Nhiều đại học ở TP HCM công bố phương án tuyển sinh 2019
Các trường giữ cách tuyển sinh, chỉ tiêu và tổ hợp môn xét tuyển như năm 2018 để tránh gây xáo trộn cho thí sinh.
Đại học Công nghiệp TP HCM vừa công bố phương thức tuyển sinh dự kiến năm 2019 với 31 ngành, nhóm ngành ở hai chương trình đại trà và chất lượng cao, tổng chỉ tiêu 7.000. Hai ngành học mới là Quản lý đất đai và Bảo hộ lao động.
Ở bậc đại học, cơ sở chính TP HCM tuyển sinh theo ba phương thức: tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; dùng kết quả thi THPT quốc gia (70 -90% tổng chỉ tiêu); dùng kết quả học tập năm học kỳ THPT (không kể học kỳ 2 năm lớp 12) các môn có trong tổ hợp xét tuyển với ngưỡng nhận hồ sơ là điểm trung bình ba môn trong tổ hợp từ 6,5 trở lên.
Trường xét tuyển theo 12 tổ hợp và áp dụng môn chính trong tất cả ngành. Thí sinh dùng kết quả học tập THPT có thể nộp hồ sơ qua đường bưu điện hoặc đăng ký online trên trang web tuyển sinh trường, dự kiến mở từ tháng 3/2019.
Tại phân hiệu Quảng Ngãi, trường sử dụng hai phương thức là kết quả thi THPT quốc gia và kết quả học tập THPT năm lớp 12 các môn có trong tổ hợp xét tuyển (điều kiện nhận hồ sơ là điểm trung bình ba môn từ 6 trở lên).
Năm 2019, Đại học Nông Lâm TP HCM giữ ổn định phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu và tổ hợp xét tuyển từng ngành, dự kiến tuyển 4.745 sinh viên.
Tại cơ sở chính TP HCM, trường sử dụng phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia và tuyển thẳng, ưu tiên tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục. Riêng hai phân hiệu tại Ninh Thuận và Gia Lai, trường tuyển sinh cả nước, đồng thời bổ sung tuyển dựa trên điểm học bạ.
Cơ sở chính Đại học Nông Lâm TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng.
Video đang HOT
Đại học Luật TP HCM duy trì phương thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra năng lực trong mùa tuyển sinh mới. Trường sẽ thực hiện hai bước xét tuyển và kiểm tra năng lực, với ba tiêu chí (xét điểm học bạ, xét điểm kỳ thi THPT quốc gia và điểm của bài kiểm tra năng lực).
Ở bước xét tuyển, Hội đồng tuyển sinh sẽ xét điểm trung bình sáu học kỳ THPT của ba môn thuộc tổ hợp xét tuyển (chiếm tỷ trọng 10% điểm trúng tuyển) và điểm thi THPT quốc gia năm 2019 (dự kiến chiếm tỷ trọng 60%) từ cao xuống thấp để xác định thí sinh đạt yêu cầu.
Những thí sinh đạt yêu cầu sẽ tham gia làm bài kiểm tra đánh giá năng lực, chiếm tỷ trọng 30% điểm trúng tuyển. Kết hợp ba tiêu chí trên, trường xác định điểm trúng tuyển theo từng ngành và theo từng tổ hợp môn.
Năm 2019, trường chỉ sử dụng một cách thức đăng ký xét tuyển trực tuyến. Điểm chuẩn năm 2018 tại Đại học Luật TP HCM cao nhất ở ngành Luật Thương mại quốc tế với 24,5; thấp nhất là ngành Quản trị kinh doanh với 19 điểm.
Đại học Giao thông Vận tải TP HCM giữ nguyên các phương thức xét tuyển (kết quả kỳ thi THPT quốc gia và tuyển bằng điểm học bạ THPT theo tổ hợp) với tổng chỉ tiêu 2.750 sinh viên, tăng 80 chỉ tiêu so với năm nay.
Trong đó, 2.050 chỉ tiêu cho chương trình đại trà, 600 chỉ tiêu chương trình chất lượng cao và 100 chỉ tiêu đại học liên thông chính quy. Trường sử dụng 4 tổ hợp xét tuyển cho tất cả các ngành gồm: A00 (Toán, Lý, Hóa); A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh); B00 (Toán, Hóa, Sinh); D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh).
Năm 2018, ngành Khai thác vận tải ở trường này lấy điểm cao nhất với 21,2; các ngành còn lại lấy 14-20,9.
Mạnh Tùng
Theo VNE
Bỏ thi " 2 trong 1": Trường ĐH Kinh tế quốc dân sẽ tuyển sinh thế nào?
Bỏ thi "2 trong 1", trường ĐH Kinh tế quốc dân sẽ tuyển sinh như thế nào trong năm 2019? Sẽ thực hiện xét tuyển riêng hay vẫn thực hiện xét tuyển như năm 2018?
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT vừa tuyên bố, đề thi của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, sẽ không phục vụ kỳ thi "2 trong 1" để các trường đại học làm căn cứ xét tuyển vào đại học mà mục đích để xét tốt nghiệp, đánh giá được kết quả học tập ở mức độ phổ thông của học sinh trong 12 năm học tập.
