Nhiều giáo viên quên “xỏ chân vào đôi giày của học sinh”
Tôi là một giáo viên tiểu học, đã dạy qua nhiều lớp, nhưng chưa bao giờ gặp phải tình huống bất hòa với phụ huynh, hay bị học sinh ghét.
Tôi nghĩ rằng, đối với một người giáo viên, để làm được điều đó thực chẳng có gì khó khăn. Điều mà nhiều giáo viên quên mất là “xỏ chân vào đôi giày của học sinh”
Tôi dạy học ở miền quê, điều kiện gia cảnh học sinh có thể không tốt như thành phố, nhưng học sinh ngỗ nghịch thì chẳng kém. Tôi nhớ, một lần làm chủ nhiệm lớp, có cậu học sinh từng lưu ban 2 năm. Em ấy nghênh ngang, ngổ ngáo, thêm vào đó, thường hay nói năng vô lễ. Nhưng đó đâu đã là bản chất. Tôi bắt đầu quan sát em nhiều hơn, thấy tay của em khá thô ráp, thậm chí là chai sạn. Một lần, trong lúc trò chuyện, vô tình nghe em than: “Em chán mẹ em, mẹ đi không về”. Tôi mới hiểu rằng, em thiếu thốn tình cảm, phải làm nhiều việc ở nhà.
Từ đó, tôi bắt đầu gần gũi, quan tâm và khen em nhiều hơn. Tôi giao cho em các nhiệm vụ trong lớp như: lớp phó lao động, tổ trưởng… Dần dần, em nghiêm chỉnh hơn, và tích cực trong cả học tập lẫn ý thức.
Tôi luôn giành thời gian đọc truyện cho học sinh, qua đó để dạy cho các em những bài học kỹ năng sống (Clip: Nguyễn Quỳnh).
Đổ lỗi và thiếu trách nhiệm sẽ gây ra nhiều bệnh trong giáo dục
Tôi vô cùng trân quý những người thầy đã giảng dạy mình. Bởi vì thầy cô không chỉ dạy tôi biết chữ, mà còn dạy tôi làm người, làm nghề. Một người thầy đã về hưu của tôi nói rằng: “Nghề của chúng ta là một nghề cao đẹp. Thầy luôn tự hào. Cho dù ngày xưa khó khăn biết bao, nhưng nếu bảo chọn lại, thầy vẫn chọn nghề dạy học”. Lúc đó, tôi thấy trong đôi mắt thầy ánh lên nét hạnh phúc.
Hay cô giáo chủ nhiệm lớp 6, trước khi ra đi, cô vẫn nắm chặt bàn tay tôi dặn dò, phải biết trung thực và tự hào về nghề của mình. Với tôi, họ đều là những nhà giáo tuyệt vời!
Than thở, dùng các biện pháp cực đoan trong dạy học mà chưa bao giờ tự hỏi mình đã làm gì cho học sinh, không nhìn thấy ánh mắt hạnh phúc của các em trong giờ học, thì tôi cho rằng đang sống những ngày thật lãng phí.
Có những đồng nghiệp viện cớ “nói mãi mà học sinh không nghe” nên phải đánh cho sợ. Giả sử đặt vào bản thân, nếu trong một lớp học, mình cảm thấy không hiểu, không thú vị, không ý nghĩa thì có lắng nghe giáo viên giảng hay không?
Bởi vậy, giáo viên hãy lắng nghe xem học sinh có khó khăn gì, do kiến thức bị hổng, hay do thầy cô giảng nhanh quá, rắc rối quá? Giáo viên hãy luôn luôn xem lại bản thân mình trước, rồi hãy trách học sinh.
Nếu chỉ chăm chăm đổ lỗi, thiếu trách nhiệm thì tôi nghĩ họ nên xem xét chọn lại nghề.
Để học sinh yêu quý, phụ huynh tin tưởng không khó
Lắp camera có thể bóp chết cảm hứng sáng tạo của giáo viên và học sinh, vì vậy, điều quan trọng là tạo dựng niềm tin giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh (Ảnh: Nguyễn Quỳnh).
Người ta vẫn nói “Giáo viên là cha mẹ thứ hai của học sinh”, tôi cho rằng, các giáo viên cũng phải tự nhắc nhở mình điều đó. Có như vậy thì mới đủ yêu thương và trách nhiệm với học sinh.
Lớp học chính là ngôi nhà thứ 2 của các em. Ở đó, có tình yêu thương, sự tôn trọng và niềm hạnh phúc. Những đứa trẻ bây giờ rất thông minh, các em nhận thức rất tốt và cũng rất ham học hỏi.
Vì vậy, để gần gũi và hiểu tâm tư của học sinh, ngay từ đầu năm học mới, tôi thường tổ chức cho các em viết thư, gửi những điều mong muốn ở bố mẹ, và sau một tuần học đầu tiên, các em sẽ viết thư gửi các thầy cô. Tôi cũng sẽ viết thư hồi đáp lại cho các em.
