Nhiều khó khăn trong dạy học và đào tạo nghề ở Hương Sơn
Những năm gần đây, lượng học sinh đến với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) ngày càng đông, trong khi cơ sở vật chất không đáp ứng được với yêu cầu dạy và học.
Học sinh theo học tăng khá
Năm học 2019 – 2020, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên ( TTGDNN – GDTX) huyện Hương Sơn chỉ tiếp nhận được 101 học sinh vào học. Nhưng những năm gần nay, số học sinh liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước như: năm học 2020 – 2021, trung tâm tiếp nhận 483 học sinh; năm 2021 – 2022 tiếp nhận 546 học sinh và năm học 2022 – 2023 là 634 học sinh.
Học sinh trong giờ học nghề may thời trang.
Ngoài ra, từ năm 2021 đến nay, TTGDNN – GDTX huyện Hương Sơn còn là đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh mở các lớp ngoại ngữ (tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn Quốc) cho học sinh. Đây chính là “chìa khóa” mở cánh cửa khởi nghiệp đối với những học sinh chọn con đường du học, xuất khẩu lao động nên trung tâm hiện thu hút được khá đông học sinh theo học các lớp này với 250 em.
Giáo viên dạy nghề nấu ăn hướng dẫn học sinh làm món salat.
Đặc biệt, đối với công tác đào tạo nghề, trung tâm thường xuyên duy trì đào tạo 7 ngành nghề chính như: hàn, điện tử công nghiệp, điện lạnh, công nghệ thông tin, đầu bếp, may thời trang, chăm sóc sắc đẹp với hơn 200 học sinh theo học. Riêng năm học 2022 – 2023 có thêm ngành công nghệ ô tô thu hút hơn 50 học sinh tham gia.
Theo Giám đốc TTGDNN – GDTX huyện Hương Sơn Nguyễn Thế Toàn, khoảng 80% học sinh sau khi học nghề, ra trường đều có việc làm ổn định với mức thu nhập từ 6 – 12 triệu đồng/tháng. Đối với nghề hàn, mức thu nhập cao hơn, dao động từ 15 – 17 triệu đồng/tháng.
Video đang HOT
Cơ sở vật chất xuống cấp
48 học sinh lớp 10D phải học trong lớp học rộng chưa đến 40m2
Lượng học sinh đến với TTGDNN – GDTX huyện Hương Sơn ngày càng nhiều, trong khi cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên lại chưa đáp ứng được với yêu cầu dạy và học. Cụ thể, giáo viên văn hóa hiện chỉ có 17 người nên trung tâm phải tìm kiếm thêm 6 giáo viên để dạy hợp đồng song vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu dạy học. Không chủ động được đội ngũ giáo viên nên mỗi thầy cô phải tăng thời gian dạy từ 17 tiết/tuần theo quy định lên 22, 24 tiết/tuần.
Điều lo lắng nữa là sự xuống cấp ở những công trình phục vụ dạy học. TTGDNN – GDTX huyện Hương Sơn hiện có 2 cơ sở, trong đó cơ sở 1, rộng 4.500m2 tại TDP 4 – thị trấn Phố Châu và cơ sở 2 rộng 2.500m2 thuộc TDP 9 – thị trấn Phố Châu.
Học sinh các lớp 10, 11,12 phải học trong những phòng học dành cho… học sinh tiểu học.
Cơ sở 1 của trung tâm trước đây là Trường Tiểu học thị trấn Phố Châu được bàn giao lại cho trung tâm từ năm 1996 gồm một ngôi nhà 2 tầng 8 phòng học và 4 dãy nhà cấp 4. Đáng nói, là khu vực này lại nằm trong khu vực quy hoạch khu dân cư Bắc Phố Châu nên từ lâu đã không được đầu tư nâng cấp, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng.
Tiếp quản cơ sở cũ, nhiều năm qua không được đầu tư nâng cấp nên học sinh khối THPT phải học trong những căn phòng dành cho học sinh tiểu học nên rất chật hẹp, ngột ngạt. “Lớp em có 48 bạn, mùa đông còn đỡ chứ mùa hè chúng em phải học trong phòng học có diện tích chưa đến 40m2 nên rất bức bí”- em Trần Xuân Toại học sinh lớp 10D cho biết.