Bộ GD&ĐT cho rằng, đối với các trường đại học, Luật Giáo dục đại học quy định: "Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyên sinh". Như vậy, tuyển sinh theo phương thức nào là quyền của các trường. Các trường có thể sử dụng kết quả thi THPT quốc gia, tự tổ chức thi riêng, sử dụng học bạ hoặc kết hợp các phương thức trên để tuyển sinh.
Nhiều trường đại học lên phương án cho mùa tuyển sinh 2019 khi Bộ GD&ĐT tuyên bố đề thi không còn là "2 trong 1"
Trước thông tin trên, trao đổi với Dân trí, GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, Bộ GD&ĐT đưa ra thông điệp như vậy là tạo cơ chế rộng rãi, thông thoáng hơn trong việc tuyển sinh của các trường đại học. Không còn kỳ thi "2 trong 1", nghĩa là không bắt buộc các trường dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia làm căn cứ xét tuyển, các trường có thể sử dụng 1 phần kết quả kỳ thi THPT quốc gia, có thể sử dụng hoàn toàn kết quả kỳ thi hoặc không sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh.
Tuy nhiên, GS Đạt cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia đánh giá đúng chất lượng phổ thông, có chất lượng tốt, có độ phân hóa một cách rõ ràng, đó là căn cứ tốt để các trường lấy kết quả xét tuyển. Đối với trường ĐH Kinh tế quốc dân, về cơ bản, tương tự như tuyển sinh năm 2018, chúng tôi dựa vào kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh.
Ngoài ra, trường đưa thêm nhiều phương thức tuyển sinh khác là xét tuyển kết hợp gồm các đối tượng: Thí sinh đã tham gia vòng thi tuần trong cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia" có tổng điểm xét tuyển (bao gồm điểm ưu tiên) của 3 môn thi gồm Toán và 02 môn bất kỳ của kỳ thi THPTQG đạt từ 18 điểm trở lên; Thí sinh có Chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày 22/06/2018) đạt IELTS 6.5 trở lên hoặc TOEFL ITP 575 trở lên hoặc TOEFL iBT 90 trở lên và có tổng điểm thi của môn Toán và 01 môn bất kỳ (trừ môn Tiếng Anh) của kỳ thi THPTQG năm 2018 đạt từ 14 điểm trở lên.
Thí sinh có tổng điểm xét tuyển (bao gồm điểm ưu tiên) của 3 môn thi gồm Toán và 02 môn bất kỳ của kỳ thi THPTQG năm 2018 đạt từ 27 điểm trở lên và có điểm trung bình chung học tập lớp 12 đạt từ 6.5 điểm trở lên.
Khu giảng đường của trường ĐH Kinh tế quốc dân
GS Đạt cho hay,kể từ năm 2015, năm đầu khi cả nước đổi từ thi "3 chung" sang "2 chung", Trường Đại học Kinh tế Quốc đân luôn tuyển sinh đủ ngay từ đợt tuyển đầu với điểm trúng tuyển rất cao, riêng năm 2018 với mức điểm từ 20,5 đến 24,35 đạt mức cao nhất trong khối các trường kinh tế cả nước.
Năm 2018, cũng đánh dấu kết quả rất khả quan của Đề án thí điểm đổi mới tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển kết hợp của trường, số thí sinh trúng tuyển diện xét theo Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (Ielts>= 6.5 của tương đương) đã tăng gấp 3 lần năm 2017, diện tham gia cuộc thi Đường lên đỉnh Olimpia tăng từ 02 thí sinh năm 2017 lên 32 thí sinh (chiếm hơn 20% số thí sinh tham dự cuộc thi này).
Hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, trường hướng tới đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực và hội nhập quốc tế, nên tính đến nay, riêng bậc đại học đã có 33 ngành của 9 lĩnh vực đào tạo, với hơn 80 chương trình đào tạo trong đó có 9 chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh (do trường cấp bằng), số sinh viên theo học các chương trình bằng tiếng Anh này đã lên tới hơn 800, chiếm gần 15% quy mô tuyển sinh của trường.
Việc mở rộng số tổ hợp xét tuyển từ 5 tổ hợp năm 2017 lên 9 tổ hợp, trong đó có cả tổ hợp khối C là C03, C04, điểm khác biệt là các tổ hợp khối C này đều có môn thi Toán. Đối với tổ hợp A00 (Toán - Lý - Hóa) truyền thống hơn 60 năm luôn ở vị trí số 1 đã được thay thế bằng tổ hợp D01 (Toán-Văn-Anh) phản ánh xu thế hội nhập quốc tế ngay từ chuẩn đầu vào trong đào tạo của trường.
"Trường khẳng định, giữ ổn định phương án tuyển sinh như hiện nay đến năm 2020 và chỉ thay đổi từ năm 2021 trở đi" - GS Đạt nhấn mạnh.
Nhật Hồng
Theo Dân trí
Hà Nội: Thi vào lớp 10 chuyên phải qua 2 vòng Theo kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020 do UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt, thí sinh chuyên trải qua 2 vòng tuyển sinh. Vòng 1 là tổ chức sơ tuyển đối với những học sinh có đủ điều kiện dự tuyển, có hồ sơ dự tuyển hợp lệ. Vòng 2 là tổ chức thi tuyển...