Nhiều điểm mới trong tuyển sinh 2018
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố Thông tư sửa đổi, bổ sung tên và một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2018.
Thí sinh cần tìm hiểu kỹ phương thức xét tuyển đối với các trường dự định đăng ký xét tuyển
Theo đó, có nhiều thay đổi so với năm 2017, đặc biệt là đối với thí sinh tham gia tuyển sinh đại học năm nay.
Giảm điểm ưu tiên theo khu vực
Điểm đáng lưu ý thứ nhất theo quy chế đó là khung điểm ưu tiên giảm xuống. Cụ thể là mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai khu vực kế tiếp là 0,25 điểm thay vì 0,5 điểm như các năm trước. Thứ hai, tổng điểm xét tuyển năm nay chi tiết hơn là làm tròn đến 2 chữ số thập phân. Thứ ba, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành đào tạo thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên. Thứ tư, thí sinh đạt giải trong các kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN và thi tay nghề quốc tế được tuyển thẳng vào các ngành, nghề phù hợp với nghề đã đạt giải. Đồng thời, thí sinh đạt giải trong các cuộc thi nghệ thuật gồm mỹ thuật sẽ được ưu tiên tuyển thẳng theo quy định của từng trường.
Và trong năm nay, các trường phải cập nhập, công bố danh sách thí sinh trúng tuyển và danh sách thí sinh nhập học trong suốt quá trình xét tuyển. Gần như là hằng tháng đều có cập nhật danh sách.
Đa dạng phương thức tuyển sinh
Theo công bố của các trường, phương thức xét tuyển đại học năm nay rất đa dạng. Đơn cử như Trường đại học Quốc tế (ĐH quốc gia TP.HCM) sử dụng tới 6 phương án tuyển sinh. Tại Trường đại học Hoa Sen, với 2.510 chỉ tiêu của 22 ngành, xét tuyển bậc đại học theo 3 phương thức như dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia; kết quả học tập (học bạ) THPT và theo điều kiện riêng của trường.
Video đang HOT
Trong 3 phương thức tuyển sinh của trường này, dành 60% chỉ tiêu xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia, 30% dựa trên kết quả học tập (học bạ) THPT và 10% theo điều kiện riêng của trường. Ở phương thức 1, từ kết quả điểm của các thí sinh đã tham dự kỳ thi THPT quốc gia (THPT) năm 2018 và các tổ hợp môn thi xét tuyển theo từng ngành, nhóm ngành. Riêng ngành Ngôn ngữ Anh, thí sinh phải đạt từ 5 điểm trở lên đối với môn tiếng Anh. Mức điểm tối thiểu nhận hồ sơ xét tuyển là từ bằng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của trường quy định.
Ở phương thức 2, điểm trung bình cộng các môn học cả năm lớp 10, lớp 11 và HK 1 lớp 12 từ 6 điểm trở lên. Thêm vào đó, điểm trung bình cộng môn Tiếng Anh, Toán hoặc Ngữ văn phải đạt từ 6,5 điểm trở lên đối với các ngành: ngành Ngôn ngữ Anh (môn Tiếng Anh); các ngành Thiết kế nội thất, Thiết kế đồ họa và Thiết kế thời trang (môn Toán hoặc Ngữ văn).
Ngoài 2 phương thức trên, trường còn mở rộng cơ hội cho thí sinh dự tuyển với phương thức xét tuyển theo điều kiện riêng của trường. Cụ thể, thí sinh tốt nghiệp THPT và có điểm trung bình cộng các môn học trong cả năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12 từ 6 điểm trở lên và thỏa một trong các điều kiện theo yêu cầu của trường (tùy theo ngành, nhóm ngành) đều có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.
Tại Trường đại học Hoa Sen, đối tượng dự tuyển là thí sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và có đủ sức khỏe để học tập. Đối với người khuyết tật được UBND cấp tỉnh công nhận, hiệu trưởng nhà trường sẽ xem xét, quyết định cho dự tuyển sinh vào các ngành học phù hợp. Theo đó phạm vi tuyển sinh trong cả nước, không giới hạn độ tuổi và năm tốt nghiệp của thí sinh tham gia tuyển sinh vào trường.
Theo TNO
Lưu ý 'vàng' trong tuyển sinh đại học 2018
Hôm qua, Bộ GD&ĐT đã công bố thông tư sửa đổi bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh ĐH hệ chính quy, tuyển sinh nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy và văn bản hướng dẫn công tác tuyển sinh ĐH, CĐ, trung cấp tuyển sinh nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy 2018. So với năm 2017, năm nay thí sinh cần lưu ý một số thay đổi.