Riêng bản thân mình, tôi luôn phải làm một tấm gương tốt về đạo đức, có kiến thức chuyên môn vững, và đảm bảo tính trung thực. Như vậy, học sinh mới thật sự yêu quý, tôn trọng.
Đối với phụ huynh, cũng ngay từ buổi gặp mặt đầu năm, hay buổi họp phụ huynh, tôi sẽ đưa ra quan điểm của mình trong dạy học, sẽ không có sự so sánh giữa các học sinh trong lớp. Nếu có học sinh nào yếu kém, tôi sẽ trao đổi riêng, tránh để phụ huynh “muối mặt” với các phụ huynh khác. Điều mà giáo viên cần có ở phụ huynh chính là sự tin tưởng.
Tôi nghĩ để có được điều đó thật sự rất đơn giản.
Với việc lắp camera trong lớp học, đứng trên cương vị giáo viên, tôi cảm thấy rất khó chịu, không được tin tưởng, và có thể bóp chết sự sáng tạo của thầy và trò. Tuy nhiên, đặt mình vào vị trí của phụ huynh, tôi có thể hiểu được. Vì vậy, điều quan trọng là nhà trường và giáo viên phải gây dựng được niềm tin cho phụ huynh.
Nguyễn Quỳnh (Gia Lai)
Theo vietnamnet
Khủng hoảng ngành sư phạm
Vài năm gần đây, bên cạnh tuyển sinh khó khăn, ngành sư phạm cũng gặp nhiều vấn đề 'ảm đạm' như điểm đầu vào thấp, giáo viên bị sa thải ở nhiều địa phương, sinh viên không có việc làm...
Trước thực trạng này, 2 năm qua, Bộ GD-ĐT đã đưa ra giải pháp (chỉ ở phần ngọn) kiểm soát điểm sàn để đảm bảo chất lượng, nhưng xem ra không hiệu quả.
Nhiều vấn đề bất cập
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện cả nước có 113 cơ sở đào tạo giáo viên. Ngoài ra, còn có 40 trường trung cấp đa ngành có đào tạo giáo viên mầm non. Nếu tính trung bình, mỗi tỉnh thành hiện có từ 2 - 4 cơ sở đào tạo giáo viên, dẫn đến tình trạng trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, bùng nổ số lượng giáo viên không đảm bảo chất lượng, đào tạo vượt xa nhu cầu sử dụng...
Thực tế các trường cao đẳng sư phạm (CĐSP) rất thiếu giảng viên có trình độ cao. Tỷ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ chỉ chiếm trung bình 4,82%. Trong đó, những trường không có tiến sĩ như CĐSP Vĩnh Long, hoặc tỷ lệ rất thấp như CĐSP Lạng Sơn (1,3%). Riêng các trường đại học sư phạm (ĐHSP), tỷ lệ giảng viên là tiến sĩ (tính cả ngành ngoài sư phạm) cũng không cao như ĐH Vinh chỉ trên 29%, ĐH Sư phạm TPHCM và ĐH Cần Thơ mới hơn 32%.
Chính vì vậy, nhiều trường CĐSP chưa thu hút thí sinh, như Trường CĐSP Nam Định, tại Khoa Tự nhiên, năm học 2018-2019 có 16 giáo viên, nhưng chỉ đào tạo... 30 sinh viên; hay ở Khoa Xã hội, lớp Văn - Giáo dục công dân K39, chỉ có 5 sinh viên theo học; lớp Văn - Giáo dục công dân K40 có 2 sinh viên; lớp Âm nhạc chỉ 1 sinh viên.
Thí sinh tìm hiểu thông tin xét tuyển vào Trường ĐHSP TPHCM
Kết quả tuyển sinh mới đây của Trường CĐSP Nam Định cũng rất đáng buồn, khi hàng loạt ngành có số thí sinh trúng tuyển chỉ bằng không hoặc nhiều lắm cũng chỉ 1-5 sinh viên. Hay như Trường CĐSP Gia Lai trong xét tuyển đợt 1, phải "đóng cửa" 3 ngành SP Toán học, SP Ngữ văn và SP Tiếng Anh do số lượng thí sinh đăng ký quá ít.
Trường CĐSP Đắk Lắk có 200/315 chỉ tiêu ở 9 ngành SP phải tuyển đợt 2 với điểm xét tuyển bằng điểm chuẩn đợt 1 (bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT). Dù điểm chuẩn chỉ 16 điểm ở tất cả ngành nhưng xét tuyển đợt 1, nhiều ngành SP chỉ có 1 - 3 thí sinh đăng ký như: SP Toán, SP Vật lý, SP Ngữ văn, SP Địa lý, SP Tiếng Anh. Tuyển sinh năm 2019, Trường CĐ Đà Lạt (Lâm Đồng) có đến 5 ngành "trắng" thí sinh, gồm: SP Toán học, SP Tin học, SP Vật lý, SP Hóa học, Giáo dục thể chất.
