dự, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thuận Châu thông tin, hiện nay tỉ lệ giáo viên trên lớp còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Theo thống kê, số giáo viên thực tế so với định mức quy định còn thiếu khoảng 500 giáo viên mới đáp ứng được nhu cầu. Trong khi đó, thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, theo kế hoạch trong giai đoạn 2021-2025 ngành vẫn phải thực hiện giảm 10% số người làm việc.
Tại tỉnh Sơn La, tình trạng thiếu giáo viên đã kéo dài nhiều năm qua nhưng chưa thể khắc phục. Đặc biệt, từ khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc thiếu giáo viên lại có xu hướng tăng lên bởi đòi hỏi số giáo viên/lớp cao hơn do yêu cầu phải học 2 buổi trên ngày.
Bà Hoàng Thị Hiền, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Mường Bằng (huyện Mai Sơn) cho hay, hiện tại đội ngũ giáo viên của trường nếu tính đúng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn còn thiếu. Nhất là trong những năm tới, bậc tiểu học phải đưa môn tin học và ngoại ngữ thành môn học bắt buộc. Nên dẫn đến thiếu đội ngũ giáo viên của những môn chuyên ngành này. Ngoài ra, do các môn văn hóa cũng chưa đủ giáo viên, vì thế để đáp ứng định mức yêu cầu 1,5 giáo viên/lớp, trường vẫn thiếu 4-5 biên chế. Thời gian qua, nhà trường đã xây dựng đề án để đề xuất, bổ sung thêm giáo viên. Bên cạnh đó, thực hiện việc bồi dưỡng cho các giáo viên hiện có để đảm bảo chất lượng dạy học.
Giờ học môn Tin học của học sinh Trường THCS Chiềng Đen, thành phố Sơn La.
Hiện nay, tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành giáo dục Sơn La có hơn 22.000 người. Trong năm học 2021-2022 ngành thiếu hơn 2.940 giáo viên. Trong đó, bậc mầm non thiếu 1.946 người, tiểu học thiếu 661 người, trung học cơ sở và trung học phổ thông thiếu trên 330 người.
Theo đánh giá của ngành giáo dục, do thiếu giáo viên nên số giờ giảng dạy của nhiều giáo viên tăng cao hơn nhiều định mức, có giáo viên từ 25-28 tiết/tuần. Qua đó, đòi hỏi phải tìm giảng viên thỉnh giảng, hợp đồng giảng dạy tại các cơ sở giáo dục. Điều này dẫn đến khó khăn trong thanh toán kinh phí giảng dạy vượt định mức cũng như việc tìm giáo viên dạy thỉnh giảng. Ngoài ra, với việc dạy quá nhiều, giáo viên khó khăn trong việc dành thời gian nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018. Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục của một số nơi khó nâng lên và tiến độ chương trình của một số môn học ở một số trường khó đảm bảo theo quy định.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La Cầm Văn An cho biết, ngành tiếp tục đề nghị UBND tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ quan tâm bổ sung chỉ tiêu biên chế cho ngành giáo dục. Trong đó, lưu ý những đặc thù của ngành để quan tâm bổ sung giáo viên ngoại ngữ, tin học đảm bảo đủ tỉ lệ giáo viên/lớp. Qua đó, tăng tỉ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ngoài ra, ngành cũng đề nghị không đưa lĩnh vực giáo dục vào chỉ tiêu tỉ lệ tinh giản biên chế do tính chất đặc thù vừa đang thiếu quá nhiều giáo viên, nhiều điểm trường lẻ, phạm vi rộng, phân tán. Trong khi đó, các trường học phải thực hiện phương châm "có học sinh thì phải có giáo viên" để phòng, tránh tình trạng học sinh bỏ học.
Đồng thời, ngành tiếp tục triển khai việc rà soát, sắp xếp đội ngụ để thực hiện đào tạo, đào tạo lại giáo viên đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đào tạo nâng chuẩn, văn bằng 2 cho giáo viên; đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên dạy tích hợp liên môn theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Xây dựng tổ hợp môn theo khối thi ĐH là trái với tinh thần của chương trình mới Nhiều trường THPT có xu hướng xây dựng tổ hợp môn theo khối thi đại học, điều này trái với tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong . Theo đó, môn Lịch sử (từ môn học lựa chọn thuộc...