Cơ sở 2 của TTGDNN – GDTX huyện Hương Sơn tại TDP 9, thị trấn Phố Châu đã xuống cấp.
Không chỉ có vậy, công tác đào tạo nghề ở trung tâm cũng bộc lộ nhiều khó khăn, đó là tình trạng thiếu hụt trang thiết bị dạy nghề như như máy hàn, máy may công nghiệp…
“3 năm qua trung tâm đã rất nhiều lần kiến nghị với huyện hỗ trợ kinh phí để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị. Thế nhưng năm học 2021 – 2022 mới chỉ được cấp 425 triệu đồng, không đủ để mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học cũng như sửa chữa những hạng mục hư hỏng nặng ” – Giám đốc Nguyễn Thế Toàn cho biết thêm.
Đề cập đến những tồn tại ở TTGDNN – GDTX huyện Hương Sơn, Bí thư Huyện ủy Bùi Nhân Sâm cho rằng: Khó nhất là đến nay huyện vẫn chưa lựa chọn được khu vực phù hợp để triển khai xây mới trung tâm. Vì vậy, việc bỏ ra tiền tỷ để nâng cấp sửa chữa các cơ sở cũ là rất lãng phí.
Quan điểm này không sai, có điều bên cạnh đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, tìm kiếm mặt bằng hợp lý để xây dựng cơ sở mới, huyện Hương Sơn cũng cần có các giải pháp trước mắt như: cơi nới, mở rộng các phòng học, hỗ trợ trung tâm mua sắm thêm trang thiết bị để giáo viên và học sinh yên tâm dạy, học trong khi chưa có cơ sở mới. Có như vậy đến năm 2025, việc định hướng, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018- 2025 mới trở thành hiện thực.
Phụ huynh vui mừng vì kĩ năng ngôn ngữ, tính toán, thẩm mỹ... của con phát triển tích cực sau khi học SGK Cánh Diều
"Thấy con học tấn tới, nhất là tiếng Việt đọc thông viết thạo, tôi và gia đình, an tâm vô cùng" - chia sẻ của một phụ huynh trường tiểu học Sơn Tây thuộc huyện miền núi Hương Sơn.
Bộ sách giáo khoa Cánh Diều với triết lí xuyên suốt là "Mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống" thể hiện rõ tinh thần dạy học hướng đến phát triển năng lực cho người học, "học" gắn liền với "hành". Sau khi ra đời, bộ sách được đón nhận ở các tỉnh thành trên cả nước.
Nhiều phụ huynh bày tỏ sự vui mừng vì kết quả học tập của học sinh vượt mức mong đợi sau khi sử dụng bộ sách giáo khoa Cánh Diều.
Ông Trần Anh Tuấn (phụ huynh học sinh lớp 1D trường tiểu học Sơn Tây, Hương Sơn, Hà Tĩnh) cho biết: "Khi theo dõi thông tin trên mạng về "Tiếng Việt Cánh Diều có " sạn", tôi và một số phụ huynh không khỏi hoang mang, lo lắng. Phụ huynh chúng tôi đã gặp gỡ cô giáo trực tiếp giảng dạy, BGH nhà trường, thì được giải thích, nhưng vẫn chưa yên tâm, khi dư luận lại rộ lên đòi thu hồi sách. Nhưng, điều kì lạ là con tôi học đâu biết đấy, không chỉ tiếng Việt mà các môn khác như Toán, tiếng Anh, Tự nhiên và Xã hội vv... Thấy con học tấn tới, nhất là tiếng Việt đọc thông viết thạo, tôi và gia đình, an tâm vô cùng. Sơ kết học kì I, nhà trường mời tất cả 145 phụ huynh lớp 1 chúng tôi tham gia dự 1 tiết dạy của cô giáo, sau đó, đối thoại, trao đổi với nhà trường. Chúng tôi đánh giá sáng kiến này của trường tiểu học Sơn Tây và bày tỏ lòng biết ơn thầy cô, tin tưởng vào chất lượng bộ sách Cánh Diều".
