Nhiều hiệu trưởng đề xuất giảm môn thi hoặc bỏ thi tốt nghiệp THPT quốc gia do dịch COVID-19
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, các trường học phải nghỉ, hoặc chuyển sang học online. Lo ngại việc đảm bảo chương trình học, đặc biệt là lớp 9 và lớp 12- là các lớp sẽ phải thi tốt nghiệp, một số hiệu trưởng trường phổ thông ở Hà Nội đề xuất giảm môn thi hoặc bỏ kỳ thi THPT quốc gia năm nay.
Giới hạn kiến thức
Theo thầy Đào Tuấn Đạt, Giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội, người điều hành trường THPT Anhxtanh, Hà Nội: “Kế hoạch học tập và thi cử của học sinh hoàn toàn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh và không thể dự đoán trước được. Tâm trạng phụ huynh và học sinh, đặc biệt ở các lớp cuối cấp đang cực kỳ lo lắng. Thời gian ngày càng ngắn mà dịch bệnh ngày càng tăng. Việc học online đem lại sự yên tâm phần nào về mặt tâm lý chứ không hiệu quả”.
Kỳ thi THPT quốc gia được nhiều bậc phụ huynh, học sinh quan tâm. Ảnh minh hoạ: Lê Phú.
“Việc ngành giáo dục cần làm là công bố ngay các môn thi vào cấp 3. Các môn thi của lớp 12 thì học sinh đã nắm được, nhưng cần giới hạn chỉ thi phần kiến thức học sinh đã được học cho đến thời điểm phải nghỉ vì dịch (tức là từ đầu năm học cho đến hết tháng 1/2020). Sau khi hết dịch, trở lại đi học bình thường, cần cho học sinh lớp 9 và lớp 12 dành thời gian này để ôn tập, chứ không nên học thêm kiến thức mới”, thầy Đào Tuấn Đạt đề xuất.
“Cần khoanh phần kiến thức chưa học lại. Phần kiến thức khoanh lại cho học sinh nợ và học trả nợ sau, trả nợ như thế nào tùy vào quỹ thời gian chúng ta có sau khi hết dịch. Học sinh đỗ đại học, cao đẳng, trung cấp học trả nợ ở đại học, cao đẳng, trung cấp. Học sinh còn lại học trả nợ ở trường phổ thông. Nếu thi cả vào phần kiến thức học online là không công bằng với học sinh”, thầy Đào Tuấn Đạt chia sẻ thêm.
Người gửi đi thông điệp đầu tiên về giảm môn thi cũng như bỏ thi tốt nghiệp THPT trong tình hình hiện nay là thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS& THPT Marie Curie (Hà Nội).
Từ việc lắng nghe nguyện vọng của nhiều giáo viên, học sinh và phụ huynh, thầy Nguyễn Xuân Khang đề nghị: Về kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020, đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ xem xét và quyết định chỉ thi các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; bỏ các bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.
Nội dung đề thi năm nay cũng cần có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Năm nay khi chưa xảy ra dịch bệnh, Bộ GD&ĐT chủ trương không công bố đề minh hoạ kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh phức tạp khiến học sinh tiếp tục phải nghỉ học như hiện nay, Bộ GD&ĐT cần cân nhắc, xây dựng và sớm ban hành đề minh họa các môn thi, giúp học sinh và các nhà trường có kênh tham khảo chính thức để ôn tập và yên tâm về định hướng ra đề trong năm học “đặc biệt” này.
Về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020 – 2021 của Hà Nội, thầy Khang đề nghị xem xét, sửa quyết định theo hướng chỉ thi các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; bỏ môn thi thứ tư, là một trong các môn Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa, GDCD (được chọn ngẫu nhiên vào cuối tháng 3).
“Tôi đề xuất giảm bớt một số môn thi trong các kỳ thi nói trên, trước hết là nhằm giảm áp lực cho giáo viên và học sinh cuối cấp, giúp người dân thêm tin tưởng, yên tâm, đồng lòng chống dịch bệnh COVID-19. Đồng thời giảm được đáng kể quy mô tổ chức các kỳ thi đó của Bộ và thành phố”, thầy Khang cho biết.
