Nhiệt độ toàn cầu cán mốc kỷ lục mới trong mùa Hè
Nhiệt độ toàn cầu đã từng có vài lần tăng vượt quá giới hạn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp nhưng là ở Bắc bán cầu vào mùa Đông và mùa Xuân.
Thế nhưng hiện nay, mức tăng này còn được ghi nhận cả vào mùa Hè và có khả năng sẽ còn lập thêm nhiều mốc kỷ lục khác nữa do hiện tượng thời tiết El Nio.
Người dân che nắng nóng khi di chuyển trên đường phố ở Nagoya, tỉnh Aichi, miền Trung Nhật Bản ngày 1/7/2022. Ảnh (tư liệu): Kyodo/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, trong những ngày đầu tiên của tháng 6 này, nhiệt độ toàn cầu đã nhanh chóng vượt quá ngưỡng tới hạn. Các nhà nghiên cứu thuộc Chương trình quan sát biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) cho biết lần đầu tiên trong tháng 6 đã ghi nhận nhiệt độ bề mặt toàn cầu tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là mức giới hạn đã được các chuyên gia khí hậu và các chính phủ đề ra theo thỏa thuận trong Hiệp định khí hậu Paris nhằm ngăn chặn những tác động không thể đảo ngược đối với môi trường toàn cầu.
Video đang HOT
Tuy nhiên, theo bà Samantha Burgess, Phó Giám đốc Chương trình Copernicus, việc nhiệt độ toàn cầu tạm thời tăng vượt quá giới hạn không có nghĩa con người đã vi phạm Hiệp định khí hậu Paris. Vi phạm chỉ được xác định khi mức tăng nhiệt độ duy trì trong thời gian đủ dài như vài thập kỷ, thay vì chỉ là vài tuần. Mặc dù vậy, việc nhiệt độ Trái đất đã có 11 ngày vượt quá ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp vào mùa Hè cho thấy tầm quan trọng của việc chúng ta cần phải theo dõi chặt chẽ hơn sức khỏe của hành tinh.
Đây cũng là lần đầu tiên nhiệt độ Trái đất ghi nhận mức tăng kỷ lục trong tháng 6. Hiện tượng thời tiết El Nio kéo dài trong nhiều năm sẽ còn kéo theo nhiều diễn biến thời tiết cực đoan trong tương lai. Bà Burgess cảnh báo nhiệt độ năm 2024 sẽ còn cao hơn năm nay khi El Nio bước vào giai đoạn phát triển và khi nhiệt độ toàn cầu càng cao thì càng gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan và nghiêm trọng hơn.
Tháng trước, Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) cũng đã cảnh báo nhiệt độ toàn cầu sẽ cao kỷ lục trong 5 năm tới. Theo dự báo của tổ chức này, có tới 98% xác suất năm nóng nhất sẽ rơi vào giai đoạn từ năm 2023-2027 và Trái Đất có thể sẽ ghi nhận kỷ lục về nhiệt độ trung bình trong quãng thời gian này. Các chuyên gia khí hậu cho biết hiện tượng El Nio sẽ mạnh lên trong những tháng tới và nếu kết hợp với biến đổi khí hậu do con người gây ra thì có thể đẩy nhiệt độ toàn cầu lên mức cao chưa từng có. Điều này sẽ gây ra những tác động sâu rộng đối với sức khỏe, an ninh lương thực và quản lý nguồn nước, môi trường của con người.
Cảnh báo về trạng thái 'bình thường mới' tại châu Âu do Trái Đất ấm lên
Tình trạng Trái Đất ấm lên sẽ mang đến trạng thái "bình thường mới" tại châu Âu, đó là tần suất dày hơn các đợt nắng nóng cực đoan, ngập lụt nghiêm trọng, cháy rừng dữ dội và các bệnh mẫn cảm với khí hậu trong những tháng hè.
Cảnh ngập lụt tại Conselice, gần Ravenna, Italy, ngày 21/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Cơ quan môi trường châu Âu (EEA) ngày 12/6 đã đưa ra cảnh báo trên, nhấn mạnh đến tính cấp thiết cần có biện pháp thích ứng để ngăn chặn tác động tiêu cực đối với mọi sự sống trên Trái Đất. Những đợt nắng nóng chết người, điển hình như những đợt nắng nóng bao trùm châu Âu mùa hè năm 2022, được dự báo sẽ trở nên thường xuyên hơn, kéo dài hơn và dữ dội hơn, đặc biệt khu vực Nam Âu có khả năng ghi nhận thêm nhiều ca tử vong và nhập viện.
Người già và người bệnh là những đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương nhất. EEA cũng dự báo các trận mưa lớn dẫn đến lũ lụt thường xuyên và nghiêm trọng hơn ở Tây Bắc và Trung Âu.
Từ năm 1980 đến năm 2021, thiệt hại do lũ lụt đã lên tới gần 258 tỷ euro (280 tỷ USD) ở châu Âu, với mức tăng hằng năm hơn 2%. EEA cảnh báo người châu Âu cũng phải chuẩn bị tinh thần cho những đợt hạn hán thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Sau mùa đông khô hạn, độ ẩm của đất thấp, lượng nước dự trữ trong các hồ chứa giảm và dòng chảy của các con sông ở phần lớn Nam và Tây Âu thấp đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về mùa hè khắc nghiệt sắp tới.
Sự gia tăng các vụ cháy rừng gần đây cũng là một mối quan tâm lớn. Kể từ năm 1980, cháy rừng trên khắp châu Âu đã cướp đi sinh mạng của 712 người. Mùa cháy rừng năm 2022 là mùa tồi tệ thứ hai kể từ năm 2000, thiêu rụi hơn 5.000 km2 trong những tháng mùa hè.
Khi nhiệt độ tăng trên khắp châu Âu, các loài mang mầm bệnh có thể lan rộng hơn về phía Bắc châu Âu, dẫn đến sự gia tăng các bệnh mẫn cảm với khí hậu.
Trong nỗ lực chống lại những mối đe dọa này, EU và các quốc gia thành viên đã thiết lập các chính sách thích ứng quốc gia và thông qua Luật Khí hậu của EU.
EEA tin rằng các quốc gia thành viên EU cần liên kết các chính sách thích ứng của họ với các chính sách chung, cụ thể như về y tế. Cơ quan này kêu gọi thực hiện khẩn cấp các biện pháp, như kế hoạch hành động về sức khỏe do nhiệt, tăng cường không gian xanh và xanh lam (khu vực tự nhiên và bán tự nhiên) ở các thành phố, đồng thời cảnh báo sớm các bệnh mẫn cảm với khí hậu trên khắp châu Âu để ngăn chặn thảm họa môi trường.
Người Việt oằn mình trước nắng nóng và giá điện leo dốc ở Nhật Nhiều người Việt ở Nhật cho biết giá điện tăng mạnh gần đây, kết hợp với nắng nóng bất thường, đang ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như các khoản chi và tiết kiệm của họ. Vừa tốt nghiệp hồi tháng 4 ở Nhật, Ngọc Huyền (23 tuổi) trong tháng này phải chuyển ra khỏi ký túc xá và tự thuê nhà ở...