Đồng quan điểm, chị Trần Thị Hương Thơm (phụ huynh học sinh lớp 1B, trường Tiểu học Sơn Kim 1, cũng ở Hương Sơn, Hà Tĩnh) hết sức vui mừng vì sau khi sơ kết học kì, cả 9 môn con chị đều hoàn thành và hoàn thành tốt. Các kĩ năng ngôn ngữ, tính toán, thẩm mỹ, thể chất đều phát triển theo hướng tích cực.
"Tôi đánh giá cao chương trình, vì chỉ sau một học kì, con tôi tự tin, tự chủ, khác hẳn với khi học mẫu giáo nhút nhát. Lên lớp 1, tôi quan sát thấy con tôi hòa nhập, hợp tác với bạn. Những buổi ở nhà, tôi thấy cháu, tự giác học và chủ động trong sinh hoạt cá nhân không chờ mẹ nhắc nhở nữa. Vì vậy, tôi đánh giá cao chương trình GDPT 2018. Còn về sách Cánh Diều, tôi mong muốn sang lớp 2 con tôi tiếp tục được học bộ sách lớp 2 của NXB này" - chị Thơm nói.
Sở dĩ bộ sách Cánh Diều được đánh giá cao như vậy là nhờ ngay từ khâu biên soạn các tác giả đã chú ý đẩy mạnh những vấn đề mà phụ huynh nêu trên.
Ngay môn Tiếng Việt lớp 1, GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên môn này cho biết sách ngoài việc tập trung phát triển những năng lực đặc thù cho học sinh thì còn chú trọng đẩy mạnh năng lực ngôn ngữ cùng 4 kỹ năng gồm đọc, viết, nói, nghe. Ngoài ra, sách cũng giúp phát triển những năng lực chung như tự học, tự chủ, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo.
"Nếu nhìn vào sách Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh diều thì sẽ thấy sự kế thừa SGK hiện hành nhiều, do đó tin chắc rằng các thầy cô đang dạy lớp 1 hiện nay khi sử dụng bộ sách có thể dạy được ngay. Thậm chí rất ít cần tập huấn bởi tính kế thừa", GS Thuyết nói.
Theo ông Thuyết, điểm phát triển của SGK Tiếng Việt lớp 1 "Cánh diều" là chủ trương dạy theo nhóm nét chữ cho học sinh dễ học.
"Khác với chương trình hiện hành ngay từ đầu đã dạy những chữ quá khó, ví dụ, chữ e, chữ b,... Chương trình mới sẽ dạy theo nét chữ. Bắt đầu chữ a, c từ những nét cong hở, rồi đến o, ô, ơ, d, đ,... có nét cong kín, GS Thuyết nói.
"Điểm mới thứ hai là ngay từ đầu, chúng tôi đã tận dụng những chữ mà học sinh đã học được để tạo nên những bài đọc từ 6-7 tiếng đến 20 tiếng và cuối học kỳ 1 là 30 tiếng.
Điểm mới thứ ba là có những bài chính tả ngay từ những tuần thứ 27 và học sinh phát triển kỹ năng nói và nghe thông qua kể chuyện.
Đặc biệt, ở phần luyện tập tổng hợp vào 9 tuần cuối cùng, mỗi tuần sẽ thiết kế có 2 tiết tự đọc để giúp học sinh phát triển kỹ năng đọc, hình thành nếp đọc sách và năng lực tự học của học sinh. Ở phần luyện tập tổng hợp, mỗi tuần cũng được dành 1 tiết gọi là góc sáng tạo để học sinh có thể vận dụng những điều đã học được vào làm những sản phẩm như bưu thiếp, sưu tầm những hình ảnh về thiên nhiên..."
Về việc tạo hứng thú cho học sinh, GS.Thuyết dẫn chứng, ngay từ những giờ đầu tiên học sinh đã phải tập đọc nhưng sách được thiết kế kết hợp chữ với hình để các em dễ tiếp thu, tránh tâm lý "sợ".
Tăng quyền tự chủ cho trường học Thực tế cho thấy, xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường giúp cơ sở giáo dục chủ động triển khai các hoạt động... Ảnh minh họa Internet. Cách đây 9 năm, Bộ GD&ĐT ban hành Văn bản số 791/HD-BGDĐT hướng dẫn triển khai thực hiện thí điểm phát triển chương trình giáo dục nhà trường phổ thông, bắt đầu từ năm...