Video đang HOT
Thầy Nguyễn Xuân Khang đề xuất: Nội dung đề thi cần điều chỉnh phù hợp với thực tế học sinh đã nghỉ học 2 tháng phòng COVID -19 và có thể nghỉ tiếp. Bộ GD&ĐT cũng nên cân nhắc xây dựng và sớm ban hành đề minh họa các môn thi, giúp học sinh và nhà trường có kênh tham khảo để ôn tập và yên tâm về định hướng ra đề trong năm học này.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội thì nếu dịch còn diễn biến phức tạp thì cần phải tính đến dừng kỳ thi THPT quốc gia. Bộ GD&ĐT cần sớm xây dựng phương án để ứng phó trong năm học này.
Không giảm chương trình một cách cơ học
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ GD&ĐT đẩy mạnh học trực tuyến, giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị, các đơn vị chuyên môn của Bộ sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về việc dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình để các địa phương, cơ sở giáo dục có căn cứ triển khai đồng bộ và hiệu quả. Trong đó, cần lưu ý công tác thẩm định nội dung, chất lượng các bài giảng trực tuyến, trên truyền hình và học từ xa.
Bộ trưởng đề nghị các địa phương khi rà soát giảm nhẹ chương trình nhưng phải đảm bảo chất lượng, không thực hiện tinh giản cơ học mà tinh giản những nội dung không thật sự cần thiết. Bộ trưởng cũng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn sớm hoàn thành xây dựng đề thi tham khảo kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 cho tất cả các môn theo hướng tính toán cân đối lượng kiến thức sao cho phù hợp.
Trước đó, công văn số 4612 ban hành năm 2017, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các nhà trường rà soát, tinh giản nội dung dạy học, để phát triển năng lực và phẩm chất học sinh chuẩn bị cho việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo PGS TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT thì việc tinh giản đến nay vẫn được thực hiện theo cách đó, làm sao chú trọng rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa.
Lê Vân (baotintuc.vn)
'Bộ GD-ĐT có thể đề xuất Chính phủ quyết định việc thi thế nào'
Do dịch Covid-19, học sinh nghỉ kéo dài, hiệu trưởng một trường gửi thư kiến nghị Bộ GD-ĐT giảm môn thi kỳ thi THPT quốc gia trong khi có chuyên gia cho rằng Bộ có thể đề xuất để Chính phủ quyết định thi thế nào.
Nghỉ học dài do dịch Covid-19, nhiều ý kiến đặt ra có nên cho học sinh lớp 12 năm nay thi THPT quốc gia hay xét tốt nghiệp - Ngọc Dương
Đề xuất giảm môn thi, công bố đề minh họa
Liên quan đến việc phải thay đổi cách thức thi THPT quốc gia năm nay để ứng phó với dịch Covid-19, ngày 16.3, ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Marie Curie Hà Nội, đã gửi thư kiến nghị tới Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, đề nghị giảm môn thi trong kỳ thi này.
Trong thư, ông Khang đề nghị chỉ thi các môn toán, ngữ văn và ngoại ngữ; bỏ các bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Đồng thời, nội dung đề thi cũng cần có những điều chỉnh phù hợp, Bộ cần cân nhắc, xây dựng và sớm ban hành đề minh họa các môn thi, giúp học sinh và các nhà trường có kênh tham khảo chính thức để ôn tập và yên tâm về định hướng đề thi trong năm học đặc biệt này.
Về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020 - 2021 của TP.Hà Nội, ông Khang đề nghị Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung xem xét sửa quyết định về kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020 - 2021. Theo đó, chỉ thi các môn toán, ngữ văn và ngoại ngữ; bỏ môn thi thứ tư, là một trong các môn lý, hóa, sinh, sử, địa, giáo dục công dân (được chọn ngẫu nhiên vào cuối tháng 3).