Thí sinh cần lưu ý một số điều chỉnh của mùa tuyển sinh 2018. Ảnh: Như Ý
Điểm cộng ưu tiên cao nhất 2.75 điểm
Theo Thông tư sửa đổi bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1 điểm, giữa hai khu vực kế tiếp là 0,25 điểm, tương ứng với tổng điểm 3 bài thi/môn thi, không nhân hệ số theo thang điểm 10.
Trao đổi cụ thể hơn vấn đề này với PV, đại diện Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, điểm ưu tiên đối tượng năm nay không thay đổi so với năm 2017. Thí sinh thuộc nhiều đối tượng ưu tiên thì chỉ được chọn đối tượng ưu tiên cao nhất. Điểm tối đa của đối tượng ưu tiên là 2 điểm. Năm nay, điểm cộng ưu tiên khu vực đã giảm 50% so với năm 2017. Những năm trước, điểm ưu tiên khu vực cao nhất là 1.5 điểm, trong khi năm nay chỉ còn 0.75 điểm. Như vậy, tổng điểm cộng ưu tiên cao nhất năm 2018 là 2,75 điểm. Còn những năm trước là 3.5 điểm.
Thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng 1 lần duy nhất
Cũng giống như năm 2017, năm nay, thí sinh sẽ có 1 lần duy nhất để điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Thí sinh vẫn được đăng ký không giới hạn nguyện vọng như năm 2017.
Theo văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi THPT quốc gia. Các thí sinh chỉ được sử dụng một trong hai phương thức điều chỉnh là trực tuyến hoặc bằng phiếu đăng ký xét tuyển.
Điều chỉnh bằng phương thức trực tuyến: thí sinh sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để thực hiện việc điều chỉnh nguyện vọng. Lưu ý thí sinh: phương thức này chỉ chấp nhận khi số lượng nguyện vọng sau khi điều chỉnh không lớn hơn số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu trong Phiếu đăng ký xét tuyển.
Đối với điều chỉnh bằng Phiếu đăng ký xét tuyển: thí sinh được điều chỉnh tăng thêm số lượng nguyện vọng so với số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu trong Phiếu và phải nộp bổ sung lệ phí cho số nguyện vọng tăng thêm theo quy định. Thí sinh phải điền đầy đủ thông tin vào Phiếu đăng ký xét tuyển và gửi trực tiếp về điểm thu nhận hồ sơ để cán bộ máy tính cập nhật vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
Lưu ý thí sinh ghi đúng mã trường, mã ngành/nhóm ngành, mã tổ hợp xét tuyển theo quy định của trường. Nguyện vọng nào ghi không đúng sẽ không được hệ thống phần mềm chấp nhận và bị loại. Điểm thu nhận hồ sơ phải yêu cầu thí sinh kiểm tra kết quả điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trong thời gian quy định và đề nghị điều chỉnh sai sót, nếu có.
Các Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm cập nhật Phiếu của thí sinh và chịu trách nhiệm về thông tin đã cập nhật vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT; trong trường hợp nhập sai thông tin so với Phiếu của thí sinh thì phải điều chỉnh lại khi thí sinh đề nghị và lưu bản đề nghị điều chỉnh sai sót của thí sinh.
Có điểm sàn riêng cho khối sư phạm
Một điểm mới của năm nay, đó là đối với ngành đào tạo thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên ở các trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp: Căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển.
Không những thế, về chỉ tiêu, đối với hệ trung cấp, cao đẳng, các trường tự xác định chỉ tiêu theo quy định của Bộ GD&ĐT. Còn trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ do Bộ GD&ĐT ban hành.
Đối với các ngành khác, các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, công bố trên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng.
Năm nay, Bộ cũng quy định điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển và cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định và được làm tròn đến hai chữ số thập phân. Đối với các thí sinh bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách thì xét trúng tuyển theo các điều kiện phụ do mỗi trường đã thông báo, nếu vẫn còn vượt chỉ tiêu thì ưu tiên thí sinh có nguyện vọng cao hơn.
Đối với hình thức tuyển sinh bằng xét dựa vào kết quả học tập THPT để vào ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên, Bộ cũng yêu cầu ở trình độ ĐH, các trường chỉ xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại giỏi. Riêng các ngành sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên.
Một nội dung mà hướng dẫn nhấn mạnh đó là trong thời gian thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, các trường không được cập nhật, không công bố thông tin thí sinh đăng ký vào trường.
Theo TPO
Công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh đại học Ngày 9/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy. ảnh minh họa Quy chế này quy định các nội dung liên quan đến công tác tuyển sinh,...