Tương tự, các ngành sư phạm ở nhiều trường ĐH địa phương cũng... đìu hiu. Trường ĐH Đồng Tháp năm học rồi rất nhiều ngành không có thí sinh trúng tuyển gồm SP Vật lý, SP Tin học, SP Sinh học, SP Mỹ thuật. Những ngành khác như SP Địa lý, SP Hóa học, SP Âm nhạc, SP Lịch sử, dù chỉ tiêu mỗi ngành là 20, nhưng chỉ có 5 - 7 thí sinh trúng tuyển.
Trong năm 2019, nhiều ngành SP vẫn tiếp tục đăng ký tuyển sinh và kết quả cũng không khá hơn. Năm 2018, dù nhiều ngành có số thí sinh trúng tuyển là 0, nhưng năm 2019, Trường ĐH Đồng Nai vẫn tuyển sinh và tiếp tục nhận... trái đắng. Cụ thể, các ngành SP: Sinh học, Lịch sử, Tin học, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật không có thí sinh trúng tuyển.
Cần chính sách giải cứu
Trong dự thảo đề án "Sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm", Bộ GD-ĐT đặt ra mục tiêu giai đoạn 2020-2025 hình thành được 2 trường sư phạm trọng điểm quốc gia ở Hà Nội và TPHCM trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Trường ĐHSP Hà Nội, Trường ĐHSP TPHCM và một số trường ĐHSP khác.
Đồng thời, xây dựng mạng lưới "vệ tinh" là các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ở các địa phương. Giai đoạn 2026-2030, hình thành thêm 1 trường sư phạm trọng điểm quốc gia tại khu vực miền Trung trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại các trường ĐHSP trên địa bàn và một số tỉnh thành lân cận.
Theo PGS-TS Mỵ Giang Sơn, nguyên Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, trong 3 năm gần đây, Bộ GD-ĐT giữ quyền công bố điểm sàn nên các trường phải cắt giảm chỉ tiêu rất mạnh. Tuy nhiên, vấn đề căn cơ nhất lại nằm ở việc làm và thu nhập của sinh viên sư phạm sau khi ra trường. Do đó, cần thiết phải có giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, trong đó vấn đề việc làm và tiền lương cho ngành sư phạm phải được cải thiện đáng kể, để không thiếu người giỏi theo học.
Ông Lê Văn Tiến, Hiệu trưởng Trường CĐSP Trung ương TPHCM, chia sẻ cần bỏ chính sách miễn học phí nhưng phải có lộ trình và đi kèm là có chính sách tăng lương giáo viên. "Tôi cam đoan, trong số 100 giáo viên chỉ có vài ba người tâm huyết, sẵn sàng hy sinh vì nghề. Bản thân tôi từng là người có một thời say mê với nghề dạy, nhưng tôi không thể sống với đồng lương tiến sĩ chỉ 4 - 5 triệu đồng mỗi tháng", ông Lê Văn Tiến trăn trở.
PGS-TS Nguyễn Thám, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế), cho rằng việc cấp bù kinh phí đang có nhiều vấn đề... khiến các trường phải bù lỗ. Nếu việc cấp bù đủ cho chi phí đào tạo, các trường sư phạm sẽ không phải bù lỗ, đủ điều kiện để nâng cao chất lượng thì chắc chắn không ai muốn bỏ chính sách này.
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, phân tích không thể giữ mức học phí như hiện nay. Việc bỏ chính sách miễn, giảm học phí phải kèm theo giải pháp và chính sách phù hợp, vì thực tế khảo sát hiện nay, tỷ lệ sinh viên khu vực nông thôn vào trường sư phạm đang cao hơn rất nhiều so với sinh viên nông thôn vào trường khác.
Do đó, muốn đánh giá việc miễn, giảm học phí có thật sự thu hút được sinh viên giỏi vào học sư phạm hay không, cần phải chứng minh một cách khoa học, rồi xóa bỏ cũng chưa muộn. Nếu các trường sư phạm tăng học phí lên gấp 3 lần như hiện nay thì giải pháp kèm theo là Nhà nước chấp nhận rủi ro cho sinh viên sư phạm vay tiền để học, sau khi ra trường, nếu làm trong lĩnh vực giáo dục thì được xóa nợ.
Mặt khác, nếu sau khi ra trường sinh viên có thu nhập khoảng 7 - 10 triệu đồng/tháng và sau 35 năm làm việc có thu nhập từ 30 - 35 triệu đồng/tháng thì chắc chắn ngành sư phạm có sức hút lớn.
Theo Sài Gòn Giải Phóng
Khai trường, khai giảng, khai học, tựu trường: Sử dụng từ nào mới đúng cho ngày 5/9? Tại các môi trường học đường, giảng dạy mới chỉ là một phần việc do các giáo viên đảm nhiệm. Phần việc khác thuộc về phía học sinh. Vì vậy có khai giảng hiển nhiên phải có khai học. Sau 3 tháng nghỉ hè, năm học mới được trở lại với bao ánh mắt háo hức và tâm trạng hân hoan của hàng...