Ông Khang chia sẻ thêm: "Tôi đề xuất giảm bớt một số môn thi trong các kỳ thi nói trên, nhằm giảm áp lực cho giáo viên và học sinh, giúp người dân tin tưởng, đồng lòng chống dịch bệnh. Đồng thời giảm quy mô tổ chức các kỳ thi của Bộ và TP. Những năm sau, khi hết dịch bệnh, các kỳ thi sẽ lại được tổ chức đàng hoàng hơn, to đẹp hơn".
Luật Giáo dục quy định vẫn phải thi để được cấp bằng tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, tổ chức thi như thế nào, có tổ chức thi cấp quốc gia hay cấp tỉnh hay cấp trường thì do Chính phủ quyết định trên cơ sở đề xuất, báo cáo của Bộ GD-ĐT, chứ luật Giáo dục không nói đây là kỳ thi cấp quốc gia
GS Đào Trọng Thi - (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội)
Ông Khang không đề xuất xét tốt nghiệp THPT thay thi vì luật Giáo dục đã quy định lớp 12 phải thi tốt nghiệp THPT. Nếu Bộ GD-ĐT không tổ chức kỳ thi thì phải trình Chính phủ và báo cáo Quốc hội quyết định vào kỳ họp (dự kiến vào tháng 5, 6). Lúc đó là quá muộn vì phương án thi phải công bố sớm để người dân được biết.
Bộ GD-ĐT cần xây dựng đề án
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội, đề nghị: "Luật Giáo dục quy định vẫn phải thi để được cấp bằng tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, tổ chức thi như thế nào, có tổ chức thi cấp quốc gia hay cấp tỉnh hay cấp trường thì do Chính phủ quyết định trên cơ sở đề xuất, báo cáo của Bộ GD-ĐT, chứ luật Giáo dục không nói đây là kỳ thi cấp quốc gia".
Nếu không thi ở cấp quốc gia mà giao cho các trường tổ chức thi và xét tốt nghiệp THPT, theo GS Đào Trọng Thi, thì Bộ GD-ĐT cần xây dựng đề án, trình Chính phủ phê duyệt và báo cáo Quốc hội trước khi thực hiện. "Báo cáo Quốc hội là để Quốc hội giám sát, những gì chuẩn bị chưa kỹ thì Quốc hội khuyến cáo, chứ Quốc hội không quyết định hình thức thi cụ thể. Quốc hội không ra nghị quyết cho việc này", GS Thi nói.
Ông Đào Trọng Thi nêu quan điểm: "Nếu Bộ GD-ĐT định thực hiện một phương án đặc thù để xét tốt nghiệp THPT cho năm nay thì cần cụ thể. Đây là quyết định có tác động lớn đến nhân dân, nên cần xin ý kiến của người dân, của các cơ sở giáo dục, giới giáo chức... nên cần chuẩn bị kỹ trước khi quyết định chính thức chứ không phải quyết định một cách "ngẫu hứng" được".
Giảm môn thi, xét tuyển vào ĐH có ảnh hưởng ?
Với việc tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ bị ảnh hưởng khi giảm các môn thi, ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Marie Curie Hà Nội, cho rằng các trường ĐH cần phát huy quyền tự chủ trong tuyển sinh như sơ tuyển, tuyển sinh bằng học bạ...
Nếu vẫn dựa vào điểm thi THPT quốc gia mà chỉ thi 3 môn như đề xuất thì các ngành khoa học tự nhiên có thể tính điểm môn toán nhân hệ số 2; với các ngành khoa học xã hội hoặc ngôn ngữ, có thể thay đổi hệ số môn cho phù hợp, đồng thời sử dụng thêm kết quả học tập THPT. "Với những lý do trên, tôi cho rằng đề xuất giảm môn thi và điều chỉnh nội dung thi theo hướng phù hợp với tình hình thực tế là khả thi. Tôi mong các cấp có trách nhiệm sẽ xem xét, sớm đưa ra quyết định phù hợp", ông Khang nói.
