Nhiều học sinh chọn thi đại học khối A và D1
Thí sinh dự thi khối D kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014.
Đến thời điểm này, học sinh lớp 12 bắt đầu đăng ký chọn môn thi tham dự kỳ thi THPT quốc gia. Khảo sát sơ bộ ở một số trường THPT trên địa bàn Hà Nội cho thấy, xu hướng lựa chọn của học sinh không khác nhiều so với những năm trước, chủ yếu nghiêng về khối A, D1.
La năm đầu tiên tổ chức kỳ thi chung, để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng, cho nên công tác tư vấn, hướng dẫn học sinh lựa chọn môn thi đúng năng lực, sở trường và công tác ôn tập được các nhà trường đặc biệt chú trọng. Hiệu trưởng Trường THPT Wellspring Đặng Đình Đại cho biết, ngoài ba môn bắt buộc, môn thi được học sinh của trường lựa chọn nhiều nhất là địa lý, rất ít học sinh đăng ký thi môn lịch sử. Các em ít chọn môn này bởi câu hỏi, cách hỏi cũ, yêu cầu thí sinh phải nhớ các mốc lịch sử…
Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh năm nay có 600 học sinh lớp 12, chỉ có duy nhất một em chọn thi môn lịch sử. Trong số các môn thi tự chọn thì vật lý chiếm tỷ lệ lớn nhất, tiếp đến là hóa học, sinh học, môn địa lý có khoảng 50 đến 60 học sinh đăng ký.
Tại trường THPT Sóc Sơn trong số hơn 500 học sinh, có gần 100 em đăng ký thi địa lý, 18 em chọn môn lịch sử. Lãnh đạo nhà trường cho biết, với những điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia, ngay cuối học kỳ I, trường tổ chức họp, thông báo tới từng phụ huynh học sinh về tính chất kỳ thi tới. Qua đăng ký sơ bộ, trường có hơn 30 học sinh (chiếm 6%) đăng ký xét tốt nghiệp. Tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, khoảng 20% học sinh chọn thi môn địa lý và khoảng 10% học sinh chọn thi môn lịch sử. Trường có 20% học sinh thi tại cụm tỉnh, 80% thi liên tỉnh.
Trước kỳ thi có nhiều thay đổi, để học sinh không hoang mang, lo lắng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giới thiệu đề và đáp án thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia, nhằm định hướng ôn tập cho học sinh.
Trao đổi chung quanh đề minh họa thi THPT quốc gia, Nguyễn Trung Long, nhà ở phố Đông Tác, học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Huy Chú, chia sẻ: Đề minh họa giúp học sinh, giáo viên định hướng được việc dạy và ôn tập cụ thể hơn. “Khi bộ chưa công bố đề minh họa em rất lo lắng, không biết đề ra sao, học ôn thế nào, nhưng mới đây bộ đưa ra đề mẫu, em rất mừng. Giờ thì em có thể yên tâm ôn tập và tăng cường rèn luyện kỹ năng làm bài” – em Long nói.
Thầy Lê Anh Tuấn, giảng viên Trường đại học Công nghiệp Hà Nội nhận định: Đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo bảo đảm phân loại thí sinh, nhằm hai mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học bằng bốn mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Đề thi toán chia nhỏ thành 10 câu với 12 ý, mở rộng cơ hội học sinh gia tăng điểm số, nhất là với học sinh đặt mục tiêu đỗ tốt nghiệp. Đề thi phân hóa thành bốn mức độ: dễ, trung bình, khó và cực khó. Những câu hỏi ở mức độ trung bình – khó bao gồm câu hỏi như câu 4 về bất phương trình, câu 6 về hình học không gian, câu 9 về xác suất thống kê… Những câu hỏi này tương tự như đề thi năm trước. Những câu hỏi còn lại ở mức độ dễ, giúp học sinh dễ dàng lấy điểm. Đưa ra nhận định về cấu trúc đề thi minh họa, một giáo viên Trường THPT Đan Phượng (huyện Đan Phượng) cho rằng, đề thi minh họa môn lịch sử không quá khó, học sinh có lực học trung bình cũng có thể đạt 5 hay 6 điểm. Tuy nhiên, để đạt điểm 9 hay 10 là khó, bởi có hai câu hỏi mở ở phần nâng cao, trong khi câu hỏi mở không có đáp án chính xác, do vậy học sinh sẽ khó đạt điểm tuyệt đối.
Chia sẻ chung quanh vấn đề này, PGS Văn Như Cương – Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) đánh giá, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đề thi minh họa giúp thầy và trò định hướng rõ hơn trong việc ôn tập, cụ thể là xác định được học cái gì, ôn thế nào để đạt kết quả tốt nhất cho kỳ thi.
Theo nhandan.org.vn