Nhiều đại học cho nghỉ đến đầu tháng 4
Đại học Ngoại thương, Bách khoa Hà Nội gia hạn nghỉ cho sinh viên thêm hai tuần, đến 5/4; Đại học Kiến trúc cho nghỉ đến khi có thông báo mới để phòng Covid-19.
Ngày 19/3, Đại học Ngoại thương thông báo tiếp tục lùi việc học tập trung tại tất cả cơ sở từ 23/3 đến 5/4 do Việt Nam ghi nhận thêm nhiều ca mắc Covid-19. Thay vào đó, sinh viên duy trì học online tại nhà. Trường khuyến cáo sinh viên tuân thủ hướng dẫn phòng bệnh của Bộ Y tế, có ý thức nhắc nhở bạn bè, người thân không tụ tập đông người.
Trước đó, Đại học Ngoại thương có kế hoạch cho sinh viên trở lại trường vào ngày 9/3. Tuy nhiên, tối 6/3 Hà Nội ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm Covid-19, trường cho sinh viên tiếp tục nghỉ đến hết 22/3.
Cùng ngày, Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục cho sinh viên học online trong hai tuần, từ 23/3 đến hết 5/4. Những môn đặc thù, có phần kiến thức không thể học online như làm thí nghiệm, thực hành giáo dục thể chất… trường sẽ dạy bù từ 6/4 trở đi. Trường kêu gọi sinh viên hạn chế tối đa di chuyển khỏi nơi cư trú hiện tại và thực hiện nghiêm chỉnh quy định phòng chống dịch.
Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội đã trở lại trường học một tuần, từ 2 đến 8/3, sau đó tiếp tục nghỉ do dịch bệnh.
Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội trở lại trường vào sáng 2/3 sau kỳ nghỉ dài phòng dịch Covid-19, nhưng nay lại tiếp tục nghỉ. Ảnh: Ngọc Thành
Sau nhiều lần gia hạn, ngày 19/3, Đại học Kiến trúc Hà Nội cho sinh viên nghỉ học từ 23/3 đến khi có thông báo mới về việc quay trở lại học tập.
Đại học Công đoàn cũng lùi lịch học cho sinh viên hai tuần, từ 23/3 đến 5/4. Sinh viên dự kiến quay lại trường vào sáng 6/4.
Đến hôm nay, Covid-19 đã xuất hiện tại 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 245.000 người nhiễm bệnh, trong đó 10.000 người chết. Tại Việt Nam, số ca mắc bệnh tăng lên 85, trong đó 17 người khỏi hoàn toàn và chưa ai tử vong.
Video đang HOT
Thanh Hằng
Nhiều thay đổi ở các trường học vì Covid-19
Nhiều thầy cô trước đây còn yếu công nghệ thông tin nhưng giờ đây đã bắt đầu biết soạn bài giảng để đưa bài lên trang học trực tuyến của nhà trường.
Dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho rất nhiều hoạt động phải chững lại trong suốt hơn một tháng qua. Những khó khăn dù là trực tiếp hay gián tiếp thì cũng đã tác động đến mọi gia đình, mọi ngành nghề. Và, ngành Giáo dục cũng không tránh khỏi những khó khăn đó.
Tròn một tháng học sinh, sinh viên đã phải nghỉ học, bước sang tháng thứ hai thì cũng chỉ mới có cấp Trung học phổ thông và một số trường đại học đi học trở lại. Học sinh, sinh viên nhiều cấp học phổ thông và nhiều trường đại học vẫn đang tiếp tục phải nghỉ.
Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy được rằng từ trong khó khăn ấy mà đã có một số điểm nhấn tích cực ở ngành giáo dục, nhiều hạng mục về cơ sở vật chất được đầu tư- điều này thể hiện rõ ở các nhà trường trong suốt hơn một tháng qua.
Giáo viên Thị xã Phú Thọ đang được hướng dẫn cách thực hiện bài giảng trực tuyến. - (Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo Thị xã Phú Thọ)
Khâu vệ sinh trường lớp đã sạch bóng và cơ sở vật chất được đầu tư đủ đầy hơn
Trước đây, việc vệ sinh trường lớp ở các nhà trường thường giao cho học sinh hoặc phụ huynh và nhà trường kết hợp với nhau để thuê mướn một số người dọn dẹp, vệ sinh hàng ngày. Việc giáo viên đi lau chùi, vệ sinh lớp học, vệ sinh trường học rất hiếm khi xảy ra.
Thế nhưng, ngay sau kỳ nghỉ Tết, kéo theo đó là các tuần học sinh nghỉ học để phòng chống dịch bệnh thì đa phần các thầy cô giáo ở các nhà trường bắt đầu đảm nhận công việc này. Nếu như trước đây, đa phần việc vệ sinh lớp học chỉ dừng lại ở việc quét lớp thì giờ đây thầy cô đã rửa bàn ghế, lớp học một cách tỉ mỉ, cẩn thận.
Từng chiếc bàn, chiếc ghế được thầy cô khiêng ra ngoài sân trường để lau chùi, rửa nước sát khuẩn và phơi khô ráo mới mang vào lớp. Các góc lớp, tường phòng học, cửa sổ được thầy cô rửa sạch, khử trùng.