Theo GS Đào Trọng Thi, kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay cũng có "vấn đề", có những bất cập. Tuy nhiên thay bằng cách khác để nó tốt hơn thì phải chuẩn bị kỹ, còn thay đổi mà không tính toán kỹ thì có khi còn mất thời gian hơn, phức tạp hơn. Dịch bệnh là tình huống đặc biệt nhưng vấn đề là nếu thay đổi cách thức công nhận tốt nghiệp cho nhẹ nhàng hơn thì phải có một phân tích, đánh giá, chuẩn bị kỹ làm sao vẫn thực chất mà dễ triển khai thực hiện hơn.
Ông Thi bày tỏ: "Bản thân việc xét tốt nghiệp THPT hoặc giao về cho các trường thì đó vẫn là một kỳ thi. Nếu vì dịch, chúng ta đặt vấn đề là "làm cho có", làm để công nhận tất cả đều đạt tốt nghiệp thì nó lại là câu chuyện không thể chấp nhận và hậu quả sẽ để lại hàng chục năm sau, làm hỏng cả một thế hệ thì rất nguy hiểm".
Tuy nhiên, ông Đào Trọng Thi nhấn mạnh nếu bàn để có chất lượng và nhẹ nhàng hơn thì phải tính toán là thay kỳ thi THPT quốc gia bằng một hình thức khác đơn giản hơn mà vẫn đảm bảo chất lượng được hay không? "Một số ý kiến cho rằng làm bài kiểm tra, phỏng vấn nhẹ nhàng đánh giá năng lực nhưng thực ra việc này đòi hỏi phải chuẩn bị kỹ lưỡng về kỹ thuật chứ không hề đơn giản. Tôi chưa nghĩ đến những tình huống thay đổi đột ngột như vậy nên chưa thể đưa ra một đề xuất gì cụ thể hơn trong tình huống này", GS Thi nói.
Ý kiến
Cần giới hạn kiến thức
Việc cần kíp lúc này là Bộ công bố giới hạn kiến thức để các tỉnh thành chủ động ôn tập bằng nhiều hình thức. Theo đó, Bộ nên chọn kiến thức học kỳ 1 và thêm một phần nhỏ của học kỳ 2. Cụ thể, sau khi gián đoạn việc học tập, học kỳ 2 nên tập trung vào các chủ điểm quan trọng của chương trình thay vì dàn trải. Đề thi THPT quốc gia tăng số lượng câu hỏi nhận biết, giảm số lượng câu hỏi vận dụng bởi trong thời gian ngắn việc rèn kỹ năng cho học sinh là vấn đề nan giải.
Công bố giới hạn kiến thức xong thì có nghỉ thêm tháng 4 và sau đó sang tháng 8 hay tháng 9 vẫn thi được vì các em đã có thời gian để ôn tập, không cần học thêm kiến thức mới quá nhiều.
Nguyễn Viết Đăng Du - (Giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM)
Công bố sớm trọng tâm
Bộ cần có hướng dẫn cụ thể về công tác thi và công bố sớm định hướng trọng tâm, cấu trúc đề thi, từ đó nhà trường cũng như giáo viên sẽ có hình thức tổ chức giảng dạy phù hợp. Kiến thức nào không thi giáo viên sẽ có hình thức giảng dạy, phù hợp như giới thiệu kiến thức cơ bản, giao dự án, giao bài tập nghiên cứu... Thời gian còn lại sẽ dành cho việc đảm bảo kiến thức của kỳ thi.
Phạm Phương Bình - (Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, Q.Thủ Đức, TP.HCM)
B.Thanh (ghi)
Theo thanhnien.vn
Ôn thi môn Giáo dục Công dân: Những bí quyết không thể bỏ qua Giáo dục công dân không chỉ là môn thi tốt nghiệp THPT mà đã trở thành môn thành phần quan trọng trong các tổ hợp môn xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Báo GD&TĐ xin giới thiệu những kinh nghiệm của cô Đỗ Thị Phượng với mong muốn giúp học sinh ôn thi tốt môn học. Cùng nêu vấn đề và trao đổi tháo...