Việc làm này không chỉ một lần mà đa phần các trường học đã thực hiện nhiều lần trong mấy tuần học sinh nghỉ học vừa qua.
Không chỉ trong lớp mà những lan can, cầu thang cũng được chùi rửa sạch sẽ, những vết bụi bẩn, những mẩu kẹo cao su bám lâu ngày cũng được thầy cô ủi lên. Trường lớp chưa bao giờ sạch hơn những ngày này.
Điều đặc biệt là những trường quê thì nhà vệ sinh, nơi rửa ráy lâu nay thường rất bẩn, thiếu thốn và quá tải vì chưa được chú trọng đầu tư. Giờ đây, nhiều trường đã sửa mới lại.
Các vòi nước, các chậu rửa tay cho học sinh được nhà trường lắp đặt khắp các hãy phòng học, dưới sân trường...Xà phòng, nước rửa tay cũng được mua sắm sẵn và trang bị đầy đủ để đón học sinh trở lại trường.
Vì thế, khi học sinh đi học trở lại sau kỳ nghỉ dài ngày sẽ không còn cái cảnh phải chờ đợi nhau rửa tay, giặt khăn lau bảng như trước đây nữa. Đây thực sự là điều đáng chú ý mà các nhà trường đã đầu tư trong những ngày xảy ra dịch bệnh.
Cơ hội để giáo viên nâng cao tay nghề qua các bài giảng trực tuyến
Trước đây, khi mà dịch bệnh chưa xảy ra thì đa phần các trường học chỉ dạy và học bình thường trên lớp. Việc dạy và học chỉ diễn ra trong các tiết học chính khóa nên học trò muốn tham khảo hay học trực tuyến thì thường phải đăng ký qua các dịch vụ online và mất tiền phí học tập.
Trong khi đó, một số giáo viên yếu về công nghệ thông tin nên việc bắt buộc giảng các tiết ứng dụng công nghệ thông tin trong mỗi năm học mà vẫn có những giáo viên không thực hiện được. Một số giáo viên tìm cách báo cáo khống để đối phó với Ban giám hiệu nhà trường.
Vậy nhưng, kể từ khi dịch bệnh xảy ra thì nhiều địa phương đã yêu cầu các trường học trên địa bàn dạy trực tuyến cho học trò. Yêu cầu bắt buộc từ cấp Trung học cơ sở trở lên đối với tất cả các môn học.
Vì thế, tất cả giáo viên được tập huấn và nhiều thầy cô trước đây còn yếu công nghệ thông tin nhưng giờ đây đã bắt đầu biết soạn bài giảng để đưa bài giảng lên trang học trực tuyến của nhà trường.
Giáo viên nào chưa biết, giáo viên nào lâu nay còn mơ hồ với các bài dạy công nghệ thông tin thì giờ đây bắt buộc phải thực hiện được. Bởi đây là yêu cầu bắt buộc và nhà trường kiểm tra kỹ lưỡng từng giáo viên nên không thầy cô nào có thể thoái thác được.
Chính vì nhà trường thông báo cho học sinh học trực tuyến nên việc kiểm tra của Ban giám hiệu, tổ chuyên môn thường rất kỹ thì học sinh mới có thể vào học được. Vậy nên, giáo viên nào không biết, thực hiện còn thiếu sót thì được đồng nghiệp giúp đỡ, chỉ bảo tận tình.
Nhìn những bài giảng hoàn thiện của mình được đăng tải trên trang trực tuyến của nhà trường thì nhiều giáo viên không thể không mừng thầm. Nhất là mỗi khi đưa bài lên, có sự tương tác với học trò, nhiều cái học trò chưa hiểu nên hỏi thầy cô thì bắt buộc thầy cô phải biết để chỉ bảo cho các em.
Vì thế, một số giáo viên lâu nay xem thường công nghệ thông tin, ít quan tâm đến Internet thì giờ đây ngày nào cũng ngồi bên máy tính hay những chiếc điện thoại kết nối mạng để giảng dạy và hướng dẫn cho học trò.
Rõ ràng, việc dạy và học trực tuyến bước đầu không tránh khỏi những khó khăn nhưng nó sẽ tạo tiền đề cho các nhà trường sau này. Điều quan trọng là đã tạo cho giáo viên tiếp cận được phương pháp, cách thức dạy học mới.
Sau này, khi vào học tập bình thường thì việc dạy và học trực tuyến của cả thầy và trò cũng vẫn có thể được tiếp tục bởi nó sẽ giúp cho học sinh chủ động hơn trong lúc học tập ở nhà. Điều quan trọng là tạo cho giáo viên những thói quen tốt trong việc đổi mới dạy học của mình trong thời gian tới đây.
NHẬT DUY
Theo giaoduc.net
Hơn 97% học THPT tại Quảng Ninh đi học lại sau kỳ nghỉ dịch Covid-19 Tại tỉnh Quảng Ninh, học sinh THPT, học viên các trung tâm giáo dục thường xuyên và sinh viên Đại học, Cao đẳng đã đi học trở lại. Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo cho học sinh các cấp Tiểu học và THCS ôn tập tại nhà trong thời gian nghỉ học để hạn chế sự lây...